Một bàn tay vô hình mới khi mô thức Hoa Kỳ và chủ nghĩa phóng khoáng sụp đổ? (Chu Tuấn Anh)

Sự đứt gãy của các liên kết toàn cầu chỉ đặt ra nhu cầu cấp thiết về sự gia tốc dân chủ hóa, như một cố gắng thực tâm đến từ nội lực nhằm cải thiện thể chế chính trị và tinh thần quốc gia. Và trong tinh thần đó, bên cạnh sự cởi mở, phóng khoáng, bao dung để vươn lên trong một giai đoạn đầy biến động, cũng cần có một dự án tương lai chung cho quốc gia.
Chu Tuấn Anh
Dẫn nhập
Như tôi đã nhiều lần nhận định về cuộc thương chiến mà nước Mỹ của Donald Trump đã gây ra với thế giới; đó sẽ chỉ là một xu hướng rất tạm thời, nổ ra với mọi sự quan tâm của thế giới để rồi người ta nhận ra đó chỉ là một sai lầm vì hàng rào thuế quan của nước Mỹ sẽ làm thế giới lao vào nguy cơ suy thoái trực tiếp dù không đáng có, và bản thân nước Mỹ cũng là một nạn nhân (kinh tế Mỹ đã suy giảm 0.3% trong quý I). Sự phân chia lao động giữa khối các nền kinh tế mới nổi, khối các nước phát triển, cùng tự do luân chuyển hàng hóa, thuế quan ở mức tối thiểu hoặc bằng 0, là những điều kiện căn bản nhất để duy trì sự phồn thịnh chung của nhân loại. Ngay cả khi phong trào toàn cầu hóa phải bị xét lại và tái tổ chức một cách bài bản hơn, sẽ không thể có bất cứ điều gì thay đổi với nhu cầu tổ chức thương mại không có thuế quan (hoặc hạn chế tối đa ở một số mặt hàng thay vì đánh thuế đồng bộ).
Tuy nhiên trong một thời gian thì vấn đề thương chiến cũng tạo ra một cuộc tranh luận và chúng ta phải nhắc đến Adam Smith, người đầu tiên phê phán chính sách trọng thương (mercantilism) ở thế kỷ 18 khi những chính quyền tập quyền của châu Âu chỉ chú trọng đến việc tích trữ tiền và kim loại quý trong quốc khố và coi đó là tài sản quốc gia (national wealth), hơn là việc nhìn nhận tài sản quốc gia phải được phân bố đồng đều trong xã hội. Tâm lý đó dẫn đến việc các chính quyền tập quyền này tăng cường cướp bóc từ xã hội và các vùng đất họ khám phá ra trong quá trình thám hiểm viễn dương (là một phần của nguyên nhân của chủ nghĩa thực dân và các thuộc địa). Một mặt họ nhận thấy rằng khi nhập khẩu hàng hóa thì tài sản trong quốc khố sẽ giảm, nhưng có một cách hiệu quả là áp đặt chính sách thuế quan và bảo hộ để thu về nguồn tiền từ hoạt động nhập khẩu. Nhưng khi đặt lại vấn đề rằng sự phồn vinh đến từ sự phát triển trong xã hội (nghĩa là tư nhân) thay vì sự tích trữ của nhà nước; Adam Smith lấy thái độ chống lại chủ nghĩa trọng thương, đồng thời quan sát rằng thương mại tự do và sự phân chia lao động tự nhiên sẽ dẫn tạo ra một nguồn tài sản lớn hơn cả. Và Adam Smith thực tế đã đúng và thắng thế. Có lẽ chúng ta không có lý do gì để phải chấp nhận bị Donald Trump kéo về một thứ chủ nghĩa bảo hộ của những thế kỷ trước.
Dù vậy, cuộc thảo luận này cũng phải bàn tới những yếu tố mới về sự kết thúc của chủ nghĩa phóng khoáng, phong trào toàn cầu hóa xô bồ, sự chấm dứt của vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, và sự phát triển đáng kinh ngạc và đáng lo ngại của các tập đoàn lớn về công nghệ cùng với cuộc đua về phát triển trí tuệ nhân tạo. Đây là những nội dung chúng ta cần bàn và làm rõ.
Sự chấm dứt của chủ nghĩa phóng khoáng?
Đầu tiên, chúng ta cần đề cập tới một ngộ nhận cho rằng Adam Smith khuyến khích sự ích kỷ khi ông nói: “Hãy để người ta cứ theo đuổi những lợi ích cá nhân của mình, dù họ không có động cơ trực tiếp hướng tới lợi ích chung của xã hội; sẽ có một bàn tay vô hình dàn xếp và thúc đẩy lợi ích chung.” Điều đó hoàn toàn dựa trên một quan sát đúng của Adam Smith, dù được viết bằng một thứ ngôn ngữ sơ khai của thời đại ông, với nội hàm rằng trong sinh hoạt kinh tế và dân sự của xã hội, nên khuyến khích những sáng kiến, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc cá nhân, và để xã hội tự vận hành một cách tối đa; nhà nước nên giữ vai trò hạn chế và không nên áp đặt những kế hoạch tập thể lên cá nhân. Phát hiện của Adam Smith cũng là nền tảng của chủ nghĩa cá nhân – nền tảng chủ đạo để tổ chức một nhà nước dân chủ.
Thực tế thì quan sát này cũng hoàn toàn đúng. Trong chiến tranh lạnh đã xuất hiện hai chủ nghĩa chính là chủ nghĩa tân phóng khoáng (neoliberalism) được cổ võ bởi Hoa Kỳ và phương Tây – tuy không hoàn toàn có lý nhưng là phương tiện để chuyên chở chủ nghĩa cá nhân và cũng đã đề cao tự do cá nhân; và phong trào cộng sản dựa trên chủ nghĩa tập thể lấy những kế hoạch tập thể và sự vĩ cuồng về quy mô (chỉ tiêu sản xuất gang-thép, trồng những cánh đồng bông ở sa mạc, hay thậm chí những thành tích về văn hóa và thể thao một cách gượng gạo). Họ đã hoàn toàn sai trái khi lấy sự phát triển trá hình làm lý cớ đề đè bẹp quyền tự do cá nhân của con người, sẵn sàng khủng bố, bỏ tù những người bất đồng chính kiến, hay dám có ý kiến khác biệt với chế độ cai trị. Một tinh thần đề cao cởi mở và tự do đã làm chủ nghĩa phóng khoáng, hay tân phóng khoáng, chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản, đạt đến cao điểm là các cuộc cách mạng Đông Âu năm 1989 và sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1990.
Tuy vậy, chủ nghĩa phóng khoáng cũng không hoàn toàn có lý và cũng không dẫn đến kết thúc của lịch sử “the end of history” như Francis Fukuyama từng mong muốn. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt thế đối đầu và một loạt những cuộc chiến tranh ủy nhiệm tàn khốc (trong đó có nội chiến Việt Nam giai đoạn 1954–1975), để nhường chỗ cho một trật tự hợp tác và kết hợp thương mại mà ngay cả Trung Quốc cũng được cởi mở đón nhận và nắm giữ vai trò cường quốc sản xuất — dù nước này vẫn duy trì chủ nghĩa cộng sản toàn trị. Bằng chứng là các đời tổng thống Mỹ sau thời kỳ chiến tranh lạnh, bắt đầu từ George H. W. Bush cho tới Obama ở nhiệm kỳ đầu, không xem Trung Quốc là một mối đe dọa, vì một thực tế là trọng lượng kinh tế Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế áp đảo, cùng với vai trò của đồng đô la Mỹ như đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Nét đậm của chủ nghĩa tân phóng khoáng là Hoa Kỳ đã giao vai trò điều phối và phân bổ lợi tức của đồng tiền đô la và nguồn lợi khổng lồ từ phong trào toàn cầu hóa mà Mỹ thu về cho giới tài phiệt và những tập đoàn khổng lồ. Tất nhiên thì nó đã đưa đến sự buông thả trong các sinh hoạt kinh tế, và cực đoan hơn là sự buông thả trong sinh hoạt thị trường tài chính (unregulated) dưới cái mác phóng khoáng, cởi mở. Và để đạt được sự phóng khoáng buông thả đó thì giới tài phiệt đã không tiếc tiền để mua chuộc chính giới, và đồng hóa chính trị với kinh tế và tài chính. Xu hướng thả lỏng tiền ảo/crypto currency gần đây của chính quyền Donald Trump cũng phải được bàn đến như một sự bệnh hoạn của chủ nghĩa phóng khoáng – nhiều tài phiệt đề cao những đồng tiền ảo như Libra, Bitcoin như những cuộc cách mạng về tiền tệ dù nó chẳng có một đặc điểm gì vượt trội với đồng tiền truyền thống ngoài khả năng trốn tránh được những giám sát và kiểm soát cần thiết để lành mạnh thị trường, và trở thành phương tiện để rửa tiền. Bằng chứng là Việt Nam tuy chỉ là một nền kinh tế có quy mô không đáng kể với thế giới, chỉ chưa đầy 1%, nhưng lại có 20 triệu người có tiền số (thứ ba thế giới) và một thị trường tiền số quy mô 120 tỷ đô la. Chẳng còn nghi ngờ gì khi khối tiền số này gắn liền với tham nhũng và những sinh hoạt bất chính.
Tuy nhiên, việc để cho một thiểu số nhỏ – top 1% – thâu tóm mọi tài sản, các địa hạt kinh tế, cùng quyền phân bổ nguồn tài sản đó thì cũng đâu khác gì một thứ chủ nghĩa trọng thương mà những nhà nước toàn trị ở châu Âu từng duy trì, khi họ tập trung tài sản vào tay Nhà nước của vua chúa và những kẻ vương giả? Hơn nữa, Adam Smith, với một tư tưởng thời sơ khai, cũng chỉ nói rằng nhà nước không nên can thiệp vào các sinh hoạt cá nhân trong xã hội, phải tôn trọng những sáng kiến cá nhân; ông cũng không bao giờ cổ súy việc loại bỏ vai trò trọng tài trong kiểm soát những xu hướng bất lợi cho cạnh tranh, gian lận; vai trò giữ gìn những chuẩn mực, sinh hoạt và cạnh tranh lành mạnh, cũng như vai trò liên đới xã hội của chính quyền – vì đó là những vai trò căn bản nhất của một chính quyền hiện đại.
Nhiều người cực đoan chống lại vai trò của thuế vì cho rằng nó trái với kinh tế tự do hoang dại mà họ cổ võ. Nhưng thực tế nhà nước dân chủ không thu thuế để tích trữ và tập trung tài sản ở nhà nước mà để tái phối trí tài sản vào những hoạt động liên đới và cơ sở hạ tầng một cách hợp lý, nhờ đó đem sự phát triển đến với một bộ phận lớn quần chúng. Điều đó hoàn toàn khác xa với thứ chủ nghĩa trọng thương mà Adam Smith đã phê bình, hay thu thuế để chi tiêu cho một bộ máy chính trị cồng kềnh chỉ để cai trị quần chúng. Ngược lại, chủ nghĩa tân phóng khoáng thực ra chỉ là một cái tên mỹ miều cho một sự buông thả đến hoang dại và độc hại của các sinh hoạt kinh tế – tài chính đã được các lớp chính trị gia Hoa Kỳ và giới tài phiệt duy trì mà thôi.
Chủ nghĩa phóng khoáng hay tân phóng khoáng sụp đổ trước sự sụp đổ đang gia tốc của mô thức chính trị Hoa Kỳ, sau khi Donald Trump đã dựng lên những bức tường bao và biến Hoa Kỳ thành một ốc đảo. Chúng ta sẽ phải đặt ra một câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra với trật tự thế giới mới?
Chủ nghĩa bảo hộ có phải logic tự nhiên của chủ nghĩa tân phóng khoáng?
Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và phong trào toàn cầu hóa xô bồ đã chấm dứt, và Donald Trump đã đưa Mỹ trở lại với sự hoang dại của chủ nghĩa bảo hộ, mà theo ý kiến chủ quan của ông ta là để giành lại những công việc sản xuất gia công mà thế giới đã “cướp mất”. Nhưng Hoa Kỳ cũng không thể trở lại vai trò sản xuất, và thực tế là lợi tức từ những hoạt động sản xuất của các công ty Mỹ tại các nền kinh tế mới nổi vẫn quay trở lại Hoa Kỳ, trong khi nền kinh tế bản địa chỉ nhận được khoảng 10–20%, tùy vào trình độ sản xuất của họ, thậm chí có thể còn thấp hơn. Việc vu cáo thế giới lợi dụng Hoa Kỳ chỉ là một luận điệu kệch cỡm và gian trá của chính quyền Trump mà thôi.
Mặt khác, mảng kinh tế dịch vụ cùng khối tài sản trị vô hình (intangible assets) có giá trị thực tế nhưng không được tính vào con số GDP truyền thống như tôi đã trình bày trong loạt bài Chuyển đổi kinh tế để đi vào Kỷ Nguyên thứ hai cũng dần mở ra với những cơ cấu và không gian mới cho các mô hình kinh tế. Thực tế thì thặng dư về thương mại từ dịch vụ của Hoa Kỳ với thế giới là 293 tỷ đô la, và giá trị thực tế mà nền kinh tế dịch vụ của Hoa Kỳ sẽ lớn hơn rất nhiều so với những người ta lượng hóa được nếu tính cả khối tài sản vô hình. Nhưng khi người ta càng khám phá ra rằng có những cơ cấu, không gian kinh tế đang được mở ra, thì một thiếu số tài phiệt cũng đang nhanh chóng chiếm đoạt các phương tiện của địa hạt kinh tế này.
Xu hướng bảo hộ chắc chắn là trái ngược với tập tính của chủ nghĩa tân phóng khoáng, khi nó ít nhiều cũng cho phép duy trì và khuyến khích một trật tự thương mại tự do. Nhưng nó cũng nằm trong cùng một logic, khi sự cởi mở về thương mại không còn mang lại thế độc quyền cho Hoa Kỳ và một tập thể tài phiệt; trọng lượng kinh tế của Hoa Kỳ dần không còn áp đảo, cùng với sự suy giảm của đồng đô la; những tiếng nói ngày càng gay gắt yêu cầu Hoa Kỳ phải chấp nhận từ bỏ độc quyền về công nghệ – kỹ thuật, cũng như các cam kết về hợp tác quốc tế, trong đó có nỗ lực thiết lập mức thuế tối thiểu cho doanh nghiệp trên toàn cầu. Họ đã nhanh chóng triệt thoái, dựng lại bức tường thuế quan bảo hộ, đồng thời tiếp tục tháo gỡ những quy chuẩn trong sinh hoạt kinh tế – tài chính để biến Hoa Kỳ thành một ốc đảo trốn thuế (tax haven), nhằm giữ chân nguồn tư bản cùng những phương tiện kinh tế của mình một cách không thể thô bạo hơn (như đã trình bày trong bài viết Mô thức nào cho Việt Nam khi nền dân chủ Hoa Kỳ chỉ còn là một ốc đảo và những bức tường?).
Nhưng Hoa Kỳ có thể gượng gạo với bức tường bao và ốc đảo của mình được bao lâu, khi 75% các nhà khoa học muốn rời bỏ Hoa Kỳ — vì dù sao, đổi mới và sáng tạo cũng cần một tinh thần cởi mở và phóng khoáng? Sự ngột ngạt và hung bạo mà chính quyền Trump tạo ra đã gây ra những đổ vỡ vô cùng lớn về mặt tình cảm (thông qua những sự kiện như việc các nhà khoa học bị yêu cầu cho kiểm tra tin nhắn cá nhân khi nhập cảnh vào Mỹ, và có thể bị trục xuất nếu nội dung bị cho là chống Mỹ), khiến Hoa Kỳ ít nhiều không còn dung thứ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Những tài phiệt như Elon Musk cũng quên rằng họ có thể trở nên “khổng lồ” ít nhiều là nhờ một thể chế dân chủ tương đối, cùng với sự cởi mở đối với người nhập cư và tất cả những gì là động lực của đổi mới sáng tạo. Trong ngắn hạn, sự buông thả mà chính quyền Trump đã đẩy lên đến một mức độ sâu hơn có thể giúp các tài phiệt trục lợi — chỉ để rồi họ sẽ nhận ra rằng họ có nguy cơ mất tất cả!
Một cuộc cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo?
Chúng ta cũng sẽ phải đề cập đến cuộc cạnh tranh về công nghệ trí tuệ nhân tạo giữa các siêu tập đoàn về công nghệ, và thậm chí giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi họ đua nhau đưa ra những mô hình mới. Kể từ năm 2024 thì mỗi hệ thống AI sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ đô la. Dù có những cố gắng nâng cao hiệu suất của thuật toán, nhưng những hệ thống AI của thế hệ mới vẫn có thể sẽ tiêu tốn 10 tỷ đô la, theo Dario Amodei, CEO của công ty AI Anthropic. Microsoft và Open AI cũng tuyên bố rằng họ sẽ bỏ 100 tỷ đô la vào những dự án siêu máy tính để phát triển AI (theo tờ Times). Như vậy, vào thời điểm tôi viết bài viết này, cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo mới chỉ bắt đầu, và người ta có thể nhanh chóng nhận ra cuộc đua này sẽ tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ để phát triển lên những quy mô lớn.
Một điều cần lưu ý hiện nay là người ta chỉ có thể dự đoán về các bước tiến của AI, nhưng chúng ta hoàn toàn chưa có một cái nhìn thống nhất về tiềm năng thực sự và những gì nó có thể đạt được (như liệu trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn con người không? Hoặc thay thế ở một mức độ nào?). Chính sự mù mờ này cũng khiến cho những người làm chính trị không thể mường tượng được chính xác một tương lai sắp diễn ra. Do đó người ta bỏ ra toàn bộ năng lực của mình để đi đãi vàng (gold rush). Nhưng nó cũng vô tình làm xấu xí những cố gắng vốn để cải thiện đời sống con người và làm cho cuộc sống tiện nghi hơn, chẳng hạn nguồn điện và nước làm mát đến từ hàng trăm trung tâm dữ liệu và máy chủ cloud cũng sẽ gây áp lực lên hệ thống điện lưới và trầm trọng hóa vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi, sự cuồng nhiệt này sẽ chấm dứt để nhường chỗ cho một xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo chọn lọc và bớt xô bồ hơn, để sự phát triển đó thực sự ưu tư vào những gì có thể ứng dụng cho cuộc sống của con người. Nhất là khi chúng ta bắt đầu bớt cuồng nhiệt và có được những cái nhìn chung về những gì AI có thể làm, đồng thời nhận ra rằng nguồn lực của thế giới cũng cần được dành cho những cố gắng lớn tương tự, như Chuyển hóa xanh và Cơ sở hạ tầng thông minh trong từng quốc gia, những nỗ lực toàn cầu như Biến đổi khí hậu, tiếp tục hành trình xóa đói nghèo, và tương trợ những vùng đất với con người còn quá khó khăn và chênh lệch với mặt bằng chung.
Cũng cần phải nói rằng, dù sao thì các cơ sở dữ liệu và nguồn tài nguyên thông tin để phát triển AI hiện vẫn do các tập đoàn công nghệ lớn nắm giữ quyền sở hữu và thu thập một cách độc quyền. Nhưng thông tin không chỉ là tài sản mà còn gắn liền với quyền riêng tư (privacy) của con người. Chúng ta đang bị khai thác nguồn tài nguyên thông tin một cách vô pháp, thiếu luật lệ để bảo vệ quyền con người, và rồi phải chấp nhận để một vài siêu tập đoàn công nghệ chia nhau miếng bánh độc quyền của thị trường AI? Dường như, sau khi đã chiếm đoạt phần lớn của cải xã hội, quyền phân phối nguồn lợi tức của toàn cầu hóa, và khả năng thao túng hầu hết luật lệ trong kinh tế và tài chính, giới tài phiệt đang tiếp tục chiếm đoạt nguồn tài nguyên thông tin – vốn là tư liệu mới của nền kinh tế tri thức, nền kinh tế thông tin; một chế độ lãnh chúa công nghệ (tech feudalism) đang dần được hình thành, theo ngôn ngữ của cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis.
Dù thế thì sự xuống cấp của chính trị và thể chế của Hoa Kỳ cũng sẽ góp phần làm cho châu Âu và thế giới sẽ tái khởi động cạnh tranh trên địa hạt đổi mới sáng tạo, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Một mặt Hoa Kỳ cùng với một nhóm nhỏ tài phiệt đang cố gắng duy trì vai trò độc quyền của mình trong một sự điên loạn của thế giới. Mặt khác, một bối cảnh địa chính trị hoàn toàn mới có thể khiến cho họ mất hoàn toàn vai trò độc quyền này, hoặc có thể phải chịu một cơ chế chống độc quyền hoặc sẽ có một cơ chế phi tập trung (decentralized platforms) khi cơn cuồng loạn Donald Trump qua đi. Một ý kiến chủ quan khác là, sau một giai đoạn đầy ưu tư về cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường (nghĩa là cạnh tranh gay gắt), người ta rồi cũng sẽ bớt cuồng nhiệt lại để nhận ra rằng dân chủ hấp dẫn và thu hút hơn so với những quy mô bề ngoài về kinh tế và thị trường. Đó cũng là lý do khiến các nhà khoa học nhập cư muốn rời bỏ Mỹ, ngay cả khi Mỹ vẫn là nền kinh tế số dẫn đầu. Cho nên, người ta cũng dần nhận ra rằng một nỗ lực tiếp tục dân chủ hóa – trên từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu – hay làn sóng dân chủ thứ tư, mới là chủ đề nổi bật định nghĩa cho giai đoạn sắp tới. Và nếu vậy, điều đó cũng sẽ mở ra một trật tự vừa cạnh tranh vừa hợp tác để cùng đi lên.
Một kỷ nguyên với và những gì là quan trọng
Trong một bối cảnh trật tự thế giới còn chưa được sắp xếp lại và có những sự hỗn loạn nhất định, chúng ta cần phải giữ một thái độ rất khiêm tốn khi xác quyết những gì là xu hướng. Nếu chúng ta nhìn vào hình thức thì có thể cảm thấy lo lắng vì một sư xuống cấp trầm trọng của vấn đề an ninh cùng những hợp tác chung của thế giới, kèm theo chỉ số về dân chủ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thực sự bình tĩnh hơn, chúng ta cũng thấy cơn cuồng loạn này đã kéo theo sự sụp đổ của những gì là sai:
- Sự sụp đổ của vai trò lãnh đạo độc quyền của Hoa Kỳ, cùng khả năng kiểm soát nguồn lợi và phương tiện từ toàn cầu hóa để phát triển đổi mới sáng tạo – kéo theo sự sụp đổ ngôi nhà của tài phiệt và chủ nghĩa phóng khoáng.
- Sự chấm dứt của phong trào toàn cầu hóa xô bồ để nhường chỗ cho một phong trào toàn cầu hóa khác vẫn đề cao tự do và kết hợp thương mại, nhưng chọn lọc và bài bản hơn, và triển vọng của một trật tự đa phương hơn.
- Những cuộc chạy đua về khoa học công nghệ cũng sẽ từ một phong trào “cơn sốt vàng” (gold rush) – để nhường chỗ cho những gì chọn lọc nhất, thực sự hướng về sự phát triển của con người.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy tuy trật tự toàn cầu hóa chấm dứt và những hợp tác về thương mại và chuỗi cung ứng bị xét lại, thế giới cũng chẳng quay về chủ nghĩa trọng thương như chính sách bảo hộ của Donald Trump – một xu hướng tạm thời của sự điên loạn, hay mô hình kinh tế xuất khẩu mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm.
Sự đứt gãy của các liên kết toàn cầu chỉ đặt ra nhu cầu cấp thiết về sự gia tốc dân chủ hóa, như một cố gắng thực tâm đến từ nội lực nhằm cải thiện thể chế chính trị (bao gồm những sinh hoạt đảng phái – nghị trường lành mạnh, không bị tài phiệt thao túng; một nền pháp trị và hệ thống tư pháp minh bạch; cùng với những quyền tự do và không gian xã hội dân sự liên tục được cởi mở), và tinh thần quốc gia mà thôi. Và trong tinh thần đó, bên cạnh sự cởi mở, phóng khoáng, bao dung để vươn lên trong một giai đoạn đầy biến động, cũng cần có một dự án tương lai chung cho quốc gia. Có nghĩa là, chủ nghĩa cá nhân sẽ không được truyền tải thông qua một thứ chủ nghĩa buông thả, không có nội dung, như chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism / neoliberalism). Chủ nghĩa cá nhân và dân chủ cần được thể hiện một cách chỉnh tề trong một dự án quốc gia đề cao dân chủ và các quyền con người; nhưng cũng cần được dẫn dắt bởi những chính sách đúng đắn, cùng một tinh thần yêu nước và mong muốn gìn giữ đất nước một cách lành mạnh — để con người không chỉ có tự do để đổi mới sáng tạo, mà còn có lòng tự hào, cùng một nguyện vọng cống hiến cho đất nước, nhất là khi mọi nguồn lực có thể bị hạn chế trong bối cảnh quốc tế biến động, và một thế giới mở cửa, tự do lưu thông vẫn có thể cướp đi con người và nguồn nhân tài của những nền kinh tế mới nổi.
Đó là nền tảng để “bàn tay vô hình” tiếp tục làm công việc của nó: dàn xếp xã hội trong một bối cảnh thế giới mới, mà chủ đạo vẫn là sự tự do cần thiết cho những nhu cầu đổi mới, sáng tạo lớn hơn, cạnh tranh gay gắt hơn. Trước tiên, các chính quyền sẽ phải có những cố gắng lớn nhằm thúc đẩy liên đới xã hội, như đầu tư vào y tế, giáo dục, các hoạt động bảo trợ xã hội, cùng với sự yểm trợ cho xã hội dân sự – đó chính là những đốt xương của bàn tay vô hình. Ngày nay, thế giới cũng đang nói nhiều về nền kinh tế người cao tuổi – silver economy. Thực tế, người cao tuổi có thể không đóng góp nhiều cho nền kinh tế, nhưng việc gắn kết họ vào các hoạt động trong quãng thời gian hưu trí một cách tự nguyện sẽ khiến họ cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, và vẫn là một động lực cho phát triển – điều đó góp phần hạn chế sự bất mãn, phản ánh trong các sinh hoạt chính trị, và giúp gắn kết nhân xã một cách bền vững.
Thứ hai, chúng ta cần tránh những mô hình phát triển lệch lạc, thiếu đồng bộ, để hướng tới một sự phát triển vẫn duy trì tốc độ cao, nhưng đồng đều và ngay ngắn – thông qua các cố gắng tản quyền, cùng những nỗ lực hợp lý trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm kết nối đất nước và con người Việt Nam gần lại với nhau trong từng giai đoạn của đất nước, đồng thời chuẩn bị cho các bước phát triển tất yếu trong tương lai (bao gồm chuyển đổi xanh và xây dựng thành phố thông minh).
Một bàn tay vô hình dân chủ đa nguyên?
Trước khi kết thúc bài viết này, tôi nêu ra sự kiện ông Phạm Minh Chính thành lập một hội đồng Tư Vấn Chính Sách với một nhóm chuyên gia với một thẩm quyền được tham vấn các chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.
Điều đó khiến tôi liên tưởng đến một dạng chủ nghĩa kỹ trị, khi những chế độ độc tài mù quáng lại muốn mình trở nên “sáng suốt” bằng cách đề cao thẩm quyền của chuyên gia. Một hình ảnh khác là văn hóa Khổng giáo, khi lực lượng cầm quyền gặp khó khăn thì tìm cách chiêu dụ những “hiền tài” với hy vọng “phục hưng đất nước”. Nhưng nếu chuyên gia chỉ được sử dụng để góp phần thực hiện các chính sách kỹ trị như điện hạt nhân, chất bán dẫn, các dự án đầu tư công như đường sắt cao tốc, hoặc chỉ để giải quyết các ưu tư ngắn hạn như làm sao cứu nguy đất nước khỏi tình trạng có thể trở thành nạn nhân của chính sách bảo hộ từ Donald Trump trong vài tháng tới, mà lại lảng tránh những câu hỏi nền tảng về nhu cầu dân chủ hóa một cách thực tâm, với một con đường đúng đắn như con đường Dân chủ Đa nguyên, thì sự cởi mở đó – như của ông Phạm Minh Chính đối với chuyên gia – hoàn toàn không phải là câu trả lời cho tình trạng bi đát hiện tại của đất nước.
Sau 50 năm, dù phát triển nhanh chóng, đất nước vẫn đầy bất xứng và tụt hậu trong một thể chế toàn trị, tiếp tục duy trì chủ nghĩa tập thể; chủ nghĩa cộng sản, kinh tế tập thể đã chết, và động cơ phát triển quốc gia chợt đứng khựng lại, bởi xã hội đã đi đến một giai đoạn cần phải xem xét con đường mà nó phải tiếp tục bước đi. Ngày hôm nay, đất nước chúng ta thiếu vắng một “bàn tay vô hình” để tiếp tục phát triển và bước vào kỷ nguyên mới. Nhưng cũng có một sáng tạo mang tính “bàn tay vô hình” mà chúng ta đã có sẵn – đó là Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, với những định hướng lớn, mô thức cho đất nước Việt Nam, và triết lý dân chủ đa nguyên.
Mặt khác, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng đất nước đã không thể đi lên vì chúng ta có một cuộc nội chiến kết thúc trong tình trạng chia rẽ kéo dài, và hiện vẫn cần một tinh thần hòa giải dân tộc. Sự cởi mở – nếu có – từ ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính, ông Lương Cường hay tập thể lãnh đạo hiện tại vẫn thiếu thành thực, và còn cách xa một tinh thần triết lý giải dân tộc vô hình nhưng có tầm vóc đủ để hàn gắn đất nước, dàn xếp mọi chia rẽ, và tạo nên sự hòa hợp, thống nhất. Ngày 30/4/2025 đã đến như một sự xác nhận rằng Đảng Cộng sản không có ngôn ngữ và nền tảng để đưa đất nước bước vào một Kỷ nguyên Mới – và cũng là sự xác nhận những điều đất nước thực sự cần sau 50 năm kể từ ngày 30/4/1975.
Chu Tuấn Anh
(05/05/2025)