Ngày 30 Tháng 4 Nghĩ Về Con Đường Dân Chủ Đa Nguyên Của Đất Nước (Chu Tuấn Anh)

 Chúng ta sẽ hy vọng vào một ngày lễ hòa giải và một ngày thống nhất 30/4 trong tương lai — ngày đó chắc chắn sẽ phải tới. Nhưng đó sẽ phải là một cố gắng chung của chính chúng ta — những thành phần của đất nước Việt Nam: anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, những người đấu tranh, trí thức, và ngay cả những đảng viên của chế độ Cộng sản. Hãy cùng nhau thảo luận trên tinh thần hòa giải và đi đến một sự thống nhất trong lựa chọn: Con đường nào là có lợi và xứng đáng nhất cho đất nước?

Chu Tuấn Anh

********************

Nhiều người nói trong 50 năm sau ngày 30/4/1975, Việt Nam đã và đang đi rất nhanh. Đó là một sự thực, nhưng cũng chỉ là sự thực khiêm tốn, vì chúng ta đã chỉ đi nhanh hơn chúng ta của trước đây để rồi thua kém bi đát so với phần còn lại của thế giới. Nhưng một người đấu tranh chính trị lương thiện luôn phải ưu tư rằng con đường nào, lựa chọn nào là đúng; những nội dung và nền tảng nào cần và thực sự quan trọng cho đất nước? Nếu chúng ta chỉ đi nhanh về con số và quy mô kinh tế để rồi đi đến hồi sụp đổ toàn diện về cấu trúc xã hội, tình cảm, và ý niệm về đất nước ở một thời điểm, thì điều đó có ý nghĩa gì?

Chúng ta vẫn còn nhớ có một thời điểm chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã đem xuất khẩu nguồn dầu mỏ và than đá, dù thực sự đó là những nguồn tài nguyên chúng ta có không đáng kể để bù đắp thâm thủng ngân sách (từ những năm 1990 cho đến tận 2006). Lối làm kinh tế đó “có lợi” vì giải quyết được một tình trạng nhất bi đát thời về ngân sách, nhưng lại lảng tránh một câu hỏi là thực sự điều gì đã làm cho chúng ta bi đát?

Việt Nam đã hội nhập chính thức vào kinh tế thế giới năm 2006 (gia nhập WTO) và chúng ta nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói cùng cực để trở thành một nước thu nhập trung bình thấp năm 2011. Nhưng chính quyền Nguyễn Tấn Dũng đã đổ nguồn lợi tức về kinh tế vào các dự án thua lỗ và các công ty quốc doanh. Thực chất họ đã cướp trắng những thành quả mà đất nước có được một cách khiêm tốn. Thế thì đâu có gì là một chế độ sáng suốt? Thực sự là đến năm 2016 thì ngân sách Việt Nam đã rất bi đát và kinh tế đã sụp đổ nếu không có nguồn vốn FDI tiếp tục kéo lại.

Trong giai đoạn 2011-2019, những cơ hội kinh tế đã được mở ra nhiều hơn vì phong trào toàn cầu hóa phát triển đỉnh điểm. Kể từ năm 2014, các vốn đầu tư nước ngoài đã bắt đầu dịch chuyển theo làn sóng “thoát Trung”, vốn đã có từ thời Obama. Chế độ đã “chuẩn bị” cho các cơ hội đó bằng việc tạo ra một loạt những vụ án oan sai về đất đai, những tài phiệt làm giàu từ phân lô bán nền và tàn phá môi trường – tiêu biểu là hai đại án Đồng Tâm và Formosa. Các cơ hội kinh tế chỉ là một cướp bóc của thiểu số và đàn áp thẳng tay đất nước và con người Việt Nam mà thôi.

Nhưng trong năm 2019 thì đại dịch Covid-19 đã bùng bổ. Sản xuất đình đốn, người lao động chật vật trong tình trạng bấp bênh, nhiều doanh nghiệp phá sản vì không có nội lực. Đáng lẽ đó phải là thời điểm để nhìn ra một vấn đề: đất nước chúng ta sẽ thế nào nếu những lợi thế (tiếp cận vốn vay, FDI, dân số trẻ, lợi thế về địa chính trị) đang dần mất đi, và chúng ta đã chỉ là một xã hội không có liên đới và những nâng đỡ, bảo trợ xã hội một cách căn bản nhất. Nghĩa là chúng ta phải nhanh chóng thay thế những bảo đảm sắp mất đi bằng những bảo đảm mới (như khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, chúng ta phải đẩy mạnh thị trường nội địa; khi vốn đầu tư nước ngoài bấp bênh, chúng ta buộc phải khai mở nguồn lực từ chính người Việt để đầu tư cho đất nước; khi dân số già hóa, chúng ta buộc phải có một mức độ liên đới xã hội cao hơn; khi đất nước ngày càng mở rộng và có những vấn đề phức tạp, chúng ta cần tản quyền, v.v.). Trên tinh thần đó, chúng ta buộc phải thực hiện một cuộc cách mạng lớn lớn về dân chủ để khai mở nội lực bị trói buộc của đất nước, buộc phải có một nền kinh tế bền vững dựa trên các chính sách rất đúng đắn để duy trì sự ổn định và sức chống chịu trước một thế giới đã có dấu hiệu sẽ phải trải qua một cơn địa chấn về địa chính trị. Tuy nhiên, những ưu tư một lần nữa lại nhường chỗ cho sự huênh hoang: “Đất nước ta có bao giờ được như cơ đồ như ngày hôm nay”. Và đây lẽ ra phải là một thời điểm cho một sự thay đổi cần thiết (dù đã rất trễ), nhưng nó chỉ mở đầu cho một giai đoạn công an trị đất nước. 

Sau đại dịch, ngoại thương tuy phục hồi vào năm 2022 nhưng lại sụp đổ vào năm 2023 (theo như chính IMF cũng ghi nhận), để rồi mô hình kinh tế dựa trên xuất nhập khẩu thực sự sụp đổ vào năm 2025. Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là một dấu hiệu trong rất nhiều dấu hiệu của tình trạng bi đát — mà phải kể đến cuộc chiến chống tham nhũng, vốn không mang lại một kết quả nào ngoài việc ghi nhận rằng tình trạng tham nhũng của chế độ đã không thể cứu chữa (đỉnh điểm là đại án Trương Mỹ Lan, với hậu quả đất nước phải mất 5% GDP để tái cấu trúc nợ và trả trong nhiều năm). Sự thiếu lương thiện và tham nhũng đã tàn phá nền kinh tế, với sự bất ổn vĩ mô trên mọi phương diện (chẳng hạn, giá nhà đất đã khiến ước mơ về nhà ở, an cư lập nghiệp trở nên xa vời với quần chúng); tình trạng gia tăng nợ xấu trong xã hội và áp lực lạm phát; một bộ máy nhà nước phình to, chiếm 70–80% ngân sách; trong khi các khoản đầu tư cho y tế, giáo dục lại thuộc hàng thấp nhất khu vực, v.v… Thay vì nhìn nhận vấn đề thực sự, hai ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính lại say mê bàn về những đại dự án lớn, những chiếc bánh vẽ nhằm thỏa mãn nhu cầu phô diễn sự “kỹ trị” của mình. Đúng là chúng ta cần nội dung và sự chính xác khi lãnh đạo đất nước, nhưng niềm tin vào kỹ trị lại là kẻ thù của sự chính xác và hiệu quả — và cũng chỉ là những chiêng trống vô hồn nhằm che đậy sự giả dối, không thực chất của họ mà thôi. Dù thực tế họ có nhìn nhận tình trạng bi đát khi đất nước chỉ là nơi gia công, sản xuất phân khúc thấp, thì chúng ta cũng không nên “tự huyễn”; bởi đó chỉ là một lời thú tội muộn màng. Và toàn bộ chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn kiên quyết từ chối trả lời câu hỏi: Điều gì mới thực sự quan trọng cho đất nước?

Ngày 30/4/2025 là ngày kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất về mặt địa lý, nhưng lại chia rẽ sâu sắc hơn, vì đó là sự tiếp nối của một giai đoạn chiếm đoạt tài sản ở miền Nam và áp bức những người thuộc chế độ cũ. Họ lại tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn chưa từng có, huy động lính tráng cùng vô số tuyên giáo, dư luận viên, để một lần nữa cứa lưỡi dao vào vết thương nội chiến của đất nước. Nếu nhìn lại nguyên nhân vì sao ngày hôm nay chúng ta là một đất nước tụt hậu bi đát, thì đó là vì đất nước đã gục ngã và chia rẽ trầm trọng hơn sau ngày 30/4, điều mà thực tế chính ông Tô Lâm cũng gián tiếp thừa nhận trong những diễn văn gần đây. Phát triển là một vấn đề văn hóa và tâm lý. Nếu chúng ta muốn bước vào một kỷ nguyên phát triển, chúng ta cần có một văn hóa và một tâm lý đúng, trong đó tinh thần hòa giải dân tộc là một yếu tố không thể thiếu. Thế nhưng, ngày hôm nay, họ đang triệt tiêu tinh thần đó trên đất nước Việt Nam.

Và trong ngày 30/4, lại xuất hiện những biến động trên thế giới buộc chế độ phải đứng trước lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc gần đây đã có hành động khiêu khích tại một đảo nổi thuộc Trường Sa, trong khi Hoa Kỳ tuyên bố không cho phép nhân viên ngoại giao tham dự lễ kỷ niệm 30/4 — ngay trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc đàm phán thương mại. Dường như, nếu chỉ nhìn vào hình thức, chúng ta dễ liên tưởng đến một cuộc chiến uỷ nhiệm giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, tương tự như cuộc chiến tranh uỷ nhiệm từng xảy ra tại Việt Nam thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhưng thực chất, nếu bình tĩnh hơn, thì cũng không có áp lực cụ thể nào buộc họ phải chọn phe trong một kỷ nguyên mới đầy tính đa cực; xu hướng thương chiến chỉ là một cuộc so găng tạm thời. Đó chỉ là một thứ tâm lý lấn cấn, cụt lủn trong lòng những người Cộng sản, khi họ vẫn mắc kẹt trong tư duy của thời kỳ Chiến tranh Lạnh — và một sự bất lương kéo dài đã khiến họ chỉ còn nhìn thấy những nguy cấp trước mắt. Có một lựa chọn dễ dàng hơn: đó là con đường Dân chủ Đa nguyên — một con đường phát triển bằng cách khai mở nội lực của đất nước, thông qua việc nhìn nhận và mở rộng các quyền tự do, dân chủ; cùng với những chính sách đúng đắn, hài hòa cho đất nước trên tinh thần chấp nhận đa nguyên và hòa giải dân tộc.

Một chính sách hòa giải dân tộc có thể phải mất một thập kỷ mới được nhìn nhận và trở thành triết lý của đất nước chúng ta với những cố gắng rất lớn của mọi thành phần đất nước. Và dù Việt Nam có tăng trưởng hai con số (khoảng 10-15%) thì cũng sẽ phải mất 5-10 năm để bắt đầu gặp bẫy thu nhập trung bình cao (điều mà ông Tô Lâm đã nhầm lẫn tai hại). Nếu chúng ta thực hiện hòa giải thành thực từ bây giờ, có lẽ chúng ta vẫn sẽ có những chuẩn bị đúng đắn để đi vào một Kỷ nguyên mới. Nhưng nếu chúng ta trì hoãn thêm, đất nước có thể sụp đổ vì không được Hòa giải trước khi nhìn thấy bẫy thu nhập trung bình.

Vậy, khi chúng ta lập luận rằng “Việt Nam đã đi rất nhanh” để biện minh cho họ, thì điều đó cũng nào có khác gì việc nói rằng Việt Nam cũng đã đi rất nhanh dưới thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, hay dưới thời thực dân Pháp — những giai đoạn tuy có sự phát triển — nhưng rồi cũng buộc phải chấm dứt để nhường chỗ cho một thời kỳ mới? Ngày nay, chúng ta cũng đang lệ thuộc hoàn toàn vào một vài doanh nghiệp nước ngoài như Samsung và các đối tác nước ngoài của họ, trong khi người Việt không có một chút chủ quyền thực sự nào trong nền kinh tế Việt Nam. Trên bình diện chính trị, người Việt ngoài đảng Cộng sản cũng không có bất kỳ cơ hội nào để tham gia đóng góp cho đất nước thông qua bộ máy chính quyền, trước một chế độ toàn trị tuyệt đối.

Và cần nhắc lại: chúng ta đi rất nhanh về quy mô và con số để làm gì, nếu chúng ta đã trì hoãn việc đi theo một con đường đúng, hoặc đã chọn một con đường sai để rồi hụt hơi hay sụp đổ giữa ngã ba đường? Chúng ta đang đứng trước một Kỷ nguyên Dân chủ. Cần phải bàn xem đất nước nên bước đi theo con đường nào và lựa chọn nào. Việc cảm thấy họ đã “đi nhanh” không thể là lý do biện minh cho việc chế độ được phép trì hoãn việc phải giải tán để nhường chỗ cho Kỷ nguyên Dân chủ. Làm sao có thể duy trì sự độc đoán khi dân chủ và nhân quyền vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất cốt lõi của một nền kinh tế bậc cao dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo?

Trước khi bước vào Kỷ nguyên Dân chủ đó, chúng ta cũng cần tránh một tâm lý “cứ cởi mở thì sẽ phát triển”. Chúng ta chống lại thái độ thủ cựu, những cũng cần tránh một tinh thần “phóng khoáng một cách cải lương”. Quản trị một đất nước cần một sự chính xác (về cả về thái độ và chính sách), cần một dự án nghiêm chỉnh và bài bản, cần một sự lương thiện để khuyến khích những gì có lợi nhất cho đất nước. Chúng ta sẽ chỉ cởi mở được nếu có một nền tảng đúng đắn. Nhưng nền tảng đó chỉ có thể là sự hiện diện của một tổ chức chính trị và một Dự án Chính trị có tầm vóc. Ngược lại “mở ra” với mọi sự cẩu thả và hỗn loạn cũng sẽ chỉ là một sự khởi đầu bấp bênh và khiêm tốn của chúng ta khi bước vào một giai đoạn mới.

Chúng ta sẽ hy vọng vào một ngày lễ hòa giải và một ngày thống nhất 30/4 trong tương lai — ngày đó chắc chắn sẽ phải tới. Nhưng đó sẽ phải là một cố gắng chung của chính chúng ta — những thành phần của đất nước Việt Nam: anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, những người đấu tranh, trí thức, và ngay cả những đảng viên của chế độ Cộng sản. Hãy cùng nhau thảo luận trên tinh thần hòa giải và đi đến một sự thống nhất trong lựa chọn: Con đường nào là có lợi và xứng đáng nhất cho đất nước?

Chu Tuấn Anh

(30/04/2025)