Hạn mặn nghiêm trọng đe dọa ĐBSCL (RFA Tiếng Việt)
Đồng Bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL ) từng là khu vực trù phú nhất cả nước, đây là khu vực cung cấp nông sản chính cho cả nước cũng như cho xuất khẩu. Nhưng tình hình đang diễn biến xấu đi từng ngày. Điều đáng lo ngại hơn, đây là khu vực mà tỉ lệ người dân được đào tạo nghề thấp nhất cả nước. Chính quyền cộng sản gần như bỏ quyên vùng này nên hạ tầng giao thông cũng rất kém.
Việc đối phó với những tác động tiêu cực của khu vực hạ nguồn sông Mekong cần một giải pháp tổng hợp. Và để làm được điều này cần một chính quyền có trách nhiệm, nghĩa là một chính quyền dân chủ.
Chính quyền cộng sản không thể là giải pháp, chính nó đang là trở ngại cho một giải pháp tổng thể đối với ĐBSCL.
Một cánh đồng lúa khô hạn tại một tỉnh phía Nam vùng đồng bằng Sông Cửu Long, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang hôm 11/12/2019, hạn mặn diễn biến phức tạp, xâm nhập sớm, sâu vào nội đồng ở thượng lưu sông Tiền, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Không chỉ riêng Tiền Giang gặp hạn, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015 nên tình trạng khô, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở nhiều nơi trong mùa khô 2019-2020 sẽ rất cao và nghiêm trọng.
Viện Khoa học thủy lợi miền nam cũng đưa ra cảnh báo, từ giữa tháng 12, có khả năng, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 35 đến 45 km tính từ cửa sông. Đến tháng 1 và tháng 2 năm 2020, ranh mặn 4 gam/lít có thể xâm nhập sâu vào nội đồng lên đến 55 đến 110 km.
Trả lời RFA hôm 13/12 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của Đại học Cần Thơ, nhận định:
“Tôi không cho rằng đây là sự đột biến, tại vì mùa mưa vừa rồi, lượng mưa rất ít, và lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng cũng rất là thấp. Mùa mưa vừa rồi bị tác động bởi hiện tượng El Nino xảy ra theo chu kỳ của nó, nhưng lần này có vẻ gay gắt, có khả năng lập lại tình trạng khô hạn của năm 2016. Ngoài ra cũng có một số tác động như các đập thủy điện đang tìm cách khống chế các dòng chảy trên sông Mekong; hay do vùng đồng bằng có nguy cơ ngày càng lún dần, trong khi nước biển dâng cao, nên mặn có khuynh hướng lấn sâu vào đất liền, đặc biệt là những năm khô hạn nhiều.”
Trước tình hình xâm nhập mặn đe dọa trên 80.000 ha cây ăn trái ở Tiền Giang, vào ngày 11/12/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp khẩn bàn giải pháp ứng phó với tình hình hạn mặn diễn biến sớm này.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương quan tâm đặc biệt công tác bảo vệ vườn cây ăn trái, trong đó quan tâm mua máy đo độ mặn và thường xuyên đo độ mặn từng vùng, kịp thời cảnh báo liên tục tình hình xâm nhập mặn đến với người dân.
Bé trai bắt cá trong một con kênh khô cằn ở quận Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hôm 8/3/2016. AFP
Để tìm hiểu thêm tình hình thực tế, hôm 12/13, RFA liên lạc Anh Năm Tân, một người trồng sầu riêng ở Cai Lậy, Tiền Giang, và được anh cho biết về tình hình thực tế tại địa phương của anh:
“Ở đây có cống có đập hết, có người canh nên mặn không vô được đâu. Hầu như có cống từ xưa đến giờ, mình đã có biện pháp phòng hờ rồi, nguyên khu vực này cũng có đê bao, bài báo nói vậy thôi… chứ chưa tới đây đâu… nếu có mặn cũng không vô tới vườn cây đâu. Tôi nghĩ chắc một hai tháng nữa mới thấy, chứ giờ thấy cũng vậy à… tới giờ nước mặn cũng chưa nhiễm… mới cảnh báo thôi.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nguyên nhân một phần là do hạn hán trên các nước thượng nguồn như Campuchia, Thái Lan, Myanmar… Lượng nước giảm cũng có thể là do lượng mưa giảm, nhưng cũng có thể là do điều tiết nước ở các đập thượng nguồn.
Mạng báo Asia Times vào trung tuần tháng 12 đăng bài cảnh báo “Sông Mê Kông chết một cách chậm chạp”. Theo tác giả Simon Roughneen, các đập thủy điện mới xây khổng lồ ở thượng nguồn sông Mekong đang làm cạn mực nước ở hạ nguồn xuống mức thấp nhất trong 60 năm.
Liệu Việt Nam có thể làm gì để chống lại tình trạng này? Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson ở Washington DC, khi trả lời RFA trước đây liên quan việc này, cho biết:
“Cơ hội để Việt Nam tự mình có thể làm gì xem ra không có mấy. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng yếu của Việt Nam. Cách để giảm thiểu tác động từ thượng nguồn là trữ nước trong mùa mưa cho mùa khô. Cứ nhìn những con đập đồ sộ của Trung Quốc, nhìn khoảng 300 con đập đã và đang sắp xây ở Lào trong tương lai.
Việt Nam cần làm việc với cả Lào, Campuchia, Trung Quốc trong hợp tác xúc tiến phương cách thay thế có thể chuyển đổi tương lai sản xuất thủy điện sang các nguồn điện khác; cũng như bàn bạc với các quốc gia thượng nguồn về những vấn đề như đòi hỏi các quốc gia thượng nguồn đừng tích nước mà phải xả nước xuống hạ nguồn trong thời gian khô hạn để lưu lượng dòng chảy được tự nhiên như bình thường. Đó là thông điệp duy nhất mà Việt Nam và những quốc gia hạ nguồn cần nói với nước thượng nguồn dù đó là nước nào.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, ngay lúc này, chính quyền cần kêu gọi người dân trữ nước trong mùa mưa còn lại một cách tối đa, càng nhiều càng tốt, trữ trong các kênh. Ông cũng đã khuyến cáo mặn xâm nhập nhiều thì không nên canh tác lúa trong vụ đông xuân sắp tới, vì lúa là cây tiêu thụ nước nhiều. Phải chấp nhận giảm bớt diện tích canh tác lúa, chọn các loại cây ít sử dụng nước hơn. Đây là điều phải chấp nhận trong lúc khó khăn này.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết thêm:
“Chính phủ cách đây vài năm đã ra nghị quyết 120, phát triển ĐBSCL vững bềnh, trong mọi tình huống, nhất là biến đổi khí hậu, trong đó có các giải pháp về công trình như xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn…”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, việc chuyển đổi này chỉ thành công khi đối tượng cuối cùng là người nông dân, vì họ là người được hưởng lợi và chính họ là người thực hiện chuyển đổi. Ông cho rằng, để chuyển đổi thì vốn nhà nước là không thể đủ, và không thể mang tính quyết định, nhưng những chính sách cho phép nông dân giảm đất lúa, hay xây dựng các công trình thủy lợi để chuyển từ tưới lúa sang tưới cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng. Quá trình chuyển đổi này không phải một sớm một chiều, mà là câu chuyện hàng chục năm, vì vậy theo ông, chính sách làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân có vốn, có thị trường, có công nghệ… là trọng trách rất lớn mà Việt Nam phải tiếp tục làm trong thời gian tới.
Nguồn: RFA Tiếng Việt