Những sự kiện nổi bật của thế giới năm 2020 (Quốc Bảo)

Điều đáng suy tư là cách hành xử thiếu tử tế và lương thiện của Trump khi ông ta không tôn trọng luật chơi dân chủ. Trump là hậu quả quá trình suy thoái của nước Mỹ sau nhiều năm tập trung làm giàu mà bỏ quên liên đới xã hội.  


Năm 2020 đã đi qua. Đây là một năm có nhiều sự kiện lớn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xin lựa chọn những sự kiện có tính bước ngoặt, trên tiêu chí chung là những việc xảy ra sẽ ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu về sau, trên mọi lĩnh vực.

1. Đại dịch Covid- 19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố vào ngày 11/3/2020 là virus corona đã gây ra “Đại dịch toàn cầu”, 4 tháng sau khi các ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc. Virus này còn được biết đến với tên gọi là Covid-19 hay Sars-Cov-2. Tới thời điểm này, trên thế giới đã có khoảng 84 triệu người bị nhiễm và 1,8 triệu người tử vong, virus đã xuất hiện ở 213 nước.

Đại dịch phơi bày vô số vấn đề trên khắp thế giới, từ thể chế tới văn hóa của mỗi quốc gia. Đại dịch bắt buộc thế giới phải định hình lại các lĩnh vực trọng yếu cũng như tiêu chuẩn sống và công ăn việc làm. Một thể chế dân chủ giàu mạnh như Mỹ lại có số ca nhiễm cao nhất khiến chúng ta phải suy tư về mô hình chính trị của Mỹ. Việc bảo vệ, cân bằng giữa các giá trị dân chủ, nhân quyền, văn hóa và kinh tế đối với sức khỏe của người dân sẽ là một ưu tư lớn của các nước dân chủ.

Covid-19 tàn phá các nền kinh tế, đặt lại suy tư về năng lực của hệ thống y tế công cũng như cơ hội và sự bình đẳng về sự rủi ro. Đại dịch cũng cho thấy sự mong manh của con người trước thiên nhiên. Sự liên đới giữa các quốc gia trong đại dịch cho thấy trái đất đang nhỏ lại và các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nhau.

Thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau đại dịch này. Con người ngày càng phải “xa nhau” hơn, ít nhất là trong vòng 3-4 năm tới. Sự kết nối, thông cảm và chia sẻ giữa con người với con người ngày càng quan trọng và cần thiết để chúng ta cảm thấy bớt cô đơn hơn.

2020-1

Đại dịch Covid-19 làm cho 1,8 triệu người thiệt mạng. Đây là nỗi đau lớn nhất trong thời bình.

2. Biển Đông

Biển Đông là tên gọi mà Việt Nam đặt riêng cho vùng biển có tên gọi quốc tế là biển Nam Trung Hoa. Đây là vùng biển có diện tích khoảng 3.5 triệu km2, mở toàn bộ lãnh thổ Việt Nam ra với Thái Bình Dương và có giá trị quyết định tới sự sinh tồn của đất nước Việt Nam.

40% hàng hóa của thế giới và 80% của Châu Á đi qua Biển Đông vì vậy sự xung đột tại khu vực này là điều khó tránh khỏi khi Trung Quốc muốn chiếm lấy làm của riêng. Câu hỏi đặt ra là xung đột quân sự sẽ đến mức độ nào? Việt Nam, nước có nhiều quyền lợi nhất trên Biển Đông, dưới chính quyền cộng sản, luôn rụt rè khi nhắc về Trung Quốc và chỉ mới dám gọi thẳng tên hay “phản đối” Trung Quốc tập trận gần đây. Trước kia, phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ gọi Trung Quốc là “Nước lạ” và tàu nước này là “Tàu lạ” khi phát hiện họ xâm phạm lãnh hải.

Năm 2020 chứng kiến đây là điểm nóng của thế giới. Đã có khoảng 100 cuộc tập trận tại vùng biển này, với sự tham gia của các cường quốc như Pháp, Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Anh…Dĩ nhiên là có cả Trung Quốc với “đường lưỡi bò” tự xưng, tương đương gần 90% vùng biển này. Thực tế Trung Quốc chỉ hiện diện tại đây sau khi đánh chiếm một số đảo của Việt Nam năm 1988 với sự “đồng lõa” của chính quyền cộng sản Việt Nam. Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) vào tháng 7/2016 đã phủ nhận toàn bộ đòi hỏi vô lý này của Trung Quốc.

Biển Đông là lối mở duy nhất về đường biển của Trung Quốc ra với thế giới. Không chiếm được Biển Đông thì Trung Quốc chỉ là một quốc gia lục địa và không thể đạt được giấc mộng bá quyền thế giới. Vì thế, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc sẽ biến vùng biển này thành mối bận tâm toàn cầu.

2020-11

Năm 2020 đã có gần 100 cuộc tập trận lớn nhỏ ở Biển Đông. Đây là điểm nóng của thế giới trong hiện tại lẫn tương lai.

3. Các chế độ dân túy suy thoái

Một vòng quanh các chế độ dân túy nổi cộm trên thế giới: Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) đã mất dần ảnh hưởng khi đảng AKP của ông mất quyền kiểm soát ở thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất là Istanbul sau cuộc bầu cử thị trưởng năm 2019. Quyền lực sau 17 năm cầm quyền của Erdogan có thể đang tới hồi kết. Istanbul còn là căn cứ chính trị nhiều năm của Erdogan và chính ông từng nói “ai thắng ở Istanbul, người đó sẽ thắng ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cuộc thăm dò dư luận về sự tín nhiệm của dân chúng với tổng thống Putin đang giảm thấp nhất trong 6 năm trở lại đây và điện Kremlin phải nhờ các chuyên gia xã hội học tìm hiểu tại sao. Tại Belarus, tổng thống Lukashenko dù được Putin hậu thuẫn nhưng ngày càng bị chống đối từ phía người dân. EU đã đưa ông vào danh sách đen vì đàn áp đối lập. Nhìn sang Brazil, Bolsorano, người từng đi biểu tình phản đối các biện pháp nghiêm ngặt phòng Covid -19 gần như mất hẳn sự ủng hộ của dân chúng. Nhưng thất bại lớn nhất của các chế độ dân túy chính là là việc thất cử của Donald Trump.

Một cách tự nhiên, làn sóng dân chủ lần thứ 4 sẽ vỗ bờ trở lại sau khi trào dâng 10 năm trước với Mùa xuân Ả Rập. Thế giới sẽ phải có bộ luật ứng xử trên mạng xã hội khi nó trở thành công cụ mà các lãnh tụ dân túy lợi dụng để gây chia rẽ, khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chúng ta đã chứng kiến Trump chống lại tự do báo chí dữ dội như thế nào từ khi nhậm chức năm 2017.

2020-2

Putin đang ngày càng bị mất tín nhiệm tại Nga và đó cũng là lý do khiến Duma Nga ra luật không truy tố các cựu tổng thống…

4. Mỹ mất ảnh hưởng tại Trung Đông

Mỹ đã đột ngột rút quân khỏi Syria và cũng kéo quân khỏi Iraq đầu năm nay bỏ mặc đồng minh, các điểm nóng và cả các giếng dầu. Tổ chức kháng chiến của người Kurd và chính quyền Kabul không khác gì thân phận Việt Nam Cộng Hòa năm 1973. Mỹ dưới thời Trump cũng đã tiến hành ám sát thiếu tướng Soleimani tại sân bay Baghdad – Iraq. Mỹ cũng đã hậu thuẫn quá mức Israel và biến nơi đây thành “lò lửa” của Trung Đông sau khi nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chọn ngày 14-5-2018 (ngày kỷ niệm 70 năm tuyên bố thành lập của Israel với cuộc thảm sát Nakba diễn ra hôm sau) để dời Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem.

Điều gì sẽ xảy ra tại Trung Đông, trung tâm dầu mỏ thế giới, trọng tâm trong đối ngoại của Mỹ? Chắc chắn sẽ là một vòng xoáy phức tạp và Mỹ không còn chi phối được nữa. Thời kỳ dầu mỏ không thể chấm dứt vài ngày hay vài năm. Vấn đề lớn hơn nằm ở việc cường quốc nào sẽ thay thế Mỹ tại đây. Nga và Trung Quốc là hai ứng viên tiềm năng nhất nhưng cũng là hai chế độ chuyên chế lớn nhất thế giới đang thay thế Mỹ ở khu vực này. Sự xung đột thường trực trong lòng Trung Đông sẽ kéo theo làn sóng di dân và tị nạn. Đây là một bài toán khó giải cho các quốc gia EU khi sự xung đột giữa văn hóa phương Tây và Hồi giáo vẫn chưa được giải quyết triệt để.

2020-3

4 năm dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, Mỹ đã “bỏ chạy” khắp nơi trên thế giới…

5. Cuộc bầu cử Mỹ 2020

Lẽ thường thì đây chỉ là một sự kiện định kỳ của Mỹ. Nhưng Donald Trump đã biến nó thành một sân khấu ồn ào nhất thế giới. Những dấu ấn vô tiền khoáng hậu được xác lập như số cử tri đi bỏ phiếu (65%) cao nhất trong lịch sử, không có quá trình chuyển giao quyền lực, Trump không thừa nhận thất bại dù kết quả bầu cử đã rõ ràng…

Điều đáng suy tư là cách hành xử thiếu tử tế và lương thiện của Trump khi ông ta không tôn trọng luật chơi dân chủ. Trump là hậu quả quá trình suy thoái của nước Mỹ sau nhiều năm tập trung làm giàu mà bỏ quên liên đới xã hội. Mỹ là một hợp chúng quốc, gồm nhiều tiểu bang và nhiều sắc dân khác nhau. Văn hóa bản địa không phải là nền tảng để chấn hưng và nối kết con người mà chính giá trị tinh thần vĩ đại như tự do, cao thượng được dẫn dắt bởi giới tinh hoa đã tạo thành sợi dây gắn kết. Nay thì thời thế đã khác, giáo dục không được thành phần người Mỹ da trắng ở ngoài thành thị coi trọng. Dân trí tương ứng thấp theo. Thời của mạng xã hội tạo ra một sợi dây kết nối nhưng vị kỉ thay vì vị tha, cảm xúc thay cho sự thật. Donald Trump đã thành công từ những điều đó và rồi biến chính trường thành một rạp xiếc. Sự uy nghiêm và đứng đắn của chính trị bị thay bằng các trò hề rẻ tiền. Chế độ tổng thống có còn phù hợp cho nước Mỹ?

Hậu quả lớn nhất và nghiêm trọng nhất mà Trump để lại cho nước Mỹ đó là làm chia rẽ dân tộc. Nước Mỹ mất đoàn kết trầm trọng và đứng trước tình thế lưỡng nan: Làm thế nào để chống phân biệt chủng tộc, hàn gắn quốc gia và khôi phục vị thế số một. Đây là một gánh nặng cho Biden và những người kế nhiệm ông. Mỹ sẽ mất dần vị thế siêu cường số một thế giới.

daochinh-2

Trump đã biến cuộc bầu cử 2020 thành một trò hề…

6. Các cuộc biểu tình tại Thái Lan

Một sự kiện quan trọng trong khu vực Đông Nam Á là các cuộc biểu tình của tuổi trẻ Thái Lan phản đối hoàng gia Thái và chính quyền quân đội. Cho đến bây giờ đất nước Thái Lan vẫn do các tập đoàn tướng lãnh thay nhau cầm quyền. Đây là các chế độ dân chủ về hình thức nhưng độc tài quân phiệt trong nội dung.

Các cuộc đảo chính diễn ra liên miên nhưng vẫn dựa trên ba cột trụ chính: tính chính đáng của nhà vua, liên minh quyền và tiền giữa các tập đoàn quân phiệt-tài phiệt và sự thụ động của Phật giáo Tiểu thừa. Giờ đây sự chính đáng của đức vua và hoàng gia đã không còn như trước, ảnh hưởng của Phật giáo Tiểu thừa cùng đã giảm đi đáng kể. Trong ba trụ cột đó đã mất đi hai chỉ còn lại sự cai trị của một liên minh giữa tập đoàn quân sự và giới tài phiệt người Thái gốc Trung Quốc. Thái Lan sẽ thay đổi trong những ngày sắp tới và điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam.

thai01

Thái Lan đang thay đổi và sẽ thay đổi…

Quốc Bảo

(4/1/2021)