Vượt lên nỗi đau lịch sử, để là chính mình (Việt Dân)
Sự khốc liệt của guồng máy cộng sản đã triệt tiêu dần mọi cá nhân tài năng và bỏ qua những tiêu chuẩn đạo đức làm người. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm bế tắc. Sự bế tắc của một tổ chức như đảng cộng sản có thể dẫn đến một sự sụp đổ trong tương lai gần, nhưng nếu phong trào dân chủ Việt Nam không xây dựng được một tổ chức đứng đắn sẽ không thể huy động được quần chúng để làm đối trọng với đảng cộng sản. Lúc đó tình hình sẽ càng hỗn loạn và bi đát. Tương lai của Việt Nam sẽ bất định hoặc sẽ bị một nhóm tài phiệt lợi dụng chiêu bài đổi mới nổi lên cướp chính quyền và tiếp tục duy trì tình trạng cũ, tiếp tục chia quyền, đoạt lợi dưới một hình thái dân chủ giả hiệu. (Việt Dân)
Từ
lâu, mỗi khi đọc, hiểu về lịch sử đau thương của Việt Nam giai đoạn
1945-1975, luôn tồn tại trong tôi một khoảng trống mà ở đó trí tuệ và sự
suy nghĩ rạch ròi không thể len lỏi vào, chỉ còn lại những nỗi khắc
khoải và đau nhức của cảm xúc ngập tràn dần làm tê liệt chính mình.
Lật
lại từng trang sử của Việt Nam, mà gần nhất là giai đoạn từ năm 1945
lại đây thôi, không ai có thể chối bỏ rằng nó là một giai đoạn xảy ra
quá nhiều biến cố đau thương nối tiếp nhau. Quá nhiều giả định và câu
hỏi "giá như và tại sao ?…". Ngay cả trong trí tưởng tượng cũng không thể giúp tôi tránh né chính mình, nhất là với suy nghĩ của một người nghiêm túc đối với những vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện tại như tôi. Những suy tư đó càng ngày càng thôi thúc tôi tìm hiểu chính xác và đúng đắn về quá khứ của Việt Nam, dù nó đau lòng và có thể đả phá tâm lý hay niềm tin, sự lạc quan mà tôi đã được nhào nặn từ những dữ kiện sai.
Dù không đánh giá thấp sự u mê, ngu dốt của loài người, nhất là những người do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy đã được trao quyền bính trong tay, nhưng tôi vẫn không thể nào tưởng tượng được về những quyết định mà họ đưa ra đã dẫn đến những hậu quả tai hại và lâu dài cho cả một cộng đồng, một dân tộc. Khi đọc lại một giai đoạn lịch sử cận đại, nhất là hàng loạt biến cố đau thương xảy ra với đất nước mình, với đồng bào mình thì những vết tích, thương tổn đó vẫn hiện diện như chỉ mới đây thôi. Tôi cảm thấy rất khó chấp nhận những tác nhân đã tạo ra những bi kịch như cải cách ruộng đất, nhân văn - giai phẩm, cải tạo tư sản ở miền Nam hay hàng loạt những quyết định ngu dốt khác của nhiều lãnh đạo đảng cộng sản từ trước tới nay.
Đã có nhiều bài viết hay những nghiên cứu nghiêm chỉnh của những trí thức yêu nước, học giả với cố gắng lý giải một bối cảnh khách quan của lịch sử đã dẫn dắt, chi phối các hành động và quyết định của đảng cộng sản khiến cả đất nước đi vào ngõ cụt và đêm đen, trong đó có giai đoạn 1945-1975. Loạt bài về "Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8" của ông Nguyễn Gia Kiểng là một tài liệu đáng quí với những bài học và kinh nghiệm tranh đấu dân chủ cho những người yêu nước, mong mỏi một cuộc đổi đời cho đất nước.
- Nhìn lại Cách mạng Tháng Tám (Nguyễn Gia Kiểng)
- Một câu hỏi lớn nhân kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945 (Nguyễn Gia Kiểng)
- Cách Mạng Tháng 8, nội chiến, và nội chiến cộng sản (Nguyễn Gia Kiểng)
- Cách Mạng Tháng Tám đã quyết định số phận Việt Nam như thế nào ? (Nguyễn Gia Kiểng – Trần Quang Thành)
- Nhìn lại hai cuộc Cách Mạng Pháp 1789 và Việt Nam 1945 (Nguyễn Gia Kiểng)
- Cách Mạng Tháng 8: vì sao đất nước gục ngã ? (Nguyễn Gia Kiểng)
Trong bài viết này
của mình, tôi chỉ muốn nêu một số sự kiện để lý giải cho câu hỏi tại
sao những con người rất yếu kém về mặt trí tuệ và vô cảm như ông Đỗ Mười
hay bất cứ một nhân vật quan trọng nào trong guồng máy của đảng cộng sản
như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Tố
Hữu... lại có thể khống chế cả đất nước Việt Nam và kéo lùi đất nước
chúng ta trên tất cả mọi phương diện, mọi địa hạt như vậy. Đặc biệt là
ông Đỗ Mười, một người cộng sản "toàn nguyên". Theo nhiều người, dù là cộng sản hay không, đều phải thừa nhận rằng ông ấy có những đức tính và đại diện tuyệt đối cho mẫu người "cộng sản chân chính".
Ông Đỗ Mười, từ một người làm nghề lao động tay chân, tin tưởng và đi theo tiếng gọi của đảng cộng sản. Ông đã đi lên từng bước một và cuối cùng leo lên những cấp bậc cao nhất, có mặt và trực tiếp tham gia vào những quyết định quan trọng trong vụ
cải tạo tư sản ở miền Nam hay hội nghị Thành Đô năm 1991. Cho đến bây
giờ nhìn lại, thì tất cả đều kinh hãi trước những hậu quả nặng nề và tai hại mà ông là đạo diễn. Các quyết định của Đỗ Mười làm ảnh hưởng lên số phận hàng triệu người, có nhiều người đã
phải mất mạng, giềng mối xã hội hay những giá trị về tình yêu thương,
gia đình, thứ bậc đều bị xé bỏ trong sự vô cảm, không một chút luyến
tiếc.
Việc đánh tư sản ở Miền Nam đã dẫn đến thảm cảnh thuyền nhân khi hàng triệu người bỏ nước ra đi, nhiều người mất nhà, mất đất một cách tức tưởi. Cũng không ai có thể xác tín nội dung của mật ước Thành Đô cho đến khi nó được giải mật, nhưng rất có thể, đây là một hiệp ước dần biến Việt Nam thành nhượng địa của Trung Quốc vì cùng chung ý thức hệ cộng sản. Điều này cũng rất có khả năng là sự thật. Tại sao ?
Tại sao trong hàng ngũ những người lãnh đạo cộng sản, hầu hết đều sắt máu như ông Đỗ Mười nhưng cũng có những con người vì thời cuộc hay một chuyển biến tự nhiên về thời gian mà họ có thể được nâng lên hay bị đặt xuống như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh... duy chỉ có ông Đỗ Mười là đường Đảng lộ chỉ có đi lên chứ không có xuống ?
Cứ nhìn những hình ảnh khóc thương của các thế hệ lãnh đạo cộng sản trong tang viếng ông Đỗ Mười gần đây, tôi tin rằng dù ít hay nhiều, thì họ cũng đều từng là học trò hay đệ tử của ông Đỗ Mười, có người được ông nâng đỡ cũng có người được ông đối xử trung dung. Tôi tin rằng họ khóc hay buồn rầu vì luyến tiếc thật.
Cứ nhìn những hình ảnh khóc thương của các thế hệ lãnh đạo cộng sản trong tang viếng ông Đỗ Mười gần đây, tin rằng họ khóc hay buồn rầu vì luyến tiếc thật.
Có thể nhìn nhận rằng ông Đỗ Mười là đại diện cho tính cách gần nhất của một người cộng sản "toàn nguyên". Với ông ấy, chủ nghĩa cộng sản còn lớn hơn cả một chủ nghĩa, nó như một tôn giáo, nghĩa là ông ta tin nó và xác quyết những tín điều của nó, bất cần lý luận, bất cần chứng minh. Trong tất cả những quyết định của mình, ông Đỗ Mười đã bỏ hẳn tính cách độc lập của một cá nhân như sự suy xét, phản biện, lòng trắc ẩn, hay những tình thương, tình bạn... ông đại diện cho tính Đảng và chỉ làm tất cả vì quyền lợi của đảng với một niềm tin và một sự phục tùng tuyệt đối.
Trong quyển Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có thuật lại giai đoạn đánh tư sản ở miền Nam mà ông Đỗ Mười chỉ đạo, chính những đồng chí của ông như Hoàng Tùng, Võ Văn Kiệt cũng phải bối rối, bất lực và bỏ cuộc trước sự lạnh lùng của Đỗ Mười khi ông đưa ra những quyết định ảnh hưởng lên đời sống của hàng triệu người miền Nam thời điểm đó.
Nhưng tại sao những người như Đỗ Mười, hay những đồng chí của ông, vừa kém trí tuệ vừa thiếu khả năng vừa không có lòng yêu nước... lại có thể áp đặt sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản lên Việt Nam bắt đầu từ miền Bắc một cách chưa chính thức từ 1945 cho đến trên cả nước từ năm 1975 ?
Có lẽ họ có văn hóa tổ chức và tận dụng được hiệu lực và sức mạnh của tổ chức ? Chủ nghĩa cộng sản là một sự nối tiếp hoàn hảo của các chế độ phong kiến tập quyền trước đây được hỗ trợ bởi văn hóa Khổng Giáo vẫn còn hiện diện và ảnh hưởng mạnh mẽ trong tâm lý xã hội Việt Nam sau cả ngàn năm tồn tại ? Đó là những biến cố lịch sử thuận lợi như nạn đói Ất Dậu năm 1944, sự suy yếu của những đảng phái yêu nước, sự vụng về và thiếu minh bạch của người Pháp hay sự hời hợt của tầng lớp trí thức khoa bảng của Việt Nam giai đoạn đó ?
Sống ngắc ngoải trong nạn đói lịch sử năm Ất Dậu - Ảnh minh họa (PLO, 12/01/2015)
Yếu tố nào ảnh hưởng nhất hay tất cả các yếu tố trên đã dẫn đến một bi kịch kéo dài cho đến ngày nay ?
Trong nhận xét riêng của mình, tôi đưa ra một lý giải đó là khi một khoảng trống mà sự phẫn uất bị dồn nén đã bị đẩy lên cao trào dẫn đến việc trí tuệ không thể len lỏi vào để bình tĩnh suy xét, dẫn đường. Cho đến khi tất cả nhận ra thì đảng cộng sản đã nắm quyền bính và họ đã khống chế toàn xã hội bằng cả sự khủng bố tinh vi về tinh thần lẫn vật chất.
Nhắc lại một bài học để chúng ta hiểu rằng giai đoạn tranh đấu cho phong trào dân chủ hiện nay cần sự kết hợp của cả con tim, khối óc và những cái nắm tay thật chặt. Không ai không xúc động và nghẹn ngào khi hàng ngày mở báo ra đều đọc thấy những tin tức về nạn lạm dụng tình dục trẻ em, tai nạn liên hoàn, cơ sở hạ tầng yếu kém do tham nhũng, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi... Nhưng sự uất hận đó rất có thể dẫn dắt chúng ta đến một khoảng trống mà khi đó sự suy nghĩ lạc quan về tương lai của đất nước không còn, chỉ còn lại những xúc cảm tùy từng người định nghĩa như lòng thù hận, sự manh động, bi quan, chán nản, tuyệt vọng...
Trong giai đoạn này, những ai còn biết đau thương với nỗi đau của đồng bào sẽ là một niềm an ủi, một sự hy vọng. Nhưng chúng ta cần phải dành một sự cố gắng lớn lao hơn, cần phải vượt qua một nỗi đau tập thể để hiểu rõ mình, hiểu rõ lịch sử của đất nước mình trong nỗ lực tạo ra một lịch sử mới cho Việt Nam của ngày hôm nay và mai sau. Và quan trọng nhất, phải hiểu rằng đảng cộng sản hiện nay chỉ còn là một hư cấu, nó đã dần biến chuyển từ một chế độ độc đảng (mà những đại diện gần nhất như Đỗ Mười đã không còn) sang một chế độ độc tài cá nhân. Tuy nhiên quá trình này càng dẫn nó đến sự sụp đổ nhanh hơn.
Sự khốc liệt của guồng máy cộng sản đã triệt tiêu dần mọi cá nhân tài năng và bỏ qua những tiêu chuẩn đạo đức làm người. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm bế tắc. Sự bế tắc của một tổ chức như đảng cộng sản có thể dẫn đến một sự sụp đổ trong tương lai gần, nhưng nếu phong trào dân chủ Việt Nam không xây dựng được một tổ chức đứng đắn sẽ không thể huy động được quần chúng để làm đối trọng với đảng cộng sản. Lúc đó tình hình sẽ càng hỗn loạn và bi đát. Tương lai của Việt Nam sẽ bất định hoặc sẽ bị một nhóm tài phiệt lợi dụng chiêu bài đổi mới nổi lên cướp chính quyền và tiếp tục duy trì tình trạng cũ, tiếp tục chia quyền, đoạt lợi dưới một hình thái dân chủ giả hiệu.
Đừng để lịch sử đau thương lặp lại. Chúng ta đã có rất nhiều bài học đau lòng nhất là khi trí tuệ, tinh hoa của người Việt bị gạt ra bên lề để dành chổ cho một lực lượng vô học và dốt nát lên nắm quyền.
Chúng ta đã là chúng ta của ngày hôm nay chỉ vì đã dành quá nhiều sự đam mê mà thiếu đầu tư vào tư tưởng và xây dựng những dự án chính trị nghiêm chỉnh cho đất nước. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn kiên trì đổi mới và cập nhật tư tưởng bằng dự án chính trị gần nhất "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2" nhằm tìm kiến một tương lai mới cho người Việt.
Thế giới đang bước vào một kỉ nguyên mới mà sự tiến bộ như vũ bão về công nghệ, sinh học... sẽ đưa loài người đến những vận hội mới cùng những thử thách mới. Dù vậy vẫn có một sự thực đau lòng mà chúng ta không thể chối bỏ đó là hơn 95 triệu người Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ các quyền của con người. Chúng ta vẫn bị kìm hãm và không thể vươn lên được, đây sẽ là một câu hỏi nhức nhối cần phải đặt ra đối với bất kì ai còn nghĩ đến một tương lai chung cho Việt Nam.
Việt Dân
22/10/2018