Nga và Trung Quốc có khả năng không kiểm soát được chính mình (Robert D. Kaplan)
Hai
mươi năm trước, niềm hân hoan trước thắng lợi của dân chủ hóa ra là sai
lầm, nhưng chiến thắng của chế độ độc tài hiện nay cũng có thể là không
kéo dài.
Nếu
trong thế kỷ XX chúng ta đã sống trong thế giới của những cuộc xung đột
mang tính ý thức hệ, thì trong thế kỷ XXI, chúng ta đang sống trong thế
giới của những cuộc đụng độ địa chính trị - ít nhất, đây là ý kiến được nhiều người chấp nhận. Nhưng công nghệ đang phát triển nhanh
đến mức chẳng bao lâu nữa thế giới của những xung đột địa chính trị có
thể chuyển sang mức độ xung đột khác. Chẳng bao lâu nữa lục địa Á-Âu có
thể sẽ mất cân bằng, vì những chế độ độc đoán đang gây ra bất ổn tại
Moscow và Bắc Kinh có thể không còn ổn định.
Tháng 12 năm 1997, tôi công bố bài báo trên trang bìa của tờ Atlantic với
nhan đề là "Was Democracy Just a Moment ?" (Dân chủ chỉ là khoảnh khắc
?). Đó là giai đoạn lạc quan vô bờ bến của giới tinh hoa cầm quyền trước
chiến thắng của chế độ dân chủ trên toàn thế giới. Tôi đưa ra ý tưởng
nói rằng niềm hân hoan sẽ không kéo dài và chẳng bao lâu nữa sẽ xuất
hiện những hình thức mới của chế độ độc tài. Luận cứ của tôi hình thành
trên kinh nghiệm cá nhân, trong vai trò phóng viên nước ngoài ở nhiều
nước, nơi những cuộc bầu cử được tổ chức mà không có các thiết chế bầu
cử và tầng lớp trung lưu đang hình thành. Hiện nay, kinh nghiệm của tôi,
như một độc giả và phóng viên nước ngoài lại cung cấp cho tôi một ý
tưởng nữa : quá trình ngóc đầu dậy chủ nghĩa độc đoán mà tôi dự đoán
cách đây 20 năm cũng có thể là hiện tượng sớm nở tối tàn.
Phúc
lợi của tầng lớp trung lưu gia tăng đến chóng mặt và quá trình phát
triển công nghệ thường diễn ra trong hệ thống độc đoán hoặc nửa độc
đoán, tạo áp lực lên chính phủ, buộc chính phủ phải chú ý hơn tới nhu
cầu của người dân. Nga và Trung Quốc là những ví dụ nhãn tiền về những
xu hướng này. Hiện nay, họ đang đối mặt với cái mà tôi gọi là cái bẫy
Samuel Huntington.
Huntington,
mất năm 2008, là một trong những nhà nghiên cứu chính trị sắc sảo nhất
của Mỹ. Nhà khoa học của Đại học Harvard nổi tiếng với khái niệm "sự
xung đột giữa các nền văn minh" mà ông đã đưa ra vào năm 1993, được
khẳng định bằng vụ xung đột trong thời gian gần đây giữa phương Tây và
Hồi giáo. Nhưng, tác phẩm vĩ đại nhất của Huntington với nhan đề Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong những xã hội đang thay đổi)
lại được xuất bản vào năm 1968. Một trong những tư tưởng quan trọng
nhất của công trình này là quá trình hình thành tầng lớp trung lưu đông
đảo có thể dẫn đến bất ổn chính trị, nếu các thiết chế của chính phủ
không thể đồng thời trở nên hiệu quả hơn và có khả năng phản ứng nhanh
hơn.
Có
khả năng là, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng đe dọa phương
Tây bằng cách xây dựng tiềm lực quân sự và thái độ hung hăng của mình.
Nhưng ông ta sẽ cai trị chứ không quản trị. Ở Nga, không có thiết chế
hiệu quả nào, ngoài một nhóm các đầu sỏ chính trị Châu tuần xung quanh
nhà lãnh đạo. Công dân Nga tin rằng, về khía cạnh kinh tế, sau giai đoạn
hỗn loạn dưới thời Yeltsin, hồi những năm 1990, cuộc sống của họ đang
tiến tới tình trạng bình thường. Tuy nhiên, mặc dù chất lượng đời sống
đã có cải thiện, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, các thiết chế ở
nước Nga hầu như không phát triển. Vì Putin đang già đi, tình trạng ổn
định của nước Nga không phải là đương nhiên. Ở những vùng ngoại ô của đế
chế này, hoàn toàn có khả năng là đang manh nha một phiên bản nào đó
của Nam Tư cũ. Nga sẽ rất may mắn nếu những vấn đề của nước này cũng
tương tự như các vấn đề của Mỹ.
Cho
đến gần đây, Trung Quốc đã tiến theo con đường dẫn tới hệ thống độc tài
khai minh. Chế độ quản trị tập thể của các nhà kỹ trị đã góp phần hình
thành các thiết chế ổn định và giới hạn thời gian nắm quyền của nhà lãnh
đạo là một trong những cơ sở quan trọng nhất của hệ thống này. Nhưng
việc phong vương, trên thực tế, cho Chủ tịch Tập Cận Bình như nhà lãnh
đạo suốt đời của Trung Quốc đã đặt dấu chấm hết cho quá trình này. Chế
độ chuyên chính kéo theo hiện tượng sùng bái cá nhân và bãi bỏ hệ thống
lãnh đạo tập thể, mà đấy chính là nền tảng của quá trình xây dựng thể
chế. Và những sự kiện này xảy ra đúng vào lúc tầng lớp trung lưu Trung
Quốc tiếp tục phát triển, mặc dù nhà nước Trung Quốc đang bắt đầu sử
dụng các công nghệ như nhận dạng mặt người và những bài viết và tìm kiếm
trên mạng để theo dõi cuộc sống của người dân, cả trên mạng lẫn ngoài
đời thực.
Xã
hội Trung Quốc đang bước vào giai đoạn, trong đó tất mọi người đều trở
nên giàu có hơn và bắt đầu đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm hơn.
Đây là cơ sở của khái niệm mà Huntington đưa ra trong tác phẩm Trật tự
chính trị trong những xã hội đang thay đổi. Trong quá trình phát triển
của xã hội, bất ổn chính trị không bao giờ chấm dứt : chỉ đơn giản là
chuyển sang những giai đoạn bất ổn mới. Đấy chính là lý do vì sao
chính trị lại đầy bão tố.
Giới tinh hoa Mỹ, vốn sợ
các chế độ độc tài của Nga và Trung Quốc, tin rằng thế giới đã đạt
được trạng thái ổn định. Nhưng không phải như thế. Việc kiểm soát tư duy
của người dân mà chế độ cộng sản Trung Quốc đang tìm
cách thực hiện sẽ có hiệu quả trong một thời gian nào đó. Tuy
nhiên, cuối cùng, nó sẽ dẫn tới chứng rối loạn tâm thần, gây hấn và lo
lắng trên bình diện cá nhân. Kết quả là, sẽ xảy ra những vụ bùng nổ xã
hội mới.
Công
nghệ làm cho những xã hội rất khác nhau rơi vào trình trạng mất ổn
định. Xin hãy nhìn vào nước Mỹ. Nếu không có những cuộc thăm dò dư luận
bất tận và không có sự phân cực được Internet thúc đẩy thì không khí
chính trị sẽ trở bình lặng hơn rất nhiều. Năm 2016, những
vụ mặc cả sau cánh gà có thể đã đưa ra được ứng cử viên tổng
thống Cộng hòa truyền thống hơn là những cuộc bầu sơ bộ. Tuy nhiên, bất
ổn chính trị hiện nay ở Mỹ - với tất cả các rủi ro vốn có - lại mang sẵn
trong mình nó tiềm năng tự điều chỉnh. Người Mỹ bầu cử ở cấp địa
phương, bang và liên bang, việc này tạo điều kiện cho họ và giới tinh
hoa phản ứng và thích ứng với tình hình luôn thay đổi.
Nga và Trung Quốc nằm trong tình trạng khác hẳn.
Nước Nga là ngôi nhà
đã bị nghiêng và một lúc nào đó có thể đổ. Trung Quốc là
một cơ cấu vững chắc, nhưng nước này đang từng bước trở thành thùng
thuốc súng xã hội bị nén chặt, và công dân nước này ngày càng có ít cơ
hội thể hiện sự bất mãn và thất vọng của mình. Về mặt lý thuyết, có khả
năng là Tập [Cận Bình], sau khi trở thành Chủ tịch suốt đời, sẽ bắt đầu
thực hiện chương trình cải cách kinh tế triệt để. Nhưng, nếu làm như
thế, người dân sẽ đòi hỏi và hướng tới quyền tự do cá
nhân mạnh mẽ hơn, trong khi chế độ tìm mọi cách kiểm soát và cuối cùng
là hủy bỏ những quyền tự do này.
Trong
ngắn hạn, trong khi Nga và Trung Quốc củng cố quân đội và tăng cường
đàn áp nội bộ, hai nước này sẽ tiếp tục xung đột với phương Tây.
Nhưng, cũng như giai
đoạn khởi đầu thời Chiến tranh Lạnh, các chính trị gia của chúng ta
phải có khả năng tách mình ra khỏi tình hình hiện nay thì mới hiểu được
những khó khăn mà kẻ thù của chúng ta sẽ gặp trong khi họ tìm cách bảo
vệ hệ thống của mình. Và, nếu hệ thống của họ sụp đổ trong vòng 10-20
năm tới, lục địa Á-Âu - nơi Nga và Trung Quốc đang là các trụ cột mang
tính tổ chức – sẽ bị mất ổn định nghiêm trọng. Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho
cuộc đấu tranh, trong khi vẫn phải giữ thái độ lạc quan. Chế độ dân chủ
là người thành công hơn trên cuộc đua đường dài.
Robert D. Kaplan
Nguyên tác : Как Россия и Китай могут потерять над собой контроль, bản tiếng Nga tại Inosmi, The Wall Street Journal, 26/03/2018.
Phạm Nguyên Trường
dịch qua bản tiếng Nga
Nguồn : VNTB, 28/03/2018
Robert D. Kaplan
là cộng tác viên Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ và cố vấn cao cấp
Eurasia Group. Tác phẩm Vạc dầu Châu Á (Asia's Cauldron) của ông đã được
dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm mới nhất The Return of Marco Polo's World : War, Strategy, and American Interests in the Twenty-First Century vừa xuất bản trong năm nay.