Bầu cử quốc hội: Cơn bão Macron (Từ Thức)
Các đảng cầm quyền LR, PS không thích ứng với thời đại, vẫn suy
nghĩ, hành xử như trước, trong khi thế giới đã thay đổi, nước Pháp đã
thay đổi, người Pháp đã thay đổi. Xã hội Pháp ngủ gà, ngủ gật, chỉ chờ
một người có khả năng, táo bạo, một khuôn mặt mới. Khuôn mặt đó là
Macron.
Tsunami, raz de marée. Người ta dùng
những chữ đó, không phải để nói về thủy triều Nhật Bản, nhưng để mô tả
kết quả bầu cử Hạ Viện Pháp. Phong trào En Marche của tân tổng thống
Macron, như một làn sóng vũ bão, đã làm trôi các chính đảng, tràn vào
quốc hội, thay đổi hoàn toàn bộ mặt chính trị Pháp. Trò chơi ngoạn mục
của Macron tiếp diễn.
Cuộc bầu cử dân biểu ngày Chủ Nhật 11 /06 mới chỉ là vòng đầu, phải chờ
vòng hai, Chủ nhật tới, mới có kết quả chính thức, nhưng người ta phỏng
đoán không sợ sai lầm là phong trào La République en Marche, LREM, của
Macron sẽ thắng rất xa số ghế đa số tuyệt đối cần thiết, đè bẹp đối
phương, từ tả sang hữu.
Ngay từ tối Chủ nhật, người ta đếm không hết những chính trị gia hàng
đầu bị loại, tuyên bố sẽ rời bỏ chính trị, hay lập những phong trào mới.
Cơn bão chính trị
Dân Pháp bỏ phiếu hai vòng, vòng đầu để loại bớt con số ứng cử viên đông
đảo (gần 8 ngàn ứng cử viên tranh nhau 577 ghế). Ứng cử viên nào chiếm
trên 50% tổng số phiếu sẽ đắc cử. Nếu không ứng cử viên nào đạt 50%, sẽ
bầu vòng hai, với những ứng cử viên đã chiếm trên 12,5% số cử tri ghi
danh.
Căn cứ trên kết quả vòng đầu, người ta phỏng đoán LREM sẽ đưa vào hạ
viện trên 400 dân biểu (từ 400 tới 460, tùy cơ quan thăm dò), ba phần tư
hạ viện, trong khi chỉ cần 289 ghế (trên tổng số 577) để có đa số tuyệt
đối ở Hạ viện, đủ để bổ nhiệm thủ tướng và thông qua các đạo luật. Nhắc
lại: quốc hội Pháp có hai viện, thượng và hạ, nhưng Hạ viện giữ vai trò
quyết định. Hai viện thảo luận, biểu quyết về một đạo luật, nhưng khi
có bất đồng ý kiến, Hạ viện có tiếng nói cuối cùng.
LREM một mình, chiếm phần bánh lớn nhất. Còn lại mảnh vụn, trên 100 ghế, chia cho tất cả các đảng khác, từ tả sang hữu.
Hai đảng LR (Les Républicains, Đảng Cộng hòa, hữu phái ôn hòa) và PS
(Parti socialiste, Đảng Xã hội, tả phái ông hòa) đã thay nhau cầm quyền
từ nhiều thập niên, thua nặng. Hai đảng này, chiếm trên 90% số ghế trong
quốc hội hiện tại, một sớm một chiều bị gạt ra lề đường.
LR, liên kết với đảng đứng giữa UDI, chỉ chiếm trên dưới 100 ghế, mất
một nửa, trở thành một nhóm đối lập không có ảnh hưởng gì. PS còn thê
thảm hơn nữa. PS, liên kết với đảng xanh và một vài nhóm tả phái ôn hòa)
sẽ mất 90% dân biểu, chỉ còn từ 20 tới 30 ghế, so với 290 ghế, đa số
tuyệt đối trong quốc hội cũ. Trong đệ ngũ Cộng hòa (từ 1958), chưa bao
giờ người ta chứng kiến một cuộc thanh trừng dữ dội tới mức độ đó.
Tất cả những người lãnh đạo đảng Xã Hội bị loại ngay vòng đầu bởi những
ứng cử viên vô danh LREM, hôm qua hàng xóm cũng không biết tên, biết
mặt, kể cả tổng thư ký đảng PS, Jean Chistophe Cambadélis (8% phiếu
bầu!), hay ứng cử viên tổng thống Benoit Hamon. Tất cả các cựu bộ trưởng
Xã hội thời Hollande đều bị loại. Những nhân vật này, trước đây, với
tên tuổi và địa vị của họ, chỉ cần ghi tên cũng đã coi như thắng cử.
Những ứng cử viên xã hội hiếm hoi tai qua nạn khỏi là những người đã ủng
hộ Macron, được LREM tha tội, không đưa người ra tranh cử ở đơn vị của
họ.
Một con số khó tin: tổng số dân biểu các đảng tả phái: PS, cực tả, đảng
Cộng Sản, đảng Xanh thiên tả vv... không quá 50 người (hơn 10% hạ viện),
trong một quốc gia phe tả, nếu không đa số, cũng chiếm ngang ngửa một
nửa.
Hai đảng cực đoan, FN (Front National, Mặt trận Dân tộc, cực hữu), và
LFI (La France Insoumise, Nước Pháp bất khuất, cực tả), lên như diều
trong cuộc tranh cử tổng thống, cũng chịu chung số phận. LFI, liên hiệp
với Đảng Cộng Sản, sẽ có không quá 10 dân biểu, không đủ 15 ghế để thành
lập một nhóm để có tiếng nói trong hạ viện. FN, đảng cực hữu đã đưa
Marine Le Pen vào vòng chung kết trong cuộc tranh cử Tổng thống, sẽ
chiếm từ 1 tới 8 ghế. Từ 11 triệu phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống,
các ứng cử viên FN tụt xuống còn dưới 3 triệu.
Dégagisme
Những lý do gì khiến Macron thắng một cách dễ dàng như vậy?. Tạm đưa vài lý do:
Thứ nhất: dân Pháp đưa Macron vào điện Elysée, muốn cho ông ta đa số ở
Hạ Viện để cải cách nước Pháp. Có người dùng chữ "réparer" (sửa chữa),
"réparer la France", sửa chữa nước Pháp, như người ta sửa chữa một cái
xe cũ. Macron đã chứng tỏ, trong một tháng đóng vai Tổng thống, ông ta
dù trẻ tuổi nhưng có bản lãnh và khả năng lãnh đạo.
Thứ hai: Các đảng cầm quyền LR, PS không thích ứng với thời đại, vẫn suy
nghĩ, hành xử như trước, trong khi thế giới đã thay đổi, nước Pháp đã
thay đổi, người Pháp đã thay đổi. Xã hội Pháp ngủ gà, ngủ gật, chỉ chờ
một người có khả năng, táo bạo, một khuôn mặt mới. Khuôn mặt đó là
Macron.
Thứ ba: Các đảng cực đoan lên như diều trong cuộc tranh cử tổng thống
nhờ những lý luận mị dân, những giải pháp đơn giản nhưng ăn khách (chấm
dứt di dân, chận đứng Hồi giáo với FN, chống tài phiệt, san bằng những
bất công với LFI). Những lời hứa hẹn đó không hấp dẫn nữa, trong cuộc
tranh cử quốc hội mà cử tri biết họ sẽ chẳng làm được gì, vì sẽ là thiểu
số.
Thứ Tư: tất cả các đảng phái đều có cái nhìn bi quan, mô tả nước Pháp
với những viễn ảnh đen tối. Macron nhìn tương lai một cách lạc quan,
nghĩ nước Pháp có dư điều kiện để nắm lại vai trò một cường quốc nếu
chấp nhận cải cách. Các chính khách khác quay đi quay lại những đĩa hát
đã quen, cả nước đã thuộc lòng, Macron dùng một ngôn ngữ thực tiễn, cụ
thể, dễ hiểu. Nhất là không hứa hẹn vung vít.
Thứ năm, quan trọng hơn cả: tất cả đều là nạn nhân của "chủ nghĩa
dégagisme", ra đời từ những cuộc "cách mạng mùa Xuân" trước đây ở Bắc
Phi. "Dégager" nghĩa là tống khứ, dẹp đi, cho về vườn, cho về nhà ngồi
chơi xơi nước tất cả những chính khách đã thay nhau cầm quyền, coi
chuyện quốc gia là đất dụng võ dành riêng cho mình. Xuất hiện ở Tunisie,
nơi tiếng Pháp còn thông dụng, những biểu ngữ "DÉGAGEZ!" lan tràn khắp
Bắc Phi, Trung Đông, ngày nay tới Pháp. Nếu có một chủ nghĩa nào được
dân Pháp chia xẻ, từ tả sang hữu, chủ nghĩa đó tên là "dégagisme".
Bị "dégagés", hàng loạt chính khách Pháp, hôm qua còn mơ ghế bộ trưởng,
thủ tướng hay tổng thống, tuyên bố giã từ võ khí. Quyết định đó không
phải đơn giản, vì những người làm dân biểu từ lâu năm, quen với đời sống
vật chất thoải mái, đã quên thói quen làm việc.
Bạc triệu
Bị mất ghế ở quốc hội, ngoài khía cạnh chính trị, cũng là một vấn đề lớn
về kinh tế đối với các đảng phái. Nước Pháp là nước của đủ mọi hình
thức trợ cấp. Các đảng phái chính trị sống nhờ trợ cấp của nhà nước. Số
tiền trợ cấp tính trên số dân biểu, nghị sĩ và số phiếu mỗi đảng đạt
được (trên 1 euros một năm cho mỗi lá phiếu). Mục đích của việc tài trợ
là để tránh cho các đảng phái khỏi rơi vào tay các thế lực tài phiệt như
ở Hoa kỳ. Ngày nay, các đảng phái có quyền nhận sự đóng góp của tư
nhân, nhưng hạn chế 7500 Euros mỗi người, khác với Hoa Kỳ, tư nhân có
thể đóng góp vô giới hạn cho các chính đảng.
Trong năm 2015, đảng Xã hội PS đã nhận trên 24 triệu euros trợ cấp, UMP,
ngày nay là LR, 18 triệu. Khi LR mất một nửa dân biểu và phiếu bầu, sẽ
mất một nửa trợ cấp. Nghe nói LR tính chuyện rời trụ sở tới một nơi rẻ
tiền hơn. Đảng Xã hội, mất 90% dân biểu và phiếu bầu, đã nghĩ tới việc
bán trụ sở ở Paris và sa thải 80% nhân viên làm việc đảng.
Trái lại, LREM với lực lượng dân biểu hùng hậu và số phiếu bầu đáng kể,
sẽ là đảng chính trị giầu nhất, dù chỉ ra đời từ một năm nay.
Béni des Dieux
Ngay cả những người hồ nghi, ngày nay phải nhìn nhận Macron là một hiện
tượng. Có người dùng thành ngữ "béni des Dieux" (được thánh thần hộ
trì), hay hơn thế nữa, người đi trên nước (marcher sur l’eau), giống như
Jésus-Christ. Cái gì ông ta mó vào cũng trở thành vàng. Chỉ cần in danh
hiệu LREM, hình Macron thật lớn trên truyền đơn cũng đủ trở thành dân
biểu. Cũng như chỉ in bông hồng, biểu tượng của đảng Xã Hội, thật nhỏ,
cũng đủ để bị loại, dù khả năng tới đâu, uy tín tới đâu.
Tới giờ này, mọi ngọn gió đều thổi sau lưng "the kid", mọi chuyện đều thuận chiều, xuôi gió với Macron:
- Đối phương chính trị, rất đông, đành bó tay, bất lực. Ông ta cũng
chẳng cần lên tiếng, cãi cọ. Nếu bên tả đả kích ông ta là tay sai của
giới kinh tài, kẻ thù của người nghèo, người yếu (ám chỉ quá khứ làm
việc ở ngân hàng của Macron), đã có bên hữu tố cáo ông ta là một tay
thiên tả nguy hiểm. Trên thực tế, Macron là người thực tiễn. Về mặt kinh
tế, ông ta có khuynh hướng tự do, trao hai bộ kinh tế và ngân sách cho
Le Maire và Darmanin, hai chính khách leaders hữu phái, cựu LR ly khai.
Về mặt xã hội, Macron có khuynh hướng nhân bản, nhưng thực tiễn. Ông ta
nói muốn phân phát, phải kiếm tiền; muốn giải quyết nạn thất nghiệp,
phải cởi trói các xí nghiệp khỏi thuế khóa quá nặng và thủ tục hành
chánh, luật lệ quá rườm rà, quá khắt kheo. Nếu bảo vệ người làm việc quá
đáng, các xí nghiệp sẽ không dám tuyển dụng nữa.
- Những phản kháng, chỉ trích đến từ bốn phía không gây một tiếng vang, vì các đảng chính trị đã mất uy tín.
Ngay cả những nghiệp đoàn, đã từng làm tê liệt nước Pháp mỗi lần chính
phủ muốn cải cách đôi chút cũng thuận lợi cho Macron. Nghiệp đoàn CGT,
có quá khứ Mác Xít, cực đoan nhất, vừa mất vai trò số một qua cuộc bầu
cử trong các xí nghiệp tư. Nghiệp đoàn CFDT, thắng cử, là nghiệp đoàn ôn
hòa, chủ trương đối thoại để tìm giải pháp. Nghiệp đoàn thứ ba, Force
Ouvrière, tuyên bố sẽ không chống đối trên nguyên tắc, sẵn sàng thương
lượng.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Macron có thể sửa đổi luật lao động bằng
những sắc lệnh (ordonnances) khỏi cần biểu quyết, vì vấn đề phải được
giải quyết cấp bách, trong khi một đạo luật tranh cãi ở quốc hội, đi qua
đi lại từ hạ tới thượng viện, phải mất hai năm, thêm một, hai năm nữa
mới có hy vọng thực thi. Các nghiệp đoàn chắc sẽ nhương bộ, mặc dù những
cải cách gần đây của Hollande, mềm dẻo hơn, đã làm tê liệt nước Pháp,
bởi vì Macron tuyên bố trước sẽ không lùi bước và các nghiệp đoàn biết
rằng nếu đưa ra quốc hội, các dân biểu En Marche sẽ biểu quyết tất cả
những biện pháp Macron đề nghị.
Từ Merkel tới Poutine
- Macron tiếp tục làm người ta ngạc nhiên, nếu không thán phục.
Khi ông ta lập phong trào En Marche, thiên hạ mỉm cười. Một đảng chính
trị phải bắt đầu từ hạ tầng, phải trưởng thành, sinh sôi, phát triển, ít
nhất mười, hai mươi năm mới hy vọng thành hình. Macron đã làm trong một
năm. Macron tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Giới chính trị mỉa mai:
lại thêm một anh khùng muốn lên TV cho hàng xóm biết mặt. Macron đắc cử.
Chính giới nhăn mặt: để coi một anh chàng 39 tuổi, không kinh nghiệm,
xoay xở ra sao trước các con cáo già quốc tế. Macron tỏ ra rất tự tin,
rất chững chạc, rất… tổng thống. Tự nhiên với Merkel, ngang hàng với
Trump, thân thiện với Trudeau, cởi mở với các lãnh tụ Âu Châu.
Với Nga, Macron đi một chiêu đáng nể. Poutine (Putin) đang gặp khó khăn ở
Syrie, khó khăn nội bộ vì bế tắc kinh tế, khó khăn với Âu Châu sau vụ
xâm lấn Crimée, khó khăn với Hoa Kỳ vì quốc hội đang điều tra về liên hệ
giữa Trump với Nga. Hơn bao giờ hết, Poutine, cô lập, muốn nối lại
đường dây với Âu Châu. Người có can đảm đưa tay ra kéo Poutine xích lại
với Âu Châu là Macron. Âu Châu tán thưởng, vì biết rằng có rất nhiều vấn
đề trên thế giới sẽ không có giải pháp, nếu không có bàn tay của
Kremlin.
Macron đón tiếp Poutine trong khung cảnh huy hoàng của cung vua ở
Versailles, nhưng thẳng thắn trình bày quan điểm của Pháp, của Âu Châu.
Và không ngần ngại cho "Nga hoàng" một bài học về báo chí, khi đề cập
tới những tờ báo Nga do Kremlin dựt giây, đã bôi nhọ Macron và bà xã
trong suốt thời gian tranh cử. Poutine đứng chịu trận, mặc dù nổi tiếng
là người có égo rất lớn. Người Pháp hãnh diện thấy một lãnh tụ Tây đương
đầu với một cường quốc, giống như khi Villepinte, bộ trưởng ngoại giao
của Chirac, đọc diễn văn ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, giải thích tại sao
Pháp không nhắm mắt theo G. Bush Jr trong cuộc phiêu lưu không lối thoát
ở Iraq.
Brigitte
- Ngay cả chuyện bà vợ Macron lớn hơn chồng 24 tuổi cũng trở thành một
lợi khí chính trị. Macro nói việc người ta diễu cợt dạy ông ta một điều:
người ta không thể làm gì, xây dựng gì nếu bận tâm tới cái nhìn của
người khác. Macron chứng tỏ mình muốn gì, có đủ nghị lực để vượt qua
những thử thách. Phụ nữ dần dần có cảm tình với Brigitte Macron vì thấy
bà ta đã chứng tỏ đời người đàn bà không chấm dứt ở tuổi 40.
- Trên bình diện ngoại giao, thời cuộc cũng mỉm cười với Macron. Trump
tìm cách làm suy yếu liên hiệp Âu Châu, Theresa May gặp khó khăn ở Anh
sau Brexit, đây là lúc cả Âu Châu muốn củng cố liên hiệp. Âu Châu coi
Macron, cùng với Merkel, là lãnh tụ của liên hiệp, vì Macron là người đã
tránh cho nước Pháp, và từ đó cho cả Âu Châu vì phản ứng domino, rơi
vào tay một đảng cực đoan, chủ trương bế quan toả cảng.
Đức ủng hộ Macron vì thấy ông ta có thể cải cách nước Pháp, trái với một
Hollande quá e dè. Đức và Âu Châu cần một nước Pháp mạnh, vì Pháp cùng
với Đức là hai quốc gia rường cột của liên hiệp. Âu Châu, thất vọng với
các nhà lãnh đạo Pháp trước đây, đặt kỳ vọng trên hai vai ông tổng thống
trẻ.
Những khuôn mặt mới
Trước ngày bầu cử, các chính đảng tự tin, nghĩ họ có kinh nghiệm tranh
cử, có cơ sở ở các địa phương, sẽ chặn đứng cơn sóng Macron, với những
ứng cử viên chân ướt chân ráo, hầu hết chưa hề hoạt động chính trị, được
tuyển lựa qua.., Internet. Kết quả, LREM sẽ mang vào Hạ Viện một đội
dân cử hùng hậu nhất trong lịch sử chính trị Pháp. Một bộ mặt khác của
nước Pháp. Dân biểu tiêu biểu của Pháp trước đây là một người da trắng,
66 tuổi, làm nghề tự do (bác sĩ, kỹ sư) hay công chức. Dân biểu LREM là
những người thuộc nhiều sắc tộc, làm đủ nghề, trẻ hơn và trên 40% là phụ
nữ.
Tất cả đều thuận buồm, xuôi gió với "the kid". Một điểm đen: số cử tri
tham dự bầu cử quốc hội quá yếu: 50%. Con số kỷ lục. Một nửa nước Pháp
còn ngần ngại đứng nhìn. Macron sẽ phải thuyết phục để họ khỏi nghĩ mình
đứng ngoài lề.
Thêm nữa, vấn đề của một đa số quá mạnh cũng có nghĩa là những khuynh
hướng khác không có tiếng nói ở quốc hội. Khi một khuynh hướng không
được diễn tả ở quốc hội, nó có thể diễn tả bằng bạo động ngoài đường
phố. Nhất là ở một xứ thích biểu tình, đình công, bãi thị như nước Pháp.
Người ta chờ xem Macron xoay xở ra sao để có thể sửa đổi luật lao động
trong những tháng tới mà không làm tê liệt nước Pháp. Đó là một thử
thách trước mắt. Đối với Macron, đó là một thử thách quan trọng hàng
đầu, vì Macron coi việc giải quyết nạn thất nghiệp, cùng với cải cách
giáo dục, là ưu tiên số một để cải cách nước Pháp. Nếu ông ta đầu hàng,
tất cả những dự án cải cách khác sẽ bị xếp xó, như trong qua khứ. Nếu
thành công, Macron có thể tiếp tục làm công việc chưa ai làm, chưa ai
dám làm: "sửa chữa" nước Pháp.
Một vấn đề khác: một đội ngũ dân biểu quá đông đảo, không kinh nghiệm,
chưa phải là đảng viên, có thể trở thành một đám nghị gật, hay ngược
lại, trở thành những dân cử thiếu kỷ luật, phản ứng không lường được.
Giới thân cận chính quyền trấn an: chuyện đó khó thể xảy ra, vì Macron
làm việc có phương pháp. Và những dân biểu mới được tuyển lựa trước hết
trên tiêu chuẩn muốn đóng góp cải thiện xã hội.
Chờ xem. Cuốn phim Macron còn nhiều màn bất ngờ, ngoạn mục.
(Paris 12 /06 / 17)
Từ Thức