Trump và nạn kỳ thị chủng tộc bùng lên (Lữ Giang)

 Còn cựu Tổng Thông Barack Obama trích dẫn trong một tin nhắn Twitter câu nói của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela : "Không ai được sinh ra để ghét người khác vì màu da, nguồn gốc hay tôn giáo của họ…". Thông điệp này đã được gần 4 triệu lượt "like" và đã trở thành tin nhắn có nhiều "like" nhất trong lịch sử Twitter.


Theo New York Times, biến cố dẫn đến cuộc biểu tình của nhóm da trắng kỳ thị và bạo động xảy ra ở Charlottesville, Virginia, ngày 12/8/2017, phát xuất từ bức tượng Đại tướng Robert E. Lee, Tư lệnh Liên minh Miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ thế kỷ 19. Bức tượng khắc họa hình ảnh Đại tướng Lee mặc quân phục, cưỡi trên một con chiến mã, tất cả đã ngả sang màu xanh đen theo thời gian.
 Bức tượng đã tồn tại ở Charlottesville gần 100 năm, nhưng vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân và các viên chức thành phố kêu gọi dỡ bỏ nó, vì cho rằng đây là một biểu tượng cho chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" cần phải bị xóa bỏ khỏi xã hội Mỹ. Qua biến cố này, bản chất của Donald Trump cũng đã hiện rõ.
Nhận diện nhóm Da trắng thượng đẳng
Người Da trắng thượng đẳng (White Supremacists) là một hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc dựa vào niềm tin rằng người da trắng cao cấp hơn trong một số đặc tính và đặc điểm so với những người từ các chủng tộc khác, vì thế họ siêu việt hơn và có quyền cai trị các chủng tộc khác về mặt chính trị, kinh tế và xã hội.
Ku Klux Klan, thường được gọi là KKK hay đơn giản là Klan, là tên gọi chung của ba phong trào vùng dậy của người da trắng tự coi là thượng đẳng trong ba thời kỳ ở Mỹ : 1865–1871, 1915-1944 và 1950 đến ngày nay.
Chữ KKK có lẽ xuất phát từ tiếng Hy Lạp "kuklosm" nghĩa là "vòng tròn". Các thành viên chủ yếu là nam giới da trắng ủng hộ các quan điểm cực đoan như thuyết người da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc, chống nhập cư (từ Nam Âu, như người Italy chẳng hạn), bài Do Thái và bài Công giáo. KKK ngày nay chống đối phong trào dân quyền cho người da đen và phong trào xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở các trường học.
Một số thành viên của KKK bị kết tội giết người vì liên quan đến vụ sát hại trẻ em trong vụ đánh bom Nhà thờ Baptist trên phố 16 ở Birmingham, Alabama, vào năm 1963 và sát hại nhà hoạt động dân quyền ở bang Mississippi năm 1964. Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Southern Poverty ở Alabama năm 2016, có khoảng 130 nhóm KKK trên toàn nước Mỹ với khoảng 5.000 - 8.000 thành viên. Từ New Jersey cho đến Los Angeles có nhiều nhóm KKK. Trong những thập niên gần đây, KKK tấn công cả người nhập cư và người đồng tính luyến ái. Năm 1999, hội đồng thành phố Charleston, Nam Carolina, đã thông qua nghị quyết tuyên bố KKK là tổ chức khủng bố. Nhiều thành phố khác cũng làm như vậy.
Qua nhiều cuộc tranh đấu gay cấn, Đạo luật Quyền Dân Sự (Civil Right Act) được Tổng Thống Johnson ban hành năm 1964 có hiệu lực từ ngày 2/7/1964 cấm phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo và nguồn gốc quốc gia.
Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination - ICERD) đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 21/12/1965 và có hiệu lực ngày 04/01/1969. Trong công ước này các thành viên cam kết xóa bỏ phân biệt đối xử về chủng tộc và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các chủng tộc. Nạn phân biệt chủng tộc đã bị xóa bỏ tại Hoa Kỳ và các nước trên thế giới, nhưng thỉnh thoảng nó vẫn còn xuất hiện.
Biến cố Charrlottesville
Xóa bỏ những di sản của chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" là một xu thế ngày càng phổ biến ở Mỹ. Ngày càng có nhiều bức tượng liên quan đến Liên minh Miền Nam bị phá bỏ, những con đường mang tên đại tướng Lee bị đổi tên, các tượng đài bị di dời.
Trong Ngày hội Sách Virginia năm 2012, bà Kristin Szakos, ủy viên Hội đồng Thành phố Charlottesville, đã châm ngòi cho một làn sóng tranh cãi dữ dội khi đưa ra gợi ý về việc phá bỏ tượng Đại tướng Lee. Năm 2016, Wes Bellamy, ủy viên hội đồng Charlottesville và một phó thị trưởng thành phố phát động chiến dịch mới nhằm tìm cách tháo dỡ tượng đài Đại tướng Lee. Tháng 2/2017, Hội đồng Thành phố bỏ phiếu nhất trí di chuyển tượng tướng Lee ra khỏi công viên trung tâm.
Những người phản đối nộp đơn kiện vào tháng ba, cho rằng hội đồng không có thẩm quyền làm như vậy theo luật của bang Virginia. Ngày 12/8/2017, Jason Kessler, một thành viên phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng khá nổi tiếng ở Charlottesville, đã tổ chức biểu tình nhằm phản đối quyết định tháo dỡ tượng tướng Lee. Họ xuống đường với bảng hiệu "Alt-right" có nghĩa "Cánh hữu khác", mang tư tưởng cực hữu, chối bỏ chủ nghĩa bảo thủ dòng chính tại Mỹ. Họ tập trung từ sáng sớm tại công viên Emancipation (tên cũ là công viên Lee), nơi đặt tượng đài Robert Lee. Họ hô to "Make America White Again". Họ gồm một số quân nhân, những người mang tư tưởng kỳ thị chủng tộc, những người theo chủ nghĩa Phát xít mới và một số người nói rằng họ chỉ muốn bảo vệ lịch sử vùng đất phương nam của họ.
Bên ngoài, những người biểu tình chống Phát xít ném chai lọ vào những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và hô khẩu hiệu : "Biến khỏi những con phố của chúng tôi, những kẻ Phát xít cặn bã". Hơi cay từ cả hai phe mù mịt trong không khí. Một thành viên của phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng đã lái xe lao vào đám đông đang biểu tình chống phân biệt chủng tộc, gây thiệt mạng cho bà Heather Heyer, một phụ nữ 32 tuổi, và làm nhiều người khác bị thương. Thủ phạm là cậu James Alex Fields, 20 tuổi, được cho là cảm tình viên của Đức Quốc Xã, đã bị bắt và truy tố.
Hôm 21/8 Hội đồng thành phố Charlottesville họp, dân chúng đã tràn vào lên án cảnh sát đã không bảo vệ dân chúng.
Trump đứng về phía White Supremacists ?
Từ khi chưa trở thành tổng thống, ông Trump đã nhiều lần bị cáo buộc phân biệt chủng tộc với người da đen thuê căn hộ thuộc tập đoàn của gia đình ông, hay vụ chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama, tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, không sinh ra trên lãnh thổ Mỹ. Khi trở thành ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ... Ông Trump bị chỉ trích vì phản ứng yếu ớt sau vụ bạo lực ở Virginia.
Ông David Duke, cựu thủ lãnh KKK, đã đăng tải trên Twitter lời chúc mừng Trump ngay sau khi ông ta đắc cử tổng thống như sau : "Chúa ban phước cho Donald Trump ! Đã đến lúc làm đúng. Đến lúc lấy lại nước Mỹ !". Trong khi đó một nhóm công giáo Viêt Nam ở Mỹ sùng Trump cho rằng Trump là người được Thiên Chúa sai đến để cứu nước Mỹ và thế giới !
Ngày 13/8, Trump lên án "cả 2 bên đã có những hành động bạo lực", và "Trách nhiệm gây ra cái chết của Heather Heyer nằm ở mọi phía". Các nhóm Tân Phát xít ăn mừng, đánh giá sự thụ động của Trump là sự yểm trợ ngấm ngầm hành động của chúng.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner (Colorado) thuộc Đảng Cộng Hòa, đã hối thúc Tổng thống phải lên tiếng chỉ rõ các nhóm kỳ thị chủng tộc và các nhóm quá khích trong làn sóng bạo lực ở Virginia. Khi thấy dư luận không đồng tình, sáng hôm sau 14/8, trong một thông báo tại tòa Bạch Ốc, Trump nói :
"Kỳ thị chủng tộc là điều xấu xa và những kẻ gây bạo lực vì lý do kỳ thị đều là những kẻ tội phạm và côn đồ, kể cả KKK, Tân Quốc xã, thành phần da trắng cực đoan kỳ thị chủng tộc và các nhóm reo rắc hận thù khác, tất cả đều đáng lên án dựa trên những giá trị mà chúng ta đều trân quý trong tư cách là người Mỹ".
Thật lòng Donald Trump hoàn toàn không muốn lên tiếng gọi đích danh những kẻ khủng bố, bởi vì chính những phần tử bạo loạn đó đã ủng hộ ông, đưa ông lên làm tổng thống. David Duke, cựu thủ lĩnh KKK, thuộc nhóm Tân Phát xít, đã viết trên Twitter, khuyên Trump nên soi gương lại để biết ai đã đưa mình lên địa vị tổng thống.
Hôm 15/8, từ tòa Tháp Trump ở New York, Trump lại tuyên bố thẳng thừng rằng "cả hai bên đều có lỗi". Ông còn khẳng định là ở hai phe đều có những người "rất tốt"
Những lời phát biểu này đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ khắp nước Mỹ. Tại hơn 800 địa điểm trên nước Mỹ, dân chúng biểu tình chống lại phái hữu cực đoan. Các tập đoàn công nghiệp lớn nhất ở Mỹ, đồng loạt công khai lên án bạo động.
Tiến sĩ Cornel West, Giáo sư Đại học Harvard nói : "Alt-right là mối nguy mới. Chúng ta thấy những người cánh hữu trong Nhà Trắng khuyến khích họ, cho họ thêm sức mạnh... Chúng ta đang ở tại thời điểm nguy hiểm"
Hôm 16/8, hai vị Tổng thống Cộng Hòa tiền nhiệm là George H.W. Bush và con là George W. Bush đã ra tuyên bố chung, tuy không nêu đích danh Tổng thống Trump, nhưng nhấn mạnh là mọi người đừng quên lời của Thomas Jefferson, tác giả chính của Tuyên Ngôn Độc lập : "Nước Mỹ phải luôn luôn bác bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và lòng hận thù dưới mọi hình thức. Chúng ta hãy nhớ những chân lý cơ bản trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, theo đó mọi người sinh ra đều bình đẳng ; được thượng đế ban cho những quyền bất khả xâm phạm".
Còn cựu Tổng Thông Barack Obama trích dẫn trong một tin nhắn Twitter câu nói của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela : "Không ai được sinh ra để ghét người khác vì màu da, nguồn gốc hay tôn giáo của họ…". Thông điệp này đã được gần 4 triệu lượt "like" và đã trở thành tin nhắn có nhiều "like" nhất trong lịch sử Twitter.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel xem phản ứng của Tổng thống Trump về vụ bạo động ở Charlottesville là một "sai lầm to lớn".
Ngày 14/8 ông Brian Krzanick, Giám đốc Điều hành của Intel viết : "Sáng sớm hôm nay, tôi đã rút lui khỏi Hội Đồng Cố Vấn Công Nghiệp Mỹ. Tôi từ chức để kêu gọi mọi người quan tâm đến sự tổn hại nặng nề vì sự chia rẽ chính trị đang gây ra bởi những vấn đề chính trị, cùng với những câu hỏi cần thiết đặt ra, vì sao có sự suy thoái của nền công nghiệp Mỹ". Sáng hôm sau 15/8, ông Scott Paul, Chủ tịch Alliance for American Manufacturing viết : "Tôi từ chức khỏi Hội đồng này là vì đó là điều đúng đắn mà tôi phải làm".
Các thành viên của hai tổ chức ủng hộ và cố vấn cho Tổng thống Trump gồm toàn các doanh gia mạnh nhất nước là Hội đồng Công nghệ Hoa Kỳ (American Manufacturing Council) và Diễn đàn Chiến lược và Chính sách (Strategy & Policy Forum) đã tuyên bố rút ra khỏi các tổ chức này. Trump liền tuyên bố giải tán các tổ chức đó,
Sự đồng loạt rút lui khỏi Hội đồng Cố vấn của các Giám đốc Điều hành các ngành công nghiệp hàng đầu ở Mỹ, khiến cho Tổng thống Trump trở thành người anh hùng càng lúc càng cô đơn hơn.Khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ Vĩ đại hơn" trở thành "Làm cho nước Mỹ Thu nhỏ lại".
Hôm 23/8, Ủy ban về xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc của Liên Hiệp Quốc đã ra một thông cáo lên án những ý tưởng tôn giáo cực đoan hay bất kỳ hệ tư tưởng nào tương tự bác bỏ các nguyên tắc nhân quyền cốt lõi về nhân phẩm và sự bình đẳng. Thông cáo kêu gọi chính quyền Mỹ cùng với các nhà chính trị cấp cao "giải quyết gốc rễ nguyên nhân dẫn tới sự phổ biến các biểu hiện kỳ thị như vậy".
Văn hóa phân biệt chủng tộc ?
Hôm 19/8, Trump đã phóng ra nhiều tweet, gọi bức tượng Lost Cause đang bị xem xét dời đi là "rất đẹp" và bày tỏ sự thất vọng khi "chứng kiến lịch sử và văn hóa tuyệt vời của đất nước đang bị loại bỏ". Nhưng "lịch sử và văn hóa tuyệt vời" đó là lịch sử và văn hóa nào ?
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Hungary đã quyết định hạ tượng Karl Marx ở khuôn viên đại học Corvinus, sau đó là các tượng đài của Lenin và Stalin. Năm 1991, hàng ngàn người tụ tập ở quảng trường Dushanbe, thủ đô của Tajikistan, kéo sập tượng Lenin. Có người còn cực đoan đến đập sao cho đầu của tượng bị văng ra khỏi thân. Năm 2012, Mông cổ cũng quyết định hạ tượng Lenin. Theo ông Thị Trưởng Bat-Uul Erdene, Lenin là người đề xướng cái chủ nghĩa đã giết chết gần 100 triệu người trên thế giới. Năm 2014, người dân Ukraina cũng quyết định hạ tượng của Lenin. Họ dùng xe cần cẩu kéo sập tượng. Khi tượng bị ngã, người dân tức giận không chịu tha mà còn lấy búa đập bức tượng.
Vậy các tượng đài của Miền Nam biểu tượng lịch sử và văn hóa gì ? Lịch sử và văn hóa của chế độ nô lệ và kỳ thị chủng tộc ? CNN nhận định rằng ông Trump không thật sự ở trong đảng Cộng Hòa, ông đứng giữa đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ – "đảng Trump !". Phải chăng đảng Trump là đảng Người da trắng Thượng đẳng ?
Người Châu Á tham gia KKK !
Ngày 12/8, một thanh niên gốc Á bị bắt gặp đang tuần hành chung với một nhóm cực hữu thượng tôn người da trắng và phân biệt chủng tộc tại thành phố Charlottesville.
Nói với trang NextShark, một thành viên của Liên đoàn Tự do Dân chủ Mỹ, người đã ghi lại cảnh nam thanh niên gốc Á tuần hành chung với KKK, cho biết : "Ban đầu tôi nghĩ anh ta chỉ vô tình đi ngang qua. Nhưng khi tôi thấy anh ta đi chung với họ một lần nữa, tôi như chết lặng và đã quay lại cảnh này". Trên trang NextShark, một số người suy đoán anh này là thành viên của một nhóm tân phát xít nào đó nên mới đủ can đảm đi chung với nhóm KKK.
Có lẽ đây cũng chỉ là một kẻ cuồng Trump với sự xác tín Trump đang cứu nước Mỹ và thế giới, nên khi thấy nhóm thượng đẳng da trắng bạo động ủng hộ Trump là anh ta theo, không cần biết họ đang làm gì. Một số người Việt cuồng Trump cũng đã viết trên diễn đàn Google hay Yahoo các bài bênh vực cho nhóm thượng đã da trắng. Họ lý luận rằng người da trắng đã đến đây và xây dựng nên đất nước vĩ đại này. Nay những kẻ đến sau (ám chỉ Obama) lại tranh giành các chức vị lãnh đạo của họ, cướp công của người da trắng, bị chống lại là đúng… !
Vốn sống trong một đất nước có chiến tranh ý thức hệ kéo dài, họ có tập quán luôn coi tất cả những gì của "phe ta" đều là đúng là tốt, còn "phe địch" đều là sai là xấu, nên khi đến Mỹ họ vẫn giữa nguyên lối suy nghĩ đó. Họ chỉ dựa vào tiêu chuẩn "địch" hay "ta" khi lập luận chứ không dựa vào công lý, lẽ phải nên đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Bản chất của Trump đã hiện rõ
Tiến sĩ David Smith tại Trung tâm Nghiên cứu về Hoa kỳ thuộc Đại học Sydney, cho biết ông tin rằng cuộc họp báo mới nhất đã cho thấy một Donald Trump thực sự :
"Những gì ông thực sự tạo chú ý là ý tưởng nầy, đó là câu 'Mọi người không thể bảo tôi phải làm gì, cũng như không thể bảo tôi phải nói gì'. Điều thú vị là ông ta tự đặt mình về phe bảo thủ, trong cuộc tranh luận nầy.
"Đây là con người Donald Trump đích thực, những nhận xét của ông lên án những kẻ kỳ thị chủng tộc, tân Phát Xít và bọn Ku Klux Klan là những kịch bản có sẵn. Ông ta tuyên bố dưới áp lực của các cố vấn và của giới truyền thông...
"Vì vậy đó chính là ông Trump thực sự và là người chứng kiến những kẻ chống lại các phần tử chủ trương da trắng ưu việt, mới là kẻ thù thực sự của ông...
"Không có chính trị gia nào tại Mỹ thực sự đi quá xa trong việc bênh vực cho những gì xảy ra tại Charlottesville".
Trump must go now ?
Donald Trump thường đưa ra những tuyên bố hay chủ trương ngây ngô và trái với Hiến Pháp và luật pháp của Hoa Kỳ cũng như luật pháp quốc tế, nên càng ngày càng bị nhiều người xa lánh. Hôm 20/8/2017, sau những ngày đi nghỉ hè, ông đã trở về Tòa Bạch Ốc trong cô đơn.
Ông Robert Reich, giáo sư về chính sách công tại Đại học Berkeley ở California, đã từng giữ chức Bộ trưởng lao động dưới thời chính phủ Clinton và được tạp chí Time xếp vào các bộ trưởng có hiệu quả nhất của thế kỷ 20, đã viết một bài dưới đầu đề "Enough of This Madness. Trump Must Go Now" (Sự điên rồ này đã đủ. Bây giờ Trump phải ra đi). Theo ông, đã có đủ bằng chứng để luận tội Trump dựa trên lý do lạm dụng quyền lực, cản trở công lý, và vi phạm điều khoản trong Hiến Pháp cấm nhận các khoản tiền của nước ngoài mà không được quốc hội cho phép.
Ngày 24/8/2017
Lữ Giang