Khi dân chủ hóa trở thành một lựa chọn của thực tế (Viễn Dương)
Chế độ đang đối mặt với sự cô lập không phải vì thế giới dân chủ chủ động cô lập họ, mà chính họ đã không lựa chọn “hội nhập”. Chế độ cộng sản không nên quên rằng những thành tích kinh tế mà họ có được trong một giai đoạn là nhờ sự hội nhập với kinh tế thế giới.
Cuộc phản kháng cuối cùng của các chế độ độc tài
Những lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay thực sự hết sức thiển cận nếu họ vẫn còn nuôi bất cứ hy vọng nào vào tương lai của chế độ. Một làn sóng dân chủ hóa toàn diện đang kéo đến và sẽ quét đi phần lớn các chế độ độc tài còn sót lại trong một tương lai rất gần.
Vào thời điểm cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar năm 2021, tôi từng chủ quan khi cho rằng phe quân đội sẽ không đưa ra quyết định đàn áp những người biểu tình trên khắp các đường phố Yangon và Mandalay. Chỉ một vài ngày sau đó, một cuộc tắm máu trên đường phố đã xảy ra khi quân đội hạ lệnh xả súng tàn sát những người biểu tình. Chỉ đúng một năm sau đó, Nga đã lấy quyết định tiến hành một cuộc xâm lược vũ trang man rợ vào lãnh thổ Ukraine, một nước độc lập và có chủ quyền. Hàng loạt giao tranh mang tính sắc tộc đã diễn ra kể từ năm 2021, như xung đột biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, những leo thang giữa người Palestine và Israel... Những chuỗi sự kiện không đi theo tuyến tính dân chủ khiến nhiều người ngộ nhận rằng làn sóng dân chủ còn quá xa vời, bởi vì các chế độ độc tài vẫn có thể tự do dùng bạo lực để đàn áp đồng bào của mình, hoặc một quốc gia lân bang có quyền đem quân xâm chiếm một nước hàng xóm, hay các cuộc chiến xung đột sắc tộc vẫn diễn ra cho thấy những ý thức hệ cũ vẫn chưa hoàn toàn bị đánh bại.
Khi quân đội Tamadaw ra lệnh đàn áp quần chúng ra đường phản đối đảo chính quân sự tại Myanmar, thế giới hầu như đã không có một hành động can thiệp cụ thể nào ngoài một số cấm vận và phản đối. Nga đem quân xâm lược Ukraine, một nước đang tiến về quỹ đạo dân chủ và dần trở thành một đồng minh thân cận của phương Tây. Tuy nhiên, ban đầu NATO và Hoa Kỳ cũng phản ứng một cách yếu ớt, những tiếp viện quân sự cũng chỉ đến khi chính quyền Ukraine phá tan ảo tưởng chiếm đóng Ukraine trong một thời gian chớp nhoáng của Kremlin. Trong cả hai sự kiện trên (đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga), người ta thấy rõ được những sự bối rối của các chính quyền dân chủ phương Tây. Dân chủ đã tỏ ra bối rối là điều có thực, tuy nhiên những chế độ độc tài cũng không hề mạnh như chúng ta tưởng.
Chế độ Nga đã thất bại trong âm mưu tiêu diệt nền dân chủ Ukraine trong vài ngày. Họ đã sa lầy trên chiến trường và tự đưa mình vào một tình trạng bị cô lập, cấm vận, với nền kinh tế hoàn toàn kiệt quệ. Điều duy nhất Nga đã thành công trong cuộc chiến này là đưa EU (Liên Minh Châu Âu) và thế giới dân chủ đoàn kết lại với nhau trên những giá trị chung để đối mặt với rủi ro chưa từng có, đó là sự trở lại của chiến tranh và xung đột trên lục địa sau gần 80 năm thế chiến thứ hai kết thúc và 35 năm kết thúc chiến tranh lạnh.
Những hiện tượng dân túy và phân cực ở thế giới dân chủ và đặc biệt là Hoa Kỳ đã làm người ta thấy được những khuyết điểm chí mạng trong các chế độ dân chủ, nhưng mặt khác Ukraine lại chứng tỏ dân chủ không yếu như người ta tưởng. Ukraine là một chế độ dân chủ không hoàn hảo, họ vẫn còn phải đi một chặng đường dài để hội nhập vào Liên Minh Châu Âu nhưng thể chế đó đã có khả năng đoàn kết một dân tộc kháng chiến và chống lại một nước lớn trong những thời điểm khó khăn với nguồn lực hạn chế.
Trong khi chế độ Tatmadaw tại Myanmar cũng không có gì khá hơn. Nếu Nga đã phải đối đầu với cả thế giới phương Tây thì chế độ quân phiệt Myanmar không gặp phải nhiều áp lực trực tiếp. Nhưng họ đã thua trước lực lượng kháng chiến và sự tự vệ của các sắc tộc ngay cả trong địa hạt quân sự. Để rồi những kẻ mang ý thức hệ độc tài cũ kỹ phải nhận ra thời đại của họ đã chấm dứt và họ không còn thể cai trị một đất nước thuần túy bằng bạo lực và thiếu vắng sự đồng thuận của đa số quần chúng và tập hợp các sắc tộc thiểu số. Trong khi Myanmar còn một chặng đường dài và gian nan để xây dựng một mô hình liên bang, tản quyền để mọi sắc tộc có chỗ đứng ngang nhau thì ngay từ bây giờ những gì đang diễn ra tại đây đã trực tiếp phản bác những ý nghĩ cho rằng còn có thể đoàn kết một dân tộc dựa trên bạo lực và ý chí của một thiểu số.
Lãnh đạo chế độ cộng sản Việt Nam cần hiểu rằng mọi phản kháng để đảo ngược tiến trình dân chủ hóa đất nước chỉ là những cố gắng vô ích và có thể đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho chính đất nước và bản thân họ. Những người như Putin và Ming Aung Hlaing sẽ phải chịu những kết cục không mấy tốt đẹp vì họ đã chọn phản kháng thay vì là tác nhân của lịch sử.
Những cuộc xung đột giữa hai dân tộc cũng không phản ánh sự đảo ngược của làn sóng dân chủ hóa. Trái lại, lần này thế giới dân chủ tuy không nhìn nhận Hamas, nhưng đã lấy quyết định lên án Israel vì những hành xử ngạo ngược bất chấp lập pháp quốc tế. Mặt khác, nó đặt ra việc dân chủ hóa các nước còn lại là một điều tất yếu để chấm dứt mọi rủi ro về xung đột trên thế giới, bao gồm rủi ro về chiến tranh hạt nhân.
Đảng cộng sản Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên ban lãnh đạo đảng đã lấy quyết định cột chặt số phận của họ và dân tộc Việt Nam vào với chế độ cộng sản Trung Quốc, một chế độ đang trên tiến trình sụp đổ.
Đảng cộng sản thất bại hoàn toàn trong lý luận thực tiễn
Trước đó, chế độ cộng sản Việt Nam đã mù quáng tin vào một niềm tin rằng chế độ cộng sản sẽ tồn tại nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng với đà phát triển nhanh. Đây là một lập luận đơn giản và dễ thuyết phục hơn cả và nó cho phép chế độ tránh phải trả lời những câu hỏi nền tảng về khả năng tồn tại của chế độ. Bất chấp việc chế độ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6.5% trong năm 2024 và trích dẫn những dự đoán của IMF, WB và ADB…phần lớn quần chúng đều nhận ra tình hình kinh tế Việt Nam đang trong một tình trạng rất khó khăn.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có nhiều bài viết phân tích sự phụ thuộc vào ngoại thương quá đáng của Việt Nam cũng như việc nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào sự bóc lột tài nguyên và bất động sản. Bên cạnh đó, tôi xin đưa ra một số góc nhìn về sự thay đổi trong phong trào toàn cầu hóa và tại sao chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không thể thích nghi trước những bối cảnh mới.
Chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam phần nào đã lớn mạnh lên nhờ phong trào toàn cầu hóa xô bồ, nó đã đưa các tập đoàn đa quốc gia đổ tiền của vào những nước có nhân công rẻ và những tiêu chuẩn dễ dãi về tuân thủ môi trường, quyền lao động và xã hội cũng như quyền con người. Phong trào toàn cầu hóa đã từng được ca ngợi như một hiện tượng đem đến sự hội nhập và phồn vinh cho các nước đang phát triển, tuy nhiên phong trào đó đã bị xét lại và hoàn toàn đổi hướng sau đại dịch Covid-19.
Liên Minh Châu Âu đã phải đưa ra nhiều luật để tăng cường đánh giá rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) với các nguồn đầu tư. Giới chính trị tại các nước dân chủ đều ý thức rằng họ phải kiểm soát các nguồn đầu tư đang trở thành những công cụ phục vụ cho các chế độ độc tài và tiếp sức cho các cộng nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Họ đều nhận thấy rằng trong khi kinh tế thị trường và tư bản đã là công cụ để thế giới trở nên phồn vinh thì thế giới dân chủ không được phép biến kinh tế thị trường và tư bản trở thành những bộ phận “chống lại dân chủ”, mà phải đưa vào đó những giá trị mới để đảm bảo đó là những công cụ phục vụ các chế độ dân chủ. Có lẽ làn sóng dân túy đã làm cho người ta đồng thuận trên những nguyên tắc căn bản: kinh tế thị trường và tư bản phải thích nghi với thể chế dân chủ, chứ không phải ngược lại và phong trào toàn cầu hóa và cố gắng hội nhập kinh tế thế giới phải đi sau phong trào dân chủ hóa, chứ không thể đặt toàn cầu hóa lên trước dân chủ hóa.
Liên Hợp Quốc và các định chế tài chính thế giới đã xây dựng ra nhiều nguyên tắc về tuân thủ quyền con người trong kinh doanh, các nguyên tắc tuân thủ về môi trường, xã hội, quyền lao động và quyền của người bản địa…Ban đầu chúng chỉ là những nguyên tắc mang tính tham khảo rồi dần trở thành những điều luật cơ bản và bắt buộc. Trong khi giới tài chính và các nhà đầu tư cũng dần từ bỏ những quyết định đầu tư mới vào các nước độc tài, phần vì họ nhìn thấy được sự quyết tâm thay đổi về hướng dân chủ của giới chính trị gia phương Tây, phần vì lý luận thực tiễn nhất với giới kinh doanh là phần lớn các chế độ độc tài còn sót lại đều có một tương lai ngắn hạn và không rõ rằng, mọi sự đầu tư dài hạn đều là những sự lựa chọn mạo hiểm. Càng ngày giới đầu tư sẽ ý thức được rằng mọi cố gắng cải tổ thế chế và luật pháp theo nghĩa hạn hẹp không đem lại đảm bảo cho nguồn vốn của họ, họ cần phải có sự đảm bảo tối thiếu là địa điểm đầu tư phải được lãnh đạo bởi một chính quyền có ý thức hệ dân chủ và là đồng minh của quốc gia mà họ chịu sự chế tài.
Phong trào toàn cầu hóa xô bồ đã chấm dứt và nhường chỗ cho các quyết định đầu tư, giao lưu về kinh tế dựa trên sự tương đồng về các giá trị dân chủ. Đó không phải là một viễn cảnh hay lập luận chủ quan mà được kết luận bởi Larry Fink, giám đốc điều hành quỹ đầu tư lớn nhất thế giới: BlackRock. Thực vậy, sự đầu tư bất chấp mọi chuẩn mực đã không còn là một lựa chọn thực tiễn, điển hình là việc các công ty đa quốc đang rời bỏ thị trường Trung Quốc. Ngay cả các nhà đầu tư của Trung Quốc (bao gồm tư nhân và chính quyền) đã đầu tư ồ ạt vào Lào, Cambodia, Trung Á và nhiều quốc gia độc tài hoặc chưa hoàn toàn chuyển hóa về dân chủ để rồi đặt tài sản của họ vào tình trạng rủi ro. Ngày nay Trung Quốc đang khủng hoảng và không thể đầu tư ồ ạt, họ càng gặp khó khăn hơn khi dự án ‘vành đai con đường’ và đầu tư hải ngoại đều trong tình trang thua lỗ và thất thoát.
Ngay cả những nước vốn dễ dàng trong đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ xét lại xu hướng đầu tư của mình vì những tiêu chuẩn chung đã được thể chế hóa trên hệ thống đầu tư quốc tế mà họ buộc phải tuân thủ, một phần vì những rủi ro rất cụ thể khi đầu tư tại các thế chế độc tài.
Chế độ cộng sản Việt Nam khi tuyên bố lâp trường “không chọn phe” thực tế là việc từ chối lựa chọn “dân chủ hóa”. Nhưng nếu kiên quyết không lựa chọn dân chủ hóa lúc này là tự mình loại bỏ việc có mặt trong một hệ thống toàn cầu hóa mới đang được hình thành và gây tổn hại lớn cho đất nước. Chế độ đang đối mặt với sự cô lập không phải vì thế giới dân chủ chủ động cô lập họ, mà chính họ đã không lựa chọn “hội nhập”. Chế độ cộng sản không nên quên rằng những thành tích kinh tế mà họ có được trong một giai đoạn là nhờ sự hội nhập với kinh tế thế giới.
Cần nhấn mạnh rằng trong bối cảnh chính trị hiện nay, dân chủ sẽ trực tiếp lãnh đạo và chi phối cách tổ chức kinh tế thế giới, các cải tổ hạn hẹp hoặc một vài ghi nhận về tăng trưởng trong quản trị, hệ thống công quyền được hiểu một cách hạn hẹp không còn là một giải pháp để hội nhập.
Mặt khác, chế độ cộng sản cần hiểu rằng ngay cả những chỉ số kinh tế đạt được một cách vụng về và tai hại bởi việc cố tăng đầu tư công. Các con số chỉ là vô nghĩa khi đa số quần chúng không còn khả năng thăng tiến trong xã hội vì phần lớn các huyết mạch kinh tế đã bị kiểm soát bởi những người nằm trong hệ thống của đảng cộng sản. Trước kia những người công nhân có thể chịu khổ cực và sinh hoạt thiếu thốn, sống trong chật chội vì họ tin rằng có một tương lai đang chờ đợi họ khi họ cố gắng. Nhưng khi niềm tin về tương lai đã biến mất, đối mặt với người lao động chỉ là những sự bi quan, khó khăn và tình trạng kiệt quệ thì sự phẫn nộ chỉ có thể ngày càng gia tăng.
Giai cấp trung lưu Việt Nam đã hưởng lợi rất lớn từ sự đi đêm và hợp tác với chế độ cộng sản, tuy nhiên giai đoạn đó đã kết thúc. Không chỉ giai cấp trung lưu mà ngay cả nhiều quan chức cấp cao của đảng cộng sản cũng bị thanh trừng.
Sự tan rã của một giai cấp
Có một sự thực khó có thể chối bỏ là phần lớn những người gia nhập đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không vì lý do ý thức hệ mà họ ý thức rõ ràng được những đặc quyền về kinh tế mà tấm thẻ đảng hay những mối quan hệ với chính quyền cộng sản mang lại. Trong một nền kinh tế mở cửa hạn chế và bị kiểm soát ngặt nghèo bởi chính quyền thì lựa chọn gia nhập đảng hoặc liên kết với một phe nhóm trong chế độ là cách duy nhất để họ tiếp cận những ưu đãi và cơ hội được phân bổ một cách bất bình đẳng. Họ dần dà đã trở thành một tầng lớp đặc quyền đặc lợi trong xã hội và tiếp tay cho chế độ. Tuy nhiên hệ thống sẽ sụp đổ vì luật chơi cũ không còn được duy trì.
Xã hội hiện đại đã không còn là một xã hội thiếu tính linh động và bó buộc lựa chọn con người. Bất chấp sự kiểm soát của chính quyền, việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài hoàn toàn vẫn có thể thực hiện được. Điều này được gia tốc bởi sự chấm dứt của nền kinh tế dựa trên ngoại thương, bất động sản và những cuộc đấu đá khốc liệt trong nội bộ chế độ mà ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Tỷ lệ nhập cư của Việt Nam vào Mỹ và Úc đều xếp hàng cao nhất dù không còn là một nước chiến tranh. Trong số đó cũng có một bộ phận lớn là những người trung lưu được hưởng đặc quyền đặc lợi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong xã hội Việt Nam. Câu hỏi là nếu chế độ cộng sản Việt nam thực sự còn một tương lai nào, tại sao người ta phải bỏ chạy? Nhiều người có thể tranh cãi rằng số lượng người bỏ chạy chỉ là một thiểu số, dù vậy không có sự bỏ chạy nào báo hiệu sự nghiêm trọng hơn sự...bỏ chạy, đầu hàng về mặt tinh thần.
Lực lượng công an Việt Nam đã trở thành môt lực lượng mạnh trong chế độ nhờ việc họ có vũ lực để trấn áp các phe nhóm, vì họ là “thanh gươm và lá chắn của chế độ”. Có lẽ họ đang thắng thế nhờ vào một cảm tưởng rằng họ có thể đoàn kết nội bộ - một điều mà họ thực tình không làm được. Họ dùng vũ lực để một phần triệt hạ những mầm mống lung lạc về chính trị trong và ngoài đảng, một phần để ngăn cản sự đào thoát của tầng lớp tư bản đỏ và cũng nhân danh đó để trừng trị những phe phái đối lập trong nội bộ đảng. Nhưng trong một thế giới ngày càng cởi mở và phóng khoáng hơn, chẳng một thế lực nào có thể kiểm soát được suy nghĩ của con người, trói buộc họ bằng bạo quyền, nên những cố gắng của lực lượng công an chỉ là những cố gắng vô ích. Mặt khác, họ ngày càng bị quần chúng tố giác và nhìn nhận như những người đã gây ra nhiều tội ác, oan sai trong xã hội và nhất là bị chính những người đồng chí của mình xem là kẻ thù. Họ không những không đoàn kết được nội bộ đảng cộng sản và xã hội cộng sản xung quanh nó mà còn tạo ra nhiều sự bất mãn và ghét bỏ. Trong thời đại chúng ta, những cố gắng đoàn kết dân tộc bằng cách thuyết phục, tìm kiếm đồng thuận có thể mất nhiều thời gian, nhưng một cố gắng tìm kiếm thống nhất bằng cách gia tăng bạo quyền chỉ là một ảo tưởng mà thôi.
Trong tương lai ngắn hạn, phe công an hay bất cứ một phe thủ cựu nào trong đảng lên cầm quyền thì điều đó chắc chắn sẽ không thể đảo ngược được một quá trình sụp đổ tự nhiên của một hệ thống được duy trì bởi những lợi ích kinh tế ngắn hạn và một ý thứ hệ gượng gạo không còn được một ai nhìn nhận. Chế độ cộng sản từ lâu đã coi quốc gia Việt Nam là của họ và hành xử như một lực lượng chiếm đóng. Và lần này họ sẽ phải cầm cự lại sự sụp đổ của một giai cấp, một “xã hội cộng sản” xung quanh họ dưới sự thờ ở của tuyệt đại người dân Việt Nam.
Một giải pháp mới cho dân tộc Việt Nam đã được Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên giới thiệu và đề nghị từ nhiều năm qua.
Một giải pháp cho dân tộc Việt Nam
Trước một cục diện như hiện tại, tất cả những gì người dân Việt Nam cần là một lực lượng quả quyết với các giá trị dân chủ tiến bộ để có thể đưa Việt Nam nhanh chóng chuyển tiếp về dân chủ và hòa nhập vào hệ sinh thái toàn cầu hóa mới đang được manh nha hình thành trên đống đổ nát của phong trào toàn cầu hóa cũ đã bị đào thải sau đại dịch Covid-19. Phải nhấn mạnh rằng, gia tốc quá trình dân chủ hóa và rút ngắn thời kỳ chuyển tiếp thành công về dân chủ là một hành động cứu nước và là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Mặt khác, những người trong “xã hội cộng sản” đang đào thoát và tẩu tán những tài sản mà đáng lẽ ra có thể được đảm bảo trong một xã hội dân chủ và sẽ được phát huy vào việc xây dựng lại đất nước Việt Nam. Những người này mặt khác cũng là những người đã tiếp tay dù là gián tiếp hay trực tiếp trong một hệ thống bất công gây ra những người dân oan và tàn phá môi sinh. Điều này cần một lực lượng một mặt có khả năng thuyết phục, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, một mặt đem lại cho cho ho một sự đảm bảo và nỗ lực hết sức hòa giải, hội nhập họ với quốc gia Việt Nam dân chủ.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có thể còn mỏng về lực lượng nhưng có lẽ chúng tôi là một thiểu số đã chuẩn bị để thực hiện những điều này như một phần tất yếu để sự chuyển tiếp về dân chủ hóa diễn ra trong thành công. Trước kia, nhiều người cấp tiến trong chế độ có thể ngần ngại ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì họ cho rằng những gì chúng tôi đấu tranh là những điều đẹp nhưng khá xa vời và bất khả thi. Tuy nhiên trước tình thế hiện tại đó là một lựa chọn cần thiết và bắt buộc phải thực hiện.
Mặt khác, nhiều người có thể nghĩ rằng giải pháp của Tập Hợp là một sự an toàn và là một lối thoát cho họ, điều này đúng nhưng chắc chắn họ cho rằng lựa chọn trốn chạy luôn là một lựa chọn an toàn. Việc lựa chọn ủng hộ một đại diện của dân chủ như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mặt khác đòi hỏi sự can đảm, tinh thần trách nhiệm, đôi khi là thiện chí mong muốn được tha thứ và nhìn nhận, với lòng yêu nước.
Lựa chọn ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một lựa chọn mang lại cho họ sự bình an, tự hào và sự kính trọng như những người đã góp phần khép lại một kỷ nguyên cũ của dân tộc để cùng hướng tới một tương lai mới với một chỗ đứng xứng đáng và sự tôn trọng phẩm giá, trên tinh thần đồng bào và tình anh em tìm lại trong nỗ lực hòa giải dân tộc thực lòng và kiên quyết.
Viễn Dương
(28/2/2024)