Việt Nam được gì, mất gì với kết nối đường sắt Việt-Trung ? (Phạm Trần)

 Việt Nam và Trung Quốc đã ký 14 văn kiện hợp tác an ninh chính trị, kinh tế - thương mại và văn hóa - báo chí trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng bí thư Tô Lâm từ ngày 18 đến 20/08/2024.

kyket

Hai ông Tô Lâm và Tập Cận Bình chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Trong số này, Văn kiện kết nối và thiết lập 3 tuyến đường sắt giữa hai nước được gọi là "anh em" đã giúp Trung Quốc liên thông ra Biển Đông và bành trướng thế lực kinh tế.

Chi tiết các tuyến đường này như sau :

1. Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Báo của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam viết : "Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường rộng 1,435 m, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Dự án dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km ; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng ; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130 km, 25 hầm dài 25 km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày".

2. Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng

Bài của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cho biết : "Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).

Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội) có chiều dài toàn tuyến khoảng 167 km và 21 ga trên toàn tuyến ; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là vô cùng cấp thiết.

3. Tuyến Hạ Long – Móng Cái – Hải Phòng

Theo thông tin của báo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì : "Tuyến đường sắt này hứa hẹn góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Trong đó, thành phố Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung". 

Thấy gì qua ba tuyến đường sắt này ?

Trên lý thuyết thì hàng hóa và hành khách hai nước sẽ được vận chuyển trên 3 tuyến đường này. Nhưng về chiến lược quốc phòng thì 3 tuyến đường sắt sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn Việt Nam trong trường hợp hai nước có chiến tranh. Trung Quốc cũng sẽ xuống vùng Đông Nam Á mau hơn nhờ vào 3 đường sắt quan trọng này.

Từ cảng Quảng Ninh, tầu bè Trung Quốc có thể chuyên chở hàng hóa của Trung Quốc ra thế giới qua Biển Đông và ngược lại. Từ lâu cảng Quảng Ninh được coi là cửa ngõ xuất-nhập cảng của miền Bắc Việt Nam.

Tuyến Hà Nội-Đồng Đăng nối liền với miền Nam Trung Quốc qua ngả Bằng Tường-Quảng Tây, tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979, quân Trung Hoa đã tấn công vào Lạng Sơn và Cao Bằng gây thiệt hại nặng về người và của cho Việt Nam.

Về tuyến thứ ba, Hạ Long – Móng Cái – Hải Phòng luôn luôn được coi là các bến cảng có giá trị chiến lược quân sự và kinh tế quan trọng cho Việt Nam ở miền Bắc. Bây giờ, sau chuyến đi Bắc Kinh của ông Tô Lâm, Trung Quốc đã có cửa ngõ thứ hai cho xuất khẩu và nhập khẩu dành cho miền Nam Trung Hoa, vốn không có đường ra biển.

Biển Đông ở đâu ?

Đáng chú ý là trong chuyến thăm Bắc Kinh có vẻ như "vội vã" của ông Tô Lâm ngày 18/8/2024), chỉ 15 ngày sau khi lên chức Tổng bí thư, không thấy hai bên nhắc gì tới vấn đề Biển Đông. Báo chí Việt Nam và Trung Quốc cũng không loan tin vấn đề Biển Đông liệu có được thảo luận trong cuộc gặp mặt này hay không.

Không nhắc tới Biển Đông không có nghĩa vùng biển này đã có yên bình, hay hai nước Việt-Trung đã đồng ý "gác sang một bên". Cho đến nay Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố "chủ quyền trên toàn bộ vùng nước và đá, đảo" ở Biển Đông rộng hơn 3 triệu cây số vuông.

Cá nhân ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từng ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Tuy nhiên trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12/2023, ông Tập Cận Bình đã cam kết trong tuyên bố chung 6 phương hướng hợp tác lớn (6 hơn) gồm : "Tin cậy chính trị cao hơn ; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn ; hợp tác thực chất sâu sắc hơn ; nền tảng xã hội vững chắc hơn ; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn ; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Các phương hướng này có mối quan hệ biện chứng, tác động và hỗ trợ, bổ sung cho nhau, trong đó, việc thúc đẩy tin cậy chính trị cao hơn là nền tảng".

Vào thời gian đó, theo lời ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì : "Tin cậy chính trị hơn được xếp ở vị trí đầu tiên trong 6 phương hướng hợp tác lớn mà hai bên khẳng định trong Tuyên bố chung".

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên cũng hứa "tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuyệt đối không nổ súng trên Biển Đông".

Chung vận mệnh

Vậy chuyến thăm Bắc Kinh chỉ 15 ngày sau khi nhận chức Tổng bí thư của ông Tô Lâm (3/8/2024) có gì đặc biệt hơn các chuyến thăm Trung Quốc của các tổng bí thư tiền nhiệm, nhất là của ông Nguyễn Phú Trọng ?

Căn cứ theo tin chính thức thì không có gì khác thường. Theo lời Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn thì chuyến đi của ông Tô Lâm nhằm : "Thống nhất về những phương hướng, biện pháp lớn nhằm xây dựng hiệu quả Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng "6 hơn" đã được hai bên nhất trí ; trọng tâm là tiếp tục triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết ; đưa hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như kết nối đường sắt, thương mại nông sản, đầu tư chất lượng cao, tài chính tiền tệ, văn hóa-du lịch, giao lưu nhân dân".

Báo Chính phủ Việt Nam cũng cho biết, trong phát biểu khi tiếp ông Tô Lâm, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh : "Chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao và ưu tiên hàng đầu của hai đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cho rằng đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện".

Ông Tập Cận Bình khẳng định : "Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc ; ủng hộ Việt Nam kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Về phần mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định : "Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc ; khẳng định mong muốn cùng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kế thừa và phát huy tốt truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai đảng, hai nước, định hướng quan hệ Việt - Trung bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài".

Nhưng cam kết của hai Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt-Trung không có nghĩa Việt Nam đã xa cách Mỹ trong tương quan ngoại giao quốc tế. Ông Tô Lâm dự kiến sẽ di Mỹ dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/2024 và sẽ gặp Tổng thống Joe Biden.

Phạm Trần

(20/08/2024)