Thặng dư thương mại đột biến

Trái với nhiều dự đoán lạc quan, chúng ta có rất nhiều lý do để lo ngại về sự ảnh hưởng sâu rộng của diễn biến đại dịch Covid-19 lên Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam có một mức độ phụ thuộc trầm trọng vào ngoại thương (Tổng ngoại thương 2019 là hơn 500 tỷ đô la, gấp đôi GDP đất nước). Vào thời điểm hiện tại,Việc các doanh nghiệp chủ động giảm khối lượng nguyên liệu tồn kho cho thấy các đơn hàng mới có xu hướng sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là những sản phẩm có thể xem là không thiết yếu như điện thoại, quần áo và giày dép. Hệ lụy về thất nghiệp, suy thoái sẽ rất lớn.


Có lẽ rất nhiều người sẽ chưa hiểu được tại sao trong bối cảnh nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,36% trong quí 2 vừa qua, rồi tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra vô cùng phức tạp trên thế giới mà hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương và thặng dư thương mại thì tăng đột biến.
 
Thặng dư thương mại nhiều chưa hẳn đã tốt
Việt Nam không sử dụng tỷ giá để cạnh tranh thương mại

Việt Nam chắc chắn vẫn giữ được mức thặng dư tương đối cao trong cả năm 2020. Ảnh: THÀNH HOA

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam đã bất ngờ thặng dư đột biến trong tháng 6 với 1,8 tỉ đô la Mỹ. Lũy kế trong sáu tháng đầu năm 2020 thì cán cân thương mại thặng dư tới 5,5 tỉ đô la, cao gấp 3,4 lần so với con số của cùng kỳ năm 2019.

Vấn đề mà có lẽ mọi người sẽ chú ý nhiều hơn chính là những con số trong  ba tháng gần đây nhất, từ tháng 4-6, giai đoạn mà nền kinh tế chịu những ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, và cũng rất bất ngờ cán cân thương mại đã thặng dư tới gần 2 tỉ đô la trong khoảng thời gian này.

Một điểm cũng rất đáng lưu ý là đi kèm với thặng dư thương mại lớn thì chúng ta cũng bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu dương trở lại. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6-2020 đạt mức 22,5 tỉ đô la, tăng 17,6% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ của năm 2019. Còn nếu tính lũy kế sáu tháng đầu năm thì tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 123 tỉ đô la, tăng 0,2% so với mức 122 tỉ đô la của năm 2019.

Có ba nguyên nhân chính để giải thích cho kết quả trong sáu tháng đầu năm 2020. Thứ nhất, hoạt động thương mại của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Phần lớn nguyên liệu sản xuất của rất nhiều ngành, lĩnh vực đều được nhập khẩu từ nước ngoài.

Nếu xuất khẩu bị sụt giảm thì nhập khẩu cũng sẽ giảm khối lượng tương ứng. Do đó, xét trên góc độ thặng dư thương mại thì sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Đây là vấn đề mang tính cấu trúc khi mà Việt Nam gần như chỉ đóng góp được chi phí nhân công trong tổng chi phí sản xuất sản phẩm.
 
Thứ hai, trong quy trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì thông thường nguyên liệu tồn kho sẽ được duy trì tối thiểu 2-3 tháng so với nhu cầu sản xuất.

Tức là các doanh nghiệp sẽ vẫn có đủ nguyên liệu để sản xuất trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng ngay cả trong bối cảnh nguồn cung cấp bị gián đoạn.

Trong tháng 6-2020, trong khi xuất khẩu tăng trưởng 17,6% thì nhập khẩu lại chỉ tăng 14% so với tháng trước đó.

Tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn xuất khẩu cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động giảm khối lượng nguyên liệu tồn kho xuống mức thấp hơn so với con số thông thường.

Nguyên nhân chính được cho là các đơn hàng mới có dấu hiệu sụt giảm. Đây là yếu tố chính giúp cho cán cân thương mại thặng dư rất lớn trong tháng 6 vừa qua và cao hơn mức bình quân khoảng 30%.

Thứ ba, mặc dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại tăng trưởng chậm do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên phạm vi toàn cầu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc lại ghi nhận mức tăng đột biến lên tới 142% trong sáu tháng đầu năm, đạt 3,7 tỉ đô la.

Nguyên nhân được cho là do Samsung đã đóng cửa toàn bộ các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc trong các năm 2018-2019. Do vậy, Samsung sẽ xuất khẩu điện thoại từ Việt Nam sang Trung Quốc để tiêu thụ.

Thông thường, những tháng cuối năm cán cân thương mại của Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt và thặng dư lớn do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm như điện thoại, quần áo, giày dép… vào mùa cuối năm luôn ở mức cao, đặc biệt là tại thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Năm 2019, sáu tháng cuối năm ghi nhận mức thặng dư lên tới 10,6 tỉ đô la, đóng góp tới 95% tổng mức thặng dư của cả năm khi đạt trên 11 tỉ đô la.

Diễn biến về thương mại trong sáu tháng cuối năm 2020 sẽ là một ẩn số lớn, có thể sẽ không giống với xu hướng thặng dư ở mức cao như trong các năm gần đây. Bởi lẽ giá trị xuất khẩu trong ba tháng gần đây là kết quả của những đơn hàng đã được ký kết từ đầu năm 2020, thậm chí là được ký trong năm 2019.

Việc các doanh nghiệp chủ động giảm khối lượng nguyên liệu tồn kho cho thấy các đơn hàng mới có xu hướng sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là những sản phẩm có thể xem là không thiết yếu như điện thoại, quần áo và giày dép.


Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, cấu trúc thương mại của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI, nếu xuất khẩu giảm thì nhập khẩu cũng giảm tương ứng. Do đó, gần như chắc chắn Việt Nam vẫn giữ được mức thặng dư tương đối cao trong cả năm 2020. Đây là yếu tố rất quan trọng để giúp cho cán cân tổng thể (Balance of Payments) của Việt Nam duy trì được thặng dư.
Cán cân tổng thể thặng dư, tức là dòng ngoại tệ chảy vào Việt Nam lớn hơn so với dòng ngoại tệ được chuyển ra khỏi đất nước. Nếu lý luận một cách đơn giản là cung lớn hơn cầu về ngoại tệ. Như vậy, sẽ giúp cho tiền đồng ít phải chịu áp lực mất giá.

Thậm chí trong bối cảnh đô la Mỹ đang suy yếu mạnh, khi chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đô la Mỹ đã giảm tới 6,8% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thì tiền đồng còn có thể lên giá so với đô la Mỹ trong các tháng tới.

Nguồn tin: TBKTSG