Trí thức Việt Nam đã ủng hộ dân chủ thực sự hay chưa? (Việt Hoàng)

"...Trong cuộc tranh đấu cho nền dân chủ đa nguyên này chúng tôi đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, là những người không chịu ân huệ gì với chính phủ, họ là những người có hiểu biết về chính trị, có quyết tâm thay đổi tương lai cho chính mình và cho đất nước..."

 
Trí thức Việt Nam đã ủng hộ dân chủ thực sự hay chưa? (Việt Hoàng)

Bàn về chủ đề “trí thức Việt Nam” có lẽ sẽ dài vô tận. Cũng giống như câu chuyện “đẽo cày giữa đường”, mỗi người một ý và ai cũng có lý của mình. Trí thức Việt Nam tạm chia thành hai loại, một loại là “trí thức khoa bảng”, tức là những người có học hàm, học vị về một chuyên ngành nào đó. Loại thứ hai là “trí thức dấn thân”, tức là những người (không nhất thiết phải có bằng cấp khoa bảng) có tấm lòng ưu tư với vận nước và mong muốn được đóng góp công sức để thay đổi xã hội Việt Nam về hướng dân chủ.

Rất tiếc là trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, cho đến tận gần đây thì Việt Nam chúng ta chỉ mới có tầng lớp “trí thức khoa bảng”. Lớp trí thức chính trị dấn thân chỉ mới xuất hiện gần đây với sự khởi đầu với những tên tuổi như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình… Giờ đây lớp trí thức chính trị trẻ đã xuất hiện ngày càng nhiều, trong đời thực lẫn trên mạng ảo internet. Trong đời thực sự hiện diện của họ còn khá khiêm tốn nhưng trong thế giới ảo thì sự có mặt của họ gần như là áp đảo và làm chủ cuộc chơi. Trong một tương lai không xa họ sẽ dắt tay nhau ra cuộc đời thực và họ sẽ làm chủ đất nước và làm chủ tương lai của chính họ và của cả dân tộc.

Đặc điểm chủ yếu để phân biệt giữa giới trí thức khoa bảng và lớp trí thức chính trị dấn thân đó là “kiến thức về khoa học chính trị”. Với giới trí thức khoa bảng thì bằng cấp chuyên môn của họ cũng đồng thời là chứng chỉ cho kiến thức chính trị của họ. Đây là một ngộ nhận lớn. Chính trị cũng là một môn khoa học, vì vậy nó cũng cần có những đầu tư về thời gian và nghiên cứu nghiêm túc. Ngoài sự nghiêm túc trong việc học hỏi về khoa học chính trị thì tầng lớp trí thức chính trị dấn thân còn có một đam mê và tấm lòng đối với đất nước và con người Việt Nam, họ mong muốn được cống hiến và mong muốn thay đổi hiện tại bằng một tương lai tốt đẹp hơn. Họ là những người không chấp nhận sự vô lý và tư duy cũ kỹ. Họ khát khao tự do và mong muốn đem lại tự do cho cả dân tộc.

Trước tình hình nguy ngập của đất nước về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, chính trị đến sự an nguy về lãnh thổ thì không có một người dân Việt Nam yêu nước nào có thể bình chân như vại. Hơn nữa ai cũng thấy là Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực kể cả hai nước “đàn em” là Lào và Campuchia. Không những thế, đất nước Việt Nam đang đứng trước một thách thức vô cùng nghiêm trọng khác đó là âm mưu thôn tín của chính quyền Bắc Kinh. Sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan khổng lồ HD-981 vào đặt trong lãnh hải Việt Nam vẫn giữa giải quyết xong thì Trung Quốc lại đem giàn khoan thứ hai đặt vào tiếp trong lãnh hải của Việt Nam. Cùng lúc đó tại Hà Nội, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở thăm Việt Nam đã có 4 lời vàng ngọc ban cho chính quyền cộng sản Việt Nam, thay cho 4 tốt trước đây, rằng:

1. Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).
 
2. Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).
 
3. Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải.
 
4. Cuối cùng, không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Có lẽ chưa có thời nào trong lịch sử Việt Nam và cả trong bang giao quốc tế lại có những lời lẽ hàm hồ như vậy của một viên sứ thần, dù là của một nước lớn. Nói như vậy khác gì bảo chính quyền Việt Nam phải đầu hàng vô điều kiện? Chắc phải có những bảo bối hay nắm được con át chủ bài nào đó thì Trung Quốc mới có thể tự tin nói như vậy với những người lãnh đạo Việt Nam? Ngay cả với Lào hay Campuchia thì chúng ta vẫn chưa nghe được những lời nói ngạo mạn đến như vậy từ Trung Quốc.

Một cuộc biểu tình nho nhỏ của người Việt Nam diễn ra chiều thứ năm 19/6/2014 tại Hà Nội đã nhanh chóng bị chính quyền đàn áp, nhiều người tham gia biểu tình đã bị bắt giữ trong đó có những blogger nổi tiếng như anh Chí (Nguyễn Chí Tuyến), Lã Việt Dũng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Lịch, Đào Thu, Trương Văn Dũng và Nguyễn Thúy Hạnh… Rõ ràng là những lời tuyên bố này nọ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là để mị dân mà thôi. Hà Nội không hề có thực tâm phản đối các hành động xâm lược của Trung Quốc. Thật ra điều này có lẽ ai cũng biết, chỉ có một số nhỏ là không biết (hay cố tình giả vờ không biết), càng tệ hại hơn khi những người này vẫn cố tình tung hô chính quyền, ghép cho họ những điều không có để làm cho một số người dân bối rối vì không biết đâu là thật đâu là giả. Xin đọc bài “Sự nhẹ dạ của Người Việt” của tác giả Nguyễn Trần Sâm.

Có lẽ không thừa khi nhắc lại một nhận xét của tác giả về trí thức Việt Nam “Đáng buồn hơn nữa là sự nhẹ dạ của những nhà trí thức, kể cả những vị nổi tiếng. Một nhân vật có thế lực, mặc dù toàn thân đã “nhúng chàm”, từng gây ra bao tai họa cho những con người tử tế, từng làm thất thoát phần lớn ngân sách quốc gia, tức mồ hôi xương máu của bao nhiêu thế hệ, kể cả những thế hệ tương lai, chỉ cần nói được một hai câu trúng ý các nhân sĩ, bỗng được các vị này coi như bậc thánh nhân. Họ ca ngợi. Họ tung hô. Rồi dồn hết hy vọng vào một cuộc đổi dời long trời lở đất mà dường như nhân vật đó sắp tạo ra”. Chúng tôi đồng cảm và cám ơn ông Nguyễn Trần Sâm rất nhiều vì cũng như chúng tôi, ông đã thẳng thắn lên tiếng phê phán các vị trí thức nhân sĩ mang nặng tâm lý tôi tớ trong con người họ. Nếu không dám dấn thân cho đất nước thì cũng không nên tung hô những kẻ có quyền lực một cách thô thiển như vậy. Có giải quyết được gì đâu? Ngoài sự bẽ bàng. Có thể có ai đó không đồng ý với chúng tôi và cho rằng anh em chúng tôi tự cao tự đại, thật lòng là chúng tôi rất khiêm tốn nhưng chúng tôi sẽ không khoan nhượng trước cái sai trái và sự giả dối dù đó là ai. Tình hình đất nước đã quá nguy nan, chúng ta có cần tránh né sự thật hay rào trước đón sau để khỏi mất lòng nhau hay không?

Như chúng tôi đã trình bày, đất nước Việt Nam đang ở trong tình trạng không bình thường vì vậy cần phải có những giải pháp không bình thường, giả pháp đó là mỗi người trong chúng ta hãy thay đổi hoàn toàn nhận thức, suy nghĩ và hành động của chính mình. Cái gì trước đây được xem là đúng thì giờ hãy xem là sai, là ấu trĩ và ngược lại.

Chúng ta thay đổi bản thân mình bằng cách nào? Đầu tiên, nếu muốn trở thành một trí thức chính trị dấn thân, muốn thành một chính trị gia cho tương lai thì bắt buộc phải học hỏi và nghiên cứu về khoa học chính trị, về cách đấu tranh chính trị trên nghị trường. Ba tài liệu để tham khảo đó là tác phẩm “Tổ Quốc Ăn Năn”, “Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” và “Hành trình Dân Chủ Đa Nguyên”.

Chúng tôi nhận định chính trị cũng như bao ngành nghề khác rất cần học hỏi nghiêm túc mới có thể giỏi được.
 
Thứ hai đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân với nhau vì vậy muốn hay không cũng phải tham gia vào các tổ chức chính trị.
 
Thứ ba phương pháp đấu tranh chính trị hiện nay là bất bạo động, bằng sự thuyết phục và sự đồng thuận chung. Dân chủ đa nguyên là tôn trọng mọi thành phần, mọi ý kiến khác nhau trong cuộc sống, đấu tranh dân chủ không nhằm tiêu diệt bất cứ ai hay bất cứ thành phần nào trong xã hội mà nó sẽ đem lại cơ hội đồng đều cho mọi tầng lớp nhân dân. Đấu tranh chính trị cũng là để thay đổi văn hóa Khổng Giáo đã ăn sâu vào trong đầu óc người Việt chúng ta suốt hàng nghìn năm qua.
 
Trên tinh thần và tư tưởng đó Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn đang tiến về phía trước. Người quan sát hời hợt có lẽ không thấy chúng tôi đang làm gì. Nhưng một bạn trẻ đã giúp chúng tôi trả lời thắc mắc này: “Đối với các thành viên của Tập Hợp, hành động có nghĩa là học tập kiến thức chính trị và rèn luyện bản lĩnh, trao đổi và gặp gỡ những người có cùng chí hướng để xây dựng lực lượng, nhận diện những vấn đề của đất nước và cùng thảo luận để tìm ra giải pháp, hỗ trợ về mặt tinh thần và tài chính cho những người đấu tranh dân chủ dù họ không phải là thành viên của Tập Hợp”. Rõ ràng là có những việc chúng tôi không thể nào kể ra đây được. Chúng tôi chú trọng và quan tâm đến kết quả sau cùng chứ không cần đánh bóng tên tuổi. Những người có tấm lòng ưu tư với vận mệnh đất nước họ sẽ nhận diện được chúng tôi. Số người này rất lớn và chúng tôi tin rằng họ sẽ đứng về phía chúng tôi, nhập cuộc cùng chúng tôi khi thời khắc lịch sử đến.
 
Trong cuộc tranh đấu cho nền dân chủ đa nguyên này chúng tôi đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, là những người không chịu ân huệ gì với chính phủ, họ là những người có hiểu biết về chính trị, có quyết tâm thay đổi tương lai cho chính mình và cho đất nước. Thế hệ trí thức lớn tuổi, phần lớn, quả thật là đã không còn theo kịp thời thế. Sự ủng hộ tinh thần của họ cũng là điều quí giá cho phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng rằng giới hoạt động xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo mạnh mẽ ủng hộ cho giải pháp dân chủ của Tập Hợp dân Chủ Đa Nguyên. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với lời kêu gọi “Giải pháp Dân Chủ Đa Nguyên như vũ khí chống ngoại xâm và phát triển đất nước”.
 
Trí thức Việt Nam cho đến giờ, chưa thấy mấy ai lên tiếng rõ ràng và mạnh mẽ để ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập trong khi đó họ lại sẵn sàng tung hô chính quyền một cách mù quáng và thô thiển, phải chăng đó là tính cách kẻ sĩ của trí thức Việt Nam từ ngàn xưa? Cho dù không tham gia được vào các tổ chức chính trị đối lập thì cũng nên lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức chính trị mà mình thấy là đứng đắn và tử tế, đó là thái độ đúng mực và có trách nhiệm nhất trong lúc này. Chính trường cũng như thương trường hay thậm chí là tình trường thì phải có cạnh tranh mới có những điều tốt đẹp. Chính cạnh tranh lành mạnh sẽ sinh ra đạo đức và công bằng. Độc quyền hay độc tài thì người dân sẽ lãnh đủ. Sẽ không có người cai ngục nào chịu trả tự do cho người tù bởi vì có chịu một hoàn cảnh như nhau nhưng kiểu gì cai tù cũng sung sướng hơn là người tù nên họ sẽ không hy sinh quyền lợi của mình.
 
Việc kêu gọi và mong chờ chính quyền hồi tâm đổi ý về phía dân chủ là một ước nguyện viển vông, như một độc giả trên Dân Luận bình luận rằng: “Ở trong tù phải tự sướng để thỏa mãn nhu cầu chứ còn cách nào hơn! Nếu muốn sướng thật chỉ có cách xóa bỏ hoặc thoát ra khỏi chốn đó. Có người cho rằng cần góp ý với cai ngục (cán bộ quản giáo) để họ cho tù nhân (phạm nhân) cái quyền sướng thật. Điều này rất không tưởng. Chỉ có cai ngục, cũng ở trong tù, là được sướng thật. Nếu tù nhân cũng được sướng thì ra cá mè một lứa à? Tù quyền cũng như cai quyền à!” Đây cũng chính là tâm trạng của một bộ phận trí thức Việt Nam hiện nay.
 
Vậy trí thức Việt Nam đã ủng hộ dân chủ một cách thật sự chưa? Rất tiếc câu trả lời là chưa. Nên nhớ, khi nào đa số trí thức nhập cuộc thật sự thì khi đó lịch sử Việt Nam sẽ sang trang.
 
Việt Hoàng(6/2014)