Đấu đá trong nội bộ Đảng : những người liên quan (Thu Phương)
Ông Mai Tiến Dũng là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Rất có thể vụ án này là nhắm tới ông Phúc. Hãy đợi mà xem, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm gì tiếp theo ?
Phan Văn Mãi đầu hàng, Phạm Minh Chính xua hùng binh chiến. Hậu chiến sẽ ra sao ?
Thu Phương, Thoibao.de, 17/03/2023
Đầu tư công là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua. Khả năng lãnh đạo yếu kém, cơ chế đầy lỗ hổng, bộ máy thì đầy tham nhũng, nên khó lòng mà khai thông được.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao quyết định cho ông Võ Thành Hạo và Phan Văn Mãi (bên trái) ngày 03/08/2019 - Ảnh minh họa
Đầu tư công là phần cốt lõi trong chính sách tài khóa, nó quyết định sức khỏe của nền kinh tế. Thành phố có nền kinh tế thành phố, tỉnh có nền kinh tế tỉnh, quốc gia có nền kinh kinh tế quốc gia. Nếu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố mà không khai thông được nguồn vốn đầu tư công, thì đấy là sự yếu kém đáng bị cách chức, bởi nó ảnh hưởng đến nền kinh tế của toàn tỉnh.
Sáng 1/2, trong một buổi Hội nghị Tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và sơ kết tình hình kinh tế – xã hội tháng 1, đề ra nhiệm vụ tháng 2/2023 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Ông Phan Văn Mãi đã nói rằng, ông ta tự hạ bậc thi đua vì giải ngân đầu tư công thấp.
"Tôi, chị Mai (bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Phó Giám đốc phụ trách đầu tư công, các trưởng ban lớn, người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân 0 đồng, sẽ không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2022. Với vai trò nêu gương của người đứng đầu, tôi xin tự hạ một bậc thi đua vì cũng có phần trách nhiệm trong vấn đề giải ngân đầu tư công không đạt chỉ tiêu đề ra".
Nghe thì nhẹ nhàng, nhưng thực ra, hậu quả của việc chỉ đạo yếu kém không khai thông dòng tiền đầu tư công là rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp nhận thầu sẽ lâm vào khó khăn và có thể bị phá sản, nguy hại hơn là nó có thể gây ra ảnh hưởng dây chuyền đối với nền kinh tế, bởi sự yếu kiếm của người đứng đầu bộ máy Chính quyền thành phố.
Đầu tư công trong cơ chế rối rắm, không minh bạch của chế độ này hầu như rất khó để giải ngân hết. Câu nói này được xem như là lời thú nhận rằng, chính ông Mãi đã bất lực không hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Cũng về vấn đề đầu tư công, nhưng mà trên toàn quốc. Ngày 15/3, ông Phạm Minh Chính đã phân công 3 Phó Thủ tướng và hai Bộ trưởng thủ lĩnh dẫn 5 "mũi giáp công" đi đôn đốc giải ngân đầu tư công. Đây là vấn đề rất cấp bách, nó liên quan đến sức khỏe nền kinh tế.
Mũi số một do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng ; mũi số hai do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng ; mũi số 3 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng ; mũi số 4 do Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng ; mũi số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.
5 "mũi giáp công" này sẽ kiểm tra xem các dự án đầu tư công tại các tỉnh, các thành phố và các bộ bị kẹt nguồn vốn như thế nào ? Đây là khối lượng công việc rất lớn, được xem như là ngoài khả năng của 5 mũi giáp công này.
Được biết, với một đơn vị hành chính địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh mà ông Phan Văn Mãi còn bó tay thì với quy mô toàn Việt Nam, liệu ông Phạm Minh Chính có làm được hay không ? Câu trả lời thì đã rõ. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính vẫn phải làm, vì sao ?
Đối thủ của ông Phạm Minh Chính là ông Vương Đình Huệ, ông Huệ là người có chuyên môn về kinh tế mà lại đang nắm cơ quan có quyền giám sát Chính phủ. Nếu không làm thì rất có thể Vương Đình Huệ lại đi "mách" Nguyễn Phú Trọng, thì phe Tổng lại có cớ "dần" phe Chính.
Như vậy, phải xông pha mà chiến, dù biết trận chiến này không hề dễ dàng đối với ông Thủ tướng một chút nào. Cứ xông pha trước đã, nếu làm không được thì chuyện đó tính sau. Thậm chí có thể thúc đẩy để dòng tiền đầu tư công ít bị nghẽn hơn, cũng là một lý do để thoát tội. Cho nên chiến là việc bắt buộc ông Phạm Minh Chính phải làm.
Đầu tư công là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua. Bất kể đời Thủ tướng nào cũng để bị nghẽn, nó thuộc về bản chất của chế độ. Khả năng lãnh đạo yếu kém, cơ chế đầy lỗ hổng, bộ máy thì đầy tham nhũng, nên khó lòng mà khai thông được.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 17/03/2023
***************************
"Lời phán" năm xưa nay phang lại cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ?
Thu Phương, Thoibao.de, 16/03/2023
Nhắc đến ông cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thì người ta nghĩ ngay đến câu nói nổi tiếng "Nếu sai, chúng ta nhận lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật". Câu nói này được ông Mai Tiến Dũng nói trong buổi họp báo Chính phủ vào tháng 4/2017, trong vụ cưỡng chế đất bất thành ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.
Thực ra câu nói đúng là "Nếu sai, chúng ta nhận lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật" - Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Gần 3 năm sau, quân của Tô Lâm kéo đến Đồng Tâm giết chết cụ Kình và bắt nhiều người trong gia đình cụ. Phía chính quyền tấn công giết người giữa lúc đêm khuya đã được xem là đúng, những người nông dân bảo vệ đất bị tòa án kết những bản án nặng nề. Qua vụ án này, sự bất bình đẳng giữa chính quyền và người dân hiện ra rất rõ ràng. Chính quyền sai, chính quyền cũng chẳng cần xin lỗi, và người dân chỉ tự vệ thì mặc nhiên trở thành tội phạm.
Thực tế là trong suy nghĩ của quan chức chính quyền luôn coi thường dân. Nó bắt nguồn từ thời ông Hồ Chí Minh, khi thực hiện chiến dịch Cải cách Ruộng đất, khi đó, chính quyền cộng sản đã giết chết 172.000 người, chỉ vì họ có tài sản nhiều hơn người khác. Tội ác man rợ này sau đó được Đảng cộng sản xí xóa, xem như ông Hồ Chí Minh không nhúng tay vào tội ác này vậy. Ông Hồ Chí Minh chỉ cần khóc trước ống kính và dùng khăn lau nước mắt, thì ông vẫn là "Bác Hồ vĩ đại".
Ông Mai Tiến Dũng nói ra câu trên là nói lời của Đảng. Thời kỳ man rợ, người dân ít học không nhận ra sự bất bình đẳng, tuy nhiên, ngày nay là thời đại internet toàn cầu, nên câu nói của ông Mai Tiến Dũng mới bị phản ứng. Dù phản ứng thế nào thì bản chất chế độ vẫn vậy.
Thực tế, không có quan chức nào là sạch, chỉ có quan chức chưa bị lộ. Năm 2017, ông Mai Tiến Dũng nói câu nói nổi tiếng trên với tư cách là "quan phụ mẫu" muốn dạy bảo toàn dân. Thực chất, ông Mai Tiến Dũng lúc đó chỉ là quan chức nhúng chàm chưa bị lộ, chứ không phải ông đủ trong sạch để "dạy bảo dân".
Ngày 13/3, báo chí trong nước đồng loạt đăng tin, ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, bị kỷ luật do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Người ký Quyết định kỷ luật là ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng.
Trước đó, vào đầu tháng Giêng vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy ông Mai Tiến Dũng với cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông Dũng cũng thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19 ; để xảy ra việc một số cán bộ của Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất không đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nhận hối lộ, đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam.
Trước đây, ông Mai Tiến Dũng nói "chúng ta sai chúng ta xin lỗi", "dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật". Nghĩa là chỉ có dân khi làm sai mới bị dính tới pháp luật thôi, còn quan thì không. Quả thật xưa nay Đảng cộng sản luôn làm vậy, nhưng hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng đang dùng công cụ chống tham nhũng để thanh trừng, nên quan chức vẫn bị pháp luật sờ gáy như thường.
Bị kỷ luật về mặt Đảng chưa chắc gì đã bị pháp luật sờ gáy. Tuy nhiên, để dọn đường cho việc khởi tố bắt giam, thì thường ông Nguyễn Phú Trọng cho kỷ luật về mặt Đảng trước. Hãy chờ xem, ông Nguyễn Phú Trọng có làm đến nơi đến chốn việc sai phạm của ông Mai Tiến Dũng hay không ?
Ông Mai Tiến Dũng là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Rất có thể vụ án này là nhắm tới ông Phúc. Hãy đợi mà xem, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm gì tiếp theo ?
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 16/03/2023
Tham khảo :
https://vietnamfinance.vn/nguyen-chu-nhiem-van-phong-chinh-phu-mai-tien-dung-bi-ky-luat/20180504224281806.htm
**********************
Ông Tổng chọn "đỏ" hơn "giỏi" để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thế hệ kế tiếp
David Brown, Thu Phương, Thoibao.de, 16/03/2023
Ngày 12/3, trang Asia Sentinel đăng bài bình luận về chính trị Việt Nam với tựa đề tạm dịch là "Cuộc thập tự chinh cô độc của Nguyễn Phú Trọng", của tác giả David Brown.
Nguyễn Phú Trọng và cuộc thập tự chinh cô độc - Ảnh minh họa
Tác giả cho rằng, Tổng bí thư Việt Nam chấp nhận hy sinh năng lực để đổi lấy sự trung thành. Hơn 10 năm qua, ông Trọng đã nỗ lực làm trong sạch Đảng cộng sản Việt Nam, thoát khỏi tham nhũng và sự mềm yếu về giáo lý, và ông không bỏ cuộc. Tháng 6 vừa qua, ông Trọng đưa ra một số thống kê ấn tượng : Gần 17.000 vụ án tham nhũng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đã bị truy tố ; 175.000 đảng viên bị kỷ luật hoặc bị trừng phạt.
Tuy nhiên, tác giả nhận xét, càng bỏ tù các quan chức sai phạm bao nhiêu thì mọi thứ càng không thay đổi bấy nhiêu. Đó là một điều mang tính cấu trúc : từ trên xuống dưới, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào chất bôi trơn để hoạt động.
Theo tác giả, thông thường, những giao dịch tham nhũng nhất thiết được thực hiện trong bóng tối, ngoài tầm nhìn của công chúng. Nhưng ngược lại, các vụ bê bối liên quan đến Covid-19 ở Việt Nam vào cuối năm 2021 đã xảy ra một cách trắng trợn. Họ đã chạm trực tiếp vào phần lớn tầng lớp trung lưu. Bộ mặt quốc gia trông xấu xí. Những kẻ gian ác đang bị trừng phạt.
Tác giả cho rằng, những vụ bê bối công khai này tạo cho ông Trọng một cái cớ để thắt chặt kỷ luật Đảng. Sau một thập niên nhắm vào những cá nhân cơ hội, ông Trọng đã tái tập trung chiến dịch của mình vào vấn đề quản lý của Việt Nam. Tổng bí thư đã "thúc đẩy việc sa thải kịp thời những quan chức làm việc kém hiệu quả và những người vi phạm, sai phạm". Kết quả, hai Phó Thủ tướng và Chủ tịch nước bị thanh trừng do không để ý đến những hành vi sai trái của cấp dưới, hoặc – có lẽ tệ hơn – vì dung túng cho những hoàn cảnh cho phép những hành vi sai trái đó phát triển.
Tác giả dẫn lời chúc Tết của ông Trọng, trong đó ông bảo đảm với gần 100 triệu đồng bào rằng, những sự kiện vừa qua đã "củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa", mà theo tác giả, đó là một sự khoe khoang khá liều lĩnh. Bởi vì, kết quả của sự thanh trừng do quản lý yếu kém đã làm tê liệt quá trình ra quyết định trong toàn bộ bộ máy hành chính.
Tác giả dẫn lời ông Michael Tatarski trong bản tin Vietnam Weekly, nhận xét : "Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất của vụ này là sự thất bại liên tục ở các cấp chính quyền trong việc giải ngân nguồn vốn công" ; dẫn lời nhà phân tích Lê Hồng Hiệp ở Singapore : "Một số ý kiến cho rằng không phải tất cả các quan chức này cố ý tham nhũng, mà do các quy định phức tạp, đặc biệt là về mua sắm công, nên có thể họ vô tình phạm sai lầm" ; và dẫn quan điểm của ông Nguyễn Khắc Giang cho rằng, bài học rút ra ở đây là Chính phủ Việt Nam đã phục tùng Đảng cộng sản một cách hiệu quả.
Tác giả cũng dẫn quan điểm cho rằng, mục tiêu thật sự của ông Trọng là trao Đảng vào tay những tín đồ thật sự "đỏ", những người có thể tin tưởng, để dập tắt những sai lệch của các "chuyên gia" cơ hội. Và tác giả lấy dẫn chứng từ việc bổ nhiệm thành viên trẻ tuổi nhất trong Bộ Chính trị lên làm Chủ tịch nước thay ông Phúc.
Tác giả nhận xét rằng, việc đặt bộ máy Chính phủ vào tay những người đỏ hơn là giỏi, thì có khả năng xảy ra nhiễu loạn chính sách và bỏ lỡ cơ hội. Nhưng theo quan điểm của Tổng bí thư, điều đó không sao cả. Ông Trọng sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế, để bảo đảm rằng, tại Đại hội 14 sắp tới, đường lối của Việt Nam được thiết lập bởi một Đảng không bị thụt lùi về ý thức hệ.
Tác giả phân tích, để truyền lại nguyên vẹn di sản của mình cho người kế nhiệm đáng tin cậy, Trọng phải tập hợp đa số khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập các phiên họp vào năm 2025, để viết kịch bản cho Đại hội 14. Các quyết định của Đại hội sẽ được thực hiện bằng bỏ phiếu kín, và không có gì chắc chắn rằng, trong cuộc bỏ phiếu kín, họ sẽ bỏ phiếu cho mà ông Trọng lựa chọn.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 16/03/2023
***************************
Võ Văn Thưởng cố tránh dớp, nội lực yếu dễ "sụm"
Thu Phương, Thoibao.de, 14/03/2023
Sau hơn 10 ngày nhậm chức, Võ Văn Thưởng đang chứng tỏ là một Chủ tịch nước năng động. Ắt ông Võ Văn Thưởng cũng biết mạng xã hội không đánh giá cao chức Chủ tịch nước mà ông đang ngồi, bởi chức này không có thực quyền. Chưa có Chủ tịch nước nào có thực quyền, ngoại trừ ông Lê Đức Anh. Ông này từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nắm chắc Cục tình báo Quân đội khi rời ghế. Thậm chí khi về vườn, ông Lê Đức Anh vẫn có quyền lực. Lời can thiệp của ông vào chính trường rất có trọng lượng.
Trong vai trò Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng muốn tỏ ra là người năng động, có quyền uy - Ảnh minh họa
Sau đó, ông Trần Đức Lương, rồi đến các Chủ tịch đời sau đều không có thực quyền. Bắt đầu từ đời ông Trần Đại Quang, ghế Chủ tịch nước mới bộc lộ ra yếu điểm, ghế này mất an toàn nhất trong Tứ Trụ. Trần Đại Quang vốn là Bộ trưởng Bộ Công an thét ra lửa một thời, khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước vẫn giữ thái độ cứng rắn "không vâng lời" và đã nhận hậu quả. Tới khi ông Nguyễn Phú Trọng bị đổ bệnh suýt chết, không phải vì chiếc ghế Chủ tịch nước không bảo vệ được ông, mà là bởi ông tự nguyện "chui vào hang cọp" tại Kiên Giang và ông đã ngã bệnh. Ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó kiêm hai chức nên chức Tổng bí thư có thể bảo vệ ông.
Đến đời Nguyễn Xuân Phúc, ông Phúc cũng không lường hết sự nguy hiểm khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, nên ông đã bị truất phế. Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc biết "vâng lời" hơn, thì ông có thể ngồi ghế này đến hết nhiệm kỳ.
Bao nhiêu đó đủ thấy ghế Chủ tịch nước vô cùng mong manh. Ông Võ Văn Thưởng là một Chủ tịch nước còn rất trẻ, có lẽ ông Thưởng không muốn người đời coi khinh chức vụ mà ông đang có. So với các Chủ tịch nước đời trước, ông Võ Văn Thưởng có vẻ năng động hơn nhiều. Cũng dễ hiểu, bởi ông Võ Văn Thưởng đang dựa uy ông Tổng. Tuy nhiên, không thể dựa mãi được, bởi ông Nguyễn Phú Trọng đã già.
Ông Võ Văn Thưởng có thể dựa uy ông Tổng bí thư đến năm 2026, lúc đó, khả năng cao là ông Nguyễn Phú Trọng rút khỏi ghế Tổng bí thư, vậy thì Võ Văn Thưởng còn chỗ dựa nào để ra oai đây ? Mà khi ông Nguyễn Phú Trọng rút, e rằng lò của ông cũng sẽ tắt theo, và khi đó, các thế lực cát cứ nổi lên tranh giành ảnh hưởng. Hiện nay các thế lực địa phương đang chực chờ ông Tổng bí thư rút để họ nổi lên.
Thế lực mạnh nhất hiện nay là Nghệ An, thế lực mạnh thứ nhì là Hà Tĩnh, thế lực Tây Ninh cũng đang nổi lên như là một thế lực miền Nam mạnh nhất ở Trung ương. Thế lực Vĩnh Long của ông Võ Văn Thưởng không mạnh. Hiện nay, ông Võ Văn Thưởng cũng chưa gầy dựng sức mạnh cho người Vĩnh Long tại Trung ương, mặc dù ông Thưởng đang là người miền Nam có chức vụ cao nhất hiện nay.
Võ Văn Thưởng cố chứng tỏ cũng là cách ông muốn phá dớp, tuy nhiên, cố chứng tỏ quyền lực, trong khi không có nội lực là một điều nguy hiểm. Ghế Chủ tịch nước đã làm cho một người bỏ mạng và một người khác "sém" bỏ mạng, cho thấy, việc chứng tỏ quyền lực trên chiếc ghế này nguy hiểm như thế nào ?
Khi là Thường trực Ban Bí thư, Võ Văn Thưởng có thể có quyền lớn hơn khi ngồi ghế Chủ tịch nước, bởi làm phó cho ông Nguyễn Phú Trọng cũng đồng nghĩa được dùng quyền lực ông Trọng mà mạnh tay với cấp dưới. Còn giờ đây, Trụ Chủ tịch nước không mượn được nhiều quyền của Tổng bí thư.
Xét về tuổi, Võ Văn Thưởng còn rất trẻ, tuy nhiên, một khi đã bị đẩy vào ghế Chủ tịch nước thì khó mà tiến lên cao hơn nữa. Không biết, sau đời ông Nguyễn Phú Trọng thì ông Võ Văn Thưởng bám vào ai, khi mà lẽ ra, với vai trò là một Trụ trong Tứ Trụ, thì ông phải làm chủ một trụ như Phạm Minh Chính mới đúng.
Có những chức vụ cần người dẫn dắt, tuy nhiên, đã là một Trụ trong Tứ Trụ mà vẫn phải nhờ người dẫn dắt thì đấy là thiếu nội lực. Thiếu nội lực mà hay chứng tỏ có khi lại "sụm bà chè" sớm.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 14/03/2023
*************************
Trò chơi "thay ngựa giữa dòng", búa tạ ông Tổng đánh nát "chuột" ?
Thu Phương, Thoibao.de, 13/03/2023
Chưa có nhiệm kỳ Trung ương Đảng nào mà biến động nhiều như nhiệm kỳ 2021 – 2026. Nhiệm kỳ đi chưa được nửa đường đã có đến 4 kỳ hội nghị bất thường. Hội nghị bất thường là hội nghị được triệu tập không đúng lịch, mục đích là để giải quyết vấn đề phát sinh, mà hầu hết là vấn đề nhân sự.
Bà Trương Thị Mai, một người phụ nữ ít nói, âm thầm, nhưng hiện nay kiêm nhiệm đến hai chức lớn trong Ban Bí thư.
Ở nhiệm kỳ này, có hai ủy viên Bộ Chính trị bị rụng và rất nhiều ủy viên Trung ương Đảng, đồng thời cũng có một quan chức trong Chính phủ phải đi chữa bệnh nước ngoài vì căn bệnh bí hiểm. Đó là ông Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng. Và cũng chưa có nhiệm kỳ Thủ tướng nào chưa hết nửa chặng đường mà đã rụng đến 3 Phó Thủ tướng. Điều này cho thấy, chính trường của Việt Nam hiện nay không khác gì chiến trường.
Lâu nay, trong chính trường Việt Nam, phụ nữ chỉ là thứ yếu, chỉ là để làm cảnh. Tuy nhiên, vì mày râu bị đánh rụng quá nhiều, đồng thời ông Tổng bí thư cũng e dè mưu thâm kế hiểm của cánh mày râu, nên phụ nữ được trọng dụng. Bà Trương Thị Mai, một người phụ nữ ít nói, âm thầm, nhưng hiện nay kiêm nhiệm đến hai chức lớn trong Ban Bí thư. Có thể cũng do bà Trương Thị Mai là người phụ nữ bản lĩnh nhất trong những phụ nữ làm chính trị ở Việt Nam, nhưng quan trọng hơn cả là bà được ông Tổng bí thư tín nhiệm hơn các đấng mày râu còn lại trong Ban Bí thư.
Chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương là một chức đầy quyền lực, hiện nay, trong Bộ Chính trị đang có hai người ngồi trong Bộ Chính trị nhưng lại chỉ được giao cho chức của một ủy viên Trung ương Đảng. Đó là ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và ông Lương Cường – Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Dường như ông Nguyễn Phú Trọng chỉ biết đánh và đánh, ông đá văng được ai thì cứ làm, chứ ông không chuẩn bị nhân sự thay thế. Việc truất phế ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam không có nhân sự thay thế ngay, mà phải mất công chọn người sau đó một thời gian. Hay như việc truất phế ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không có người trám vào ngay, mà phải đợi sau Tết Nguyên đán, sau khi ông Tô Lâm và ông Võ Văn Thưởng đùn đẩy nhau. Điều này cho thấy, trong Đảng cộng sản đang khủng hoảng nhân sự trầm trọng.
Nguyên nhân vì sao lại khủng hoảng nhân sự ? Cũng dễ hiểu là trong các thuộc hạ dưới quyền, ông Nguyễn Phú Trọng rõ ràng không phải tin tưởng tất cả, mà ông chỉ tin một số rất ít. Ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương của bà Trương Thị Mai, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn bế tắc trong vấn đề bố trí thay thế. Chọn Nguyễn Hòa Bình thì quá rủi ro vì con người này thâm hiểm, và không khó nhận thấy rằng, ông này sẵn sàng việc làm ác để đạt mục đích. Còn ông Lương Cường thì lại cũng không đáng tin. Vậy nên đành để bà Trương Thị Mai kiêm luôn hai chức. Phụ nữ dù cứng rắn cỡ nào cũng không hiểm như các mày râu trong Ban Bí thư.
Có thể nói rằng, với quyền lực quá lớn như hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng như đang nắm trong tay búa tạ để đập chuột. Và ông đã đập rất nhiều, nhưng những con chuột mà ông đập là phe khác, chuột phe ông cũng rất khủng nhưng ông có chịu đập đâu ?
Ông Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản trung kiên, e là sau đời ông thì không còn ai như ông nữa, mà hầu hết chỉ là chạy theo đồng tiền. Vì ngụp lặn trong mớ chủ thuyết mà thế giới đã xem là rác, nên trong đầu ông Nguyễn Phú Trọng cũng ngập ngụa rác của mớ lí luận này. Đến giờ này ông vẫn không nhìn thấy, chính thể chế chính trị mà ông Hồ Chí Minh lập ra, nó là nguyên nhân sản sinh ra chuột. Ông cho rằng, Đảng của ông luôn đúng, Bác Hồ của ông vĩ đại, nên không bao giờ thừa nhận rằng, chính thể chế chính trị mà ông là người đứng đầu đang sinh ra toàn là chuột. Ông miệt mài đánh chuột, nhưng cuối cùng ông chỉ làm một việc như dã tràng se cát, đó là đập lớp chuột này thì tạo điều kiện cho lớp chuột khác trồi đầu lên mà thôi.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 13/03/2023