Quy hoạch báo chí ‘vi hiến’, sẽ ‘làm thất nghiệp’ hàng nghìn nhà báo? (VOA)

Thời đại của báo in đã chấm dứt. Việc ĐCSVN "qui hoạch" báo chí, một cách gọi khác của việc giảm đến mức tối đa các tờ báo in đơn giản chỉ vì nhà nước hết tiền. Hầu hết cán bộ các tờ báo in đều là công nhân viên ăn lương nhà nước. Sẽ rất nhiều nhà báo sẽ thất nghiệp và bị sa thải. Điều này gây sốc cho nhiều người vì họ đã quen sống bao cấp còn những nhà báo có khả năng và tư duy tốt họ có thể sống khỏe trong môi trường kinh tế thị trường. Bỏ bao cấp để giảm thâm hụt ngân sách là bước đi không thể đảo ngược, rất nhiều ngành nghề sẽ không còn biên chế trong nhà nước nhất là những Hội, Đoàn làm cảnh và ăn bám trong Mặt trận tổ quốc VN. 


Thủ tướng Việt Nam mới đây ký phê duyệt quy hoạch phát triển báo chí dẫn đến nhiều lo lắng trong báo giới. Thậm chí một luật sư nổi tiếng cho rằng bản quy hoạch đó “vi hiến” vì nó vi phạm quyền về việc làm, cũng như có thể “hạn chế tự do ngôn luận”.

Các báo đài trong nước, trong đó có VTV, VietnamNet, Dân Trí, báo Giao Thông, đưa tin cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 2/4 ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Bản quy hoạch, theo trích dẫn của báo chí, nhắm đến “xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội”.

Mặt khác, bản quy hoạch cũng là cơ sở để chính quyền “sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích”, theo các bản tin.

Theo tìm hiểu của VOA, tính đến giữa năm 2018, Việt Nam có hơn 1.100 cơ quan báo chí các loại, gồm 857 báo và tạp chí in, 195 trang báo điện tử và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. 

Làm việc cho các cơ quan báo chí này là hơn 19.000 nhà báo được nhà nước cấp thẻ, không tính nhân viên các bộ phận kỹ thuật, hành chính và các cộng tác viên.
Các bản tin trong nước cho rằng việc thực thi bản quy hoạch mới được duyệt sẽ làm giảm mạnh số lượng các cơ quan báo chí.

Đảng Cộng sản lâu nay nắm độc quyền lãnh đạo đất nước sẽ có hai cơ quan báo chí là báo Nhân Dân và báo điện tử Đảng Cộng sản, đều theo mô hình truyền thông đa phương tiện, theo bản quy hoạch.

Văn bản này cũng định hướng rằng 5 cơ quan báo chí trung ương có tầm ảnh hưởng lớn là Thông tấn xã Việt Nam, đài VTV, đài VOV, báo Quân Đội Nhân Dân và báo Công An Nhân Dân sẽ là các cơ quan truyền thông đa phương tiện

Vẫn bản quy hoạch được báo chí trích dẫn quy định rằng Văn phòng Quốc hội, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có 1 báo in và 1 tạp chí in. 

Mỗi tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương được có 1 báo in, 1 tạp chí in, 1 đài vừa phát thanh vừa truyền hình chỉ phát sóng trên 1 kênh mỗi loại. 

Riêng thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của đất nước, được có tối đa 5 báo in ở mỗi thành phố. Hà Nội có 1 đài phát thanh và truyền hình như các tỉnh thành khác, trong khi TP.HCM được có có 1 đài phát thanh riêng, 1 đài truyền hình riêng. Cả hai thành phố chủ chốt này đều được phát sóng 2 kênh phát thanh và 2 kênh truyền hình, nhiều hơn các tỉnh thành khác.

Mỗi tổ chức chính trị-xã hội trung ương, như Mặt trận Tổ quốc hay Hội Nông dân Việt Nam, chỉ có 1 báo in và 1 tạp chí in, theo bản quy hoạch.

Về báo điện tử và tạp chí điện tử, bản quy hoạch xác định rằng cơ quan, tổ chức nào được có báo, tạp chí in thì cũng được xuất bản báo, tạp chí điện tử. Bên cạnh đó, bản quy hoạch cũng quy định trong vài năm tới, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử.
Trong những ngày qua, các nhà báo bày tỏ lo lắng trên mạng xã hội về khả năng bản quy hoạch sẽ gây ra những xáo trộn lớn, khi các báo hoặc trang tin nhiều người đọc như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing News, Soha, Dân Trí, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, Người Lao Động, v.v… sẽ phải sáp nhập vào các cơ quan báo chí của các tỉnh, các bộ.

Trên Facebook cá nhân có hơn 35.000 người theo dõi, nhà báo kỳ cựu Mạnh Quân, hiện làm việc tại Dân Trí, nêu ra vụ sáp nhập báo Sài Gòn Tiếp Thị vào Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cách nay hơn 5 năm làm cho hơn 100 người “tan tác”, “thất nghiệp”. Liên hệ đến viễn cảnh hàng loạt tờ báo lớn với hàng ngàn người lao động “bỗng chốc phải thay đổi”, nhà báo Mạnh Quân nhận định mức độ ảnh hưởng sẽ “lớn” đến mức độ “đáng rùng mình”.

Dân Trí, nơi ông Quân làm lãnh đạo cấp ban, là báo điện tử thuộc Hội Khuyến học Việt Nam, và cũng trong diện sẽ phải sáp nhập theo quy hoạch báo chí.

Trong khi nhiều nhà báo lo lắng về tương lai công việc, luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải đưa ra quan điểm rằng bản quy hoạch vừa được thông qua có nội dung vi hiến hoặc trái với các luật đã có. Ông Hải phân tích với VOA:

“Thứ nhất, Luật Báo chí cho phép các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp cũng có quyền được lập báo chí. Với cái quy hoạch mới, người ta đã bỏ đi. Đấy là về mặt quyền tự do báo chí. Vấn đề thứ hai liên quan đến việc làm. Nhà nước, theo nguyên tắc, phải đảm bảo việc làm chứ không phải tìm mọi cách giảm bớt công việc, đẩy người ta ra đường. Với quy hoạch báo chí, rõ ràng là sẽ có rất nhiều báo sáp nhập, họ sẽ mất bản sắc mà thực tế là mất thương hiệu, thì các nhà báo rõ ràng là họ mất việc”.

Luật sư Hải cũng lưu ý đến khía cạnh tự do ngôn luận, điều mà chính các nhà báo dường như e ngại, tránh nhắc đến khi bàn luận về bản quy hoạch trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA.
Ông Hải cho rằng nếu số lượng báo bị giảm xuống và bị các cơ quan chủ quản của nhà nước giám sát chặt chẽ hơn, các báo sẽ đặt “lợi ích của nhà nước cao hơn lợi ích của người dân” khi đưa tin, tường thuật về các diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Không nhất trí với các quan điểm của nhà báo Mạnh Quân và luật sư Trần Vũ Hải, một nhà báo kỳ cựu khác, ông Hoàng Hải Vân, có cái nhìn lạc quan hơn.

Viết trên trang Facebook cá nhân có lượng người theo dõi đông tới hơn 94.000 người, ông Vân cho rằng “không nên lo lắng” về việc sáp nhập sẽ làm mất thương hiệu các báo. “Tuổi Trẻ vẫn là Tuổi Trẻ, Thanh Niên vẫn là Thanh Niên”, ông viết, đề cập đến 2 tờ báo được cho là đứng đầu về số phát hành ở Việt Nam.

Nhà báo có nhiều ảnh hưởng này cũng lên tiếng ủng hộ bản quy hoạch mà ông mô tà là “vô cùng cần thiết”. Dưới góc nhìn của ông, vấn đề nhức nhối lâu nay là nhiều cơ quan báo chí tồn tại bằng ngân sách nhà nước, trong khi “việc giảm thiểu, tiến tới bãi bỏ việc trợ cấp của nhà nước đối với báo chí được thực hiện quá chậm chạp gây lãng phí lớn cho ngân sách”. 

Ông Vân bình luận rằng “nhà nước càng ít trợ cấp cho báo chí càng tốt”, và theo ông, bản quy hoạch thể hiện được “tinh thần đáng hoan nghênh” đó.
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, ý kiến của ông Vân thuộc số hiếm hoi ủng hộ cho bản quy hoạch. Luật sư Trẩn Vũ Hải gián tiếp xác nhận thông tin này khi nói với VOA rằng ông biết nhiều nhà báo và tổng biên tập “đang nghĩ cách phản ứng”. Ông Hải cho biết thêm:

“Người ta phản đối, các báo, các lãnh đạo của các báo đang phản đối. Và các nhà báo cũng không đồng ý. Nhưng họ chưa ra mặt. Họ đang tính toán”.

Nhà báo Mạnh Quân của Dân Trí nhận định rằng nếu bản quy hoạch được thực hiện, đó sẽ là “quá trình sắp xếp, sáp nhập, chia tách báo chí lớn nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam hàng chục năm qua”. 

Nhưng luật sư Trần Vũ Hải đưa ra dự báo với tư cách cá nhân rằng nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ nhìn thấy sự lợi bất cập hại từ bản quy hoạch, và sẽ không thực thi nó một cách nghiêm ngặt.