LUẬT BIỂU TÌNH (Nguyễn Thúy Hạnh)
Mấy hôm nay CSKV (Cảnh sát khu vực) nhắc nhở góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Tôi biết đó chỉ là một trong hàng ngàn tấn tuồng đã và đang diễn ra. Đến như góp ý của cụ Võ Nguyên Giáp về bauxit Tây nguyên, mà còn chẳng được nghe, nữa là dân đen, lại còn bất đồng chính kiến như tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đưa ý kiến. Đó là: Đề nghị xây dựng và thông qua LUẬT BIỀU TÌNH.
*
Hiến pháp năm 1946, và sau đó là 2013 quy định rõ người dân có quyền tự do ngôn luận, trong đó có biểu tình. Nhưng nhà nước vẫn nợ dân cái luật biểu tình suốt mấy chục năm qua, khiến quyền tự do căn bản của người dân bị cấm đoán.
*
Biểu tình (ủng hộ hoặc phản đối) ko những có lợi cho nhân dân mà còn cho cả chính quyền nếu chính quyền đó thực sự vì dân.
Biểu tình giúp người dân được thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình, phản ứng kịp thời trước những chính sách hợp lý hoặc bất hợp lý của nhà nước.
Đại biểu quốc hội là đại diện cho nhân dân, nhưng hầu hết lại là đảng viên, và được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu ứng cử. Ở nước ta, đảng lãnh đạo toàn diện, trong đó có Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc. Từ đó có thể thấy rằng Quốc hội không đại diện cho nhân dân.
Vậy thì người dân chỉ còn có thể thể hiện ý kiến của mình bằng con đường biểu tình. Nhưng những người tham gia biểu tình ôn hoà luôn bị quy kết là phản động, là gây rối trật tự công cộng, bị đánh đập, thậm chí bị bỏ tù.
Biểu tình cũng là một kênh ngoại giao nhân dân nếu vấn đề đó là nhạy cảm mà nhà nước ko muốn thể hiện.
Biểu tình giúp người dân “xả stress”, khi họ đang bức xúc về một vấn đề nào đó, điều đó có lợi cho cả nhà nước chứ ko chỉ riêng người dân.
Cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu 10/6/2018 khiến 20 người biểu tình ôn hoà ở Đồng Nai bị bỏ tù. Cũng vào ngày này cuộc biểu tình ở Ninh Thuận, Bình Thuận, đặc biệt là Phan Rang, Phan Rí đã khiến hơn 50 người bị bỏ tù, có người bị kết án đến 20 năm thật thương tâm, cũng do tức nước vỡ bờ khi người dân lần đầu xuống đường phản đối một đường lối của đảng, nên cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn. Nếu có luật biểu tình thì chắc đã khác.
Cũng hôm đó cuộc biểu tình tại Hà Nội, tôi đã bị bắt bớ và đánh đập tàn nhẫn.
Sau đó Quốc Hội đã hoãn Luật Đặc Khu cho đến tận bây giờ. Nếu ko có sự phản đối quyết liệt của đông đảo nhân dân thì Luật Đặc khu chắc đã được thông qua với những nguy hại tiềm tàng cho đất nước.
Nếu ông Tô Lâm thực sự muốn thay đổi thì hãy thực hiện ngay quyền tự do ngôn luận, cái quyền căn bản của nhân dân.
P/S
10/6/2018

1. Biểu tình phản đối luật đặc khu tại phố cổ Hà Nội.

2. Biểu tình phản đối luật đặc khu tại Phan Rí
Nguyễn Thúy Hạnh
24/05/2025