Ảnh hưởng của Trump đến kinh tế thế giới (Nguyễn Xuân Nghĩa-RFA)
Vì quá lệ thuộc vào xuất khẩu, lại chẳng dễ
phá giá đồng bạc và gây thêm nạn tẩu tán tư bản vì tài sản mất giá, Bắc
Kinh có thể kín đáo trợ cấp xuất khẩu bằng tín dụng rẻ và thuế suất thấp
thì càng mắc nợ cao.
Thứ sáu tuần qua Tổng thống Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức và
gây một ngạc nhiên khác là giữ nguyên chủ trương kinh tế đã trình bày
khi tranh cử. Như vậy, hậu quả của chính sách kinh tế Hoa Kỳ sẽ là gì
trong hai lĩnh vực ngoại thương và ngoại hối?
Hiệu ứng Donald Trump
Kính Hòa: Thưa ông, Tổng thống Donald Trump đã tuyên
thệ nhậm chức hôm Thứ sáu 20 vừa qua và đọc bài diễn văn về chủ trương
đường lối của ông. Trước đây, người ta tưởng rằng ông nêu ra một số lý
luận có thể là cực đoan khi tranh cử để thuyết phục cử tri, chứ khi đã
đắc cử thì ông sẽ áp dụng một đường lối ôn hòa hơn. Nhưng ông Trump lại
gây ngạc nhiên nữa khi tái khẳng định những chủ trương quyết liệt của
ông, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Theo dõi lý luận và thái
độ của ông Trump từ khi tranh cử tới ngày đắc cử và nhậm chức, ông nghĩ
sao và liệu chúng ta đã có thể kết luận được gì về hiệu ứng Donald
Trump cho nước khác chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ ngắn gọn nói về bối cảnh, sau đó mới tìm hiểu về những chuyện có thể xảy ra sau này.
Là người chưa từng sinh hoạt chính trị, ông Donald Trump có chiến
lược tranh cử bất thường là giành lấy quyền diễn giải về các nguyên nhân
thất thế của người dân Mỹ từ nhiều thập niên qua và hứa hẹn một chương
trình rộng lớn để khôi phục sức mạnh của nước Mỹ. Có thể là ông thấy
nhiều điều mà giới chính trị gia chuyên nghiệp của hai đảng lớn và các
phần tử ưu tú Hoa Kỳ, kể cả truyền thông, lại không thấy, nên ông tranh
cử được hậu thuẫn của đông đảo cử tri, đặc biệt là tại các tiểu bang bị
thất thế nhất, và sau cùng đắc cử một cách bất ngờ.
Thứ hai, sau khi đắc cử, ông chọn vào nội các và ban tham mưu loại
người có thành tích trên doanh trường, chiến trường và cả chính trường
để thi hành những gì đã chủ trương mà ông vẫn giữ thái độ coi thường báo
chí và các chính khách chuyên nghiệp. Chi tiết tôi chú ý nhất là mặc dù
thủ tục phê chuẩn nội các chưa hoàn tất tại Thượng viện, ban tham mưu
phụ trách công tác chuyển quyền gồm gần 600 người đã ráo riết làm việc
để vạch ra từng việc cụ thể mà các phủ bộ của guồng máy công quyền mới
sẽ thực hiện trong những tuần, những tháng và các năm tới. Điều ấy cho
thấy là dường như ông Trump và các cộng sự viên đã chuẩn bị một chương
trình cải cách rộng lớn từ nhiều năm nay chứ không phải trong 18 tháng
tranh cử vừa qua.
Vì vậy, và thứ ba, bản thân tôi không mấy ngạc nhiên khi ông Trump
đọc bài diễn văn nhậm chức ngắn gọn mà vẫn đầy tính chất quyết liệt như
khi ông tranh cử và diễn giải về vấn đề của Hoa Kỳ. Có lẽ ta sẽ còn ngạc
nhiên nữa về những tham vọng cải cách của vị Tổng thống mới.
Mỹ rút khỏi TPP
Kính Hòa: Đấy là về bối cảnh hay khung cảnh lãnh đạo
của vị Tổng thống thứ 45. Về nội dung của chương trình hành động kinh
tế, ông thấy là có những gì mà các thị trường nên chú ý theo dõi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là Hoa Kỳ, và nhiều nước khác nữa,
có những vấn đề tích lũy từ lâu nên việc chuyển hướng hay cải cách sẽ
mất nhiều năm chứ không ít. Chính quyền Trump cũng tin là sẽ còn phải
hành động một cách sâu rộng và trong nhiều năm, từ giáo dục, xã hội,
kinh tế đến an ninh hay đối ngoại, v.v… nên ta cần thời gian tiệm tiến
để hiểu ra toàn cảnh và đánh giá được hậu quả trong nhiều lĩnh vực. Ngay
trước mắt thì tôi chú ý đến ngoại thương và một hậu quả cấp thời là
ngoại hối. Về ngoại thương, Hoa Kỳ sẽ giới hạn nhập khẩu và khuyến khích
xuất khẩu để tìm lực tăng trưởng và việc làm cho dân Mỹ. Có nền kinh tế
với sản lượng gần bằng 25% của toàn cầu và thị trường tiêu thụ rất lớn,
nếu Mỹ áp dụng chính sách người ta gọi là bảo hộ mậu dịch và chống tự
do ngoại thương thì hậu quả có thể gây chấn động toàn cầu và nhất thời
làm đồng Mỹ kim sụt giá, có lẽ ta nên nhìn vào chuyện đó.
Kính Hòa: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà tuần qua,
ông Trump nói rằng việc đồng đô la Mỹ định giá quá cao là điều thất lợi
khi cạnh tranh với kinh tế Trung Quốc? Nhiều hệ thống thông tin chuyên
đề về kinh tế cho rằng Tổng thống Donald Trump từ bỏ chủ trương duy trì
sức mạnh của đồng Mỹ kim mà nhiều vị tiền nhiệm đã áp dụng, thưa ông,
điều ấy có đúng không và nếu như vậy, các nước đang giữ tài sản dưới
dạng Mỹ kim sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là loại báo chuyên đề ấy quá hấp
tấp, cũng hấp tấp như khi loan tin là ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp
để ra khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, ông ta mới chỉ
ký việc đó vào trưa Thứ Hai thôi. Có chi tiết ít ai lưu ý là khi ông
Trump mời hai kinh tế gia nổi tiếng là Stephen Moore và Larry Kudlow vào
ban tham mưu tranh cử thì họ ngạc nhiên hỏi lại, rằng họ tin vào giá
trị của tự do thương mại chứ không chủ trương bảo hộ mậu dịch. Ông Trump
trả lời rằng ngoài lĩnh vực mậu dịch thì họ đồng ý với nhau về mọi
chuyện khác nên hãy cứ để ngoại thương ở ngoài. Là người thực dụng, Tổng
thống Trump muốn thương thuyết lại Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA
với Canada rồi Mexico, chứ không đòi xé bỏ hiệp ước mà ba nước đã thi
hành từ 1994.
Trường hợp TPP cũng thế, ông muốn Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước chung với
11 nước thành viên để sẽ đàm phán với từng nước theo khuôn khổ tay đôi.
Cũng vậy, cuối tuần này ông sẽ gặp Thủ tướng Anh để nói về hợp tác kinh
tế sau khi Anh rút khỏi Liên hiệp Âu châu. Nước Mỹ của Donald Trump
không tự cô lập như người ta nói mà chỉ muốn vẽ lại luật chơi trong quan
hệ với các nước khác chử không duy trì khuôn khổ cũ.
Trở lại vị trí của đồng Mỹ kim, tuần qua khi trả lời phỏng vấn của tờ
Wall Street Journal, ông Trump nói là đồng đô la quá mạnh làm doanh
nghiệp Mỹ thất thế trong cạnh tranh vì hàng Mỹ quá đắt, và ngược lại
Trung Quốc có lợi vì định giá đồng bạc quá thấp để bán hàng rẻ. Từ đó,
người ta vội kết luận rằng ông Trump chủ trương duy trì một đồng đô la
yếu và phát biểu của ông lập tức làm Mỹ kim sụt giá so với nhiều ngoại
tệ khác. Sự thật nó rắc rối hơn vậy.
Kính Hòa: Thưa ông, sự thật nó rắc rối như thế nào, khán thính giả của chúng ta cũng cần biết.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta phải nhìn vào toàn cảnh, từ sáu
chục năm nay, là đồng bạc Hoa Kỳ thực tế là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất
của thế giới và Mỹ thường xuyên bị thiếu hụt chi phó, hay khiếm hụt cán
cân vãng lai, vì nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất khẩu. Các nước bán
hàng cho Mỹ thu về đô la thì dùng đồng bạc ấy làm cơ sở ký thác để bơm
thêm tiền vào nền kinh tế của họ và đạt thêm một sự thịnh vượng khác.
Ngày nay, Hoa Kỳ không muốn tiếp tục bị nhập siêu như trước nên có biện
pháp đánh thuế trên hàng nhập nội đồng thời trợ cấp dưới dạng thuế vụ
các mặt hàng xuất khẩu. Nếu Mỹ áp dụng chính sách đó thì điều gì xảy ra?
Nhiều phần thì các nước thu được ít đô la hơn, bị khan hiếm Mỹ kim và
hệ thống tín dụng dựa trên đồng Mỹ kim có thể sút giảm, hoặc sụp đổ. Mối
nguy nó nằm ở đó, chứ không ở tỷ giá cao thấp của đồng bạc xanh của Mỹ.
Như vậy, ta có hai chuyện rắc rối cần theo dõi.
Đồng đô la sẽ lên giá hay xuống giá?
Kính Hòa: Cám ơn ông ở phần giải thích đó, bây giờ hai chuyện rắc rối ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất là biện pháp điều chỉnh xuất nhập
khẩu, hay “điều chỉnh mậu biên” là mậu dịch khi xuất nhập biên giới. Thứ
hai mới là vai trò của đồng đô la trong hệ thống tiền tệ của các nước.
Về “điều chỉnh mậu biên” hay “border adjustment” thì từ Tháng Sáu
vừa rồi, các Dân biểu Cộng Hòa trong Hạ viện Hoa Kỳ đã có một dự luật
cải cách thuế vụ quy mô, bên trong có những quy định đánh thuế trên hàng
nhập nội và giảm thuế trên hàng xuất khẩu. Khi ấy, Hành pháp vẫn do
Tổng thống Barack Obama lãnh đạo và người ta còn tưởng rằng bà Hillary
Clinton sẽ đắc cử nên dự luật ấy khó được áp dụng.
Bây giờ, với ông Trump cầm đầu Hành pháp và đảng Cộng Hòa có đa số
cao hơn ở cả hai viện lẫn các quốc hội tiểu bang, thì kế hoạch cải tổ
thuế khóa lớn lao này sẽ thành hình để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng ông
Trump vẫn cho rằng phần điều chỉnh mậu biên đó của đảng Cộng Hòa là
không đơn giản, quá rắc rối. Ông có thể đưa ra đề nghị khác, thí dụ như
tăng thuế nhập nội, nếu không 20% thì cũng 15% để giảm lượng hàng nhập
khẩu và đồng thời trả lại thuế cho nhà xuất khẩu để kích thích sản xuất
nội địa.
Tôi không đi vào các chi tiết thuế khóa ấy, sẽ là thuế tiêu thụ hay
thuế lợi tức cho doanh nghiệp, nhưng khi tăng thuế thì hàng nhập khẩu
đắt hơn sẽ gây thiệt hại cho các nước bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ.
Hậu quả là khối lượng ngoại thương của thế giới có thể giảm và hàng tiêu
thụ tại Mỹ lại đắt hơn. Chúng ta nên theo dõi hiệu ứng này.
Kính Hòa: Bây giờ, chúng ta sẽ từ ngoại thương bước
qua ngoại hối, là hiệu ứng của đồng Mỹ kim cho các nước khác. Thưa ông,
hậu quả sẽ là gì? Mỹ kim sẽ lên giá hay xuống giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đang chứng kiến một sự thể khá đặc
biệt là kế hoạch cải tổ thuế khóa tại Mỹ không chỉ chi phối doanh lợi
của công ty Hoa Kỳ và lượng tiêu thụ hàng nhập khẩu của nền kinh tế Mỹ
mà còn ảnh hưởng đến các nước khác, nhất là các nước cần buôn bán với Mỹ
như Trung Quốc, Đức hay Mexico. Khi nhập siêu của Mỹ giảm thì các nước
này sẽ bị thất thế dù đồng Mỹ kim chẳng lên hay xuống giá như người ta
đã sớm lo. Vì vậy, tỷ giá đồng Mỹ kim so với đồng Nguyên của Tầu, đồng
Pesos của Mễ, đồng Euro Âu Châu hay thậm chí đồng bạc Việt Nam không
quan trọng bằng lượng hàng mà họ có thể bán vào thị trường Mỹ.
Nhìn trong trường kỳ thì khi nhập siêu của Hoa Kỳ sút giảm như Chính
quyền Trump chủ trương, khối tiền tệ của các nước dựa trên đồng đô la họ
thu vào cũng sẽ giảm và đấy mới là kịch bản đáng sợ. Chúng ta sẽ còn
phải theo dõi và phân tích chiều hướng này.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối, thưa ông, thính giả của
chúng ta muốn biết là khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách kinh tế mới, với
trọng tâm là chấm dứt lợi thế giao thương từ đã lâu của Trung Quốc thì
lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Và các
nước khác, thí dụ như Âu Châu, sẽ xử lý thế nào trước quan hệ kinh tế
căng thẳng đó giữa Bắc Kinh và Washington?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bắc Kinh có chừng năm sáu cách chống đỡ
khác nhau và lâm thế kẹt chứ không dễ, nhất là cuối năm nay họ lại có
Đại hội đảng cho Khóa 19. Vì quá lệ thuộc vào xuất khẩu, lại chẳng dễ
phá giá đồng bạc và gây thêm nạn tẩu tán tư bản vì tài sản mất giá, Bắc
Kinh có thể kín đáo trợ cấp xuất khẩu bằng tín dụng rẻ và thuế suất thấp
thì càng mắc nợ cao. Về phần các nước khác trong trận đấu lực Mỹ-Hoa
thì cũng còn tùy. Liên Âu thiếu thống nhất và bên trong có nhiều nước
cần Mỹ hơn Tầu vì lý do an ninh nên thiên về Washington hơn là Bắc Kinh
và không chấp hành chủ trương kinh tế của thủ đô Bruxelles. Cũng vì vậy
mà ta nên thận trọng khi thấy truyền thông Tây Âu ráo riết đả kích Chính
quyền mới của Hoa Kỳ! Họ không theo kịp những thay đổi lớn khi trật tự
cũ đã lỗi thời và đang tan rã.
Kính Hòa: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn tuần này.