Đồng bằng Việt Nam có nguy cơ bị ngập khi nước biển dâng

Đồng bằng Việt Nam đối phó thế nào với nguy cơ bị ngập khi nước biển dâng ?

Nếu mực nước biển dâng cao 100cm thì khoảng 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung sẽ bị ngập trong nước.

ngap1

Thuyền chở hàng trên sông Hồng ở Hà Nội - AFP

Cũng vậy, 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 17,15% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đối diện nguy cơ bị ngập nặng khi nước biển dâng cao 100cm.

Đây là kịch bản biến đổi khí hậu 2020 vừa được Bộ Tài nguyên-Môi trường công bố. Theo đó, đến năm 2050 mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 24cm hoặc 28cm. Đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực là 56cm hoặc 77cm.

Điều này có nghĩa trong nhiều chục năm tới mực nước biển trong khu vực Đông Nam Á nói riêng được coi là cao hơn mực nước biển cao trên toàn cầu. Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, nhận xét :

"Đồng bằng sông Hồng đối với người dân vùng Bắc Bộ này rất quan trọng. Thứ nhất là dân số ngoài Đồng bằng sông Hồng này đông hơn nhiều trong Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng diện tích có thể trồng trọt, chăn nuôi, rồi phát triển nông nghiệp và để người dân ở rất là hẹp".

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng giải thích tiếp :

"Thí dụ ở Thái Bình là vùng canh tác nông nghiệp nhưng mà mỗi người dân chỉ được vài sào, cao nhất là một mẫu. Nhưng mà Đồng bằng sông Cửu Long, như ở An Giang, thì năm hectares/người"

"Cho nên cái nguy hiểm nhất, nếu Đồng bằng sông Hồng bị ngập, nước mặn nó tràn vào thì sẽ không đủ diện tích để nuôi được dân số ngoài này. Đây là điều rất quan trọng".

Chuyện ngập chưa thực sự xảy ra trong mươi, mười lăm năm nữa, thế nhưng tín hiệu xấu đã xuất hiện rõ, và việc nhắc lại cũng không bao giờ thừa, là khẳng định của Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng :

"Không phải bây giờ người ta mới phát hiện nước mặn đã xâm nhập đến tận Thường Tín, mà Thường Tín thuộc về Hà Nội lâu rồi. Bây giờ người ta quan tâm nhiều hơn bởi vì Đồng bằng sông Hồng đang phải chịu thách thức về nguồn nước. Chúng ta nên nhớ nếu không bị ngập thì phải có nước đẩy mặn. Quan trọng nhất là đẩy mặn ra thì mới có thể sống được, nhưng hiện nay nguồn nước Đồng bằng sông Hồng đã giảm đi nhiều".

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng đề cập đến tình trạng nữa là nguồn nước từ phía thượng nguồn ở Trung Quốc nay bị nhiều thủy điện giữ nước lại. Ngoài ra, chính Việt Nam cũng phát triển quá nhiều thủy điện :

"Mà qui trình thủy điện và qui trình thủy lợi nó lại ngược nhau, lúc thủy lợi cần nước vào mùa khô thì thủy điện tích nước lại. Còn mùa lũ thì thủy điện xả ra trong lúc chúng ta không cần. Ngập ở Đồng bằng sông Hồng nó liên quan đến cái chính mùa khô nước mặn mới tràn vào. Theo tài liệu của bên Khí tượng Thủy văn thì sông Hồng mùa khô có chỗ vận tốc nước gần như bằng không ; Thái Bình thì lâu lắm rồi không có nước lũ về và cũng không có phù sa ; hoặc Vũ Thư chẳng hạn thì màu phèn nó nổi lên. Vậy thì do nước từ thượng nguồn ít, việc ngập mặn trong bãi sông Hồng nó cứ ngấm ngầm cho đến cực hại dần là điều chúng ta có thể thấy được".

Ngoài hai thực tế nước biển dâng và thủy điện, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh thêm, nguyên nhân khác do khai thác nguồn nước ngầm quá nhiều khiến đất sạt lở và sụt xuống :

"Hiện tượng này rất rõ ở Đồng bằng sông Cứu Long vùng Cà Mau, hàng năm sụt mấy centimet. Đồng bằng sông Hồng cũng thế, thiếu nước về đưa phù sa về bồi tích, cộng với việc đồng bằng sụt lún do khai thác nước ngầm, khiến diện tích ngập ở Đồng bằng sông Hồng có thể sẽ tăng lên. Các con số đưa ra chỉ là trung bình thôi, có nghĩa phải bình quân của nhiều năm người ta mới kết luận như vậy".

ngap2

Các bao cát chắn ngập ở huyện An Phú, tỉnh An Giang. AFP

Đối với thạc sĩ Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nước &Biến đổi Khí hậu, nguyên phó Ban Điều Phối Chống Ngập Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo nếu mực nước biển dâng cao 100cm làm Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập được coi là kịch bản biến đổi khí hậu trong vài chục năm tới, thì 47,20% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập là con số giả định

Về kịch bản, ông giải thích, Bộ Tài nguyên và môi trường đã cập nhật tương đối tốt. Dựa vào kịch bản này người ta có phân tích cụ thể từng tình huống.

Thứ hai, nếu kịch bản xảy ra thì ngập là hoàn toàn chính xác vì người ta lấy mực nước so với cao độ. Thế nhưng đó là ‘ngập giả định’, có nghĩa nó xảy ra trong tình huống Nhà nước và người dân không làm gì cả để có thể thích nghi :

"Đó chỉ là tương lai tiềm tàng, người ta dựa vào để hình dung những chiến lược đối phó, ngăn chận, giảm nhẹ thiệt hại vân vân. Đó là những bước đi sau".

"Tóm lại kịch bản đó hoàn toàn có thể xảy ra vì nó dựa theo và phú hợp với những thông tin quốc tế có được. Nhưng thứ hai là với kịch bản đấy thì chuyện ngập đấy là câu chuyện giả định. Nếu chúng ta không làm gì cả thì nó xảy ra đúng như vậy. Đó là dựa vào mực nước theo kịch bản và địa hình trên thực tế".

Việc đối phó với hiện tượng đất ngập nước do biến đổi khí hậu, theo chuyên gia Hồ Long Phi nhấn mạnh, phụ thuộc phần lớn vào chính sách giảm thiểu khí nhà kính của cả thế giới :

"Việt Nam chỉ có thể dùng biện pháp ngăn chận. Đó là phần thích nghi, tức là tổ chức cuộc sống, kinh tế, hoạt động kinh doanh như thế nào đó để thích nghi với môi trường mới. Thí dụ mặn thì khai thác theo kiểu mặn, khai thác thủy sản chứ không phải là vất đi, nhưng mà phải giải quyết nước uống và nước tưới cho dân vùng đó".

Nói chung mỗi sinh cảnh đều phải có một cách ứng phó để tạo ra lợi nhuận và sinh kế, vẫn lời thạc sĩ Hồ Long Phi. Chuyện mực nước biển dâng 100cm kéo theo hiện tượng ngập trên Đồng bằng sông Cửu Long không xảy ra ngày một ngày hai mà cả vài chục, thậm chí đến hết thể kỷ này.

Thêm một yếu tố vô cùng quan trọng, thạc sĩ Hồ Long Phi nêu bật, là ý thức của dân cư mà xem ra Việt Nam rất thiếu :

"Nhiều người đã không cảm thấy được chuyện đó liên quan tới đa số là như vậy. Cái họ nghĩ là mùa tới làm gì, chứ họ không nghĩ phải tổ chức cái gì đó cho 30 năm, 50 năm nữa, họ không quan tâm. Thành ra phải làm sao cho họ có ý thức đó để tạo sự đồng thuận".

Đất nước Hà Lan là tấm gương mà Việt Nam nói riêng có thể học hỏi để từng bước giải quyết vấn nạn trong tương lai, theo thạc sĩ Hồ Long Phi :

"Hiện nay nhiều vùng của Hà Lan đang sống dưới mực nước biển, có nghĩa là nếu không có những công trình bảo vệ thì họ đã ngập 4 hay 5 mét rồi, thế nhưng họ vẫn sống rất tốt. Phi trường Amsterdam của Hà Lan thấp hơn mực nước biển 4,5 mét mà nó vẫn hoạt động bình thường".

Chắc chắn bàn tay con người có thể cải thiện, có thể tạo được sinh cảnh thích nghi với môi trường mới của Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai là kết luận của chuyên gia Nước & Biến đổi Khí hậu Hồ Long Phi.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 08/03/2022