Phe dân chủ đối lập ở Nga đã chết cùng Alexei Navalny? (Sarah Rainsford)
Một năm sau cái chết đầy uẩn khúc của Alexei Navalny trong tù ở Nga, những người ủng hộ đã cùng nhau chọn bia cho phần mộ của ông tại Moscow.
"Đây sẽ là nơi của hy vọng và sức mạnh cho tất cả những ai mơ về một nước Nga tươi đẹp trong tương lai," bà Yulia Navalnaya, vợ của nhà chính trị đối lập quá cố, nói và dẫn lại một trong những câu nói nổi tiếng nhất của chồng mình.
Trong một video đăng tải tuần trước, bà chia sẻ các thiết kế được chọn và bày tỏ hy vọng ngôi mộ sẽ là nơi mà những người phản đối Vladimir Putin đến để "nhớ rằng họ không đơn độc".
Bà Navalnaya hiện sống ở nước ngoài và có thể bị bắt giữ nếu trở về Nga.
Lời của bà cho thấy những hoài bão đã thu nhỏ lại biết bao.

Trong nhiều năm, Alexei Navalny là đối thủ chính trị lớn nhất của Vladimir Putin: một người đầy lôi cuốn và dũng cảm. Ngày nay, ngay cả luật sư của ông cũng bị bỏ tù vì "cực đoan" và một số lớn người ủng hộ đã phải rời khỏi Nga để tìm kiếm sự an toàn. Những người ở lại thì phần lớn đều bị đẩy vào sự im lặng do sợ hãi.
Giờ đây, thay vì suy yếu vì cuộc chiến ở Ukraine, Vladimir Putin dường như đang ở thế có thể đưa ra các điều kiện thỏa thuận hòa bình cùng với Donald Trump.
Vậy liệu phe dân chủ đối lập và giấc mơ về sự thay đổi của nước Nga đã chết trong sân tù Bắc Cực cùng với Alexei Navalny?
Bóp nghẹt đời sống dân chủ ở Nga
Trong lúc Ksenia Fadeeva đang phải ngồi tù 9 năm, tin tức về cái chết của Navalny đã đến tai bà qua chiếc ti vi trong phòng giam. Ông Navalny đổ gục khi đi dạo trong tù.

"Tôi như chết lặng, không thể nói nên lời," nhà hoạt động nhớ lại. "Đó là một cơn ác mộng."
Ksenia cũng là một tù nhân chính trị, bị gắn mác "cực đoan" vì những mối liên hệ trước đây của bà với Navalny. Bà từng điều hành trụ sở của ông ở quê nhà Tomsk thuộc vùng Siberia vào thời điểm ông Navalny cố gắng tranh cử tổng thống nhằm lật đổ ông Putin vào năm 2018. Nỗ lực của ông đã bị chặn đứng.
Ksenia từng kể cho tôi nghe về việc xe của bà đã bị ai đó phun sơn và rạch lốp. Một lần khác, cửa căn hộ của bà bị bịt kín bằng keo bọt, khiến bà không thể ra ngoài.
Nhà hoạt động trẻ tuổi này đã phớt lờ tất cả những điều đó. Bà coi đó là chuyện thường ngày.

Vào thời điểm đó, Putin đã bóp nghẹt đời sống dân chủ của Nga trong gần hai thập kỷ. Vị tổng thống đã chuyển từ kiểm soát phương tiện truyền thông sang gian lận bầu cử và trừng phạt biểu tình. Sau đó là đầu độc và ám sát chính trị.
Tháng 2/2025 cũng đánh dấu 10 năm kể từ khi Boris Nemtsov, một tiếng nói đối lập mạnh mẽ khác, bị giết. Ông bị bắn vào lưng gần bức tường đỏ của Điện Kremlin.
Nga đã sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào một năm trước đó và tỷ lệ ủng hộ đối với ông Putin vẫn đang trên đà phát triển cùng chủ nghĩa dân tộc độc hại. Những người bất đồng chính kiến như Nemtsov đã bị công khai gọi là kẻ phản quốc.
Thi thể của nhà chính trị nằm dưới ánh đèn lung linh mang màu cờ Nga đã đánh dấu một chương đen tối mới.
Phe đối lập bị xem như tội phạm và bị 'xuất khẩu'
Navalny đã nỗ lực hết mình để thổi luồng sinh khí mới vào phe đối lập đang gặp khó khăn ở Nga.
Là bậc thầy về truyền thông xã hội và chương trình chống tham nhũng, ông có sức hấp dẫn thực sự, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Nhưng vào năm 2020, ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok và suýt chết.

"Tôi biết họ có thể bỏ tù, dùng dùi cui giải tán các cuộc biểu tình, dựng lên những cáo buộc hình sự. Nhưng đầu độc bằng vũ khí hóa học ư?" Ksenia Fadeeva nhớ lại cú sốc của mình trước vụ tấn công.
"Tôi đã nghĩ rằng hệ thống này vẫn còn một số giới hạn, nhưng tôi đã sai."
Khi Navalny trở về sau quá trình điều trị ở nước ngoài, ông đã bị bắt ngay tại sân bay.
Từ thời điểm đó, ông không bao giờ tự do nữa.
Trong môi trường như vậy, việc thiếu sự phản đối công khai ở Nga không có gì đáng ngạc nhiên.
"Tôi không nghĩ có quốc gia nào trên thế giới mà nhiều người sẽ mạo hiểm ngồi tù nhiều năm chỉ vì lên tiếng," Vladimir Kara-Murza, một nhà hoạt động nổi bật, đã viết cho tôi từ phòng giam của chính mình.
Bị kết án 25 năm tù vì lên án tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine, Kara-Murza cảm thấy đau xót trước những lời chỉ trích người Nga đã không đứng lên chống lại Putin mạnh mẽ hơn và không ngăn chặn được cuộc xâm lược toàn diện.
Navalny thì đã bị bỏ tù. Một vài cuộc biểu tình chống chiến tranh đã nhanh chóng bị dập tắt.
"Bên trong nước Nga, vấn đề không phải nằm ở chỗ không ai có sức lôi cuốn như Navalny," Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Nga-Á-Âu, nói, giải thích sự thiếu vắng một nhà lãnh đạo mới kể từ khi ông qua đời.
"Nhưng chúng ta đang nói về việc hình sự hóa hoàn toàn phe đối lập."

Tháng Tám năm ngoái, Vladimir Kara-Murza và Ksenia Fadeeva đã bị đưa ra khỏi phòng giam và trục xuất một cách cưỡng bức như một phần của cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn.
Điện Kremlin đang "xuất khẩu" những người bất đồng chính kiến.
Vào thời điểm đó, Navalny đã qua đời.
Ksenia tin rằng nếu ông còn sống, ngay cả khi ở nước ngoài, Navalny vẫn có thể tạo ra sự khác biệt. "Mọi thứ sẽ khác nếu họ để Navalny ra đi trong một cuộc trao đổi. Tiếng nói của ông ấy sẽ vang dội, phe đối lập sẽ có ảnh hưởng lớn hơn," bà nói.
"Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, tôi không biết tìm đâu ra một nhà lãnh đạo nào như Navalny."
Trong một hình mẫu được giữ nguyên
Nhóm của ông Navalny không ngừng làm việc khi đang lưu vong. Một nửa số thành viên vận động các chính phủ phương Tây để có lệnh trừng phạt hiệu quả hơn, những người khác tìm cách phá vỡ tường thành tuyên giáo của Nga bằng cách vạch trần đoàn tùy tùng của Putin.
Bộ phim mới nhất của họ nhắm vào một đồng minh quyền lực của Tổng thống Putin, Igor Sechin, cho rằng Putin chỉ giả vờ "làm cho nước Nga vĩ đại" trong khi ông ta và những người thân cận của mình cướp bóc của cải của đất nước.

Những cuộc điều tra như vậy từng khơi mào các cuộc biểu tình ngoài đời thực. Giờ đây, những người xem vẫn còn ở bên trong nước Nga chỉ có thể theo dõi nhờ VPN và hầu hết không dám đăng bình luận.
"Bạn có thể bị buộc tội hình sự chỉ vì giơ một ngón tay," Ksenia Fadeeva chỉ ra, mặc dù bộ phim mới nhất đã được xem gần hai triệu lượt trong 10 ngày.
Ksenia chắc chắn rằng phần lớn khán giả đó đều ở Nga.
"Mọi người không thay đổi quan điểm của họ, họ vẫn ở đó. Họ chắc chắn đọc, theo dõi và xem," bà nói. "Nhưng họ không thể biểu tình. Họ chỉ đang cố gắng sống sót."
Đó là một từ mà tôi thường nghe từ các nhà hoạt động: họ mô tả các lực lượng đối lập Nga như đang ở trong một trạng thái chờ đợi.
"Chúng tôi có thể tuân theo các giá trị cơ bản ủng hộ dân chủ và cố gắng giữ an toàn cho mọi người cho nước Nga tương lai," Anastasia Burakova lập luận, và dự án "Ark" của riêng bà đang cố gắng làm điều đó.
"Nhưng không ai biết làm thế nào để kết thúc chế độ độc tài này một cách thành công."
Không thể thuyết phục
Nhưng liệu thực sự có nhu cầu đó không?
"Hãy thử tưởng tượng một câu hỏi kiểu này: 'Bạn ủng hộ Vladimir Putin hay bạn muốn vào tù 15 năm?'," Ksenia Fadeeva nói, chế giễu giá trị của việc thăm dò ý kiến trong một chế độ độc tài.
Những người khác cho rằng vẫn có cách để nắm bắt được tâm tư xã hội, và các khảo sát cho thấy những nỗ lực của Yulia Navalnaya và nhóm của bà chưa tạo được tiếng vang lớn trong lòng dân chúng.

Người góa phụ Navalny có uy tín, đạo đức nhưng không thể so sánh với những kỹ năng chính trị của chồng mình.
"Tất cả những... nhân vật tự do này đều có tỷ lệ ủng hộ cực kỳ thấp," học giả Tatiana Stanovaya nhận xét. Thay vào đó, bà nhận thấy sự ủng hộ dành cho Điện Kremlin gia tăng - điều mà bà liên kết với sự gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào Nga.
"Mọi người thấy rằng chúng ta rất dễ bị tổn thương và họ phải chọn người chơi mạnh nhất để dựa vào," nhà phân tích giải thích.
"Không phải vì họ thích Putin hay coi ông ấy là một anh hùng thực sự. Mà là vì ông ấy có thể bảo vệ nước Nga trong một môi trường rất thù địch."
Dù rằng ông Putin tự mình tạo ra môi trường đó bằng cách gây chiến.
Việc một tổng thống Mỹ hiện dường như đứng về phía Moscow cũng có lợi cho Putin: vị tổng thống Mỹ này từng nói rằng ông "hiểu" việc Nga phủ quyết Ukraine gia nhập NATO. Giờ đây, ông ấy dường như đã nhượng bộ điều kiện quan trọng đó, ngay cả trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào diễn ra.
"Tôi nghĩ rằng cuộc chiến đã khiến cảm giác chống phương Tây sâu sắc hơn," Tiến sĩ Jade McGlynn từ trường King's College bình luận.
"Tôi cũng không thực sự thấy bằng chứng cho thấy thậm chí có một thiểu số mạnh mẽ người Nga khao khát một kiểu dân chủ tự do, liên minh với phương Tây."
"Tôi nghĩ rằng những người tự do... cuối cùng đã không thể thuyết phục được [dân chúng]."
Có rất nhiều điều ẩn chứa trong dòng chữ đó, bao gồm cả nỗi đau kinh tế và nạn tham nhũng lớn mà người Nga đã trải qua khi Liên Xô sụp đổ. Tất cả những điều đó đã góp phần khiến dân chủ trở thành một từ bẩn thỉu.

Trong nhiều năm, đài truyền hình nhà nước cũng đã ra rả trong mọi phòng khách rằng những người chỉ trích nước Nga là kẻ thù của đất nước và là tay sai của phương Tây.
"Điện Kremlin lợi dụng một nỗi sợ hãi thực sự, ăn sâu vào tâm trí người Nga, rằng phương Tây đã và đang cố gắng phá hủy nước Nga, làm suy yếu và chia rẽ quốc gia này," bà Tatiana Stanovaya lập luận.
"Đó là mảnh đất màu mỡ để Điện Kremlin khai thác."
Những người bất đồng chính kiến bị chia rẽ
Các lực lượng đối lập cũng bị chia rẽ sâu sắc.
Những cuộc ganh đua và xung đột cá nhân dữ dội kéo dài nhiều năm đã gia tăng trong thời gian lưu vong và bây giờ thường bùng phát thành những cuộc chiến dữ dội và rất công khai.
"Chúng ta có thể tranh luận sau khi nền dân chủ ở Nga bắt đầu, nhưng hiện tại chúng ta có cùng mục tiêu và cùng một kẻ thù: hắn ở trong Điện Kremlin," Anastasia Burakova bày tỏ sự thất vọng của nhiều người rằng những tranh cãi như vậy là một sự xao lãng nguy hiểm.
Sự chia rẽ đó là một phần lý do tại sao Jade McGlynn cho rằng các nhà hoạt động lưu vong của Nga có lẽ nên được gọi là "những người bất đồng chính kiến" hơn là một phe đối lập chính trị.
"Chính trị là về tính thực tiễn, nếu không thì bạn chỉ đang là triết gia thôi," bà lập luận - và việc thách thức những người nắm quyền là điều không thể ở Nga hiện nay.

Anastasia Shevchenko đồng ý với quan điểm đó. Nhưng chỉ sống sót qua chế độ Putin là chưa đủ đối với bà.
"Tôi ghét khi mọi người vẫn nói về 'nước Nga tươi đẹp trong tương lai'," nhà hoạt động người Nga dẫn lời Alexei Navalny khi chúng tôi gặp nhau trong một quán cà phê ở Kyiv tháng trước.
"Bạn không thể hạnh phúc bên cạnh những thành phố bị phá hủy, nơi có quá nhiều người đã thiệt mạng."
Các nhân vật đối lập khác khăng khăng gọi đây là "cuộc chiến của Putin", ngụ ý rằng phần lớn người Nga phản đối cuộc xâm lược - điều này khiến người Ukraine tức giận.
"Tôi nghĩ rằng tuyên bố đây là cuộc chiến của một người đàn ông khi họ có 600.000 quân và hơn ba triệu người trong ngành quốc phòng, còn chưa kể các nhà tuyên truyền, là không thuyết phục," Jade McGlynn kiên quyết nói.
Những cách khác để giúp đỡ
Nhưng Anastasia Shevchenko khó lòng nghĩ đến điều gì khác. Bởi lẽ, trong khi sự thay đổi ở Nga còn là một tương lai xa vời, thì Ukraine đang lâm nguy và bà có thể góp sức.

Bà đã trở thành một tổng đài điện thoại một người cho các binh sĩ Ukraine bị giam cầm ở Nga: những tù binh chiến tranh, những người không thể gọi đến số điện thoại Ukraine từ các nhà tù Nga, gọi đến số điện thoại di động của Anastasia. Bà kết nối họ với mẹ hoặc vợ của họ trên một đường dây khác và đặt hai điện thoại lại với nhau để họ có thể nói chuyện.
"Nếu bạn có thể giúp Ukraine, bạn nên làm điều đó," bà nói.
"Nhưng chúng tôi, những người Nga, chỉ tập trung vào nước Nga và tôi không hiểu điều đó."
Vẫn đang điều chỉnh lại cuộc sống sau khi ra tù và rời khỏi đất nước, Ksenia Fadeeva đã chuyển trọng tâm của mình từ chính trị sang nhân quyền, giúp đỡ các tù nhân chính trị.
"Tôi vẫn tin rằng Nga có mọi cơ hội trở thành một quốc gia châu Âu bình thường, tự do và hòa bình," Ksenia Fadeeva khẳng định. "Nhưng chế độ hiện tại khắc nghiệt hơn, độc tài hơn."
Anastasia Shevchenko đồng ý, mặc dù bà nhớ sự sụp đổ của Liên Xô và thừa nhận rằng lịch sử là không thể đoán trước.
"Bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra. Mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, bạn phải sẵn sàng."
Nhưng sẵn sàng cho điều gì?
Bóng ma chủ nghĩa dân tộc
Ý tưởng về việc Nga nhảy vọt từ chủ nghĩa Putin sang nền dân chủ tự do có vẻ ít khả thi hơn bao giờ hết.
Jade McGlynn không thấy triển vọng nào cả, trừ khi viễn cảnh dẫn đến cuộc xâm lược Ukraine - "viễn cảnh đế quốc, sô vanh của Nga" - bị đánh bại.

"Tôi nghĩ đó là nơi chúng ta sẽ thấy sự phản đối thực sự," bà nhận định. "Từ những người theo chủ nghĩa dân tộc bất mãn," đặc biệt là ở một đất nước có hàng vạn cựu chiến binh cùng mọi sang chấn của họ.
"Vậy thì chính quyền sẽ 'bán' gì cho người dân? Câu chuyện nào nữa?," Ksenia Fadeeva tự hỏi một khi chiến tranh kết thúc.
Tất cả đều đồng ý rằng sự đàn áp chính trị sẽ vẫn rất gay gắt. Như nhà phân tích Tatiana Stanovaya nhận định: "Nhà nước, đặc biệt là bộ máy đàn áp, không có kỹ năng để rút lui."
Vào hôm 16/2, những người ủng hộ Navalny tổ chức các lễ tưởng niệm từ Argentina đến Úc để đánh dấu ngày giỗ của ông. Ở Moscow, một số người đến thăm mộ của ông. Một vài người hô vang đòi thay đổi. Trên hết, những người vẫn tin vào một nước Nga dân chủ sẽ tự hỏi, liệu còn ai khác cùng chung chí hướng không. Và họ vẫn đang đợi chờ.
Sarah Rainsford
17/02/2025
Nguồn: BBC Tiếng Việt