Thiên An Môn : một cơ hội dân chủ hóa Trung Quốc bị đánh mất (Sài Linh, Perry Link, Lưu Hiểu Ba, Trần Quốc Việt)

Cuộc chiến trên mạng chỉ là một trận chiến mà nhân dân sẽ chiến thắng. Chiến thắng cuối cùng của sinh tồn, tự do và dân chủ chỉ là vấn đề thời gian khi đôi chân dân tộc vẫn còn nguyên vẹn như tự ngàn xưa trong lòng mỗi trái tim yêu nước Việt Nam hôm nay đang cùng nhau tạo ra và tham gia vào hiệp hai của cuộc đấu tranh chống lại cộng sản.

Sức mạnh của tuổi trẻ 

Sài Linh, Harvard International Review, Fall 2012

Vào ngày 4 tháng Sáu, 1989, tôi chạy trốn qua các đường phố Bắc Kinh khi các viên chức chính quyền đè bẹp phong trào sinh viên mà chúng tôi đã tổ chức rất say mê ở Quảng trường Thiên An Môn. Chẳng bao lâu có tin đồn rằng nỗ lực nghiêm túc của chúng tôi nhằm đối thoại ôn hòa với các nhà lãnh đạo nước mình đã hoàn toàn thất bại, dù nhiều người nói khác đi. Trong suốt 10 tháng trời, tôi trốn tránh ở Trung Quốc, trốn chạy để khỏi bị sát hại dưới tay những kẻ đáng lẽ ra bảo vệ chúng tôi.

thienanmon1

Nữ sinh viên Sài Linh (Chai Ling) ầm loa nói vói sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, tháng 6/1989

Chẳng bao lâu sau cuộc thảm sát, những sinh viên thoát được sự trấn áp tàn bạo ấy chứng kiến cùng với cả thế giới cảnh Bức tường Berlin sụp đổ tan tành. Chúng tôi biết rằng đây là cơn chấn động đầu tiên theo sau công cuộc mưu cầu tự do của chúng tôi. Mặc dù bao ước mơ và hy vọng của chúng tôi đã bị xe tăng và binh lính nghiền nát, nhưng phong trào đã không chết ở Thiên An Môn. Không thể nào tiêu diệt hoàn toàn phong trào tuổi trẻ được khích lệ bởi thương yêu và khát vọng tự do.

Năm 2011 được định hình bởi các phong trào xã hội mà đầu máy và lò lửa cháy không ngừng của các phong trào chính là tuổi trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Từ Tunisia và Ai Cập đến thành phố New York và Los Angeles, tuổi trẻ dùng Internet và đường phố để kêu gọi thay đổi.

Thế còn sức mạnh thay đổi rất ngoạn mục của tuổi trẻ thì sao ? Điều gì thôi thúc sinh viên đấu tranh cho công lý giữa hoàn cảnh tưởng chừng như bất khả thi ? Chúng tôi trải qua đủ thất vọng với chính quyền mình để đứng lên đòi hỏi phải đổi mới. Là tổng tư lệnh của các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989, tôi còn trẻ và ham học hỏi, và muốn đối thoại với các nhà lãnh đạo nước mình. Mong muốn này tưởng chừng như đâu phải là một yêu cầu bất khả thi. Chúng tôi có thể yêu cầu thay đổi vì chúng tôi không trải qua đủ thất vọng trong đời để rồi thấy mình vô cảm, hoài nghi, và yếu đuối trước bao cảnh bất công. Khi lãnh đạo hay gia nhập phong trào tuổi trẻ, thiếu sự từng trải có thể là một điều tuyệt vời.

Tuổi trẻ yêu tự do. Tuổi trẻ sẽ còn bảo vệ tự do chừng nào trái đất vẫn còn tiếp tục quay. Say mê và nhiệt huyết trong trái tim cháy bỏng của một thủ lãnh sinh viên khác với những người lớn tuổi hơn và "học thức" hơn. Phong trào chúng tôi sẵn sàng chết, nhưng không may cái chết lại xảy ra quá sớm đối với nhiều sinh viên vào năm 1989.

Cơ hội cho sinh viên vận dụng kỹ thuật mới, mạng xã hội, và sức mạnh chung ngày nay khác xa với bất kỳ những gì thế giới đã từng chứng kiến. Qua Internet và mạng xã hội, và bất chấp cả Vạn lý Tường lửa, sinh viên ngày ngày nay hiểu rõ hơn thế nào là tự do và những gì các xã hội bị áp bức hay bị bóp nghẹt của họ thiếu. Sẽ đến lúc khi sinh viên không còn muốn chịu đựng bất công nữa, và lúc ấy chúng ta sẽ có thể chứng kiến cách mạng kiểu mới.

Sài Linh

Nguyên tác : "The Power of Youth : A Letter from Chai Ling", Harvard International Review, Vol. 34, No. 2, Fall 2012, trang 33

Trần Quốc Việt dịch

Sài Linh (Chai Ling) là thủ lãnh sinh viên trong phong trào Thiên An Môn 1989 và đã hai lần được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình.

**********************

Tại sao chúng ta nhớ Thiên An Môn 

Perry Link, ChinaFile, May 28, 2019

Mới đây nhiều người hỏi, "Tại sao ta phải nhớ Thiên An Môn ? Ba mươi năm đã trôi qua. Ngày ấy giờ là lịch sử. Hãy quên đi. Đã qua rồi".

Câu hỏi đơn giản, nhưng có nhiều câu trả lời. Không một câu trả lời nào là đủ, nhưng tất cả các câu trả lời hợp lại với nhau vẫn không đủ trả lời cho câu hỏi ấy mà cần thêm nhiều câu trả lời.

thienanmon2

Một sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ chụp hình ảnh chiến thắng trước đám đông khi quân Giải phóng quân của Nhân dân rút lui ở phía tây của Đại lễ đường Nhân dân gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 3 tháng 6 năm 1989.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Giang Kiệt Lan lúc ấy 17 tuổi. Em vẫn ở tuổi 17. Em sẽ mãi mãi vẫn 17 tuổi. Người chết không già.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì những oan hồn đã ám ảnh Lưu Hiểu Ba cho tới lúc ông mất cũng sẽ ám ảnh chúng ta cho tới lúc chúng ta mất.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nó dạy chúng ta bản chất cố hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi tất cả áo quần, tất cả mảnh vải, rơi xuống. Không có sách, phim, bảo tàng nào lại rõ ràng cho bằng.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn bởi lẽ những công nhân bình thường chết vào lúc ấy. Chúng ta không thể nào nhớ hầu như tất cả tên của họ vì chúng ta không biết hầu như tất cả họ. Chúng ta không bao giờ biết. Nhưng chúng ta nhớ họ là con người, và chúng ta nhớ rằng chúng ta không bao giờ biết tên của họ.

trinhphuong5

Rạng sáng ngày 4/6/1989, tại Tân Hoa Môn gần Lục Bộ Khẩu, 3 chiếc xe tăng truy đuổi nhóm sinh viên sơ tán khỏi quảng trường Thiên An Môn, cán chết 11 người và làm vô số người khác bị thương trên đại lô Trường An Tây 

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Trung Quốc xấu nhất là ở đấy - nhưng vì Trung Quốc đẹp nhất cũng ở đấy.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nó là vụthảm sát không phải đơn thuần là cuộc trấn áp, hay "vụ việc", biến cố, sự kiện, phong ba ; không phải là cuộc bạo loạn phản cách mạng, không phải là ký ức mờ nhạt, và không phải, như đứa bé ngày nay ở Trung Quốc có thể nghĩ, là khoảng trống. Nó là cuộc thảm sát.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì, như Phương Lệ Chi nhận xét với sự dí dỏm độc đáo, đây là trường hợp duy nhất ông nghe về chuyện nước ta xâm lăng nước mình.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nụ cười thật tươi của Tập Cận Bình là mặt nạ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì chúng ta muốn biết những người lính gây ra vụ thảm sát nhớ gì. Họ bị tẩy não ở vùng ngoại ô thành phố trước khi họ thực hiện lệnh tàn sát. Vì vậy họ cũng là nạn nhân. Chúng ta không biết họ đã nghĩ gì. Nhưng chúng ta nhớ rằng chúng ta muốn biết.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Đinh Tử Lâm vẫn còn sống. Bà năm nay 82 tuổi. Mỗi khi bà ra khỏi nhà, an ninh thường phục đi theo để bảo vệ an ninh. Bảo vệ an ninh cho bà ? Không, bảo vệ an ninh cho nhà nước. Đúng rồi, chế độ với GDP đến 100 ngàn tỷ nhân dân tệ và hai triệu người lính cần bảo vệ mình trước cụ bà 82 tuổi. Bảo vệ chế độ trước tư tưởng của bà. Điều này quả là đáng nhớ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn là để ủng hộ những người khác nhớ. Chúng ta nhớ một mình. Nhưng chúng ta cũng cùng nhau nhớ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nhớ Thiên An Môn khiến chúng ta trở thành những người tốt hơn. Nhớ là vì quyền lợi riêng của chúng ta. Khi những nhà chính trị nói về "quyền lợi", họ muốn nói đến quyền lợi vật chất. Nhưng quyền lợi đạo đức cũng quan trọng không kém-không, chúng còn quan trọng hơn rất nhiều. Quan trọng hơn cả làm chủ du thuyền.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Thiên An Môn là khúc quanh lịch sử cho cả một phần năm thế giới. Khúc quanh theo hướng đáng sợ. Chúng ta hy vọng Thiên An Môn sẽ càng không hẳn là khúc quanh để ném cả thế giới xuống hố. Nhưng chúng ta không biết. Chúng ta sẽ phải chờ xem.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn, vì nếu như chúng ta không nhớ Thiên An Môn, Thiên An Môn sẽ không có cách nào ở trong đầu chúng ta. Phải chăng chúng ta có thể đã tưởng tượng ra Thiên An Môn ? Không.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì có những người tha thiết muốn chúng ta nhớ. Họ được an ủi biết bao khi biết chúng ta nhớ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì cũng có những người vô vọng muốn chúng ta không nhớ. Họ muốn chúng ta quên vì quên lãng góp phần bảo vệ quyền lực chính trị của họ. Thật là đốn mạt ! Chúng ta sẽ chống lại quyền lực ấy cho dù nhớ về những cuộc thảm sát chỉ là cách duy nhất để chống lại nó.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn để nhắc nhở mình về cách chính quyền Trung Quốc nói láo với chính họ và với người khác. Họ nói nhân dân Trung Quốc từ rất lâu đã "đánh giá đúng đắn về cuộc bạo loạn phản cách mạng vào năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn". Nhưng mỗi năm, vào ngày thảm sát Thiên An Môn, an ninh thường phục lại ngăn cản không cho mọi người bước vào Quảng trường. Tại sao ? Nếu nhân dân Trung Quốc đều tin tưởng những gì chính quyền nói họ tin, thì tại sao không cho phép nhân dân vào quảng trường để tố cáo bọn phản cách mạng. Sự hiện diện của an ninh chứng tỏ rằng chế độ không tin lời nói láo của chính họ.

trinhphuong3

Đại lộ Tây Trường An, sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì thay đổi chế độ giá như diễn ra được thì sẽ rất tốt cho Trung Quốc. Người ta sợ bốn từ "thay đổi chế độ" bởi vì những tính toán sai lầm tai hại của George Bush tại Iraq. Nhung chúng ta không nên trách những từ ấy vì sai lầm của Bush. Lưu Hiểu Ba cũng dùng những từ ấy. Mục tiêu chính của ông là đạt được sự thay đổi chế độ một cách ôn hòa.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì những chấn động đối với não con người thường kéo dài rất lâu. Chúng ta có muốn cũng không thể nào quên được cho dù chúng ta cố quên.

Perry Link

Nguyên tác : Why We Remember June Fourth, ChinaFile, May 28, 2019

Trần Quốc Việt dịch

**********************

Cho tuổi mười bảy 

Lưu Hiểu Ba, HRIC, 27/06/2007

Lời người dịch : Hằng năm Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) đều sáng tác một bài thơ tưởng niệm những sinh viên học sinh bị tàn sát ở Thiên An Môn. Ông đã trực tiếp tham gia cuộc phản kháng cùng với họ, cho nên ông luôn luôn tưởng niệm họ bằng những bài thơ chất chứa đầy bao cảm xúc rất bi tráng. Dưới đây là bài thơ tưởng niệm năm thứ hai cuộc thảm sát Thiên An Môn của ông. Người dịch mạo muội dịch bài thơ này để tưởng nhớ hàng ngàn tuổi xuân đã nằm xuống vì niềm khao khát tự do cháy bỏng. Họ là những nạn nhân của cộng sản ngày hôm qua nhưng là những anh hùng của ngày mai. (TQV)

*

trinhphuong7

(Em không lắng nghe lời răn bảo của cha mẹ, nhảy qua cửa sổ phòng tắm, lẻn đi.

Khi em ngã xuống vẫn giương cao lá cờ, em chỉ mới 17. Nhưng tôi sống ; tôi đã 36. Dưới bóng em, còn sống là mang tội, còn làm thơ tặng em lại càng thêm phần xấu hổ. Người sống nên câm miệng lại để lắng nghe bao tiếng thì thầm từ đáy mộ. Tôi không xứng đáng làm thơ tặng em. Tuổi em 17 còn đáng hơn mọi thi ca và kiến trúc nhân tạo)

Tôi sống,

tiếng thơm hoen ố.

Tôi không có can đảm và tư cách,

để trao cho em bó hoa và bài thơ,

để bước đến nụ cười tuổi mười bảy,

dù tôi biết -tôi biết-

Tuổi mười bảy chẳng mảy may nuôi lòng oán hận.

Tuổi em mười bảy bảo tôi :

đời là bình thường chẳng dát vàng son,

như ngắm nhìn sa mạc nghìn trùng

chẳng cần bóng cây, chẳng cần nước,

chẳng cần điểm vài bông hoa,

chỉ nhận vào ánh nắng tàn bạo.

Vào tuổi mười bảy, em quỵ ngã bên đường,

từ đấy đường biến mất.

Vào tuổi mười bảy, mắt em mở ra trong bùn

em hiền như trang giấy trắng,

Từ đây, trên đời này,

tuổi mười bảy.

em chẳng còn gì,

chỉ còn tuổi thanh xuân mãi trinh trắng.

Lúc em, tuổi mười bảy, tắt thở

Kỳ diệu thay

em vẫn không mất hy vọng.

Đạn bay rít qua núi,

chấn động đại dương,

khi tất cả hoa trên đời tạm thời

chỉ có một màu duy nhất.

Tuổi mười bảy, em không mất hy vọng,

không được mất hy vọng.

Tất cả tình thương em chưa bao giờ trao ai

nay dành hết cho me ;

tóc mẹ giờ bạc trắng, em ơi.

Mẹ từng nhốt em trong nhà.

nay dưới lá cờ đỏ năm sao

mẹ không còn người nối dõi.

ánh mắt hồn em kêu người mẹ cao quý của em,

máu thịt của em,

thức dậy.

Mẹ mang di nguyện của em,

đi giữa bao bia mộ.

Khi mẹ sắp ngã quỵ

Hồn em nương theo hơi gió về

đến nâng đỡ mẹ,

chỉ đường cho mẹ.

Vượt qua tuổi già hay tuổi xuân,

vượt qua cái chết,

Tuổi mười bảy,

đã

bất tử.

(Ngày 1 tháng Sáu, 1991, giữa đêm khuya ở Bắc Kinh)

Liu Xiaobo

Nguyên tác : For Seventeen (Commemorating the Second Anniversary of 6/4), Human Rights in China (HRIC), 27/06/2007

Trần Quốc Việt dịch

 

***********************

Bịt miệng để chặt chân

Hà Sĩ Phu, Trần Quốc Việt, 03/06/2022

Lời giới thiệu : Mười ba năm trước tôi dịch một bài đáng nhớ được đăng trên trang Talawas về đôi chân của Trịnh Phương (1). Trịnh Phương là một sinh viên phản kháng ở Thiên An Môn đã bị xe tăng nghiền nát đôi chân. Về sau ông trở thành vận động viên tàn tật xuất sắc. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc cấm ông tiết lộ với phóng viên về nguyên nhân ông bị mất đôi chân. Năm 2009 ông được đến Mỹ và bạn hữu thời Thiên An Môn cùng với giới hoạt động nhân quyền ở đấy giúp ông có được đôi chân giả kỹ thuật cao. Nhờ "đôi chân" mới ông đi lại và khiêu vũ bình thường.

Nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu đã cảm hứng sáng tác ra bài thơ đăng trong phần phản hồi của bài dịch như sau. (TQV)

thienanmon4

Trinh Phương (Fang Zheng) ngồi trên xe lăn

Trịnh Phương vũ khúc

Hà Sĩ Phu

Có chân nào như đôi chân Trịnh Phương

Từng băng băng trên đường chạy nước rút

Nhưng giữa một đêm tang thương Trung Quốc

Trên đường chạy Thiên An Môn, về đích Tự do

Đôi chân Người đã thua

xích xe tăng của bầy khỉ đột

xông ra từ góc tối một " Thiên đường"

xiết búa liềm trên máu thịt quê hương.

*

Sắt thép bạo quyền

Không nghiền nổi Trịnh Phương

Rồi những chiếc đĩa, những ngọn lao

Từ sức trẻ thần kỳ vẫn phóng ra đúng đích

Chí sắt đá tạo nên nhà vô địch

Những huy chương vàng trên một chiếc xe lăn.

Nhưng chẳng huy chương nào

giúp anh thoát khỏi những cuộc săn

của những kẻ mệnh danh đồng chí !

*

Trớ trêu thế, anh dạt vào nước Mỹ

Nơi bị rủa là "văn minh kỹ trị"

Là hổ giấy, là quân thù,

là giẫy chết, không mồ chôn !

Với tình người và kỹ thuật đỉnh cao

đã đắp cho anh đôi chân giả mê hồn,

anh khiêu vũ như thuở còn nguyên vẹn.

Cuộc tái sinh nào không tươi màu ước hẹn

Đôi chân này, hỏi đôi cánh nào hơn ?

*

Thiên An Môn : Địa bất an môn

Vòi rồng kia dẫu rửa hết máu của Tự do

Không lấp được những chân người cự phách

Chôn vào đất, trầm tích như hóa thạch

Cho muôn đời biết lối đến yêu thương

*

Ta ngồi đây, rộn rã nhạc muôn phương

Valse dịu và Tango quyến rũ

Đẩy man dại, cuồng si vào quá khứ

Khiêu vũ đi nào

Trịnh Phương...

Trịnh Phương...

thienanùon6

Đôi chân của ông Trịnh Phương bị xe tăng nghiền nát vào sáng spwsm ngày 04/06/1989.

Hà Sĩ Phu

1/10/2009 (nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc)

thienanmon5

Rạng sáng ngày 4/6/1989, hàng xe đầu tiên gồm 3 chiếc xe tăng do La Cương dẫn đầu, tại Tân Hoa Môn gần Lục Bộ Khẩu truy đuổi nhóm sinh viên sơ tán khỏi quảng trường Thiên An Môn đã cán chết 11 người và làm vô số người khác bị thương trên Đại lô Trường An

Bài dịch về sau được trang Bauxite Việt Nam đăng với lời giới thiệu của giáo sư Nguyễn Huệ Chi như sau :

Ông Trịnh Phương, đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc, là một trong trăm ngàn sinh viên có mặt trong cuộc biểu tình ôn hòa nhiều ngày đêm tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ngày 4 tháng Sáu năm ấy, ông cùng chiến hữu bị xe tăng quân đội Trung Quốc tiến vào đè bẹp theo lệnh Đặng Tiểu Bình, khi đang cùng với các sinh viên khác cố thoát khỏi quảng trường. Ông sống sót nhưng hai chân bị nghiến nát. Chân trái bị cưa dưới đầu gối, còn chân phải bị cưa ở giữa bắp đùi. Nhà nước Trung Quốc cố tình bưng bít thông tin về nguyên nhân què cụt của ông khi ông nỗ lực vượt lên khỏi số phận của mình để trở thành một vận động viên tàn tật xuất sắc. Trước nguy cơ bị lộ thông tin, họ cấm ông thi đấu và bỏ mặc số phận của ông. Nhưng ông kiên nhẫn chờ đợi. Và đến khi có dịp thoát khỏi bàn tay độc tài, tị nạn sang Mỹ, bè bạn bốn phương, những con người biết quý trọng nhân phẩm, đã xúm nhau lại, tìm cách để ông có lại một "đôi chân" mới. Trịnh Phương vụt trở thành một biểu tượng thách thức với bóng tối, ông lại bay lượn khiêu vũ trên đôi chân của tự do.

Trong hàng nghìn năm lịch sử, nước "An Nam" láng giềng nhỏ bé sát nách Trung Hoa luôn luôn bị "thiên triều" xấc xược lấn áp, lăm le nghiền nát không biết bao nhiêu lần ; nhưng trong mọi trường hợp gay go nghìn cân treo sợi tóc, bằng chính mối đoàn kết "Diên Hồng" bắt rễ sâu trong tình cảm của toàn dân tộc, người Việt Nam chứ không có ai khác, đều đã tìm được đôi chân thần kỳ của Trịnh Phương-đó cũng chính là biểu tượng "ngựa sắt Phù Đổng" trong tâm thức dân tộc chúng ta.

trinhphuong1

Trịnh Phương phá hai kỷ lục châu Á trong cuộc tranh tài thể thao dành cho người khuyết tật toàn Trung Quốc năm 1992

Vậy ngày nay đôi chân ấy ở đâu ? Đầu óc ngu xuẩn nào và lợi ích của tập đoàn nào đang cố tình làm tê liệt nó, thậm chí muốn tiếp tay cho kẻ thù nghiền nát nó ? Một dân tộc trong vòng tối tăm, quờ quạng không lần ra ánh sáng của tự do dân chủ là một dân tộc hai chân bị đem lên thớt. Chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ sớm tìm thấy đôi chân của Trịnh Phương chứ không bao giờ chấp nhận một sự hành hình như vậy".

Luật An ninh mạng du nhập từ Trung Quốc chính là một trong những nhát dao được nghĩ ra để chặt đôi chân đã giúp Việt Nam "đứng vững ngàn năm" ấy, mượn tựa đề cuốn sách của nhà báo Ngô Nhân Dụng. Thật vậy, nhìn từ bề mặt, luật an ninh mạng kiểm duyệt thông tin, giới hạn số người đọc báo mạng lề dân, hạn chế sự bày tỏ chính kiến và suy tư trên mạng xã hội, hạn chế phơi trần bất công... Nói chung luật được đặt ra để hạn chế tối đa tự do ngôn luận mà đã bùng phát trên mạng trong nhiều năm qua nhờ các mạng xã hội.

Nhưng, nhìn thật sâu, luật an ninh mạng là phương tiện giúp chế độ tà quyền bám giữ quyền lực để chung cuộc mở đường cho Trung Quốc xâm lược mềm Việt Nam. Mục đích sâu xa nhất của luật là không để cho mọi người kết nối về tâm tư, tinh thần, tư tưởng và hành động trên mạng. Mục tiêu của chế độ toàn trị không phải đàn áp tự do ngôn luận như ta tưởng. Mục tiêu tối hậu của chế độ là phải cô lập những cá nhân không để họ tìm đến nhau bằng cách nào nhặn hoàn toàn thông tin mà cá nhân có thể tiếp cận được để các cá nhân muốn phản kháng cảm thấy mình là lẻ loi hay thiểu số và không đủ tin tưởng đồng bào mình để liều mình đấu tranh. Đấy là lý do chế độ từ trước đến nay không bao giờ thừa nhận Việt Nam có tù chính trị hay có tù nhân lương tâm hay có những người biểu tình.

Luật an ninh mạng thành công khi mọi người trong xã hội là những hạt cát không thể dính lại với nhau, là những cây đũa rời dễ dàng bị bẻ gãy vì luật đã phá vỡ mọi kênh liên lạc trên mạng lẫn ngoài đời. Bóng ma của nó đứng bên cạnh bàn phím, hiện ra lờ mờ trên màn hình điện thoại để khiến cho nhiều người, dù không phải là tất cả, phải chùn tay hay ngại mở miệng. Tất cả các cuộc đấu tranh trực diện hay gián tiếp, bạo động hay ôn hòa, tổng nổi dậy hay cả đảo chính, đều phụ thuộc vào sự liên lạc giữa các cá nhân với nhau. Do vậy điều mà chế độ bằng mọi giá phải tránh là phản ứng dây chuyền từ một người đấu tranh hay một nhóm đấu tranh nào đó lan sang người khác hay nhóm khác.Họ sợ một người đấu tranh sẽ truyền cảm hứng và khích lệ đấu tranh ở những người khác. Đấy là lý do hiện tượng "bánh canh" ra đời. Công an giả dạng dân thường không cho phép những nhà hoạt động, dù nổi tiếng ít hay nhiều, ra khỏi nhà mỗi khi có lời kêu gọi biểu tình. Không phải họ sợ những người này đi biểu tình mà họ sợ hình ảnh những người này trong đoàn biểu tình sẽ khích lệ không những người biểu tình mà còn cả những người lưỡng lự đang đứng bên lề. Dù toàn dân bất mãn nhưng nếu không ai bày tỏ với nhau sự bất mãn cá nhân của mình thì cuộc đấu tranh sẽ không ra đời hay không kéo dài lâu.

Mọi người không những không nối kết nhau mà chế độ bằng mọi cách làm cho mọi người nghi ngờ lẫn nhau một khi các cá nhân không thể an tâm nối kết với nhau vì luật an ninh mạng.

Chính vì thế chế độ đặt tên cho không gian mạng là "miền chiến sự" mà hàm nghĩa là cuộc chiến tranh sinh tử mà chế độ phải thắng để tồn tại và mở đường cho thời kỳ Bắc thuộc mềm mới.

Câu chuyện Trịnh Phương cho ta thấy dân chủ và tự do là nguồn sống đích thực của dân tộc Việt Nam. Nhưng cần có đôi chân không "bị đem lên thớt", như cách nói của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, để cuối cùng đi đến nguồn sống ấy mà sẽ nuôi dưỡng sự tồn tại muôn đời của nước Việt yêu dấu chúng ta. Một cá nhân mất chân có thể gắn chân giả. Một dân tộc mất chân sẽ trở thành nô lệ và bị đồng hóa hoàn toàn.

Chế độ đã khai chiến. Chúng ta phải đáp lại bằng cách thứ nhất bất tuân luật an ninh mạng dù phải trả giá, thứ hai tăng cường mọi giao tiếp liên lạc giũa các cá nhân với nhau trên mạng lẫn ngoài đời để duy trì những cuộc đấu tranh cá nhân hay tập thể như từ trước đến nay, thứ ba vun đắp hơn nữa mối đoàn kết "Diên Hồng". Chúng ta không thể nào kéo cờ trắng trên "miền chiến sự" mà chế độ đã tuyên chiến với lòng yêu nước và với tương lai tự do dân chủ và với sự sinh tồn của dân tộc. Từ chiến thắng trên mạng đến chiến thắng trên đường phố là quá trình nối kết và cùng nhau đấu tranh liên tục của các cá nhân ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ quốc và tiền nhân và con cháu. Ngày nào đấy hàng triệu đôi chân người Việt sẽ xuống đường dẹp tan bè lũ bán nước.

Với quyết tâm, can đảm, và đoàn kết, chúng ta nhất định sẽ không thua trên bất kỳ miền chiến sự nào. Chúng ta còn có hiệp hai như lời của nhà văn Nga Solzhenitsyn :

"Cuộc đương đầu giữa một người -bất kỳ người nào- với cộng sản luôn luôn kết thúc trong hai hiệp. Cộng sản gần như luôn luôn thắng trong hiệp đầu, giống như thú dữ nhảy chồm lên quật ngã đối thủ. Nhưng nếu có hiệp hai, cộng sản gần như luôn luôn thua. Mắt con người mở ra và con người thấy rằng họ đã ngắm say mê toàn những thứ đáng vất bỏ, giống như ảo ảnh. Rồi họ vĩnh viễn được miễn dịch".

Hiệp hai đã mở màn từ lâu. Cuộc đấu tranh toàn dân ngày càng cao hơn khi họ nhận thức rõ chế độ tà quyền thực chất là một lũ rước voi giày mả tổ từ đời đầu đến cuối, là một bọn bán nước cầu vinh, chỉ gây ra toàn đau khổ và tàn ác với nhân dân.

Cuộc chiến trên mạng chỉ là một trận chiến mà nhân dân sẽ chiến thắng. Chiến thắng cuối cùng của sinh tồn, tự do và dân chủ chỉ là vấn đề thời gian khi đôi chân dân tộc vẫn còn nguyên vẹn như tự ngàn xưa trong lòng mỗi trái tim yêu nước Việt Nam hôm nay đang cùng nhau tạo ra và tham gia vào hiệp hai của cuộc đấu tranh chống lại cộng sản.

Trần Quốc Việt

(03/03/2022)

(1) David Feith, Khiêu vũ với Trịnh Phương, talawas blog, 29/09/2009