Pháp đưa nhân quyền lên hàng đầu trong tuyên bố chung, liệu VN có thay đổi? (RFA)
Tuyên bố chung Việt – Pháp đưa ra sau chuyến thăm của ông Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng cho thấy hai bên đã thống nhất đặt vấn đề dân chủ nhân
quyền lên mục thứ hai, nhưng có thể coi là mục đầu tiên bởi vì thực
chất điều 1 thường chỉ mang tính chất ngoại giao.
Trong số 29 điều được nêu ra trong bản tuyên bố chung về tăng cường
quan hệ đối tác chiến lược Việt Pháp, có thể nhìn thấy ngay mục về nhân
quyền nằm trong điều thứ 2 , nguyên văn như sau:
“Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên
tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế
mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước.”
Như vậy trong chuyến thăm lần này chuyện nhân quyền có vẻ như được
Pháp quan tâm ưu ái hơn so với bản tuyên bố chung năm 2013 khi ông cựu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Paris, lúc đó nhân quyền được đặt xuống
mục thứ 6.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động dân sự Tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá bản
tuyên bố chung lần này là một bước tiến quan trọng cho thấy Pháp quan
tâm hơn đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Mặc dù trong buổi họp báo,
phía Pháp không hề nhắc đến nhân quyền, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho
rằng Pháp quan tâm đến kết quả thực chất hơn là sự quảng cáo rầm rộ.
Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng về phía chính phủ Pháp và tôi nghĩ
chắc chắn nó sẽ có tác động nào đó đến cách hàng xử của chính quyền Việt
Nam. Bởi vì thực sự Hiệp định Tự do Thương mại song phương giữa Việt
Nam và EU tuy đã đàm phán xong rồi nhưng vẫn chưa được ký và năm 2018 là
một năm bản lề trong việc có ký hay thông qua được hay không.
Chuyến thăm Pháp của ông Nguyễn Phú Trọng lần này được nhận xét mục
đích muốn thúc đẩy Hiệp định Tự do Thương mại với EU sẽ được ký trong
năm nay. Khối EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau
Hoa Kỳ. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump gia
tăng việc áp thuế lên nhiều mặt hàng của Việt Nam như nhôm, thép, và
thậm chí cá ba sa bị đánh thuế lên đến hơn 100%.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được nói
là bị Việt Nam bắt cóc từ Đức. Ông Nguyễn Quang A cho rằng đây là hành
động làm mất hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng châu Âu, mà theo
ông chính ông Nguyễn Phú Trọng là người ra lệnh.
Ông Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bị cáo buộc tham nhũng của Tập
đoàn dầu khí Việt Nam, trốn sang Đức xin tị nạn vào năm 2016.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Việt Nam đang muốn gỡ gạc lại những
tiếng xấu bấy lâu nay lan truyền trong cộng đồng châu Âu, vì vậy có thể
sẽ thay đổi một số chính sách về nhân quyền:
Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ có tác động nào đấy nhưng bảo rằng
nó sẽ có tác động quyết định hoặc rất lớn đến cách ứng xử của chính
quyền Việt Nam thì tôi nghĩ rằng không, bởi vì đối với chính quyền Việt
Nam họ cân nhắc rất nhiều yếu tố và chính quyền Việt Nam chỉ thay đổi
khi áp lực ở nước ngoài như trường hợp này chứng tỏ tăng lên nhưng áp
lực trong nước cũng phải tăng lên. Và bản thân họ thấy rằng nếu có thỏa
mãn áp lực bên trong và bên ngoài đó thì họ mới giữ được vị thế của
mình.
Cuối năm ngoái, Đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng
Vương Đình Huệ đã lên tiếng yêu cầu EU không nên đưa nhân quyền vào nội
dung Hiệp định Tự do Thương mại giữa hai phía, viện lý do là Việt Nam
luôn phối hợp với quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền con người.
Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Pháp, một số tổ chức về nhân
quyền như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người
Việt Nam, và Hội Nhân quyền Pháp quốc, đã ký tên chung bức Thư Ngỏ gửi
Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu Tổng Thống áp lực Việt Nam giải
toả đàn áp nhân quyền và tôn giáo, huỷ bỏ các điều luật phản chống nhân
quyền, và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Ông Andrea Giorgetta, Trưởng Phòng Á Châu của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền nói với RFA:
Hiển nhiên Việt Nam là cựu thuộc địa Pháp, nhưng ngày nay ảnh
hưởng Pháp vẫn còn trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị và kinh tế. Thật
là điều quan trọng khi Tổng Thống Macron gửi một thông điệp thẳng thắn
tới Tổng Bí thư Trọng làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền sa sút tại Việt
Nam, đặc biệt về hoàn cảnh các tổ chức xã hội dân sự bị o ép trong một
không gian khép kín, việc sử dụng các điều luật hạn chế nhân quyền, và
không ngừng tiếp diễn đàn áp tự do ngôn luận, biểu tình và tự do tôn
giáo.
Ngoài ra, Tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng yêu cầu chính phủ
Pháp đặt 3 câu hỏi bị cho là “cấm” về nhân quyền ở Việt Nam và yêu cầu
ông Nguyễn Phú Trọng trả lời.
Chúng tôi cũng trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một thành viên
của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức bảo vệ dân chủ nhân quyền ở Việt
Nam thời gian qua bị đàn áp bắt bớ mạnh tay. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho
rằng Liên minh châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đang thực hiện một
chủ trương buộc Việt Nam phải thay đổi, đặc biệt là sau vụ bắt cóc ông
Trịnh Xuân Thanh và hàng loạt vụ đàn áp nhân quyền “khét tiếng” gần đây:
Chính vì vậy khi ông Trọng sang Pháp, việc đầu tiên là sự đón tiếp
long trọng đã không có. Thứ hai, khi họ đưa vấn đề dân chủ nhân quyền
lên hàng thứ hai, điều đó chứng minh Liên minh châu Âu đã coi trọng nhân
chủ nhân quyền và đã thấy thực chất những tuyên bố của Nhà nước Cộng
sản Việt Nam đối với dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam là hoàn
toàn không có, hoàn toàn giả dối.
Việt Nam thường xuyên cam kết thúc đẩy nhân quyền trước mắt quốc tế,
và thậm chí còn đưa ra những bản công bố về thành tựu nhân quyền của họ
trong thời gian qua. Nhưng giới hoạt động cho biết suốt năm ngoái và đầu
năm nay, họ bị đàn áp và bỏ tù hết sức tàn bạo. Năm ngoái, chỉ trong
vòng hai tuần lễ, 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị bắt.
Ngay khi ông Trọng còn đang ở Pháp, ca sĩ Mai Khôi, một nhà hoạt động
vì tự do ngôn luận ở VN đã bị cơ quan chức năng câu lưu tại Hà Nội khi
vừa đáp chuyến bay về từ châu Âu.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhận thấy qua cách gián tiếp thúc giục thay
đổi tình hình nhân quyền của Pháp, thời gian tới Việt Nam có thể sẽ nhẹ
tay hơn với giới hoạt động để đổi lấy các lợi ích kinh tế.