Tân giáo hoàng Lêô XIV cử hành thánh lễ đầu tiên sau khi được bầu chọn (Thanh Phương)
Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên, Lêô XIV, hôm nay, 08/09/2025 cử hành thánh lễ đầu tiên với tư cách người lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ trong nhà nguyện Sistina. Đây là thánh lễ riêng giữa ngài với các vị hồng y và được Vatican truyền hình trực tiếp cho các phương tiện truyền thông.
Trong bài giảng bằng tiếng Ý, giáo hoàng Lêô XIV lấy làm tiếc khi thấy sự suy giảm của đức tin do sự lấn át của "công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực và thú vui."
Hôm qua, chỉ sau hai ngày họp Mật nghị Hồng y, khói trắng đã bốc lên từ nhà nguyện Sistina, báo hiệu một tân giáo hoàng đã được bầu chọn, trong tiếng vỗ tay vui mừng của các tín đồ và du khách đứng chật kín quảng trường thánh Phêrô. Tiếp đến, hồng y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti đã bước ra ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để loan báo người vừa được chọn thay thế giáo hoàng Phanxicô là hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost, 69 tuổi, với tông hiệu Lêô XIV.
Vài phút sau, tân giáo hoàng xuất hiện ở ban công Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để ngỏ lời với 1,4 tỷ tín hữu Công Giáo khắp thế giới. Mở đầu bài phát biểu bằng tiếng Ý, giáo hoàng Lêô XIV chúc: “Bình an ở cùng tất cả anh chị em!”. Tiếp đến, ngài cám ơn cố giáo hoàng Phanxicô, vừa qua đời ngày 21/04, cũng như cám ơn các vị hồng y đã bầu chọn ngài. Giáo hoàng Lêô XIV kêu gọi mọi người “giúp nhau xây dựng những nhịp cầu, qua đối thoại, qua gặp gỡ, hiệp nhất để trở thành một dân tộc duy nhất luôn sống trong hoà bình.”
Giáo hoàng Lêô XIV đã được 133 hồng y bầu chọn ngay trong ngày thứ hai của Mật nghị Hồng y, một thời gian ngắn kỷ lục, thu được đa số phiếu hai phần ba, tức là ít nhất 89 phiếu.
Lêô XIV như vậy là giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công Giáo. Giáo hoàng Lêô XIV là giáo hoàng thứ tư liên tiếp không phải là người Ý, sau các giáo hoàng Gioan - Phaolô, người Ba Lan, giáo hoàng Benedicto, người Đức và giáo hoàng Phanxicô, người Achentina. Trong lịch sử Giáo hội Công Giáo, 217 giáo hoàng là người Ý trên tổng số 267.
Từ Liège, Bỉ, thông tín viên Duy An cho biết về tiểu sử của tân giáo hoàng Lêô XIV:
Tân giáo hoàng Lêô XIV hay Robert Francis Prevost sinh ngày 14/09/1955 tại Chicago, Hoa Kỳ. Cha của ngài ông Louis Marius Prevost gốc Pháp-Ý và mẹ ngài bà Mildred Martínez gốc Tây Ban Nha.
Gia nhập Dòng Thánh Augustino năm 1977, ngài chịu chức linh mục trong thời gian theo học Giáo luật ở Roma và đã hoàn thành tiến sĩ Giáo luật. Sau đó là cuộc đời của một nhà truyền giáo và quản trị ở Peru. Ngài chỉ trở về Chicago nằm 2013. Và một năm sau, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm giám mục Chiclayo, Peru.
Năm 2019, ngài được triệu tập về Roma để làm việc trong bộ Giáo Sĩ và bộ Giám Mục. Đầu năm 2023, ngài được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ Giám Mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ La tinh. Ngài được phong hồng y vào ngày 30/9/2023.
Hồng y Robert Francis Prevost còn là thành viên của nhiều bộ của Vatican và nói được tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và đọc được tiếng La tinh và Đức.
Giáo hoàng Lêô XIV là người mang quốc tịch Mỹ đầu tiên được bầu làm giáo hoàng, nhưng lại là hồng y ít mang “chất Mỹ” nhất trong số các hồng y người Mỹ. Hai phần ba cuộc đời hoạt động của ngài đều ở ngoài nước Mỹ. Ngài đến hoạt động ở Nam Mỹ để tiếp tục đưa tinh thần của Công đồng Vatican II vào cuộc sống của Giáo hội tại đây. Và thần học giải phóng đã không còn chiếm ưu thế.
Giáo hoàng Lêô XIV đã tỏ dấu chỉ lựa chọn tiếp tục con đường cải tổ Giáo hội mà Đức Phanxicô đã khởi xướng. Trong bài phát biểu đầu tiên chào thế giới, Đức Lêô XIV đã dùng những từ ngữ thường dùng của người tiền nhiệm : “Bình an/Hòa bìnhcho mỗi người, hòa bình cho mọi dân tộc, hòa bình cho trái đất” hay “Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội xây dựng những nhịp cầu, đối thoại, luôn mở lòng đón nhận” hay “một Giáo hội đồng nghị, một Giáo hội cùng bước đi, một Giáo hội luôn tìm kiếm hòa bình, luôn tìm kiếm lòng bác ái, luôn cố gắng gần gũi đặc biệt với những người đau khổ.”
Cần chờ xem giáo hoàng Leo XIV sẽ thể hiện như thế nào trên sân khấu thế giới. Nhưng có một điều chắc chắn là các hồng y đã chọn một người cam kết với các cải cách mà giáo hoàng Phanxicô đã khởi sự.
Quốc tế chúc mừng tân giáo hoàng
Ngay sau khi hồng y Francis Prevost được bổ nhiệm làm giáo hoàng, với tông hiệu Lêô XIV, nhiều nguyên thủ thế giới đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới Vatican.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định "đó là một vinh hạnh lớn vì ngài là vị giáo hoàng người Mỹ đầu tiên", đồng thời bày tỏ mong muốn sớm được gặp giáo hoàng Léô XIV. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, viết trên mạng xã hội X, cho rằng "đó là một khoảnh khắc lịch sử đối với Giáo hội và hàng triệu tín đồ", và hy vọng ngài sẽ mang lại "hòa bình và hy vọng".
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, trên mạng xã hội X, mong rằng Giáo hội Công Giáo dưới sự lãnh đạo của tân giáo hoàng "sẽ truyền cảm hứng cho thế giới và thể hiện cam kết với hòa bình cũng như tinh thần đối thoại".
Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ niềm tin vào việc "duy trì cuộc đối thoại mang tính xây dựng, dựa trên các giá trị Ki tô giáo giữa Nga và Vatican".
Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho rằng "đó là thời khắc quyết định" đối với đất nước và hy vọng có được sự ủng hộ về mặt tinh thần và tâm linh của Vatican "để tái lập công lý và giành được nền hòa bình lâu dài cho Ukraina".
Bắc Kinh hy vọng "dưới sự lãnh đạo của giáo hoàng mới, Vatican sẽ tiếp tục thể hiện cam kết của mình trong các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc", về các vấn đề quốc tế mà cả hai bên cùng quan tâm.
Thanh Phương
09/05/2025
Nguồn: RFI Tiếng Việt