TÂM THẾ QUYỀN UY (Phạm Đình Trọng)
Nghị định chính phủ 168/2024/NĐ-CP mới ban hành ngày 27.12.2024 qui định mức xử phạt hành chính về an toàn giao thông đường bộ đã quá khắc nghiệt so với đồng tiền thu nhập của người dân lao động và so với mức sống của đông đảo người dân cả nước.
Người dân lam lũ hàng ngày chạy xe máy đi làm, chạy ô tô chở hàng, chở khách kiếm sống đang thất thần hoang mang về mức xử phạt của nghị định 168, đang ngửa mặt kêu trời, trời chưa thấu thì ngày 16.5.2025, chưa tròn 5 tháng sau ngày ban hành nghị định chính phủ 168, quốc hội lại sốt sắng thảo luận về sửa đổi, bổ sung luật xử lí vi phạm hành chính và bà nghị Nguyễn Thị Xuân, đương chức phó giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk, hàm tướng một sao lại hối thúc sửa luật, hối thúc tăng mức phạt vi phạm giao thông cao hơn nữa, răn đe mạnh hơn nữa, phải nâng mức phạt cao nhất từ 75 triệu đồng theo nghị định 168 lên mức từ 150 đến 200 triệu đồng, tăng sự khắc nghiệt của nghị định 168 lên gấp hơn hai lần nữa mới đủ sức răn đe!
Ôi chao! Một nhà nước vẫn tự xưng nhà nước của dân, do dân, vì dân sao ở quốc hội, cơ quan được coi là đại diện cho dân, nơi nói tiếng nói của người dân, nói tiếng nói của cuộc sống lại có tiếng nói cay nghiệt với dân, chỉ nhăm nhe răn đe dân và dằn mặt với cuộc sống đất nước như vậy?
Từ bóng tối trung cổ của văn minh nông nghiệp bước ra ánh sáng của văn minh công nghiệp, quyền lực nhà nước cũng chuyển từ tay tầng lớp lãnh chúa phong kiến về tay người dân. Bằng lá phiếu, người dân bầu ra quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của dân. Quốc hội tạo ra hành lang pháp luật cho đời sống xã hội nên chức năng hàng đầu của cơ quan quyền lực tối cao của dân là lập pháp.
Tạo ra hành lang pháp luật, cơ quan quyền lực tối cao của dân lại bầu ra người đứng đầu nhà nước và chính phủ tạo ra nhánh quyền lực của dân làm chức năng hành pháp, vận hành luật pháp trong quản lí, điều hành hoạt động xã hội. Người đứng đầu nhà nước lại cắt cử, bổ nhiệm đội ngũ thẩm phán, tạo ra nhánh quyền lực của dân làm chức năng tư pháp giữ gìn, bảo vệ kỉ cương xã hội.
Mọi quyền lực đều có xu hướng lạm quyền. Quyền lực nhà nước càng lớn càng dễ lạm quyền và mức độ lạm quyền càng nghiêm trọng, gây nguy hại khôn lường, làm cho bộ máy quyền lực mục ruỗng, xã hội thối nát, đất nước lụn bại, người dân điêu linh. Nhà nước tam quyền phân lập xuất hiện trước tiên ở châu Âu trong kỉ nguyên Ánh Sáng thế kỉ 18 chia tách quyền lực nhà nước thành ba nhánh tách biệt, riêng rẽ, độc lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ba nhánh quyền lực nhà nước không trùng lặp, không trùm lấp lên nhau để giám sát lẫn nhau, ngăn chặn lạm quyền. Nhà nước tam quyền phân lập là bước tiến vĩ đại của xả hội loài người. Bước tiến vĩ đại như loài người từ bóng tối trung cổ thời văn minh nông nghiệp bước ra ánh sáng văn minh công nghiệp.
Người dân chỉ có vai trò gián tiếp trong việc hình thành lên nhánh quyền lực hành pháp và tư pháp. Nhánh quyền lực lập pháp là nơi duy nhất người dân có vai trò trực tiếp của người trong cuộc, chủ động ứng cử và trực tiếp bầu cử, tạo dựng ra quốc hội. Với quốc gia thực sự dân chủ thì quốc hội không thể là nơi góp mặt của hành pháp, tư pháp vì con người nắm quyền lực hành pháp, tư pháp lại trở thành đại biểu quốc hội nắm cả quyền lực lập pháp thì tam quyền không còn phân lập nữa.
Quốc hội đích thực là cơ quan quyền lực của dân chỉ qui tụ người hiền trong dân, những người thực sự mang ý chí của dân, thực sự có tâm thế người dân, nói tiếng nói trung thực của người dân và tiếng nói khẩn thiết của cuộc sống. Người dân nắm quyền lực lập pháp thì quyền lực nhà nước mới thực sự của dân. Quyền lực hành pháp và tư pháp tràn vào toà nhà lập pháp chiếm chỗ của hiền tài trong dân thì người dân lại trắng tay không còn chút quyền lực nhà nước, thì quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của dân chỉ là cái bánh vẽ về quyền lực của dân!
Nhưng chuyên chính vô sản đã đưa vào hiến pháp quyền đương nhiên lãnh đạo nhà nước và xã hội của đảng cộng sản cầm quyền. Đảng chuyên chính vô sản đương nhiên lãnh đạo tuyệt đối nhà nước và xã hội thì người của đảng cũng đương nhiên nắm chặt cả ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Với chuyên chính vô sản, quốc hội chính là nơi khởi đầu cho việc nắm quyền lực tuyệt đối của đảng cộng sản cầm quyền. Đảng cử người của đảng để dân bầu vào quốc hội. Từ đó xuất hiện định chế đảng cử, dân bầu. Đảng cử: Quan chức của đảng đầy quyền uy ở hành pháp, tư pháp lại được đảng đưa ra ứng cử vào cơ quan lập pháp với nhiệm vụ hàng đầu là tạo ra luật pháp bảo vệ, củng cố sự cầm quyền tuyệt đối của đảng. Dân bầu: Đảng cử người nào, dân bầu người đó. Dân chỉ được bầu cho người đã được đảng chọn. Đảng đã chọn, đã thực sự thay dân chọn người của đảng vào quốc hội trước khi dân cầm lá phiếu đi bầu cử rồi. Dân được chính quyền đôn đốc đi bỏ phiếu chỉ để hợp thức hoá sự lựa chọn của đảng mà thôi.
Vì vậy không phải chỉ có một bà phó giám đốc công an tỉnh mang hàm tướng là quan chức cấp cao trong nhánh hành pháp mang danh nghĩa đại biểu của dân trong quốc hội mà hơn chín mươi nhăm phần trăm đại biểu quốc hội đều là đảng viên cộng sản cầm quyền, đều là những quan chức vai vế đầy quyền uy trong hành pháp, tư pháp sắm vai đại biểu của dân trong cơ quan lập pháp. Những công chức hành pháp, tư pháp có bổn phận thực thi pháp luật lại cũng là nhà lập pháp, soạn thảo luật pháp! Được quyền vừa là người tạo ra luật pháp, vừa là người vận hành luật pháp trong đời sống xã hội thì phải tạo ra thứ luật pháp để khi vận hành mang lại quyền uy và màu mỡ cho người có quyền lực.
Quyền lực nhà nước chia tách ra ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp tạo ra cơ chế quyền lực giám sát quyền lực, ngăn chặn lạm quyền là một bước tiến dài tới văn minh của xã hội loài người. Nhưng với quốc hội đảng cử dân bầu, tam quyền không còn phân lập nữa! Tam quyền đều trong tay đảng cộng sản cầm quyền. Đại biểu quốc hội đều là đảng viên cộng sản, đều là quan chức hành pháp, tư pháp, những người không hề có chút xíu tâm thế đại biểu cho dân mà chỉ có tâm thế quyền uy răn đe dân, cai trị dân. Quốc hội lập pháp cũng không theo ý chí người dân và đòi hỏi của cuộc sống mà lập pháp chỉ để giữ gìn, củng cố sự cầm quyền của đảng chuyên chính vô sản!
Phạm Đình Trọng
24/05/2025