EU hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc (Chánh Tài)

Hôm 3-10, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí các quy định mới nhằm hạn chế hàng nhập khẩu rẻ quá mức từ Trung Quốc mà nhiều doanh nghiệp ở châu Âu cho rằng đó là hình thức bán phá giá.


Tờ Financial Times cho biết theo các quy định hiện hành, EU sẽ thẩm định hành vi bán phá giá có đang xảy ra hay không bằng cách so sánh giá xuất khẩu với giá trong nước của một doanh nghiệp nước ngoài. Song đối với các nước chưa được EU công nhận là nền kinh tế thị trường như Trung Quốc, EU có thể sử dụng một phương pháp khác, đó là so sánh giá xuất khẩu hàng hóa của một doanh nghiệp Trung Quốc với giá bán mặt hàng đó tại một nước thứ ba để xác định có hành vi bán phá giá hay không.

Bắc Kinh cho rằng phương pháp này đã giúp EU áp đặt hơn 50 biện pháp bảo hộ thương mại chống lại Trung Quốc, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó bao gồm cam kết công nhận tư cách nền kinh tế thị trường đối với một nước 15 năm sau khi nước này gia nhập WTO.

Trong 18 tháng qua, EU và nhiều đối tác thương mại khác của Trung Quốc thảo luận về việc liệu có nên đối xử với Trung Quốc như nền kinh tế thị trường hay không. Bắc Kinh cho rằng EU phải công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vì đó là quyền lợi hiển nhiên của Trung Quốc vào cuối năm 2016, tức 15 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

EU bắt đầu các cuộc thảo luận vào đầu năm 2016 đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn, tập hợp hơn 5.000 ý kiến về cách xử lý các khiếu nại đối với hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cuối cùng, Ủy ban châu Âu (EC), các nước thành viên EU và các nghị sĩ EU đã đạt được các quy định mới, trong đó khẳng định khi xem xét áp thuế chống phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu, EU sẽ ứng xử với các thành viên WTO như nhau. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp nước ngoài chỉ bị coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu của họ thấp hơn với giá bán trong nước của họ.

Tuy nhiên, EU sẽ đặt ra ngoại lệ đối với các trường hợp “bóp méo thị trường” chẳng hạn như sự can thiệp quá mức của nhà nước bằng các chính sách hậu thuẫn cho các công ty trong nước. Trong các trường hợp như vậy, EU sẽ tính toán biên độ phá giá của hàng hóa của một công ty nước ngoài bằng cách so sánh giá xuất khẩu của công ty đó và giá tại một nước thứ ba. Ngoại lệ này có thể sẽ áp dụng cho nhiều công ty Trung Quốc.

Dự kiến, các quy định mới sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay và sau đó, EU sẽ công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường.

TBKTSG