12 dự án thua lỗ ngàn tỉ: nhiều giải pháp, chưa mấy khả quan (Lan Nhi)

Trước mắt, để giải quyết các vướng mắc với Tổng thầu MCC (Trung Quốc) và 14 nhà thầu phụ, Hội đồng quản trị TISCO đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của MCC. Hai bên thống nhất quan điểm cần tập trung giải quyết các tồn tại vướng mắc liên quan đến dự án, có kết quả báo cáo với Chính phủ trước ngày 30-9-2017. Hiện nhà máy vẫn “đắp chiếu” từ năm 2014 đến nay.

 Dự án nhà máy sản xuất sơ xơi Đình Vũ (PV Tex) đợi khởi động trở lại trước khi thoái vốn nhà nước. Ảnh:TL


Trong số 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ của ngành công thương, 2/3 số dự án đã có lối ra dù tình hình hoạt động cũng chưa nhiều khả quan.

Bộ Công Thương tiếp tục phải đốc thúc kế hoạch triển khai xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, các dự án đạm đều đang hoạt động nhưng chỉ ở mức giảm lỗ, là dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng.

Ba nhà máy đạm hiện đang vận hành với phụ tải trên 80%, trừ Nhà máy đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa theo kế hoạch và dự kiến chạy lại vào ngày 10-10-2017.

Các nhà máy vận hành sản xuất ổn định theo hướng cắt giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chi phí biến đổi tại các dự án đã thấp hơn giá bán (trong tháng 8- 2017, chênh lệch biến phí và giá thị trường dao động 52.000-892.000 đồng/tấn, riêng dự án DAP số 2, chênh lệch là 846.000 đồng/tấn do ngừng sản xuất). Bộ đánh giá các dự án đạm vẫn chưa có hiệu quả chủ yếu do giá nguyên liệu vẫn cao (giá than cho sản xuất phân bón đã được điều chỉnh từ ngày 1- 4- 2017, cao hơn so với mức kỳ vọng của doanh nghiệp).

Tại các dự án sản xuất sơ xợi, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN), Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - cổ đông lớn, Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR-BF) và PVOil, nhà máy vẫn chưa vận hành sản xuất lại được. Do  khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải nhằm vận hành 100% công suất thiết kế nên nhà máy chỉ có thể hoạt động ở mức 60% công suất thiết kế; giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ đầu năm 2018. Đến nay đã có bốn nhà đầu tư đăng ký tham gia và một nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh. Theo kế hoạch, thời hạn các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất là đến 2-10-2017. Sau đó BSR-BF sẽ tổ chức đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có hai đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Công ty Tín Thành). PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Còn tại dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoàn tất việc rút vốn 1.000 tỉ đồng, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) đang tiến hành xây dựng chi tiết phương án và khả năng tăng vốn điều lệ. Phương án tăng vốn điều lệ phải xây dựng theo đúng nguyên tắc không sử dụng thêm ngân sách và vốn đầu tư của công ty. VNSTEEL cũng đang xây dựng phương án thoái vốn tại TISCO theo chỉ đạo và sẽ trình Bộ Công Thương vào cuối tháng 9-2017.

Trước mắt, để giải quyết các vướng mắc với Tổng thầu MCC (Trung Quốc) và 14 nhà thầu phụ, Hội đồng quản trị TISCO đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của MCC. Hai bên thống nhất quan điểm cần tập trung giải quyết các tồn tại vướng mắc liên quan đến dự án, có kết quả báo cáo với Chính phủ trước ngày 30-9-2017. Hiện nhà máy vẫn “đắp chiếu” từ năm 2014 đến nay.

Riêng dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Đến nay, đã qua hai lần tổ chức bán đấu giá, nhưng đều không thành công.

Bộ Công Thương đề ra mục tiêu đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Trước mắt, trong giai đoạn 2017-2020, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác tại từng dự án.

TBKTSG