Vì sao biểu tượng Aung San Suu Kyi sụp đổ? (Việt Hoàng)

Người Việt Nam trước khi tìm hiểu và nghiên cứu những triết lý hay tư tưởng sâu xa của thế giới thì hãy tìm đọc Dự án chính trị "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai" của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên để biết về tư tưởng chính trị của một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đang tranh đấu cho dân chủ Việt Nam. Đây là một tài liệu bao gồm nhiều cuốn sách đề cập đến mọi vấn đề, từ những lý thuyết căn bản của cuộc tranh đấu cho đến tư tưởng chính trị cần có dành cho những người đang định dấn thân tranh đấu. (Việt Hoàng)
Sự kiện bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy-NLD), lãnh tụ đối lập của Myanmar, giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội tự do đầu tiên tại Myanmar ngày 8/11/2015 đã làm phấn khích không chỉ người dân Myanmar mà còn làm nức lòng cả dư luận thế giới.
Tổng thống Mỹ Obama vừa nhậm chức nhiệm kỳ hai đã chọn Myanmar làm điểm đến thăm đầu tiên. Các nước chủ nợ thuộc câu lạc bộ Paris đã xóa nợ hơn 6 tỉ USD cho Myanmar. Nhật Bản cũng xóa khoản nợ 3,7 tỉ USD cho Myanmar và nối lại viện trợ ODA. Các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu đổ xô vào thị trường mới đầy hứa hẹn này.
Dư luận thế giới và nhất là Việt Nam đã ca ngợi bà Aung San Suu Kyi hết lời. Rất nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới được trao cho bà trong đó đặc biệt nhất là các giải thưởng cao quí như Giải Nhân quyền Rafto (1990), Giải Nhân quyền Shakarov và Giải Nobel Hòa Bình (1991).
Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống vì hiến pháp không cho phép những người có chồng con là người nước ngoài làm tổng thống. Bà trở thành "cố vấn quốc gia", một chức vụ đặc biệt đứng trên cả tổng thống.
aung2
Dư luận thế giới đã ca ngợi bà Aung San Suu Kyi hết lời và tin rằng đất nước Myanmar sẽ chuyển hóa từ quân phiệt sang dân chủ một cách bền vững.
Tuy nhiên, chỉ hai năm, sau khi nắm quyền, hình ảnh của bà đã tan vỡ bởi cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Sắc tộc người Hồi giáo thiểu số này không được nhìn nhận như là công dân của Myanmar, họ bị tấn công, đàn áp và xua đuổi ra khỏi quê hương bởi chính quân đội Myanmar với sự tiếp tay cuồng nhiệt của các nhà sư Phật giáo quá khích. Hàng trăm ngàn người Rohingya đã phải từ bỏ quê hương và trốn chạy sang Bangdalesh, Thái Lan tị nạn. (700.000 người trên tổng số 1,1 triệu người Rohingya đang sống tại Myanmar)
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Liên Hợp Quốc phải lên án và chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Myanmar và đích danh bà Aung San Suu Kyi. Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng cuộc tàn sát do quân đội Myanmar gây ra là một "cuộc diệt chủng".
Các danh hiệu cao quí dành cho bà Aung San Suu Kyi bắt đầu bị thu hồi, đầu tiên là thành phố Oxford tước giải thưởng nhân quyền với lý do "quan ngại sâu sắc về sự đối xử với người Hồi giáo Rohingya" hôm 6/10/2017. Tiếp sau đó, trường cao đẳng St Hugh thuộc đại học Oxford, là trường cũ nơi bà theo học cũng đã gỡ bỏ bức chân dung của bà tại phòng truyền thống của trường. Mới nhất là ngày 11/11/2018, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã quyết định thu hồi danh hiệu cao nhất mà họ đã trao cho bà năm 2009…
Đã có một vài người phân tích lý do bà Aung San Suu Kyi thất bại như khi chưa nắm quyền thì khác sau khi nắm quyền lại khác vì bị quyền lực cám dỗ nên xa rời lý tưởng ban đầu, chuyên chế, tụ phụ… Những ý kiến này đều có phần đúng nhưng tại sao lại như vậy ? Đâu là lý do chính dẫn đến thất bại của bà ngày hôm nay ?
aung3
Sự thất bại của bà Aung San Suu Kyi và tổ chức của bà là không hề có một tư tưởng chính trị nào nên, khi nắm được quyền lãnh đạo đất nước, bà đã lúng túng không biết làm thế nào và cuối cùng phải làm theo sự chỉ đạo của giới quân đội Myanmar.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã theo dõi sự kiện chuyển giao quyền lực tại Myanmar và với tất cả sự dè dặt, chúng tôi đã đoán trước được sự thất bại của bà. Lý do cũng rất giản dị : bà Aung San Suu Kyi không hề có một Dự án Chính trị nào cho tương lai của Myanmar.
"Có lẽ sự thành công của bà ngày hôm nay vì bà là một biểu tượng. Bà có một người cha nổi tiếng là ông Aung San, người anh hùng dân tộc giải phóng Myanmar khỏi thực dân Anh và ông cũng là người thành lập nên quân đội Myanmar. Mẹ của bà là Daw Khin Kyi cũng là một nhà ngoại giao nổi tiếng. Bà Aung San Suu Kyi rời Myanmar năm 1960 và chỉ trở về nước năm 1988 với mục đích chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng. Sự kiện thanh niên sinh viên Myanmar xuống đường biểu tình chống chế độ quân phiệt bị đàn áp dã man ngày 8/8/1988 đã làm cuộc đời bà thay đổi. Vì là một người mang tính biểu tượng cao nên bà đã được yêu cầu đứng ra thành lập Liên Minh Quốc gia vì Dân chủ và trở thành người lãnh đạo của nó cho đến tận bây giờ.
Trong 28 năm sống xa quê hương bà Aung San Suu Kyi không có nhiều quan tâm đến đất nước của mình. Điều đó cũng giống như hai người anh của bà, một người bị chết đuối, một người định cư ở Mỹ. Bà đã kết hôn với một người ngoại quốc là giáo sư Alexander Aris, một học giả người Anh nghiên cứu về Tây Tạng và có hai người con với ông. Điều này chứng tỏ bà không có ý định trở về quê nhà hoạt động chính trị vì chính bố bà đã qui định, những người có vợ chồng là người nước ngoài thì không thể trở thành lãnh đạo Myanmar. Chính điều này đang là lý do ngăn cản bà trở thành tổng thống Myanmar. Bà cũng không viết được gì nhiều ngoài cuốn sách "Thoát vòng sợ hãi" là tập hợp các bài viết của bà rải rác trước đó".
Lý do khiến bà thành công và giành được nhiều giải thưởng cao quí và trở thành người Myanmar được biết nhiều nhất trên thế giới… là vì bà được giới trí thức Myanmar ủng hộ và đứng sau lưng bà. Chúng ta chỉ nghe nói đến bà và tổ chức Liên minh Quốc gia vì Dân chủ chứ không biết đến một tổ chức thứ hai nào khác" (1).
Hồng Việt, một thành viên của Tập Hợp từng nhận định :
"Người Việt Nam khi nói về Aung San Suu Kyi thường cho rằng bà đã thành công vì bà là một người phi thường và đã chịu nhiều hy sinh gian khổ. Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi thấy không phải như vậy. So với những người đấu tranh ở Việt Nam, bà đúng là một người can đảm nhưng không hơn. Bà cũng chịu nhiều hy sinh mất mát nhưng chắc chắn là không bằng. Bà có hiểu biết về chính trị nhưng so với những trí thức lỗi lạc nhất của chúng ta, bà vẫn còn kém. Bà đã thành công vì những lí do khác" (2).
Chính vì bà và tổ chức của bà không hề có một tư tưởng chính trị nào, được trình bày bằng một Dự án chính trị nghiêm túc cho người dân được rõ là bà muốn gì, đề nghị những gì và sẽ làm những gì trong tương lai ?... nên khi nắm được quyền bà đã lúng túng không biết làm thế nào và cuối cùng phải làm theo sự chỉ đạo của giới quân đội Myanmar.
Nhớ lại khi xưa Lê-nin, một chuyên viên khủng bố thượng thặng và chuyên nghiệp (có người anh bị Sa hoàng treo cổ vì tội khủng bố) đã sớm nhận ra một chân lý rằng, nếu chỉ cướp chính quyền bằng bạo lực không thôi thì sẽ không đủ vì không có chính danh và không thuyết phục được người dân. Một cuộc cách mạng mà không có tư tưởng chính trị dẫn đường thì chỉ là một cuộc phản loạn, không hơn không kém. Hiểu rõ điều đó nên Lê-nin đã dựng dậy một học thuyết hoang đường và độc hại của một nhà tư tưởng tâm thần là Mác. Lê-nin xào nấu qua loa và biến thành nó một hệ tư tưởng chính trị mới với tên gọi : Chủ nghĩa cộng sản. Lê nin "thành công" khi biến nước Nga thành một nhà nước Công-Nông đầu tiên trên thế giới sau khi tiêu diệt hết giai cấp trí thức và tinh hoa trước đó.
Chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin chỉ có đất sống ở những quốc gia, nơi mà tầng lớp trí thức tinh hoa thiếu hụt trầm trọng về tư tưởng chính trị như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Campuchia… Ở Châu Âu, tư tưởng phản khoa học của Mác đã bị chính các đảng cộng sản lên án và tẩy chay ngay trong kỳ họp của Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức tại Gotha năm 1875. Đại hội Gotha được xem như là mốc thời điểm chấm dứt chủ nghĩa Mác tại Châu Âu.
Myanmar là một quốc gia đa sắc tộc với 135 sắc tộc khác nhau trong đó 90% theo đạo Phật và sắc tộc Bamar, mà bà Aung San Suu Kyi là thành viên chiếm đại đa số. Những người này đưa bà lên đỉnh cao quyền lực và bà không muốn làm mất lòng họ vì bà không đủ cam đảm và viễn kiến để giải thích với họ về sự quan trọng của chính sách "Hòa giải và Hòa hợp dân tộc" trong một đất nước mà mâu thuẫn sắc tộc vô cùng trầm trọng và kéo dài như Myanmar.
Bà cũng từng có kêu gọi "hòa giải dân tộc" nhưng bà không xem những người như sắc tộc Rohingya là công dân của mình. Bà gần như đồng lõa với chính quyền quân sự Myanmar khi tìm cách truy bức và đẩy sắc tộc Rohingya ra khỏi biên giới của mình. Hành động này bị cả thế giới lên án và sớm muộn cũng sẽ bị đem ra xét xử vì tội "diệt chủng" như đối với chính quyền Khmer Đỏ.
Một dân tộc không có tư tưởng chính trị cũng giống như một con thuyền không có la bàn, sẽ không biết trôi dạt về đâu và sớm muộn cũng gặp tai nạn. Bà Aung San Suu Kyi và giới lãnh đạo Myanmar vẫn không hiểu rằng, trong thế giới ngày hôm nay, các giá trị về quyền con người, dân chủ, tự do, bao dung, liên đới, hợp tác, thỏa hiệp và nhân nhượng lẫn nhau là những giá trị không thể thay thế và bị chà đạp. Hành động chống lại người Rohingya sẽ cô lập Myanmar với thế giới. Bà Aung San Suu Kyi chống lại một sắc dân nhỏ là Rohingya để đổi lấy sự tẩy chay và lên án của cả thế giới. Một người có viễn kiến không bao giờ hành động như vậy.
Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với Myanmar vì cũng có nhiều sắc tộc thiểu số và một quá khứ chất đầy hận thù do chiến tranh và do chính sách bất dung của đảng cộng sản Việt Nam. Trí thức Việt Nam cần ý thức một cách dứt khoát về tầm quan trọng của tư tưởng chính trị được trình bày cụ thể qua một Dự án chính trị. Rất nhiều tổ chức và cá nhân sau một hồi hoạt động ồn ào đều bị tan biến vì họ không có tư tưởng chính trị dẫn đường. "Hòa giải dân tộc" không chỉ là lập trường và phương pháp đấu tranh của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà còn là triết lý cầm quyền của chúng tôi trong tương lai.
Người Việt Nam trước khi tìm hiểu và nghiên cứu những triết lý hay tư tưởng sâu xa của thế giới thì hãy tìm đọc Dự án chính trị "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai" của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên để biết về tư tưởng chính trị của một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đang tranh đấu cho dân chủ Việt Nam. Đây là một tài liệu bao gồm nhiều cuốn sách đề cập đến mọi vấn đề, từ những lý thuyết căn bản của cuộc tranh đấu cho đến tư tưởng chính trị cần có dành cho những người đang định dấn thân tranh đấu. Ngay cả những người không dấn thân cũng nên đọc để biết, để hiểu, để lấy một quyết định đúng đắn cho chính mình khi ủng hộ hay tham gia một tổ chức nào đó trong tương lai…
Một vấn đề nữa cần nói là cuộc chuyển giao quyền lực trong êm thắm giữa tập quyền quân đội và Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi năm 2015. Đây là một cuộc chuyển giao trong hòa bình và tự nguyện của chính quyền cũ. Chính quyền Việt Nam và các tổ chức đối lập nên học hỏi ở điểm này. Còn sự thất bại của bà Aung San Suu Kyi và chính quyền hiện tại là do sự thiếu hụt nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, từ cả hai phía. Họ phải vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng một nỗ lực phi thường, bằng sự nhảy vọt về tư tưởng chính trị nếu không họ sẽ tiếp tục chìm vào bóng đêm của sự cô lập của thế giới như trước đây.
Nếu Việt Nam có thể chuyển giao được quyền lực một cách hòa bình như Myanmar thì vấn đề hậu cộng sản không phải quá lo lắng vì đã có giải pháp từ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Việt Hoàng
(19/11/2018)
(2) https://www.facebook.com/notes/t%E1%BA%ADp-h%E1%BB%A3p-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-%C4%91a-nguy%C3%AAn/v%C3%AC-sao-aung-san-suu-kyi-th%C3%A0nh-c%C3%B4ng-h%E1%BB%93ng-vi%E1%BB%87t-th%C3%A0nh-vi%C3%AAn-thdc%C4%91n/1270492006294238/