Ngôn từ là cửa sổ (Phạm Phú Khải)
Trong thế giới văn minh ngày nay thì truyền thông là lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ giữa con người với con người cũng như trong quan hệ quốc tế. Nhiều người VN vẫn còn hiểu sai và đánh giá thấp về khả năng và sức mạnh của truyền thông. Truyền thông được thể hiện bằng lời nói, bằng lý luận...và đó là sản phẩm của trí tuệ, của tâm hồn người viết, người nói. Phong trào dân chủ VN vẫn chưa phát triển được vì tâm lý nóng vội, muốn "hành động" bằng chân tay thay vì suy tư bằng lý luận và thuyết phục người khác bằng truyền thông.
Truyền thông là một trong những lĩnh vực và chức năng quan trọng nhất của con người. Trong mọi hoạt động đời sống, tư và công.
Bởi không thể xây dựng một xã hội văn minh tiến bộ nếu không có nền
truyền thông cao cấp, trong đó tư tưởng và ngôn ngữ diễn đạt phải ở
trình độ cao, để có thể trình bày các vấn đề phức tạp hoặc chuyên môn.
Giáo dục, ở mọi cấp, có thành công và hiệu quả hay không không chỉ nằm
trong triết lý hay phương pháp dạy, mà chủ yếu là cách truyền đạt các
kiến thức này từ người dạy sang người học. Cũng không thể có nền kinh tế
tri thức nếu không có một nền truyền thông cấp tiến. Và không thể có
dân chủ nếu các vấn đề triết lý chính trị, và tính chuyên môn và phức
tạp của pháp luật, không được truyền thông một cách hiệu quả và dễ thẫm
thấu cho phần lớn công dân.
Trong truyền thông, ngôn từ là thành tố quan trọng nhất.
Lắm khi chúng ta cảm thấy được tràn đầy hạnh phúc, hoặc bị đau khổ vô
biên, cũng chỉ vì một vài từ, hay chỉ một, mà thôi. Có khi nó đến từ
người mà mình thương yêu, và cũng có khi nó đến từ chính mình dành cho
người mình thương yêu.
Nhưng trong những năm gần đây, tôi nhận thấy người ta dễ dàng dành
cho nhau những ngôn từ rất nặng nề, không chỉ riêng người Việt. Các
thành phần gọi là “troll” hiện ra rất nhiều trên các diễn đàn mạng.
Chúng ta dễ có cảm tưởng rằng văn minh nhân loại đang đi thụt lùi. Còn
các diễn đàn hay trang mạng xã hội như facebook của người Việt Nam thì
khỏi nói. Người ta rất dễ dàng chửi nhau, lăng mạ nhau, chụp mũ nhau, vì
những lý do rất nhỏ nhặt. Đọc mà thấy buồn.
Mới đây có một cái nhìn khá mới của Mel Schwartz về đề tài này mà tôi thấy khá hay, nên muốn được chia sẻ với bạn đọc [1].
Schwartz chia sẻ rằng trước đây ông thường bất đồng với người vợ cũ
của ông. Vấn đề tưởng chừng như nhỏ xíu và lãng nhách. Khi lên giường
lúc đi ngủ, ông thường cảm thấy nóng nên buộc miệng nói: “Thiệt là nóng ở
đây” (It’s hot in here). Vợ ông liền đáp lại: “Không, không phải nóng,
mà là lạnh” (No, it’s not, it’s cold). Cãi qua cãi lại chuyện nóng hay
lạnh làm cho hai người bực mình nhau mà chẳng đi tới đâu.
Shwarts mất một thời gian mới khám phá ra cách mới để trình bày cùng ý
tưởng, chỉ khác một chút thôi. “Tôi thấy nóng” (I feel hot). Từ một
nhận định mang tính khách quan (objective statement) như trên, Shwarts ý
thức chuyển sang tính chủ quan (subjective statement). Do đó thay vì
tranh cãi nhau về sự thật, tức nhận định khách quan, Shwarts chỉ chia sẻ
nhận thức của mình về sự việc, tức cảm nhận chủ quan của ông về nhiệt
độ. Tất nhiên Shwarts cũng nhận thức rõ là làm như thế không nhất thiết
giải quyết tận cùng vấn đề nhiệt kế giữa hai người, tuy nhiên ông cũng
cảm thấy nhẹ nhõm vì vượt qua được khúc mắc tranh luận đó. Vợ ông cũng
không có lý do chính đáng nào cãi tiếp hay bắt ông phải cảm nhận khác.
Mỗi cơ thể có máy đo nhiệt độ khác nhau.
Tôi tin rằng ai trong chúng ta, ít hay nhiều, từ nhỏ đến lớn, đều đã
trải nghiệm bao nhiêu trường hợp như thế. Chúng ta bị mắc bẫy không lối
thoát vì bị mắc kẹt trong khung sườn suy nghĩ cố định của mình. Suy nghĩ
là vấn đề tư tưởng, mà tư tưởng được cấu thành bởi các ký hiệu ngôn
ngữ, bởi chữ nghĩa. Ngôn ngữ, hay chữ nghĩa, càng phong phú thì tư tưởng
càng phong phú và càng có khả năng diễn đạt chính xác hoặc gần xác thực
với luồng suy nghĩ trong đầu một người. Ngược lại, ngôn ngữ càng cứng
ngắc và giới hạn thì khả năng trình bày các vấn đề phức tạp cũng bị ít
nhiều gò bó.
Khoảng 25 thế kỷ về trước, Lão Tử cũng đã nhận thức rất rõ giới hạn của ngôn từ trong việc diễn đạt tư tưởng.
Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo hằng cửu.
Tên mà có thể gọi được, không phải là tên hằng cửu.
Không tên là gốc của Trời và Đất.
Có tên là mẹ của muôn vật.
The Tao that can be spoken is not the eternal Tao
The name that can be named is not the eternal name
The nameless is the origin of Heaven and Earth
The named is the mother of myriad things
Cho nên có những khi “Ngàn lời không đủ, một chữ quá thừa!” [2].
Hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề tâm lý trị liệu (psychotherapist)
và tư vấn truyền thông, Shwarts đã quan tâm, do đó tập trung nhiều vào
việc, tìm hiểu những yếu tố nào cản trở sự thành công khi truyền thông.
Shwarts nhận ra rằng ngôn từ là rất quan trọng. Những ngôn từ chúng ta
sử dụng: hoặc sửa soạn để người ta trở nên mở lòng và hiếu kỳ với những
gì mình nói; hoặc trở thành phòng thủ và phản ứng với những gì họ nghe.
Shwarts cho rằng ngôn từ là nền tảng quan hệ của chúng ta không chỉ
với những người khác mà còn là nguyên tố căn bản với chính mình. Bởi vì
những suy nghĩ của chúng ta thật sự ghi chép kinh nghiệm sống của mình.
Nó ảnh hưởng chúng ta hơn tất cả mọi điều khác, hơn cả quan hệ gần gũi
nhất với mình. Cái gì tạo nên suy nghĩ, tư tưởng của mình? Đó là ngôn
từ.
Tiếng Anh, và có lẽ mọi ngôn ngữ (tôi chỉ đoán chừng vậy thôi chứ
không phải là nhà ngôn ngữ học), đều có những giới hạn về ngôn từ và cấu
trúc của nó. Shwarts phân tích giới hạn của tiếng Anh về động từ “to
be” (to be verbs), dễ đưa đến suy nghĩ hay hành động cứng ngắt, không
thay đổi. Tôi sẽ trở lại đề tài này vào dịp khác.
Trước khi chấm dứt, tôi xin được chia sẻ một bài thơ khá hay của tác
giả Ruth Bebermeyer trích từ cuốn sách “Truyền thông bất bạo động” của
Marshall Rosenberg [3].
Ngôn từ là cửa sổ
(hoặc là bức tường)
Tôi cảm thấy bị kết án bởi ngôn từ của bạn,
Tôi cảm thấy bị phán xét và bảo đi nơi khác,
Trước khi đi tôi muốn biết,
Có phải ý của bạn là thế không?
Trước khi tôi đứng lên bảo vệ lấy mình,
Trước khi tôi nói trong tinh thần bị tổn thương hay sợ hãi,
Trước khi tôi xây bức tường bằng ngôn từ,
Cho tôi biết, có phải tôi nghe như thế không?
Ngôn từ là cửa sổ, hoặc là bức tường,
Chúng kết án chúng ta, hoặc trả chúng ta tự do.
Khi tôi nói và khi tôi nghe,
Hãy để ánh sáng tình thương soi sáng xuyên tôi.
Có những điều tôi cần nó,
Những điều có nhiều ý nghĩa đối với tôi,
Nếu ngôn từ của tôi không làm tôi rõ,
Bạn sẽ giúp cho tôi được tự do?
Nếu tôi dường như làm cho bạn buồn,
Nếu bạn cảm thấy tôi không quan tâm,
Cố gắng lắng nghe qua ngôn từ của tôi,
Với những cảm xúc chúng ta chia sẻ nhau.
- Ruth Bebermeyer
VOA
(Úc Châu, 19/09/2018)
Tài liệu tham khảo:
1. Mel Schwartz, “Change a Word, Change Your Life”, Psychology Today, 05 September 2018.
2. Kiều Tiến Dũng, “Khoa học phương Tây và triết lý phương Đông”, Người Việt Books, 2016. Có thể đọc thêm bài viết về buổi ra mắt sách này trên báo Người Việt, Hoa Kỳ.
3. Marshall B. Rosenberg, “Nonviolent Communication”, A Language of Life, PuddleDancer Press, 2015; page xix.
Words Are Windows (Or They’re Walls)
I feel so sentenced by your words
I feel so judged and sent away
Before I go I got to know
Is that what you mean to say?
Before I rise to my defense,
Before I speak in hurt or fear,
Before I build that wall of words,
Tell me, did I really hear?
Words are windows, or they’re walls,
They sentence us, or set us free.
When I speak and when I hear,
Let the love light shine through me.
There are things I need to say,
Things that mean so much to me,
If my words don’t make me clear,
Will you help me to be free?
If I seemed to put you down,
If you felt I didn’t care,
Try to listen through my words
To the feelings that we share.
– Ruth Bebermeyer
(from the book Nonviolent Communication – A Language of Life)