Tuyển sinh thạc sĩ Phật học với môn Mác-Lênin (BBC)

"Đây là động thái cho thấy chính quyền muốn nô lệ hóa người của Phật giáo và đào tạo các học viên tốt nghiệp Học viện Phật giáo trở thành cán bộ tuyên truyền tôn giáo nhằm đưa môn Mác-Lênin đến rộng rãi cộng đồng Phật tử."


Tuyển sinh thạc sĩ Phật học với môn Mác-Lênin (BBC)


Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và một hòa thượng trả lời BBC xoay quanh thông báo tuyển sinh thạc sĩ Phật học với môn Mác-Lênin.

Hôm 19/12, website của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đăng thông báo về việc tuyển sinh thạc sĩ Phật học khóa 2 dự kiến tổ chức vào tháng 3/2017.

"Ba môn thi gồm: Phật học, Triết học Phật giáo và Mác-Lênin, Ngoại ngữ (Anh văn hoặc Hoa văn) trình độ B," thông báo ghi.

Thông báo gây tranh cãi trên mạng xã hội về việc có cần thiết đưa môn học của chủ nghĩa xã hội vào chương trình thi cử của một cơ sở đào tạo tôn giáo. 

Hôm 19/12, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, Đại đức Thích Quang Thạnh, Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện và cũng là người ký thông báo, nói: "Thông báo tuyển sinh thạc sĩ Phật học mới chỉ là dự trù, còn phải đợi nhà nước cấp phép thì Học viện mới công bố chính thức môn thi sau." 

"Tuy nhiên, trong đợt tuyển sinh thạc sĩ Phật học lần trước [năm 2012] có môn Mác-Lênin mà không thấy ai phản ứng gì."


"Việc đưa môn Mác-Lênin vào kỳ thi của Học viện Phật giáo là tư duy tập thể." 

Ông Thích Quang Thạnh từ chối câu hỏi của BBC: "Ông suy nghĩ gì về mối liên hệ giữa Phật học và môn Mác-Lênin?"

'Nô lệ hóa'

Hôm 19/12, Hòa thượng Thích Không Tánh, cựu trụ trì chùa Liên Trì, nói với BBC từ Phú Yên: "Học viện Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo trực thuộc nhà nước thì đương nhiên họ phải giảng dạy và thi tuyển môn Mác-Lênin rồi."

"Đây là động thái cho thấy chính quyền muốn nô lệ hóa người của Phật giáo và đào tạo các học viên tốt nghiệp Học viện Phật giáo trở thành cán bộ tuyên truyền tôn giáo nhằm đưa môn Mác-Lênin đến rộng rãi cộng đồng Phật tử."

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức tôn giáo chân truyền, độc lập đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc đưa yếu tố chính trị, chủ nghĩa xã hội vào việc giảng dạy Phật giáo nhưng giới Phật giáo quốc doanh là do chính quyền dựng lên và dễ hiểu tại sao họ chấp hành chỉ thị."

"Có thể thấy việc các cơ sở Phật giáo quốc doanh tuân theo chính quyền trong việc giảng dạy môn Mác-Lênin cũng như đưa ông Hồ Chí Minh vào thờ trong các chùa là vì yếu tố thời thế."

"Họ muốn hưởng ưu đãi, có lợi ích thì phải dựa vào thế lực chính quyền thôi."