Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có một nền tảng bảo vệ và tái tạo môi trường Việt Nam (Chu Tuấn Anh)
Với 42 từ “môi trường” và 7 từ “môi sinh” được nêu ra trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị gần như đầu tiên của Việt Nam, và thậm chí là đầu tiên trong khu vực, đã đấu tranh một cách bài bản nhất để bảo vệ môi trường, và coi tái tạo môi trường là một phần của kế hoạch phục hưng dân nước ngay từ khi chúng tôi chỉ là một lực lượng đối lập.
Đấu tranh môi trường là một nội hàm của đấu tranh dân chủ
Mục đích của tôi khi viết bài này là nỗ lực tìm hiểu và làm rõ các vấn đề về quy hoạch và quản lý môi trường trong một kỷ nguyên mới. Điều này cần được xem xét trong bối cảnh môi trường Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng, với những dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đánh mất khả năng chống chịu trước các thảm họa bất ngờ hoặc những chu kỳ bão, lũ đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, vốn đang trở nên cực đoan hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta cần thừa nhận rằng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành nền tảng của an ninh quốc gia. Trong vài thập kỷ tới, tương lai của mỗi quốc gia sẽ phần nào phụ thuộc vào nỗ lực tự thân cũng như sự hợp tác toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Gia Kiểng cũng đưa ra một nhận định rằng khủng hoảng di dân thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính: đàn áp chính trị và biến đổi khí hậu. Đối với người Việt chúng ta, như dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã chỉ ra, nền tảng của chúng ta là đất và nước. Khi đất nước bị ô nhiễm, quốc gia của chúng ta cũng sẽ suy tàn.
Chúng ta cũng thừa nhận rằng phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam ban đầu xuất phát từ một số nhóm nhỏ, hoạt động như các đảng xanh trong xã hội dân sự, bắt đầu từ những năm 2010 hoặc 2012, trước khi nhận thức về đấu tranh dân chủ của người Việt mở rộng với những nội hàm sâu rộng hơn. Do đó, không có gì quá đáng khi nói rằng đấu tranh dân chủ và đấu tranh vì môi trường—tức là bảo vệ đất nước Việt Nam—là một. Chúng ta đang chìm trong một cơn bão thông tin, trong đó có nhiều luồng thông tin trái ngược và những định hướng khác nhau về công nghệ kỹ thuật. Điều này khiến nhiều người hoạt động vì môi trường, thậm chí cả các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực liên quan, cảm thấy choáng ngợp. Chúng ta cũng nhận thấy rằng, mặc dù sự quan tâm đến môi trường ngày càng gia tăng, nhưng dường như tiếng nói của những người đấu tranh vì môi trường lại ít được lắng nghe hơn. Điều này cho thấy rằng nỗ lực bảo vệ môi trường ở Việt Nam cần được đặt trên một nền tảng và triết lý mới, nhằm định hướng các hoạt động bảo vệ đất nước trong bối cảnh một thời đại mà thông tin, khoa học – công nghệ, cùng với sự phức tạp ngày càng gia tăng trong quản lý môi trường, có thể làm suy giảm tính thuyết phục của các phong trào đấu tranh.
Giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị?
Gần đây, Hà Nội và các cụm thành phố công nghiệp phía bắc đã được biết đến như là những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nhiều khu vực công nghiệp như Thái Nguyên, Bắc Ninh có mức ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tức thời thậm chí vượt mức 150 µg/m³, trong khi nhiều tiêu chuẩn thế giới trong đó có Hướng dẫn của WHO cũng chỉ cho phép mức bụi mịn ở mức tối đa 75 µg/m³ mà thôi. Trước khi các hoạt động công nghiệp và đầu tư phát triển mạnh mẽ, mức độ ô nhiễm không khí do các khí SOx, COx sinh ra từ quá trình đốt các phụ phẩm công nghiệp vẫn ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các phương tiện cá nhân và quá trình công nghiệp hóa tại hai thành phố lớn, Hà Nội và Sài Gòn, đã khiến các nguồn phát thải mới gia tăng theo cấp số nhân. Trong đó, Hà Nội và các tỉnh công nghiệp phía Bắc có mức độ ô nhiễm cao hơn so với khu vực phía Nam, một phần do nằm gần các nguồn phát thải lớn từ miền Đông Trung Quốc, và một phần do đặc điểm của các đợt gió mùa, tạo ra các hạt ô nhiễm kết hợp giữa bụi và sương mù/hơi nước và sự tồn tại dai dẳng thêm của NOx trong mùa đông. Ô nhiễm không khí là một vấn đề cấp bách, vì nó không chỉ làm gia tăng các bệnh hô hấp cấp tính mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe lâu dài của người dân. Đáng tiếc, đây là một vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn bằng một phương pháp duy nhất. Chúng ta đang nằm trong một vành đai công nghiệp trải từ miền Bắc Trung Quốc dọc các nước Đông Nam Á, thậm chí chạy dọc sang các nước Bắc Phi. Đó cũng là một vấn đề chung mà chúng ta chỉ có thể nâng cao khả năng chống chịu.

Các biện pháp như hạn chế phương tiện vào nội đô thành phố, tái quy hoạch các cụm công nghiệp khỏi trung tâm đô thị, nâng cao phương tiện công cộng v.v là những giải pháp chung và chúng ta đã nghe rất nhiều. Tuy nhiên, với một tình trạng nhân mãn tại các thành phố lớn, những giải pháp này gần như là không thể thực thi. Căn bản của quản lý một vấn đề ô nhiễm môi trường là quản lý nguồn ô nhiễm và quản lý những đối tượng nhạy cảm với ô nhiễm (sensitive receptors). Tuy nhiên, trong một thành phố chật hẹp với không gian kinh tế phi chính thức quá lớn, khoảng cách an toàn không được đảm bảo, và có quá nhiều khu vực nhạy cảm với ô nhiễm, việc đưa ra một giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường trở nên rất khó khăn. Các biện pháp cá nhân hoặc tập thể đơn lẻ thường không mang lại hiệu quả đáng kể. Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí cần được đặt trong một chiến lược rộng hơn về tản quyền và tái bố trí dân số trên toàn quốc—một nội dung quan trọng trong quá trình dân chủ hóa mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đề xuất.
Đây là một ví dụ cho thấy rằng vấn đề ô nhiễm môi trường không thể được giải quyết nếu không gắn liền với quá trình dân chủ hóa và việc ban hành những chính sách đúng đắn. Như tôi đã nhận định trong bài viết Ngôn ngữ và nền tảng để đi vào Kỷ nguyên mới không thuộc về Đảng Cộng Sản Việt Nam rằng, chúng ta đang đi tới một nền kinh tế phi vật thể, nghĩa là càng ngày càng có sự xuất hiện của nhiều giá trị nền tảng không thuộc một phần của con số GDP, hoặc được tính bằng 0, nhưng lại có giá trị thực tế trong kinh tế và cần được bảo vệ. Trong bối cảnh đó, một trong những số đó là các giá trị bảo vệ môi trường. Theo những ước tính của World Bank, chi phí chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm không khí sẽ gây tổn hại 6.1% GDP kinh tế toàn cầu. Điều đó cũng đồng nghĩa là nếu không giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí, mọi con số tăng trưởng trên hai con số mà Tô Lâm và lãnh đạo chế độ CSVN đặt ra là hoàn toàn là vô nghĩa.
Cải thiện môi trường và tổ chức đất nước như một thành phố lớn
Trong dự án Khai sáng Kỷ Nguyên thứ Hai, chúng tôi cũng đặt chung vấn đề “cải thiện môi trường” nằm trong cùng một nội hàm với “tổ chức đất nước như một thành phố lớn”. Tổ chức thành phố lớn ở đây là mang một ý niệm về một lối quy hoạch ngay ngắn, trật tự theo những tiêu chuẩn và thiết kế cụ thể, cùng với một sự bao trùm và hài hòa. Khi có một mức độ tập trung dân số được giảm tải và giải phóng được một không gian đô thị có thể được quy hoạch lại, chúng ta có thể dễ dàng áp dụng tiêu chuẩn chung về môi trường và điều kiện sống mà đa số những chuyên gia quy hoạch và quản lý môi trường đều đồng ý.
Ví dụ như chúng ta sẽ khôi phục lại những không gian xanh trong thành phố theo quy tắc 3-30-300: nghĩa là mỗi ngôi nhà, trường học, công sở sẽ có ít nhất 3 cây trưởng thành; mỗi cụm dân cư sẽ dành ra 30% quỹ đất cho những bóng cây; không gian xanh và công viên sẽ phải hiện diện trong 300 mét phạm vi dân cư, trường học, và công sở.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên coi thành phố lớn là một môi trường hoàn toàn tách biệt với môi trường rừng. Tại sao chúng ta không xây dựng các thành phố thực hiện chức năng của rừng? Các thành phố cần được phục hồi khả năng thoát nước và lưu trữ nước tự nhiên của các khu rừng bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật giúp nước mưa thấm tự nhiên vào lòng đất, duy trì nguồn nước ngầm và bảo vệ sức khỏe các tầng địa chất. Điều này bao gồm việc xây dựng vườn hứng mưa trên cao, rãnh thoát nước mưa, cùng hệ thống cống ngầm dưới đường để dẫn nước mưa trở lại các con sông, suối tự nhiên. Đồng thời, cần bảo tồn và khôi phục hệ thống ao, hồ, đầm lầy nhằm ngăn chặn lũ lụt đô thị, tái tạo cảnh quan thiên nhiên và thu hút sự trở lại của các loài chim cò, vạc, cùng các loài côn trùng vốn từng tồn tại trong thời kỳ trước khi đô thị hóa.

Nhiều con số thống kê một cách tượng trưng cho thấy rằng các giải pháp dựa trên tự nhiên rẻ hơn 80% so với những giải pháp bê tông cốt thép truyền thống. Trên thực tế, những nỗ lực tái quy hoạch các thành phố lớn sẽ không quá tốn kém hay cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Điều này có thể đạt được thông qua việc giải phóng không gian đô thị nhờ tản quyền và tái phân bố dân số, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các khu vực đã phát triển nhưng chưa khai thác hết tiềm năng của họ. Viết đến đây, tôi nhấn mạnh rằng, những triết lý của quy hoạch môi trường mà được đại đa số giới chuyên gia đã đồng thuận chỉ có thể thực hiện được trong những cố gắng dân chủ hóa lương thiện mà chúng tôi – Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên – đã trình bày trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Sự chiến thắng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ không chỉ là những chiến thắng của dân chủ và nhân quyền. Nó cũng là một bước đầu trong kế hoạch giải cứu môi sinh của đất nước, nghĩa là một cố gắng cứu nước. Ngược lại, một thể chế độ tài, hoặc một nền dân chủ không có nội dung, sẽ không thể thực hiện được tản quyền vùng và tái phối trí dân số, và sẽ làm tình trạng nhân mãn thêm leo thang. Khi một đô thị trong tình trạng quá tải thì mọi cố gắng về quy hoạch là vô ích dù người ta cứ nói không được lấp ao hồ, không được phát triển Sài Gòn thêm về hướng Nam v.v. Người ta biết vấn đề, nhưng bài toán quá tải dân số sẽ chẳng cho chúng ta thực hiện được những điều đúng.
Trên một nền dân chủ đúng đắn, những cố gắng về giáo dục và khai mở ra sự sáng tạo trên nền tảng tư nhân sẽ giúp đất nước nhanh chóng chuyển dịch sang nền kinh tế dịch vụ, thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào sản xuất gia công. Nhờ đó, chúng ta sẽ có cơ hội chấm dứt xu hướng phát thải CO2 gia tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế, từ đó tiến tới thực hiện cam kết Paris về biến đổi khí hậu—đạt mức phát thải ròng bằng 0 sau năm 2050. Điều này có thể đạt được thông qua việc giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp ô nhiễm, phát thải cao, và đẩy mạnh công tác tái tạo rừng.
Các cố gắng phục hồi lại rừng, dòng chảy, và tự nhiên
Một số tiêu chuẩn của quốc gia và thế giới khuyến nghị các quốc gia giữa một diện tích rừng tối thiểu khoảng 33% diện tích rừng để đảm bảo cân bằng sinh thái và một tỷ lệ khoảng 2/3 độ che phủ tại các diện tích đồi núi. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những rủi ro khác nhau và nhu cầu che phủ rừng khác nhau, nên những con số quy định là bao nhiêu phần trăm chúng ta sẽ cần phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc. Nhưng, có một điểm cần lưu ý ở đây là ngay cả con số về độ che phủ rừng chúng ta cần định lượng chính xác cho Việt Nam trong một kế hoạch quốc gia cũng không lượng hóa được đầy đủ khối lượng chúng ta cần phục hồi và tái tạo rừng. Mỗi loại rừng được tạo bởi những hỗn khối khác nhau và có những vai trò khác nhau tại từng địa phương. Với một diện tích rừng nguyên sinh còn lại khoảng 2%, chúng ta đang đứng trước một tình cảnh báo động toàn diện về sự sụp đổ của hệ sinh thái tự nhiên của đất nước. Sự gia tăng trồng rừng nhanh chóng nhưng chủ yếu là rừng sản xuất nông lâm nghiệp cũng không có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Chúng ta có nhiều giải pháp kỹ thuật để quản lý chất lượng của việc trồng rừng địa phương.
Trước tiên, cần hoàn thiện chính sách và quy hoạch các khu vực cần được bảo vệ tại Việt Nam, hay còn gọi là Luật Khu vực Được Bảo vệ (Protected Area Law). Theo đó, chúng ta có thể xác định các khu vực có tầm quan trọng khác nhau về sinh thái và lịch sử để bảo vệ, chẳng hạn như: Các cánh rừng cần được bảo vệ và phục hồi nhằm tạo phòng tuyến đầu nguồn chống xói mòn. Những khu rừng thiêng có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Các hệ sinh thái đầm lầy, rừng ngập mặn đóng vai trò như vùng đệm giúp giữ đất, tích tụ phù sa và ngăn chặn ô nhiễm bề mặt đất. Việc ban hành các kế hoạch và chính sách nghiêm túc về khu vực cần bảo vệ không chỉ giúp duy trì môi trường mà còn định hướng các hoạt động kinh doanh và xây dựng một cách bền vững. Cũng cần nhấn mạnh là thực tế các hệ sinh thái đầm lầy, rừng ngập nước có khả năng lưu trữ khí thải nhà kính còn lớn hơn cả hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới (thông qua rễ và đất). Đầm lầy là một thành tố vô cùng quan trọng trong cuộc chiến biến đổi khí hậu và sẽ là một trọng tâm lớn của chúng ta.
Thứ hai, chúng ta sẽ phục hồi và tái tạo tự nhiên theo điều kiện sát nhất với trước khi bị tác động, dù là thông qua việc trồng rừng tự nhiên hay đưa vào khuôn khổ các khu vực rừng quốc gia. Những loài cây thân gỗ, cây bụi, và cỏ thích hợp sẽ được lựa chọn và trồng tùy theo đặc tính đất của từng vùng và khu vực. Một hệ thống chấm thang điểm của độ phủ xanh và tuổi rừng (ví dụ Natural Habitat Scoring) cũng sẽ được thiết lập để phục vụ chon nhu cầu này.
Thứ ba, chúng ta phải quả quyết luật hóa những khuyến nghị và xu hướng tiến bộ của thế giới: ví dụ các tiêu chuẩn môi trường và xã hội yêu cầu các hoạt động xây dựng và công nghiệp không được gây suy giảm về sinh khối tự nhiên, hoặc phải đạt tăng trưởng dương về sinh khối. Chúng ta sẽ quả quyết rằng các dự án phát triển tại Việt Nam không những không được phá thêm rừng mà còn phải tham gia vào kế hoạch phục hồi và tái tạo rừng – như một phần của kế hoạch tái thiết quốc gia mà Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai để cập.
Điều cần lưu ý, phục hồi và tái tạo cũng bao gồm cả phục hồi và tái tạo dòng chảy tự nhiên, nghĩa là chúng ta sẽ rà soát và gỡ bỏ các dự án thủy điện. Trong phạm vi phát triển nông thôn và quy hoạch đô thị, chúng ta cũng sẽ tránh tình trạng ngăn chặn dòng chảy (damming) ở mức độ vi mô hơn, như việc đặt những đường ống băng đường nhỏ hơn so với dòng chảy không đúng kỹ thuật tạo ra xói mòn, hoặc chặn đứng đường đi của dòng chảy.
Một cứu cánh cho Đồng Bằng Sông Cửu Long
Tôi không phải là một chuyên gia lớn, và cũng không có quá nhiều kiến thức về điều kiện tự nhiên và sinh thái ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hay Tây Nam Bộ và Nam Phần Việt Nam. Nhưng những gì tôi biết cũng là những gì chúng ta biết, và chúng ta cũng đồng ý với nhau là những rủi ro đang tiến đến ngày càng rõ rệt. Đây là một vùng đồng bằng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa và nước ngầm (trong đó nước ngầm cũng được bổ sung từ nước mưa). Tuy nhiên, nghịch lý là khu vực này vẫn duy trì các hoạt động thâm canh, điển hình là canh tác lúa nước—một hình thức sản xuất đòi hỏi lượng lớn nước ngọt, phân bón và thuốc trừ sâu, gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều vùng nuôi trồng thủy sản cũng vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nước ngọt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng nước ngọt đã trở nên nghiêm trọng, khiến hàng ngàn hộ dân phải di chuyển hàng trăm cây số để tìm kiếm nước sinh hoạt. Chính quyền cũng có dự định xây dựng kênh đào để cứu vãn thực trạng này và một phần ưu tư cho việc xây dựng các công trình thủy lợi như hồ chứa. Tuy nhiên, chắc chắn rằng khu vực Nam phần của Việt Nam sẽ dần phải giảm dần sự phụ thuộc vào nông nghiệp để cứu vãn tình hình, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang công nghiệp và dịch vụ. Đây là một sự chuyển dịch đầy thách thức và bấp bênh trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao. Quan trọng hơn, đất nước chúng ta vẫn chưa có một nền dân chủ thực sự.

Kế hoạch khôi phục và tái tạo rừng tất nhiên cũng bao gồm rừng ngập mặt, kết hợp với những công trình đê điều, những rào cản giảm sức sóng gây xói mòn bờ và bảo vệ hệ sinh thái bờ cát, bồi đắp phù sa tự nhiên. Tuy vậy, một vấn đề quan trọng nhất chúng ta cần phải làm là gỡ bỏ các đập thủy điện trải dài từ miền Nam Trung Quốc, thượng nguồn Bắc Lào kéo dài qua Cambodia và Nam Phần Việt Nam. Đồng thời các nước ASEAN lục địa cùng Trung Quốc sẽ phải làm việc với nhau để quản lý nguồn nước xuyên quốc gia. Tất nhiên, hiện giờ Trung Quốc đang hiện diện như một mối nguy về an ninh và chủ quyền cho từng quốc gia. Thực tế đã cho thấy Ủy hội Sông Mekong đã không có một vai trò đáng kể nào để giải quyết vấn đề dòng sông Mekong và tình trạng bi đát của Nam Phần Việt Nam. Nhưng hãy thử tưởng tượng một bối cảnh Việt Nam dân chủ hóa, và có thể Lào và Cambodia cũng có một mức độ dân chủ tương đối. Trung Quốc sẽ bị bủa vây với một khối dân chủ Đông Á bao gồm Nhật, Hàn, và Đài Loan; cùng một khối dân chủ Đông Nam Á đang lên. Họ sẽ bị buộc phải đưa ra những sự nhượng bộ, đặc biệt là trong tình trạng khủng hoảng và túng quẫn khi đế chế Trung Hoa sắp sụp đổ. Dân chủ hóa thực tế là một nhu cầu cấp bách mang tính địa chính trị để đem đến một khối lượng sức ép đủ lớn để buộc Trung Quốc phải quay trở lại đàm phán vấn đề sông Mekong. Và chúng ta cũng đừng quên rằng, không chỉ những người dân tại Tây Nam Bộ đang cần một tương lai đó. Những người Việt (không được nhìn nhận quốc tịch) sống quanh khu vực biển Hồ, và những người dân hai nước Việt Nam – Cambodia đang phụ thuộc vào nguồn sinh kế, nguồn cá tôm vốn đã từng rất dồi dào, giờ trở nên cạn kiệt vì sự suy tàn của sông Mekong do các con đập thủy điện; cũng đang cần một tương lai dân chủ hóa.
Trong một tinh thần, chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho một bối cảnh mới của đất nước. Chúng ta cần đặt mối quan tâm về môi trường và biến đổi khí hậu lên hàng đầu. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc bảo vệ môi trường sẽ không thể đạt được nếu không có quá trình dân chủ hóa, cùng với các chính sách phù hợp và những cố gắng lành mạnh. Những nhà đấu tranh môi trường có thể rất đáng kính và dũng cảm, nhưng họ dần bị mất nội hàm vì họ chưa đủ quả quyết để lựa chọn một dự án chính trị nêu cao nhu cầu bảo vệ và phục hồi môi trường. Đấu tranh bảo vệ môi trường đôi khi cũng là đấu tranh để đề cao một ý thức bảo vệ môi trường. Nhưng ý thức bảo vệ môi trường là một ý thức quốc gia. Người ta cảm thấy cần bảo vệ môi trường vì chúng ta yêu thương nhau và muốn đồng bào mình đều có một sức khỏe tốt và một không gian đáng sống. Với 42 từ “môi trường” và 7 từ “môi sinh” được nêu ra trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị gần như đầu tiên của Việt Nam, và thậm chí là đầu tiên trong khu vực, đã đấu tranh một cách bài bản nhất để bảo vệ môi trường, và coi tái tạo môi trường là một phần của kế hoạch phục hưng dân nước ngay từ khi chúng tôi chỉ là một lực lượng đối lập.
Đó sẽ là nền tảng và ngôn ngữ chung để người dân Việt Nam cũng như thế giới tin tưởng rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn đứng về lẽ phải, giữ vững các cam kết và theo đuổi những giá trị tiến bộ. Tuổi 43 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không chỉ đánh dấu sự trưởng thành về tư tưởng mà còn là sự tiếp nối của những giá trị mà chúng tôi đã không ngừng vun đắp.
Tô Lâm và đảng Cộng Sản Việt Nam đã được biến đến như một chính đảng phá hoại môi trường và hủy hoại đất nước Việt Nam. Nhưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ ngày càng chứng tỏ là một lực lượng có giải pháp tái thiết môi trường và phục hưng lại đất nước. Nhưng, ngày hôm nay khi đã phá nát đất nước Việt Nam và khiến đất nước tan vỡ, đảng CSVN không thể tiếp tục phá thêm những hạt mầm mà chúng tôi đã ngày đêm gieo trồng. Những người Việt yêu nước và những người cộng sản còn lý chí cần phải nâng niu và bảo về những hạt mầm đó. Để mầm non mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gieo lên sẽ lớn dần bén rễ và trưởng thành. Một trong những hạt mần đó là hạt mầm của tinh thần hòa giải dân tộc.
Chu Tuấn Anh
(25/03/2025)