Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao nếu đàm phán thuế quan với Mỹ thất bại?

Nhiều xưởng may, các nhà máy tại các khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn năng nổ đẩy mạnh sản xuất nhằm tăng cường đơn hàng sang Mỹ.
Trong tháng Năm, xuất khẩu sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19, theo số liệu từ Chính phủ Việt Nam.
Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ 57,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Thế nhưng, hình ảnh các công xưởng tấp nập, sôi động và sầm uất đó có thể sớm đảo ngược 180 độ sau ngày 9/7 - thời điểm hết hạn hoãn thuế đối ứng của ông Trump, vị tổng thống mới đây khẳng định không có kế hoạch gia hạn thời gian này thêm nữa.
Viễn cảnh đó ngày một rõ rệt khi đã có những nhà máy khác đã chọn phương án cắt bớt ca làm việc của công nhân khi thấy đơn hàng sụt giảm.
End of Đọc nhiều nHồi tháng 2/2025, hầu hết các nhà sản xuất Mỹ được Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khảo sát đều cho biết họ có khả năng sẽ buộc phải sa thải công nhân nếu chính quyền Trump áp thuế đối với quốc gia Đông Nam Á - điều đã trở thành sự thật chỉ sau đó khoảng hai tháng.
"Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình để loại bỏ các rào cản thuế quan này. Tuy nhiên, nếu chúng vẫn còn hiệu lực đáng kể, điều đó sẽ gây ra những tác động cả về ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Về dài hạn, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp quốc tế phải đặt câu hỏi về vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu," ông Robert Law - Giám đốc phụ trách Tư vấn & Phân tích tại Asialink Business (Úc) chuyên về thị trường châu Á - trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 1/7.
Bloomberg đưa tin Việt Nam đang đề xuất hạ mức thuế xuống còn trong khoảng 20-25%.
Tính đến nay Việt Nam đã trải qua ba vòng đàm phán thuế quan với Mỹ và vẫn chưa giải quyết được các vấn đề then chốt tuy đã ghi nhận một số bước tiến nhất định.
Con số thuế 46% không chỉ đe dọa mục tiêu tăng trưởng 8% mà còn có thể phá hủy cấu trúc của nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và FDI này.
Kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?

"Nếu mức thuế 46% mà Mỹ đề xuất thành hiện thực, đó sẽ là một mối đe dọa hiện hữu đối với mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Với việc Mỹ đang là thị trường tiêu thụ gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu và chiếm khoảng 30% GDP Việt Nam, mức thuế này chẳng khác nào bít cửa và sẽ ngay lập tức khiến hàng hóa Việt Nam trở nên 'gần như không thể cạnh tranh' với các đối thủ từ Mexico hay Ấn Độ," ông Marco Forster - Giám đốc về ASEAN của công ty Dezan Shira & Associates, làm việc tại TP HCM, chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư - nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 26/6.
Mexico và Ấn Độ lần lượt chịu mức thuế 25% và 26%, thấp hơn đáng kể so với Việt Nam.
Điều này dẫn đến các hệ quả như hủy đơn hàng ồ ạt, sụt giảm sản xuất và mất việc hàng loạt trong các ngành chủ chốt như dệt may, da giày, gỗ và điện tử, ông Forster nói thêm.
Viện Friedrich Naumann vì Tự do (FNF) của Đức cũng đánh giá các ngành chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, điện tử và nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Với sản xuất trong nước gắn liền mật thiết với xuất khẩu, cú sốc này sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng GDP và ổn định thị trường lao động.
Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với lực lượng lao động gần 2,5 triệu người, báo Lao Động đưa tin hôm 25/6.
Ngoài thương mại hàng hóa, FNF cho rằng Việt Nam còn đối mặt với áp lực trên thị trường tài chính và tiền tệ. Việc sụt giảm dòng ngoại tệ từ xuất khẩu có thể dẫn đến mất giá đồng tiền Việt Nam (VND).
VND yếu đi sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, qua đó tăng lạm phát chi phí đẩy, một thuật ngữ chỉ việc doanh nghiệp tăng giá bán vì giá nguyên liệu tăng.
Mối đe dọa kép này đặc biệt nghiêm trọng đối với một nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau những bất ổn toàn cầu kéo dài.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2025, đồng VND đã giảm 2,3% so với đồng đô la Mỹ (USD) và là một trong những đồng tiền mất giá nhất khu vực châu Á. Tỷ lệ này so với đồng euro, bảng Anh hay baht Thái thậm chí còn giảm sâu hơn, lần lượt là 13,7%, 10,7% và 7,5%.
Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước niêm yết cho USD hôm 30/6 là 25.052 VND đổi một USD, và đến ngày 2/7 tăng lên 25.070.
Theo ghi nhận của BBC, ở các ngân hàng thương mại, giá mua vào và bán ra USD được niêm yết cao hơn, như ở Vietcombank lần lượt là 25.920 - 26.310 đồng/USD.
Trên thị trường chợ đen, tỷ giá này được giao dịch ở mức cao hơn, lần lượt mua vào và bán ra quanh mốc 26.420 - 26.500 đồng/USD.
"Tất cả những yếu tố này sẽ làm xói mòn nghiêm trọng lợi thế cạnh tranh về chi phí đã từng là nền tảng cho sự vươn lên của Việt Nam như một trung tâm sản xuất toàn cầu," ông Forster nhận định.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital có trụ sở TP HCM, nhận định tại một sự kiện với các nhà đầu tư ở London hồi tháng Năm rằng nếu mức thuế đối ứng 46% giảm xuống còn 35% sau khi kết thúc thời gian miễn trừ 90 ngày, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm 1,9% so với mục tiêu 8% của chính phủ.
Ngay cả khi có miễn trừ đối với các mặt hàng xuất khẩu công nghệ như điện thoại thông minh, mức giảm vẫn có thể lên tới 1,1%, Tạp chí The Banker (Anh), chuyên về tài chính, dẫn lời ông Kokalari.
Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng dự báo Việt Nam sẽ đối mặt với mức thuế 20% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Trong kịch bản đó, ông tin rằng tăng trưởng GDP có thể bị ảnh hưởng từ 0,8% đến 1,3%, tùy thuộc vào việc có miễn trừ xuất khẩu công nghệ hay không.
Việt Nam có còn hấp dẫn với FDI?
FDI vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,90 tỷ USD. Vốn FDI cam kết (chỉ số dự báo các khoản giải ngân trong tương lai) đạt 18,39 tỷ USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ 2024, theo Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, FNF đánh giá tác động về mặt cấu trúc từ thuế quan ông Trump có lẽ đáng quan ngại nhất: khả năng tái định hình vai trò của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chọn Việt Nam làm cứ điểm xuất khẩu sang Mỹ.
Với thuế quan mới, FNF dự báo các doanh nghiệp này có thể chuyển sản xuất sang các quốc gia có điều kiện thương mại thuận lợi hơn như Ấn Độ, Indonesia, hoặc quay trở lại Mexico – quốc gia được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Đối với nhà phân tích Robert Law từ Asialink Business, triển vọng về vốn FDI vào Việt Nam còn chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả đàm phán thuế quan của các quốc gia khác. Nếu một thị trường cạnh tranh như Ấn Độ hay Indonesia đạt được thỏa thuận tốt hơn, điều này có thể khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam bị chững lại.
Nếu không có sự điều chỉnh cấu trúc kịp thời, theo FNF, Việt Nam có nguy cơ đánh mất lợi thế chiến lược đã giúp quốc gia này trở thành một lựa chọn hàng đầu thay thế Trung Quốc những năm qua.
"Việt Nam cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, giúp thị trường trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư," ông Law nói.
Nhà tư vấn Marco Forster từ TP HCM đưa ra quan sát rằng mức thuế đối ứng 46% đang giáng một đòn trực tiếp vào dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, có nguy cơ làm chệch hướng các mục tiêu tăng trưởng GDP "đầy tham vọng" của đất nước này.
Các công ty đa quốc gia đang xem xét lại kế hoạch đầu tư giữa lúc chi phí gia tăng và các quy định thì bất ổn.
Ông Forster đánh giá khả năng các nhà máy và chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Việt Nam là rất lớn.
Mức thuế này sẽ khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh, giúp cho một số nước trong khu vực trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách né tránh những rào cản thương mại mới này.
"Tình hình này về cơ bản đã phá vỡ chiến lược 'Trung Quốc + 1' vốn đã mang lại lợi ích cho Việt Nam trong nhiều năm qua, bởi chính Việt Nam giờ đây trở thành một rủi ro thuế quan do sự phụ thuộc sâu rộng vào các chuỗi cung ứng sản xuất lấy Trung Quốc làm trung tâm," ông Forster bình luận.

Kịch bản tốt nhất đối với Việt Nam là xóa hoàn toàn mức thuế đối ứng 46% - điều rất khó xảy ra trong bối cảnh những cố vấn thương mại, tài chính thân cận của ông Trump đều khăng khăng Việt Nam tiếp tay cho hàng Trung Quốc tuồn vào Mỹ.
Kể cả trong kịch bản khó xảy ra như vậy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn chịu mức thuế sàn 10% mà ông Trump đang duy trì.
Với mức thuế đó, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể sẽ "giảm khoảng 0,4-0,7%", ông Kokalari từ VinaCapital nói với các nhà đầu tư.
Con số sau cùng - khi hạn chót đã cận kề - có thể phụ thuộc rất nhiều vào Tổng Bí thư Tô Lâm, người được cho là sẽ gặp Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du Mỹ tới đây.
Ông Tô Lâm đã nhanh chóng điện đàm với ông Trump không lâu sau khi vị tổng thống Mỹ tuyên bố thuế quan đối ứng trên toàn cầu hôm 2/4 - ngày mà ông gọi là "Ngày Giải phóng".
"Việt Nam đang bị đẩy vào thế khó xử của friend-shoring (xu hướng mà các quốc gia hay tập đoàn lớn ưu tiên chuyển hoạt động đầu tư và sản xuất đến những nước được xem là 'đồng minh' hoặc có cùng quan điểm chính trị).
"Sự thịnh vượng kinh tế của Việt Nam giờ đây sẽ gắn chặt với cách nước này được nhìn nhận là đứng về phía nào trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu không thể cân bằng khéo léo mối quan hệ này, Việt Nam có nguy cơ đánh mất những khoản đầu tư giá trị cao trong tương lai," ông Forster kết luận.
BBC Tiếng Việt
02/07/2025