Chiêu bài mị dân mới : vẽ cờ lên mái nhà và dùng dân trị dân (RFA tiếng Việt)

 Ý kiến quanh việc vẽ cờ lên mái nhà là thể hiện lòng yêu nước

RFA, 19/08/2024

Theo truyền thông nhà nước, việc nhiều bạn trẻ vẽ lá cờ đỏ sao vàng trên tường và mái nhà, cửa sổ rồi đăng tải lên mạng xã hội đã tạo nên một trào lưu thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước.

veco1

Một người dân đã hoàn thành lá cờ Tổ quốc trên mái của mình

Trong khi đó, cũng là thể hiện lòng yêu nước, nhưng nhiều người đã thể hiện bằng cách biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo ; phản đối Formosa hủy hoại môi trường ; phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm… thì lại bị bắt, bị bỏ tù.

Làm sao mới gọi là yêu nước ?

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông với RFA về việc bày tỏ lòng yêu nước bằng cách vẽ cờ lên mái nhà :

"Đây là quan niệm của Nhà nước, của Ban tuyên giáo, của chế độ, của bộ máy tuyên truyền mà thôi, chứ lòng yêu nước không phải thể hiện bằng cách sơn thật nhiều lá cờ lên mái nhà. Có thể mói đó là hiểu biết rất nông cạn, phiến diện và không đúng chút nào.

Thể hiện lòng yêu nước chân chính và thật sự là phải băn khoăn, trăn trở sao đất nước vẫn còn tụt hậu. Mấy chục năm mở cửa mà vẫn còn đì đẹt, kinh tế yếu kém. Các quyền con người vẫn còn chưa được tôn trọng, chưa được tự do. Khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn chủ quyền biển đảo mà người dân đứng lên biểu tình thì bị bắt bị đánh đập…

Yêu nước là phải thấy đau xót trước tình cảnh thất nghiệp nhiều, bất công xã hội còn nhiều, oan trái trong xã hội còn chồng chất và phải đi tìm nguyên nhân vì sao. Thế mới gọi là yêu nước !".

Theo nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, nhà nước không khuyến khích người dân yêu nước bằng cách đòi hỏi tự do, dân chủ để phát triển đất nước, vì cách này ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Đó cũng là lý do tại các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, Việt Nam Thời báo, Nhật ký yêu nước…, đã bị bắt, bị kết án tù vì thể hiện lòng yêu nước bằng cách cổ vũ cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Những phiên tòa như thế, qua góc nhìn nhận của các nhà phân tích tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng "đó là những phiên tòa kết tội lòng yêu nước" (?!).

Đáng lo ngại

Nhà quan sát tình hình chính trị trong nước, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, xu hướng sơn cờ đỏ lên mái nhà là điều đáng lo ngại, nhất là khi chế độ coi đây là động thái yêu nước. Ông Mạnh phân tích :

"Phải chăng chế độ chưa thấy hết những tác hại lâu dài của nó đối với xã hội ? Khách quan, sự cổ võ thái quá cho những giá trị thuộc về biểu tượng của chế độ (như cờ đỏ) đều là sự biểu hiện cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trong đó, bao hàm tư tưởng dân tộc hẹp hòi, gây chia rẽ, kích động thù hằn dân tộc trong nội bộ các quốc gia và cũng là tiền đề có khả năng gây bất ổn, tạo nguy cơ xung đột, nội chiến hoặc chiến tranh trên bình diện quốc tế. Thậm chí, điều đó vẫn không nên cổ võ kể cả khi dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể, đáng hãnh diện đúng như khẩu hiệu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". 

Thế nhưng, khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu, là những giá trị mà chế độ mong muốn xây dựng mà thôi, nó chưa phải là những giá trị đã xây dựng thành tựu. Trong bối cảnh đó, khi đất nước, dân tộc không có điều gì đáng hãnh diện ngoài sự tan hoang, thì sự cổ võ cho những biểu tượng của chế độ là để làm gì? Chúng không hề mang đến ích lợi gì cho đất nước trong giai đoạn hiện nay cả ngoài sự tiềm tàng của những bất ổn". 

Nhìn về nước Đức, vị luật sư này phân tích thêm rằng, những thành tựu vượt bật về khoa học kỹ thuật của nước Đức trong thập kỷ ba mươi thế kỷ trước cũng trở thành đống đổ nát khi chính quyền Đức theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, huống chi Việt Nam bây giờ vẫn còn là một đất nước nghèo nàn, tụt hậu về mọi phương diện. Luật sư Mạnh kết luận :

"Sự hòa hợp, hòa giải giữa người Việt khác chính kiến vẫn là nan đề chưa từng giải quyết được sau cả nửa thế kỷ. Tôi nghĩ chế độ trong nước nên có biện pháp cấm đoán ngay xu hướng tai hại này vì lợi ích lâu dài của đất nước, của dân tộc".

Trong khi những nhà đấu tranh, nhà hoạt động coi việc lên tiếng phản biện là yêu nước, chỉ ra những sai lầm trong việc điều hành đất nước nhằm góp phần phát triển đất nước là yêu nước, thì phía nhà nước lại coi đây là những người lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và kết án họ theo Điều 331. Mới đây là trường hợp ông Nguyễn Chí Tuyến.

Đánh tráo khái niệm

Nhà hoạt động Trần Anh Quân ở Sài Gòn cho rằng, lòng yêu nước được hiểu là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc với đất nước và tinh thần trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông nói với RFA :

"Vẽ cờ lên mái nhà, tường nhà để gọi là yêu nước nó cũng giống như lên mạng khoe cha mẹ mùa vu lan để câu like, mà lại không hiếu thuận hiếu thảo với cha mẹ ở nhà. Tôi nghĩ, yêu nước là phải nỗ lực hành động. Không phải cứ khoác chiếc áo màu cờ, tự hào mình là người Việt Nam mà lại sống vô văn hóa, vô ý thức, nói xấu những nước tiên tiến, thiếu trách nhiệm với quê hương đất nước. Như thế chỉ càng làm hình ảnh người Việt xấu xí trong mắt quốc tế.

Còn việc người dân xuống đường phản đối Trung Quốc, bày tỏ lòng yêu nước mà bị bắt bớ thì đó là chuyện quản lý xã hội của nhà nước. Đảng cộng sản đã đánh tráo khái niệm yêu nước với yêu đảng. Họ thuần phục Trung Quốc nên bắt dân kính trọng kẻ thù. Người dân yêu nước, đem lá cờ đi biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn bị bắt như thường. Nghịch lý chỗ đó".

Trao đổi với báo chí Nhà nước, Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, việc sơn cờ tổ quốc là một hành động thể hiện tình yêu nước của người dân với nhiều mặt tích cực. Đây có thể là cách bày tỏ tình cảm yêu nước, tạo ra sự đoàn kết trong cộng đồng và nhắc nhở mọi người về giá trị quốc gia và lòng tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hoài Sơn, việc sơn cờ không cẩn thận có thể bị coi là thiếu tôn trọng, đặc biệt khi hình cờ tổ quốc bị phai màu, bẩn hoặc hư hại theo thời gian.

Nguồn : RFA, 19/08/2024

*****************************

Chiêu ‘dùng dân trị dân’ đang được áp dụng triệt để ?

RFA, 19/08/2024

Báo Nhà nước thời gian qua thường dùng cụm từ ‘người dân yêu cầu’ ‘cư dân mạng mong muốn’… khi nói đến việc đội ngũ công an nhân dân tại các địa phương "ra tay" giải quyết một sự việc bị cho là sai phạm, vi phạm quy định, pháp luật.

veco2

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP

Mới đây, vào ngày 18/8/2024, truyền thông Nhà nước đồng loạt loan tin việc một người nổi tiếng chế lời quốc ca. Không ít báo giật tít như:  "Người nổi tiếng chế lời Quốc ca, cư dân mạng mong muốn công an vào cuộc"… "Hành vi bỡn cợt, chế lời Quốc ca của một phụ nữ đang gây xôn xao mạng xã hội, nhiều người mong muốn công an vào cuộc". Với những tiêu đề kiểu như vậy, một số nhà quan sát tình hình chính trị cho rằng, đó chẳng qua là "chiêu thức" của các cơ quan chức năng trong việc dụng "dân để trị dân".

Giả dân trị dân ?

Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 19/8/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :

"Theo tôi, những người chỉ trích việc chế lời quốc ca đa số không phải là dân, mà là lực lượng dư luận viên của đảng cộng sản. Cho nên đây là việc "giả dân" để trị dân thì đúng hơn là dùng dân trị dân. Nhà nước có hàng chục ngàn dư luận viên, nên họ có thể tạo ra một làn sóng phẫn nộ để bài trừ, tẩy chay hoặc phong sát bất kỳ người nổi tiếng nào mà họ muốn. Những dư luận viên đông đúc đó sẽ có các bài viết "chim mồi" để thao túng tâm lý người dân, khiến dân chúng cứ ngỡ là cả xã hội đang có chung một quan điểm và dân phải đi theo quan điểm chung đó".

Theo ông Trần Anh Quân, khi một ai đó đi lệch quan điểm chung, hoặc làm những điều ngược ý đảng cầm quyền, thì cũng chính lực lượng ‘giả dân’ này sẽ lừa mị đám đông người dân để xử lý những người họ muốn. Ông Quân nói tiếp :

"Trước mắt thì chỉ là tìm cách phong sát những người nổi tiếng. Nhưng về lâu dài thì sẽ khiến Việt Nam tràn ngập tin giả, một chiều có lợi cho nhà cầm quyền. Từ đó bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Hoặc khi ai đó phản biện lại các chính sách không phù hợp của Nhà nước thì sẽ bị "tế sống", bị bôi nhọ... Như vậy càng ngày Việt Nam sẽ càng tụt hậu vì không ai dám lên tiếng chống lại bất công thì xã hội sẽ càng ngày càng nhiều bất công hơn, mà xã hội nhiều bất công thì rất dễ bùng nổ xung đột giữa các bên".

Cũng trong ngày 18/8/2024, khi đưa tin về việc một người ghép ảnh mặc trang phục công an để câu ‘view’ bị phạt 7,5 triệu đồng, báo nhà nước cũng dẫn kêu gọi của Công an Thành phố Hội An khuyến cáo người dân tích cực phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật để góp phần định hướng dư luận, ‘làm sạch’ nguồn thông tin trên môi trường mạng.

Một người dân ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 19/8 khi trả lời RFA cho rằng Nhà nước Việt Nam dù không ban hành chính sách cụ thể, nhưng rõ ràng vẫn đang ngấm ngầm ‘dùng dân trị dân’ :

"Trong thực tế thì có ngấm ngầm diễn ra việc ‘chỉ điểm’ đối với một đối tượng hay thành phần nào đó có hành vi chống đối Nhà nước. Cộng đồng mạng thì nhiều thành phần lắm và trong đó có cả công an chìm, mật vụ. Số này sẽ là người theo dõi, giúp cơ quan an ninh phát hiện các phần tử vi phạm pháp luật, chẳng hạn tội phạm buôn bán ma túy, hay có hành vi liên quan đến trật tự trị an. Chính vì vậy mà trong thực tiễn tổ chức Mặt trận tổ quốc Việt Nam có chủ trương ‘Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh tổ quốc’ ở các cấp phường, xã, huyện… Vì những vấn đề nói trên, ‘dùng dân để trị’ thì phải hiểu như vậy !".

Tâm lý bình thường ?

Với việc ‘chế lời’ bài Quốc ca của một người nổi tiếng mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu - Ban dân Vận Trung ương, nhận định với RFA hôm 19/8/2024 rằng :

"Hiện nay là thời điểm mà cái nhân tâm trong nước và ngoài nước của người Việt rất phân tâm. Nó phát triển rất tự nhiên do tình hình chính trị mấy chục năm qua tạo nên sự phân tâm ấy. Những giá trị trước đây coi là thiêng liêng, thì bây giờ người ta không coi là thiêng liêng nữa. Nhiều nhân vật trước đây người ta sùng kính, bây giờ người ta thấy cũng rất tầm thường. Đây là một tâm trạng có thật trong xã hội hiện nay. Cho nên những chế giễu quốc ca… nằm trong tình hình ấy".

Cái giễu cợt này nằm trong tinh thần Việt Nam, phải cười cợt như thế mà sống qua ngày đoạn tháng với đói nghèo, khổ sở với bất an… Thành ra phải tìm tới giải pháp hài hước để mà sống cho qua ngày… Những giai đoạn bi thương nhất người ta buộc phải như thế.

-Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, đó là do có tình trạng tinh thần bất an, không tin tưởng, không mong đợi gì tử tế… Ông Mai cho rằng đó là tâm lý phản ánh thực trạng xã hội hiện nay :

"Còn việc chế giễu quốc ca đã có từ năm 1945, lúc bấy giờ tôi nhớ người ta biến bài Tiến Quân Ca của Văn Cao thành một bài chế diễu quân tàu ô: ‘Đoàn quân tàu đi… sao mà ốm thế…’v.v.. Cái giễu cợt này nằm trong tinh thần Việt Nam, phải cười cợt như thế mà sống qua ngày đoạn tháng với đói nghèo, khổ sở với bất an… Thành ra phải tìm tới giải pháp hài hước để mà sống cho qua ngày… Những giai đoạn bi thương nhất người ta buộc phải như thế".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng, đó là một tâm lý cũng bình thường trong xã hội Việt.

Một nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 16/8/2024 khi trả lời RFA về đề tài liên quan đến việc quản lý nhà nước, cho rằng, chiêu ‘dùng dân trị dân’ bề ngoài sẽ làm cho có vẻ là xã hội yên ắng, nhưng thật ra đó là một xã hội ù lì và một xã hội đang liệm dần. Bởi vì "chính sách" dùng dân trị dân nguy hại của nó là phá nát nhân tâm, từng người dân có quyền theo dõi nhau, rình mò nhau... ngay trong gia đình, nhóm bạn, hàng xóm, đồng nghiệp.... Chính vì vậy có thể nói nó len lõi vào trong những cái tế bào quan trọng của xã hội, và ai cũng trở nên rình mò lẫn nhau để đạt được những lợi ích cho cá nhân.

Nguồn : RFA, 19/08/2024