Siêu chùa Tam Chúc trong tầm nhắm của Đảng cộng sản (Phạm Lê Đoan, Thới Bình, Ngọc Lan)

Cũng theo vị luật sư kể trên, trong dự án "siêu chùa" Tam Chúc, việc cấp tới 5.000 ha cho một dự án tâm linh so với việc cấp đất để đầu tư cho bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo đã hợp lý chưa ?


"Siêu chùa" Tam Chúc : chỉ là ham to ?

Phạm Lê Đoan, VNTB, 25/01/2023

Chùa Tam Chúc ở tỉnh Hà Nam đang được kỳ vọng sẽ là ngôi chùa lớn nhất thế giới.

tamchuc1

Trong chùa Tam Chúc ở hiện tại có cả khách sạn chuẩn ba sao và Trung tâm hội nghị quốc tế.

Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết "Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh". Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc.

Tích xưa kể lại cả bảy ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Dân làng gọi đó là núi "Thất Tinh" và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa "Thất Tinh".

Sau đó, có người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa "Thất Tinh" sau này được đổi thành chùa "Ba Sao" và thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cũng được lấy tên gọi từ tích ấy.

Chùa Tam Chúc thờ những vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam như : sư tổ Đạt Ma ; thiền sư Khuông Việt ; thiền sư Đỗ Pháp Thuận ; thiền sư Nguyễn Minh Không ; hòa thượng Thích Thanh Tứ.

Chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục cổng Tam Quan, vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và Tháp Ngọc. Chùa nằm ở phía Tây và nhìn ra hồ Tam Chúc.

Nôm na, chùa Tam Chúc được cho là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hiện nay thực ra là một ngôi chùa mới, được xây dựng trên nền ngôi cổ tự ngàn năm. Chùa tựa lưng vào tựa núi Thất Tinh, mặt hướng hồ Tam Chúc với 6 hòn đảo đá nổi lên trên mặt hồ, tạo nên cảnh quan đặc biệt như giữa chốn bồng lai tiên cảnh.

Sở dĩ gọi là "siêu chùa" vì trong diện tích gọi là "đất chùa" này, phía chính quyền đang lập dự án đô thị nghỉ dưỡng gần 1.000 ha nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh này.

Một chuyên gia nghiên cứu Phật giáo phân tích về "siêu chùa" Tam Chúc, rằng nên lưu ý từ mộ đạo dẫn đến mê tín là khoảng cách rất gần.

Theo đó, niềm tin tôn giáo là tốt, nhưng tin mù quáng thì sẽ dẫn đến những thực hành, hành động không chuẩn xác. Một không gian làng xã mà có một ngôi chùa to quá thì nguồn thu lớn, chính quyền có kiểm soát được không ? Niềm tin không thể kiểm soát, kinh tế cũng không thể kiểm soát. Chùa chiền thì không có cơ chế quản lý về kinh tế, không bị kiểm toán. Vậy tiền thu được hàng năm có công khai, minh bạch hay không ?

Góc nhìn luật pháp, một luật sư thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo nhìn nhận sự cần thiết xem lại việc giao hàng ngàn héc-ta đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch tâm linh có đúng quy định pháp luật hay không ?

Nếu đó là đất gọi là nhà nước làm đại diện quyền sở hữu thì phải đấu giá sòng phẳng theo thị trường. Còn đất của người dân muốn giao doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân. Giá đất cũng phải tương đương với giá thị trường, tránh việc lấy danh nghĩa nhà nước để áp đặt mức giá rẻ bèo buộc người dân phải giao đất cho doanh nghiệp.

"Mặt khác, giao cho doanh nghiệp nhiều ngàn héc-ta đất một cách vô tội vạ để doanh nghiệp họ xây dựng đủ thứ làm phá vỡ cảnh quan, môi trường… là khó thể chấp nhận được. Nhu cầu tâm linh của người dân là có, nhưng việc quảng bá những khu du lịch tâm linh như hiện nay là vấn đề rất đáng báo động. Đó không phải là tín ngưỡng mà là sự mê tín thái quá" – luật sư này ý kiến.

Cũng theo vị luật sư kể trên, trong dự án "siêu chùa" Tam Chúc, việc cấp tới 5.000 ha cho một dự án tâm linh so với việc cấp đất để đầu tư cho bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo đã hợp lý chưa ? Tất cả vấn đề này cần phải có câu trả lời rõ ràng, tránh hậu quả đầu tư vào lĩnh vực tâm linh ồ ạt, gây lãng phí cho đồng vốn ngân sách.

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 25/01/2023

**************************

Tư nhân xây chùa, họ muốn thờ ai thì thờ !

Thới Bình, VNTB, 25/01/2023

Tượng đồng của cư sĩ Diệu Liên được thờ tự ở chùa Tam Chúc khiến không ít người am tường về thờ phượng cho rằng "rất không nên"…

tamchuc2

Đền Tứ Ân, trong đó đền này có bức tượng bằng đồng được thờ phượng gọi là "cư sĩ Diệu Liên".

Ở dự án xây dựng chùa Tam Chúc, có một nơi gọi là đền Tứ Ân, trong đó đền này có bức tượng bằng đồng được thờ phượng gọi là "cư sĩ Diệu Liên".

Theo giáo lý đạo Phật, chùa chỉ thờ Quan thế âm Bồ Tát và Phật tổ Như lai. Người tu hành phải chịu tứ ân gồm Ân quốc gia xã hội ; Ân cha mẹ ; Ân đà na thí chủ (người nuôi dưỡng, chu cấp) và cuối cùng là ân thầy tổ.

Đền Tứ Ân có hai tầng được ghi rõ thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên. Tại tầng 2 ngôi đền đặt nhiều bảng giới thiệu về cư sĩ Phật tử này. Theo đó, cư sĩ Phật tử Diệu Liên, thế danh Phạm Thị Lan, sinh năm 1961, mất năm 2018, quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình), và góp công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc (Hà Nam), các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như : chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc…

Đặc biệt là các ngôi chùa : Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh… trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà Phạm Thị Lan chính là người vợ quá cố của ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường – chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc. Đồng thời ông cũng là chủ của những dự án tâm linh được đánh giá siêu khủng với số vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng tại các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thái Nguyên.

Nếu chùa Tam Chúc do tư nhân bỏ tiền xây dựng thì việc đặt đền thờ ai cũng không là vấn đề đáng bàn. Tuy nhiên, khi bàn giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng nghĩa với việc nằm trong hệ thống văn hóa tôn giáo của Việt Nam, thì cần phải làm rõ để tránh gây dư luận không tốt liên quan sự việc này.

Ở miền Nam cũng xảy ra hình ảnh kém duyên tương tự.

Nhiều ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo tại tỉnh Trà Vinh ít nhiều bị biến dạng sau khi doanh nhân Trầm Bê (từng là cổ đông lớn của nhiều ngân hàng, hiện đang chịu án hình sự) "phát tâm xây dựng".

Tại huyện Trà Cú, có ít nhất ba ngôi chùa cổ là Vàm Ray, Ba Sát và Phnô-đung được nhiều bà con gọi là "chùa ông Trầm Bê" do trước cổng chùa và quanh chánh điện có ghi tên, hình ảnh, tranh vẽ, tượng của ông Trầm Bê và dòng họ của ông.

Đầu tháng 4-2013, chánh điện chùa Phnô-đung (Giồng Lớn) tọa lạc tại xã Đại An (huyện Trà Cú) khánh thành sau một thời gian trùng tu, xây dựng. Đi vào bên trong, nơi cửa chính của chánh điện tôn nghiêm là một bức ảnh to được lồng kính chụp năm thành viên gia đình ông Trầm Bê với những dòng chữ ghi gia đình ông "phát tâm xây dựng" chứ không phải trùng tu, sửa chữa hay nâng cấp.

Tường bên phải chánh điện là những khuôn chữ chạm nổi khá to tên ba người con của ông Trầm Bê bằng tiếng Khmer và tiếng Việt. Còn trên vách tường bên trái chánh điện là hình tượng đúc đồng màu xám đen của ba người thân (cha mẹ) ông Trầm Bê đặt ngang hàng với tượng nữ thần Apsara. Mặt sau của chánh điện là một bản chạm chữ nổi bằng hai thứ tiếng ghi công đức của gia đình ông Trầm Bê "phát tâm xây dựng".

Thượng tọa Danh Lung – sư cả chùa Chantarăngsây (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết chuyện khắc tên để ghi nhớ công ơn của những người đóng góp cho nhà chùa của Phật giáo Nam tông Khmer không phải lạ, nhưng thường chỉ là bảng chữ nhỏ ghi tên và đặt ở nơi hợp lý chứ không phải trên chánh điện tôn nghiêm. Việc treo hình ảnh, tạc tượng, chạm khắc tên xung quanh chánh điện là không hợp với lối văn hóa nhà Phật.

Đạo Phật dạy phật tử sống tốt đời đẹp đạo, chưa bao giờ dạy cho phật tử tính phô trương hay khoe khoang.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 25/01/2023

***************************

Việc xây dựng chùa Tam Chúc có vi phạm pháp luật hay không ?

Ngọc Lan, VNTB, 24/01/2023

Thanh tra Chính phủ yêu cầu dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc giảm chi phí đầu tư hơn 460 tỷ đồng

tamchuc3

Đại diện Ban quản lý chùa Tam Chúc cho biết dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc vừa bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu giảm chi phí đầu tư hơn 460 tỷ đồng không liên quan gì tới dự án đầu tư Khu du lịch Tam Chúc.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam (giai đoạn 2012 – 2018).

Trang 6 của Kết luận Thanh tra, có đoạn : "Dự án Khu du lịch Tam Chúc : theo báo cáo của UBND tỉnh, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 658/TTg-KTN ngày 11/5/2015. Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cơ cấu sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật đất đai năm 2013 (UBND tỉnh đã giao một phần diện tích đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, các sở ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và chủ đầu tư các dự án".

Cuối trang 13 của Kết luận Thanh tra, có đoạn viết : "Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc : chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018".

Phía Ban quản lý chùa Tam Chúc lên tiếng rằng thông tin diễn giải trên của Thanh tra Chính phủ đang khiến dư luận dễ nhầm lẫn, vì dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu để xây dựng tuyến đường kết nối 4 tỉnh Ninh Bình – Hòa Bình – Hà Nam – Hà Nội.

Trong khi dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 25.000 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và tăng ni phật tử cả nước đóng góp, thời gian thực hiện dự án 50 năm.

"Tại Khu Du lịch Tam Chúc có 2 dự án thành phần, đó là : Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu Du lịch Tam Chúc và Dự án Đầu tư xây dựng Khu Du lịch Tam Chúc. Trong đó, Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu Du lịch Tam Chúc do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Dự án Đầu tư xây dựng Khu Du lịch Tam Chúc do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là, cả 2 dự án này không liên quan gì đến nhau" – đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường khẳng định.

Dự án Đầu tư xây dựng Khu Du lịch Tam Chúc có tổng mức đầu tư 25.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 50 năm. Nguồn vốn do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, tăng ni, Phật tử, nhân dân trên cả nước đóng góp.

Việc giải thích trên là khó hiểu ở chỗ, rằng một khi dự án phần hạ tầng kỹ thuật Khu Du lịch Tam Chúc được ghi nhận có dấu hiện sai phạm, vậy thì quá trình thi công xây dựng trên phần hạ tầng kỹ thuật dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyên ngành ấy, ắt hẳn cũng phải liên đới như cú đổ đô-mi-nô về chuyện quy hoạch sử dụng đất.

Hồi đầu tháng 2-2020, một kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết Công ty Xây dựng Xuân trường (doanh nghiệp xây chùa Bái Đính – Ninh Bình và chùa Tam Chúc – Hà Nam) có nhiều vi phạm trong hoạt động tại tỉnh Phú Thọ.

Thông tin trên có trong công văn số 169 được Phó tổng Thanh tra Chính phủ ông Nguyễn Văn Thanh ký ngày 10-2-2020 kết luận về công tác quy hoạch, kế hoạch, quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản tại tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn 2006 – 2017.

Theo kết luận này có nhiều sai phạm về tài chính được phát hiện ở các gói thầu được kiểm tra tại Phú Thọ. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và nghiệm thu thanh toán các gói thầu, đề xuất quyết toán, điều chỉnh giá không đúng quy định, định mức của Bộ Xây dựng. Các sai phạm được phát hiện qua thanh tra tổng số tiền là gần 43 tỷ đồng.

Liệu có phải là ‘ngựa quen đường cũ’ ?

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 24/01/2023