Đức Thánh Cha Lêô XIV, Người đấu tranh cho hòa bình và tự do báo chí (An Thư)

 

(VNTB) – Giáo hoàng Leo XIV tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm như Giáo hoàng Gioan XXIII, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô trong việc đề cao vai trò của truyền thông và tự do báo chí, nhưng Ngài thể hiện điều này một cách trực diện và mạnh mẽ hơn, phù hợp với bối cảnh hiện tại

Hãy giải trừ vũ khí trong lời nói và chúng ta sẽ giúp giải trừ vũ khí trên Trái Đất”.Đức Thánh Cha Lêô XIV

Đức Giáo Hoàng Leo XIV rất quan tâm đến hòa bình thế giới và tự do báo chí, hai giá trị then chốt trong các tuyên bố gần đây của Ngài.

Giáo hoàng Leo XIV, tên thật là Robert Francis Prevost, sinh năm 1955 tại Chicago, Hoa Kỳ, và là người Mỹ đầu tiên trở thành Giáo hoàng. Ông có quốc tịch Peru và đã dành nhiều năm làm việc truyền giáo tại Peru, đặc biệt là với các cộng đồng bị thiệt thòi.

Trong những ngày đầu tiên của triều đại mới của Ngài, Giáo hoàng Leo XIV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và tự do báo chí. Ngài kêu gọi các nhà báo tôn trọng sự thật, phản đối việc sử dụng truyền thông để chia rẽ xã hội, và lên án việc giam giữ các nhà báo vì đưa tin trung thực. Ngài cũng bày tỏ lo ngại về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí và nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc bảo vệ tự do ngôn luận.

Bảng xếp hạng thường niên Tự do báo chí (Phóng viên không biên giới: www.rsf.org)

Ngày 12 tháng 5 vừa qua, Trong buổi tiếp kiến công chúng đầu tiên với khoảng 6.000 nhà báo tại Vatican, Giáo hoàng đã nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt từ hàng ngàn nhà báo tụ tập tại hội trường Phao-Lô VI trong buổi tiếp kiến ​​đầu tiên của ngài với giới truyền thông, trước khi nói đùa bằng tiếng Anh rằng ngài hy vọng họ có thể tỉnh táo trong suốt cuộc họp. Giáo hoàng Leo XIV đã:

– Kêu gọi trả tự do cho các nhà báo bị cầm tù trên toàn thế giới, nhấn mạnh rằng “tự do của các nhà báo là tự do của tất cả chúng ta”.

– Ca ngợi lòng can đảm của các nhà báo tác nghiệp tại vùng chiến sự, đặc biệt là những người đã hy sinh tính mạng để đưa tin trung thực.

– Lên án việc sử dụng truyền thông để kích động hận thù, phân cực và lan truyền thông tin sai lệch.

– Kêu gọi truyền thông “giải trừ vũ khí ngôn từ” và thúc đẩy một nền truyền thông nhân ái, khiêm nhường và bao dung.

Ngài cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc bảo vệ công lý, phẩm giá con người và quyền được thông tin của công chúng.

Ngài thể hiện sự quan tâm đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đạo đức và trách nhiệm trong truyền thông.

Tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2024, theo báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), tổng cộng 361 nhà báo bị giam giữ trên toàn cầu vì các hoạt động nghề nghiệp của họ. Đây là con số cao thứ hai từng được ghi nhận, chỉ sau kỷ lục năm 2022 với 370 người bị giam tù.

Tại Việt Nam, có 16 nhà báo đang bị giam giữ, quốc gia độc tài đảng trị và không tôn trọng nhân quyền này là một trong những nước có số nhà báo bị giam giữ cao nhất ở châu Á. Các nhà báo hiện bị tù giam gồm Đường Văn Thái: Một blogger độc lập bị kết án 12 năm tù vào tháng 10 năm 2024 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Nguyễn Vũ Bình: Một nhà báo bị kết án 7 năm tù vào tháng 9 năm 2024 vì các bài viết trên YouTube bị cho là “tuyên truyền chống nhà nước”. Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí): Một nhà hoạt động xã hội và YouTuber nổi tiếng, bị kết án 5 năm tù vào tháng 8 năm 2024 vì các hoạt động truyền thông của mình.

Nhóm “Nhà Báo Sạch” và Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là hai tổ chức báo chí độc lập tại Việt Nam, từng hoạt động nổi bật trên mạng xã hội và truyền thông phi chính thống. Các lãnh đạo của cả hai nhóm đều đã bị chính quyền Việt Nam truy tố và kết án với các cáo buộc liên quan đến việc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Nhóm “Nhà Báo Sạch” được thành lập vào tháng 8 năm 2019 bởi Trương Châu Hữu Danh cùng các thành viên: Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Lê Thế Thắng. Họ điều hành các nền tảng như fanpage “Báo Sạch”, nhóm Facebook “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Channel”, đăng tải các bài viết và video về các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm.

Vào tháng 10 năm 2021, Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đã tuyên án tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam cho 5 thành viên của nhóm “Nhà Báo Sạch” với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Cụ thể, Trương Châu Hữu Danh nhận mức án 4 năm 6 tháng tù, trong khi các thành viên khác nhận mức án từ 2 đến 3 năm tù.

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) được thành lập ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ, 4 tháng 7 năm 2014 bởi nhà báo Phạm Chí Dũng, cùng với các thành viên như Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Hội hoạt động thông qua trang web “Việt Nam Thời Báo”, đăng tải các bài viết phản biện xã hội và chính trị. Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án 15 năm tù Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, 11 năm tù nhà văn Nguyễn Tường Thụy và 11 năm tù cộng tác viên Lê Hữu Minh Tuấn với cáo buộc “tuyên truyền chống phá Nhà nước”.

Cả hai tổ chức “Nhà Báo Sạch” và Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đều nỗ lực nhằm thúc đẩy tự do báo chí và phản biện xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động của họ đã bị chính quyền xem là vi phạm pháp luật, dẫn đến việc truy tố và kết án các thành viên chủ chốt.

Giáo hoàng Leo XIV tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm như Giáo hoàng Gioan XXIII, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô trong việc đề cao vai trò của truyền thông và tự do báo chí, nhưng Ngài thể hiện điều này một cách trực diện và mạnh mẽ hơn, phù hợp với bối cảnh hiện tại. Ngài cho thấy sự quyết đoán và chủ động hơn trong việc sử dụng nền tảng truyền thông hiện đại để truyền tải thông điệp của mình, đồng thời cam kết mạnh mẽ trong vai trò trung gian hòa giải các xung đột toàn cầu.

Giáo hoàng Leo XIV đã nhanh chóng khẳng định vai trò của mình như một người bảo vệ nhiệt thành cho tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận. Mặc dù chưa có chính sách cụ thể nào được công bố, nhưng những phát biểu và hành động ban đầu của Ngài cho thấy một cam kết sâu sắc và khả năng sử dụng ảnh hưởng của Vatican để thúc đẩy tự do báo chí trên toàn cầu. Chúng ta có thể kỳ vọng rằng trong thời gian tới, Ngài sẽ tiếp tục triển khai các sáng kiến cụ thể nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do báo chí, cũng như hỗ trợ các nhà báo đang đối mặt với nguy hiểm và đàn áp.

Đã từ lâu Giáo Hội Công Giáo có truyền thống khuyến khích giáo dân cất tiếng bênh vực và tham gia vào việc công ích. Tông huấn Gaudium et Spes, “Niềm vui và Hy vọng”, hiến chế mục vụ do Công đồng Vatican II ban hành năm 1965 phác thảo sự hiểu biết của Giáo hội về thế giới hiện đại và mối quan hệ của thế giới với nhân loại, nhấn mạnh đến phẩm giá con người, tầm quan trọng của lợi ích chung và vai trò của Giáo hội trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, chính trị và văn hóa. Văn kiện này khuyến khích đối thoại giữa Giáo hội và thế giới, kêu gọi sự tham gia vào việc xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình hơn, mọi tín hữu đều có trách nhiệm góp phần cải thiện xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến sự thật, công lý và hòa bình. Việc yêu cầu can thiệp để bảo vệ tự do báo chí là một hành động phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Dưới triều đại các Giáo Hoàng gần đây (đặc biệt là Phanxicô và nay là Leo XIV), Vatican đã mở rộng các kênh lắng nghe giáo dân, thông qua Thượng Hội đồng Giám Mục, mạng xã hội, thư tín, các phong trào giáo dân

Giáo dân hoàn toàn nên và có thể chuyển lời yêu cầu của mình đến Đức Giáo hoàng Leo XIV, đặc biệt là về những vấn đề liên quan đến công lý, nhân quyền và tự do báo chí. Điều này vừa phù hợp với truyền thống Công giáo, vừa góp phần tạo thêm động lực cho Tòa Thánh hành động.  Những lời  yêu cầu từ phía giáo dân có thể giúp Tòa Thánh nhận thấy sự cấp bách và tính phổ quát của một vấn đề, khiến nó trở thành ưu tiên ngoại giao hoặc mục vụ.

An Thư

15/05/2025

_________________

Tham khảo:

https://www.nbcnews.com/world/the-vatican/pope-leo-xiv-renews-call-peace-vatican-news-briefing-rcna206201

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-05/dtc-leo-xiv-gioi-truyen-thong-hoa-binh-tu-do-bao-chi.html

https://apnews.com/article/pope-leo-journalists-free-press 121ae0103b771fb3cda71ae03870853d

https://www.theguardian.com/world/2025/may/12/zelenskyy-invites-pope-leo-to-ukraine-as-pontiff-tells-journalists-to-protect-free-speech

Nguồn: vietnamthoibao.org