Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ngày càng cao

Hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng cao và tình trạng này được nêu trong báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều 20-7.
 
Mật độ giao thông cao với phương tiện quá niên hạn sử dụng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Vân Ly


Hà Nội đứng đầu về ô nhiễm không khí

Theo báo cáo trên, thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất của Việt Nam là Hà Nội. Ô nhiễm không khí do bụi tại Hà Nội đã vượt ngưỡng cho phép từ 2-3 lần, thường tập trung ở các trục đường giao thông.

Ô nhiễm không khí đô thị chủ yếu do giao thông, xây dựng, đun nấu than… Có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông bởi thành phố này có hơn 4 triệu phương tiện giao thông hoạt động.

Thông tin trên cũng phù hợp với công bố của Trung tâm nghiên cứu môi trường của Trường đại học Yale và Columbia (Mỹ) tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ). Theo đó Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có môi trường không khí ô nhiễm nặng trên thế giới.

Báo cáo không nêu cụ thể xếp hạng mức độ ô nhiễm không khí tại các đô thị tiếp theo Hà Nội, nhưng các đô thị lớn được nhắc đến là TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Các nguồn gây ô nhiễm

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường, cho biết mức độ ô nhiễm tại các đô thị lớn của Việt Nam rất khác biệt, phụ thuộc vào quy mô đô thị, mật độ dân số, mật độ giao thông và tốc độ xây dựng...

Nghiên cứu về môi trường đô thị cho thấy các đô thị Việt Nam đang thải ra lượng rác khổng lồ mỗi ngày và cũng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Vẫn theo ông Tùng, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị của Việt Nam đạt 38.000 tấn/ngày, với mức tăng trung bình 12%/năm. Trong khi đó công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt phổ biến là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt.

Ông Tùng cho biết, một số địa phương đã đầu tư các lò đốt rác công suất nhỏ nhưng chưa được kiểm soát chất lượng và yêu cầu kỹ thuật vận hành nên đây cũng là nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp do khí thải độc hại trong quá trình đốt và vận hành lò.

Báo cáo cho thấy, các loại túi nylon vẫn được sử dụng tràn lan trong các sinh hoạt xã hội tại các đô thị. Riêng hai thành phố Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon. Các túi nylon nếu bị đốt ở các bãi rác hở sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí do phát thải các khí ô nhiễm…

Ông Tùng cho hay, đến hết tháng 12-2016, cả nước có 795 đô thị và tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 35%. Dân số đô thị tăng nhanh, đặc biệt là vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị… Như vậy trung bình mỗi người dân đô thị mỗi ngày xả ra một kilôgam rác thải sinh hoạt.

Cùng với việc thực hiện báo cáo, Tổng cục Môi trường cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị tại Việt Nam như cần tăng cường kiểm tra giám sát các công trình xây dựng để kiểm soát phát tán bụi, tăng cường phun nước quét đường, kiểm tra chặt chẽ việc rửa sạch vệ sinh các phương tiện trước khi vào khu vực nội đô.

Tổng cục Môi trường nhấn mạnh cần phải đảm bảo tỷ lệ cây xanh đô thị, tăng cường kiểm tra xử lý và loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng, đẩy mạnh kiểm tra định kì khí thải từ các phương tiện giao thông…

Thêm nữa, ông Tùng còn cho rằng Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, khuyến khích hỗ trợ công tác quản lý chất thải đô thị, tăng tỷ lệ chi cho bảo vệ môi trường lên mức 1,5% tổng chi ngân sách…

VÂN LY - TBKTSG