Nón Cối tự truyện (Thạch Đạt Lang)
Tôi
thật lòng mong muốn những người đang muốn đoàn thể hóa dân chúng nhằm
một mục đích nào đó hãy vui lòng bỏ tôi qua một bên, đừng sử dụng tôi
nữa. Hãy chọn cho đất nước, dân tộc Việt Nam một biểu tượng khác trang nhã,
thanh lịch hơn tôi bởi vì trong tất cả các loại nón được ưa thích trên
thế giới, tôi không tìm thấy chỗ đứng của mình. (Thạch Đạt Lang)
Thật ra tôi chẳng cảm thấy vinh dự, sung sướng hay tự hào chút nào
khi nói về mình. Có điều vừa qua, một biến cố xẩy ra khiến tôi buộc lòng
phải lên tiếng. Đó là chuyện Cả trường đội mũ cối trong ngày khai
giảng. Người Bắc gọi tôi là mũ cối, nguời Nam gọi nón cối, khác nhau
chút đỉnh nhưng gọi thế nào thì tôi vẫn là tôi.
Không hiểu tại
sao lại xẩy ra “sự cố” này? Do đó tôi lên tiếng tự nhận định, thanh minh
về mình để những vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, học giả, học thiệt,
hàn lâm viện sĩ của CHXHCNVN...những vị kiến thức mênh mông như biển cả,
chữ nghĩa bao trùm thiên hạ như cát sa mạc Sahara vui lòng giải thích
giùm về nguyên nhân “sự cố” nói trên.
Tôi không biết mình sinh ra
ngày tháng nào, bao nhiêu tuổi, cha mẹ mình là ai, có bao nhiêu anh
em...bởi tôi không có khai sinh. Tuy nhiên tôi biết chắc một điều, tôi
đã hiện diện trên mảnh đất hình chữ S này lâu lắm rồi, đâu từ thập niên
40 thế kỷ trước.
Tôi đã đi khắp các miền, các nẻo đường đất nước
để tìm kiếm nguồn gốc mình nhưng cũng không ai biết. Câu hỏi, tôi hiện
diện trên cõi đời này trước hay sau khi có ông Hồ Chí Minh không ai trả
lời được. Tôi có mặt khắp nơi, từ vùng rừng núi, khu lòng chảo Điện Biên
lạnh lẽo, ẩm ướt qua con đường mòn dọc theo dẫy Trường Sơn chim kêu,
vượn hú, trải đầy Xương Trắng (Xương Trắng Trường Sơn, quyển thứ hai
trong tập Hồi ký của nhà văn Xuân Vũ gồm 5 cuốn Đường Đi Không Đến,
Xương Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến, Đồng Bằng
Gai Góc) đến vùng Đồng Tháp Mười muỗi kêu như sáo thổi, đỉa nổi lềnh
bềnh như bánh canh.
Một thời gian dài ở miền Bắc của đất nước
hình chữ S, tôi đã trở thành môt biểu tượng, một vật bất ly thân của hầu
hết người dân, đàn ông, phụ nữ, thanh niên, thiếu nữ... từ lãnh đạo đất
nước cao nhất như ông Hồ Chí Minh hay Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Trường
Chinh, từ chủ tịch nước đến bí thư xã, huyện...ai cũng đội tôi lên đầu.
Trời nắng gió hay mưa bão, ra ngoài đồng, vào nhà ăn, hội họp, liên
hoan...họ luôn có tôi bên cạnh. Tôi có mặt mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc như
một sự hòa đồng không giai cấp giữa tất cả mọi người, không có cách
biệt giữa lãnh đạo với người dân, giữa ông đại tướng đến anh binh nhì,
hạ sĩ...
Sau ngày 30.04.1975, một số người dân miền Nam cũng a
dua, đua đòi à-la-mode Nón Cối. Không hiểu tại sao nhưng dường như sự
hiện diện của tôi trên đầu tạo thêm cho họ một ít cảm giác bình yên hoặc
một sự kết nối thân thiện lúc đầu gặp gỡ trong một xã hội ngột ngạt,
khó thở, chỗ nào cũng có những cặp mắt nghi kị, đòm ngó, dò xét đầy đe
dọa.
Thật ra cảm giác bình yên đó chỉ là ảo giác bởi những người cùng đội nón cối, từng là đồng chí thân thiết với nhau, ăn cùng mâm, trốn cùng hầm vẫn tìm cách sát hại, thanh toán lẫn nhau khi tranh giành địa vị, chức tước, quyền lợi...
Tiếp theo sau đó, đến sư sãi,
thầy chùa, cha cố, linh mục... cũng bắt chước chẳng ra thể thống gì. Mặc
áo cà sa vàng, áo nâu sòng, xám của sư sãi hoặc đen tuyền của linh mục
mà chụp tôi lên đầu thì thật vô duyên, dị hợm và cũng vô cùng phản cảm.
Tại sao những người này lại làm như vậy, họ có biết để tôi chễm chệ trên
đầu họ là bôi bác tôn giáo hay không? Họ quá biết đi chứ nhưng vì họ là
sư sãi, thầy chùa, đại đức, thượng tọa, linh mục, cha cố quốc doanh nên
họ phải làm theo ý của đảng cầm quyền. Đơn giản vậy thôi, tất cả chỉ vì
mục đích chính trị.
Ngay cả Hồ Ngọc Thắng, một người Đức gốc
Việt, kẻ nổi tiếng thứ hai trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, khi về
Việt Nam dâng hương tưởng niệm liệt sĩ QĐND ở Trường Sa tháng 4 năm 2015
cũng đem tôi chụp lên đầu làm biểu tượng lấy điểm trong lúc chụp hình.
Qua bên Đức, chắc chắn Thắng không bao giờ dám cho tôi ngồi lên đầu khi
ra ngoài đường hay đến những nơi công cộng.
Tôi biết mình không
đẹp. Mỗi khi soi gương, nhìn màu ô-liu hay màu gì khác đi nữa, tôi thấy
màu nào cũng không thể phủ lấp vóc dáng quê kệch của mình so với dáng
vẻ thanh nhã, yểu điệu với màu vàng nhạt, thân thể mảnh mai của Nón Lá,
một người chị họ con chú con bác của tôi, tôi cảm thấy buồn và tủi thân.
Chị Nón Lá đã mảnh mai, nhẹ nhàng lại có thể trang điểm thêm bằng những
bài thơ, viết đan vào giữa các lá hoặc bọc một lớp nhựa mỏng trang trí
bằng những bông hoa đủ màu sắc tươi đẹp.
Tôi nghe nói chị Nón Lá
đã là biểu tượng một thời của phụ nữ miền Nam trước tháng tư năm 1975.
Điều này chắc đúng, bởi đội chị Nón Lá sẽ làm nổi bật sự duyên dáng,
thùy mị, kín đáo của người phụ nữ miền Nam, điều mà tôi không có khả
năng.
Hơn nữa chị che nắng tốt hơn tôi rất nhiều khi người đội phải ra đường hay làm việc ngoài đồng. Chính điều này khiến Nón Lá không những là vật trang điểm cho các thiếu nữ mà còn giúp cho những người dân lao động, buôn thúng, bán bưng giảm bớt được sự cực nhọc gây ra bởi ánh sáng mặt trời chói chang trong những ngày hè nóng, nắng cháy da.
Quần áo đơn sơ với bộ bà ba cùng đôi gánh chè, cháo trên vai cộng với
chiếc nón lá là những hình ảnh quen thuộc, thân thương với người dân
miền Nam. Tôi hầu như không được vinh dự che nắng cho phụ nữ buôn bán
hàng rong miền Nam bởi sự thô kệch và ít hữu dụng của mình. Chẳng thấy
bà hay cô nào quàng đôi gánh quà vặt lên vai mà đội nón cối lên đầu.
Tôi cũng không được cái to lớn, tròn trĩnh, cứng cáp, mạnh mẽ của người
anh em họ xa trong gia tộc Nón của tôi là Nón Sắt. Nhiều lúc tôi cảm
thấy ghen tị với Nón Sắt. Nón Sắt to lớn, hùng dũng, chắc chắn, tuy hơi
nặng nề. Mới đội chưa quen thì cũng khó chịu vì sức nặng, nhưng có nhiều
công dụng, có thể làm xô múc nước rửa mặt, đánh răng, làm gối nằm nghỉ
trong lúc đi hành quân, che chở đầu trong lúc giao tranh, không bị sát
hại bởi miểng súng cối, hỏa tiễn nổ gần hay đầu đạn AK-47, M-16...xa
trên 300m khi trúng vào nón.
Sự ghen tị của tôi chỉ chấm dứt khi
mảnh đất hình chữ S đã thu về một mối, dù là Một Mối Hận Thù – Một Mối
Đau Thương. Nón Sắt biến mất hẳn trên mảnh đất này vì không còn ai (dám)
đội, khi kẻ chiến thắng nhân rộng tôi ra khắp nước. Họa hoằn lắm tôi
mới gặp lại người anh em họ xa nằm lạc lõng đâu đó trong góc nhà của một
người thương phế binh hay một người lính già VNCH hoặc một kho phế liệu
nghèo nàn của một người nào đó. Có một bản nhạc ở miền Nam trước khi
tàn cuộc chiến nhắc tới chiếc nón sắt của một người lính Cộng Hòa bỏ lại
bên bờ lau sậy.
Tôi có mặt khắp nơi như vậy nhưng nhiều khi cũng
tự hỏi:- Không biết người dân miền Nam có thích tôi hay không? Tự hỏi
rồi tự trả lời: -Dường như không! Bởi tôi cũng hay bắt gặp những ánh mắt
khó chịu, những cái nhìn mất thiện cảm lẫn dò xét, nghi ngờ khi người
miền Nam thấy tôi.
Bốn mươi hai năm hơn đã trôi qua, chị Nón Lá
sống èo oặt một thời gian dài nay có vẻ bắt đầu hồi sinh, từ lúc nào tôi
không biết. Rải rác đây đó, phụ nữ miền Nam bắt đầu đội lại chị Nón Lá,
trong khi sự hiện diện của tôi thì ngược lại, càng ngày càng ít đi.
Phải chăng vì đó là lý do mà những người đã dùng tôi như một biểu tượng
của sự chiến thắng trong trận chiến Quốc-Cộng 1954-1975, thấy cần phải
khôi phục lại chỗ đứng cho tôi?
Hiện tại, tôi chỉ còn có mặt
thường xuyên ở hai nơi là trong quân đội và công an. Ngoài đường phố
cũng như ở công sở, trường học, bệnh viện, bến xe, phi trường, nhà
hàng, quán xá...họa hoằn lắm mới có người trông thấy tôi. Cũng đúng
thôi! Ăn mặc xuề xòa, quần tây rộng thùng thình, áo sơ mi bỏ ngoài quần
lè phè, đặt tôi lên đầu không dị hợm chứ chơi bộ veston đen, cà vạt hoặc
áo đầm mà cho tôi chễm chệ trên đầu thì chưa ai dám.
Do đó, tôi
thật lòng mong muốn những người đang muốn đoàn thể hóa dân chúng nhằm
một mục đích nào đó hãy vui lòng bỏ tôi qua một bên, đừng sử dụng tôi
nữa. Hãy chọn cho đất nước, dân tộc Việt Nam một biểu tượng khác trang nhã,
thanh lịch hơn tôi bởi vì trong tất cả các loại nón được ưa thích trên
thế giới, tôi không tìm thấy chỗ đứng của mình.
13.4.2019