“THÁNH RẮC HÀNH” BÙI TUẤN LÂM – NẠN NHÂN MỚI CỦA CHÍNH SÁCH GIA TĂNG ĐÀN ÁP TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ (Ls Đặng Đình Mạnh)

 Từ khi cướp chính quyền vào giữa thập niên bốn mươi cho đến nay, Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chính sách cốt lõi của chúng là đàn áp bất đồng chính kiến. Kể cả người bất đồng chính kiến đã bị giam giữ trong lao tù hết sức hà khắc.

Hai trường hợp điển hình mới đây gồm ông Bùi Tuấn Lâm, biệt danh “Thánh Rắc Hành” và ông Trịnh Bá Phương là minh chứng rõ nét cho sự vi phạm nhân quyền và lạm dụng pháp luật nhằm bóp nghẹt tiếng nói bất đồng.

Bùi Tuấn Lâm – Trừng phạt vì tự do ngôn luận

Bùi Tuấn Lâm, một nhà hoạt động nhân quyền nổi bật tại miền Trung, ông bị kết án 5 năm 6 tháng tù và 4 năm quản chế vào năm 2023 với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng của chế độ CSVN tập trung vào 19 bài viết trên Facebook và 25 video trên YouTube từ năm 2020-2022, bị cho là chứng cứ cáo buộc ông Bùi Tuấn Lâm có hành vi “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền.”

Tuy nhiên, mặc cho chứng cứ buộc tội như thế nào đi nữa, công chúng cũng không quan tâm lắm, vì tội danh theo Điều 117 (hay 331) vốn chỉ thể hiện sự đàn áp bất công của chế độ đối với những người bất đồng chính kiến mà thôi.

Nhưng điều khiến cho công chúng nhớ đến ông Bùi Tuấn Lâm nhiều nhất, lại là hành động giễu nhại video sự kiện Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm ăn bò dát vàng tại Anh quốc vào năm 2021, đúng vào thời điểm cơn đại dịch Covid 19 hoành hành khắp lãnh thổ Việt Nam, gây tử vong cho hơn 4 vạn đồng bào. Khi ấy, ông Tô Lâm đang là Bộ trưởng Bộ Công an.

Dĩ nhiên, cáo trạng truy tố ông Bùi Tuấn Lâm không nhắc đến sự việc giễu nhại này. Vì lẽ, về phương diện pháp lý, hành vi ấy không vi phạm pháp luật. Nhưng công chúng vẫn tin rằng sự giễu nhại ấy đã là nguyên nhân chính khiến cho ông Tô Lâm bẽ mặt, trả đũa Bùi Tuấn Lâm bằng bản án hình sự.

Nhưng với bản chất hèn hạ cố hữu của chế độ, việc trả đũa bằng cách bỏ tù ông Bùi Tuấn Lâm như vậy là chưa đủ.

Thông tin từ thân nhân gia đình ông cho biết, ông Bùi Tuấn Lâm lại vừa bị trại giam Xuân Lộc kỷ luật bằng hình phạt cùm chân.

Được biết cùm chân là hình phạt khắc nghiệt và hết sức nặng nề đối với tù nhân. Họ bị biệt giam, 2 chân bị cùm cố định. Mọi sinh hoạt ăn, uống, vệ sinh gồm tiêu, tiểu đều thực hiện tại chỗ trên nền xi măng lạnh lẽo và ẩm ướt suốt ngày vì phân người, vì nước tiểu của tù nhân. Bản thân họ không được tắm gội, cũng như chỗ cùm không được dọn dẹp vệ sinh trong suốt thời gian bị cùm. Cho nên, phần đông tù nhân bị cùm chân đều bị ghẻ lở vì tình trạng mất vệ sinh và không thể ngủ được vì chân bị cùm.

Sau khi hết hạn cùm chân, nhiều tù nhân sức khỏe kém đã có thể bị liệt chân nếu không chịu khó tập luyện đi lại ngay.

Cho thấy, hình phạt cùm chân không chỉ là sự hành hạ về thể xác, bào mòn sức khỏe, mà còn là sự hạ nhục về nhân phẩm của tù nhân chính trị.

Chế độ CSVN đã nhiều lần cam kết tôn trọng và thực thi Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Theo những công ước này, thì dù có tước đoạt tự do của phạm nhân thì họ vẫn phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người. Cộng đồng quốc tế đã từng xác định: Việc cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, như bằng cách cùm chân, kể cả nhằm trừng phạt người đó vì hành vi mà người đó đã thực hiện cũng bị xem là tra tấn, đi ngược lại với các quy định từ công ước quốc tế mà chế độ CSVN đã ký kết.

Theo luật pháp Việt Nam, hành vi cùm chân là sự vi phạm nhân quyền, trái với Điều 10 Luật Thi hành án hình sự 2019, nghiêm cấm “hạ nhục người chấp hành án”. Trong khi việc áp dụng biện pháp này với ông Bùi Tuấn Lâm, khi ông không có hành vi bạo lực, đã phản ánh sự lạm dụng quyền lực của giám thị trại giam Xuân Lộc nhằm bẻ gãy ý chí của tù nhân chính trị.

Trịnh Bá Phương – Khởi tố thêm để kéo dài đàn áp

Tương tự, Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động nhân quyền đang thụ án 10 năm tù tại nhà tù An Điềm với cùng tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” tiếp tục bị đàn áp bằng cách khởi tố thêm tội danh theo Điều 117 vào năm 2025, dù đang trong tù. Hành động này không chỉ bất hợp lý về mặt pháp lý mà còn cho thấy ý đồ kéo dài thời gian giam giữ và gia tăng áp lực tâm lý. Việc khởi tố thêm tội danh mà không có bằng chứng cụ thể, đặc biệt khi Phương đã bị cô lập trong môi trường tù đày, là minh chứng cho việc chính quyền sử dụng luật pháp như công cụ đàn áp chính trị.

Dưới góc độ chính trị và pháp lý

Từ góc độ chính trị, các trường hợp như ông Bùi Tuấn Lâm hoặc Trịnh Bá Phương phản ánh chiến lược của đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm duy trì quyền lực độc tôn bằng cách triệt tiêu mọi tiếng nói phê phán.

Quyền tự do ngôn luận, được bảo vệ bởi Điều 25 Hiến pháp Việt Nam và Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam tham gia, đã bị vô hiệu hóa thông qua các điều luật mơ hồ như Điều 117 BLHS (hoặc Điều 331). Những điều luật này cho phép chính quyền diễn giải tùy tiện các hành vi biểu đạt ôn hòa thành “chống nhà nước.”

Về pháp lý, việc cùm chân, biệt giam, và khởi tố thêm tội danh vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn quốc tế về đối xử với tù nhân, như Quy tắc Nelson Mandela của Liên Hợp Quốc. Hơn nữa, sự thiếu minh bạch trong lý do kỷ luật tù nhân, cũng như hạn chế quyền được luật sư bào chữa, trong trường hợp luật sư của ông Bùi Tuấn Lâm bị công an áp giải ra ngoài chỉ vì chất vấn mà kiểm sát viên không trả lời được. Cho thấy, hệ thống tư pháp bị thao túng để phục vụ mục đích chính trị.

Không đâm bằng dao, không bắn bằng súng, nhưng chế độ CSVN chủ trương, hoặc dung dưỡng cho việc tra tấn, hành hạ tù nhân chính trị kiên cường, bất phục bằng thú tính nhỏ nhen, hèn hạ… chứng tỏ chế độ ấy không xứng đáng giữ quyền lãnh đạo một quốc gia. Bên cạnh đó, những kẻ quản giáo, giám thị trực tiếp hành hạ tù nhân chính trị đều là những kẻ mang nợ máu nhân dân.

* Để tham khảo thêm, ông Lê Chí Thành, cựu đại úy Công An, người từng đốt cảnh phục, bằng cấp, thẻ ngành và thẻ đảng viên Cộng Sản, từ một thanh niên điển trai, khỏe mạnh, sau khi bị tra tấn, hành hạ bằng biện pháp cùm chân trong trại tạm giam Công an thành phố Thủ Đức đã không thể tự đi lại khi ra tòa nghe xét xử. Khi ấy, 2 viên cảnh sát áp tải phải sốc nách đưa Thành từ sân tòa án vào khán phòng xét xử.

Hoa Thịnh Đốn, ngày 12 Tháng Năm 2025

Đặng Đình Mạnh

Nguồn: www.facebook.com