Ba Lan và Tam giác Weimar trong quan hệ ba bên với Pháp và Đức (Nguyễn Giang)
Trong vòng chưa đầy hai tuần đầu của tháng 5 năm nay, Liên Hiệp Châu Âu chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng. Tân thủ tướng Đức Friedrich Merz một ngày sau khi nhậm chức (06/05/2025), đã sang thăm Pháp và Ba Lan, để phục hồi quan hệ ba bên trong khuôn khổ Tam giác Weimar. Hai ngày sau (09/05), Pháp cùng Ba Lan ký Hiệp ước Nancy về an ninh- quốc phòng, và ngày 10/05, các lãnh đạo Đức, Pháp, Ba Lan, Anh đã tới Kiev ủng hộ tổng thống Volodymyr Zelensky yêu cầu Nga chấp nhận ngưng bắn.
Trong cục diện địa chính trị mới này, Ba Lan đóng vai trò như thế nào ?
---------- ***** ----------
Sự ra đời của Tam Giác Weimar
Tam giác Weimar, mà báo chí còn gọi là « Ủy ban Thúc đẩy Hợp tác Ba Lan với Pháp và Đức », được thành lập ở cấp ngoại trưởng ba nước vào tháng 8/1991 ở thành phố Weimar của Đức, nhằm tạo diễn đàn trao đổi, tư vấn cho Ba Lan khi đó vừa mới chọn cải tổ dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường sau hơn 40 năm thuộc phe XHCN do Liên Xô lãnh đạo.
Đó là một giai đoạn có một không hai của lịch sử châu Âu hiện đại. Tam giác Weimar là sáng kiến ngoại giao nằm trong khuôn khổ một hội nghị lớn hơn : Hội nghị 2+4 vào tháng 3/1990, quyết định việc thống nhất nước Đức. Hai + bốn tức là bốn đại cường Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh và Pháp và hai nước Tây Đức và Đông Đức.
Đến tháng 7/1990, Ba Lan được mời tham gia, vì thiếu Ba Lan thì vấn đề biên giới mới của nước Đức thống nhất với Ba Lan khó có thể ổn định được châu Âu. Rồi còn có các cuộc đàm phán để đưa các sư đoàn quân đội Liên Xô đóng ở Ba Lan về nước, thực ra là về nước Nga thời tổng thống Boris Yeltsin và cuộc rút quân này phải đến năm 1992 mới hoàn tất.
Nhưng nói riêng về quan hệ Đức-Pháp-Ba Lan thì các cuộc họp trong khuôn khổ Tam giác Weimar có mục tiêu dùng mô hình hòa giải Pháp và Đức sau Thế Chiến II để giúp cho Ba Lan hòa giải với Đức, vì di sản của Thế Chiến II ở Ba Lan, quốc gia bị phát-xít Đức giết hàng triệu công dân, là rất nặng nề. Trong lĩnh vực này, Tam giác Weimar đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau đó, Tam giác Weimar giúp Ba Lan chuẩn bị hành lang pháp lý (hoạt động liên nghị viện từ 1992) và quân đội (từ 1997) để có thể gia nhập khối NATO (1999). Tức là các cuộc họp của Tam giác Weimar mở rộng từ ngoại giao sang cấp bộ trưởng quốc phòng, và sau đó thì giúp về tham vấn cải cách kinh tế cho tới khi Ba Lan gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2004.
Tam giác Weimar có nhiều hoạt động chung giữa ba nước với giải thưởng mang tên thi hào Ba Lan Adam Mickiewicz tặng cho các cá nhân, chính trị gia có công xây đắp quan hệ ba bên, giúp Ba Lan trở thành một quốc gia dân chủ, thành viên NATO và EU.
Tam Giác Weimar : Nỗi lo « hòa nhập mạnh là hòa tan »
Sau giai đoạn 1 khi Ba Lan đã gia nhập NATO và EU, phe dân tộc chủ nghĩa ở Ba Lan không hài lòng và họ cho rằng “hòa nhập mạnh là hòa tan”. Năm 2006, tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski thuộc phe thiên hữu dân tộc chủ nghĩa Công giáo (nông thôn) đã từ chối dự họp với lãnh đạo Pháp và Đức. Tam giác Weimar coi như bị ngưng hoạt động. Phải đến năm 2011, khi ông Boleslaw Komorowski – thuộc phái ôn hòa, từng đến thăm Việt Nam – trở thành tổng thống, Tam giác Weimar mới được phục hồi hoạt động ở cấp cao nhất.
Tuy nhiên, càng về sau này thì Tam giác Weimar càng giảm đi ý nghĩa. Ví dụ sau khi vào EU, người dân Ba Lan được tự do đi lại, du học và đến làm việc ở Pháp, Đức, Hà Lan, Anh (trước Brexit)..., thì việc trao đổi sinh viên như trước đây không còn cần thiết nữa. Ngoài ra, Ba Lan đã ở trong bộ máy NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo nên vai trò của Đức và Pháp cũng giảm đi.
Chiến tranh Ukraina: Sự hồi sinh Tam giác Weimar
Từ sau khi Nga xâm lược Ukraina vào năm 2022, vai trò của Tam giác Weimar được phục hồi, vì các chuyển biến địa chính trị khiến Pháp và Đức phải tìm lại một “platform” hợp tác chặt chẽ, mang tính nòng cốt với Ba Lan, nước đóng vai trò căn cứ hậu cần cho phe NATO cung cấp vũ khí sang Ukraina chống Nga.
Người ta nay nói đến Tam giác Weimar +, với ý tưởng là mời Anh, và Ý tham gia, tức là, như có người nói đùa, sẽ không còn là Tam giác mà là Tứ giác, Ngũ giác. Câu hỏi ở Ba Lan là “trong hình khối đó thì cạnh nào dài nhất, quan trọng nhất”.
Thắc mắc này hiện chưa có lời giải vì còn đang định hình. Nhưng sau cuộc hội đàm ở Kiev hôm 10/05 của Emmanuel Macron, Friedrich Merz, Donald Tusk và Kier Starmer cùng Volodymyr Zelensky rồi có thêm lãnh đạo Ý, Hy Lạp, rồi cả tổng thống Donald Trump điện đàm nữa, có vẻ như là vai trò hạt nhân của Pháp – Đức – Ba Lan đang được đề cao.
Hiệp ước Nancy và ô nguyên tử Pháp
Không chỉ hợp tác chặt với Mỹ và để Hoa Kỳ đóng căn cứ tại nước họ, Ba Lan vừa ký với Pháp Hiệp ước Nancy ngày 09/05 về an ninh quốc phòng. Pháp cho biết sẵn sàng thảo luận về việc chia sẻ ô bảo vệ bằng vũ khí nguyên tử với Ba Lan.
Về điểm này, người dân Ba Lan phản ứng dè dặt, ủng hộ nhưng không mấy tin tưởng vào khả năng Pháp chia sẻ cái ô hạt nhân bảo vệ Ba Lan, dù Hiệp ước Nancy không nói thẳng ra như thế.
Ví dụ nhiều giới ở Ba Lan (như Joana Jaroch-Pszeniczna, đại diện cho doanh nghiệp làm ăn với Pháp), thì ủng hộ và nhấn mạnh rằng quan hệ lịch sử, văn hóa và sự gắn bó chính trị Pháp-Ba Lan từ thời Napoleon cứu Ba Lan chống lại Nga (1807), qua các quan hệ đồng minh ở hai Thế Chiến, tới thời sau này, là nền tảng tốt cho Hiệp ước Nancy phát huy tác dụng.
Nhà bình luận chuyên về nước Pháp, ông Kacper Kita thì cho rằng “từ 100 năm qua, nay là lúc hai nước gần nhau nhất”. Nhưng theo ông, còn phải chờ xem Mỹ có rút khỏi Ba Lan hay không thì Pháp mới có chỗ chen chân vào, ví dụ như thị trường vũ khí vì Ba Lan đang đặt mua vũ khí (F-35) của Mỹ, của Hàn Quốc (trọng pháo). Còn cựu Tổng tham mưu trưởng, tướng Mieczyslaw Cieniuch, phát biểu trước giới báo chí, tỏ ra ngờ vực khả năng tổng thống Macron hay người kế nhiệm ông ở Pháp sẵn sàng dùng vũ khí nguyên tử bảo vệ Ba Lan.
Tuy nhiên, tướng Stanislaw Koziej, cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Ba Lan, cho rằng cần phân biệt hai loại vũ khí nguyên tử : Vũ khí của Pháp là của châu Âu, như Pháp nói, và vũ khí của Mỹ là của NATO. Vì thế, theo ông, Ba Lan cần thận trọng, vẫn phải làm sao giữ cam kết của Mỹ bảo vệ các nước NATO châu Âu bằng ô nguyên tử. Theo ông, vì Hoa Kỳ ở xa châu Âu, khả năng bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật thấp hơn các nước châu Âu gồm Anh và Pháp nên Mỹ có ưu thế hơn. Tuy thế, nếu Pháp bán lò phản ứng nguyên tử cho Ba Lan thì Ba Lan sẽ rất hoan nghênh.
Ba Lan : Sườn đông của NATO « vẫn chưa sẵn sàng »
Tại Ba Lan, khá nhiều khẩu hiệu ái quốc và cả biểu ngữ mời gọi thanh niên nhập cũ đăng trên đường phố. Lý do là vì Ba Lan không còn chế độ quân dịch (nghĩa vụ quân sự), mà chỉ có quân đội chuyên nghiệp, lính tình nguyện. Anh và Pháp là hai nước châu Âu duy nhất thuộc NATO có vũ khí nguyên tử. Còn Ba Lan tuy không có tên lửa hạt nhân nhưng đã tăng chi tiêu quốc phòng rất nhanh, mua hàng nghìn cỗ trọng pháo, hàng trăm xe tăng và phi đội F-35 để phòng thủ, sau khi Nga đánh Ukraina vào tháng 2/2022.
Tuy thế, báo chí Ba Lan vẫn xem sự chuẩn bị của chính phủ là chưa đủ nhanh, chưa đủ mạnh. Tính theo các kế hoạch của chính quyền, phải đến năm 2030, Ba Lan, với dân số 37,5 triệu, mới có đủ 6 sư đoàn bộ binh trang bị hiện đại. Có thể lúc đó đã muộn chăng ?
Theo đánh giá từ chuyên gia Marek Budzisz, nếu bị tấn công từ phía Đông vào lúc này, Ba Lan chỉ cầm cự được chưa tới 2 tuần và có thể mất toàn bộ vùng bờ Đông sông Vistula, tức là một nửa lãnh thổ. Do vậy, nhiều tờ báo cho rằng Ba Lan cần đưa toàn dân vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, theo mô hình Phần Lan, để có hàng triệu quân dự bị chờ chống trả Nga.
Hiện nay ở Ba Lan ai muốn đi tập quân sự 3 tháng thì công ty, công sở phải cho nghỉ làm ăn lương và quân đội sẽ bố trí các khóa huấn luyện quân sự cho họ. Những ai trong độ tuổi bị điều động muốn vào lính một năm thì nhà nước sẵn sàng tuyển.
Từ cuối năm 2024, Ba Lan đưa tập quân sự trở lại trường phổ thông, để học sinh 14 tuổi trở lên học về kỹ năng ứng phó khi có tình trạng khẩn cấp, làm quen với các loại vũ khí mô phỏng, ví dụ súng bắn laser trên máy tính, trò chơi điện tử... Chỉ có sinh viên 21 tuổi trở lên, nếu muốn, mới được học bắn súng thật.
Chiến tranh Ukraina : Ba Lan không tin vào « thiện chí » của Nga
Đa số người dân Ba Lan không tin cuộc chiến ở Ukraina sẽ chấm dứt trong 2-3 tháng tới, khác hẳn những gì chính quyền Trump tự khen tiến triển đàm phán với Nga về Ukraina. Một điều tra của United Surveys (cho trang Wirtualna Polska) được báo Ba Lan đăng hôm 05/04/2025 cho thấy 65,1% người được hỏi không tin là cuộc chiến ở Ukraina sẽ sớm chấm dứt, và 14,2% cho rằng “không biết, khó trả lời”.
Điều đáng chú ý là điều tra dư luận của CBOS cho thấy chỉ có người lao động, công nhân, kỹ thuật viên tỏ ra sẵn sàng tham gia bảo vệ tổ quốc, trong khi tầng lớp có học, có tiền thì không, thậm chí cho rằng, nếu “có biến”, họ lái xe chạy ra nước ngoài. Điều này trái với luật Tổng động viên của Cộng hòa Ba Lan (bản mới tháng 19/2024), quy định người đã có thẻ dự bị quân sự phải có mặt ở đơn vị quân sự gần nhất trong vòng 6 tiếng đồng hồ sau khi tổng thống Ba Lan tuyên bố tổng động viên. Số người được điều động sẽ gồm khá nhiều phụ nữ, chứ không chỉ có đàn ông, ví dụ sinh viên y khoa là nữ, y tá, hộ lý, kỹ sư hóa học...
Đối với những người song tịch, luật Ba Lan quy định những ai có cả quốc tịch một nước thuộc khối NATO thì không cần phải trình diện với lãnh sự quán Ba Lan tại nước đó, bởi đằng nào thì thanh niên nam ở những nước thành viên NATO cũng thuộc sự quản lý của nước sở tại và Ba Lan sẽ không đi truy tìm công dân song tịch ở các nước đồng minh.
Một điều tra dư luận khác của CBOS mới được công bố hôm 15/04/2025 cho thấy một bức tranh khá bi quan về tình hình an ninh khu vực Đông Âu và Baltic, theo đa số người dân Ba Lan. Họ nghĩ rằng nước Nga không phải là một quốc gia bình thường, và còn thiếu vắng kiểm soát quyền lực hay cơ chế giám sát chéo hơn cả thời Liên Xô, khi tổng bí thư Đảng Cộng sản ít nhiều còn phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị.
Nước Nga ngày nay, theo đa số người dân Ba Lan, là do tổng thống Vladimir Putin và một nhóm rất nhỏ quanh ông ta điều khiển, và đã bước vào con đường chiến tranh, đã quân sự hóa nền kinh tế để phục hồi đế chế Nga, nên mối đe dọa trực tiếp từ Nga với Ba Lan là thường trực và lâu dài, chừng nào còn ông Putin.
Đối với Ba Lan, an ninh khu vực là vấn đề lâu dài và mang tính sinh tử. Một mặt họ vẫn phải chờ xem Mỹ và NATO làm gì và đang tăng cường liên kết với Pháp, Anh và Đức, mặt khác họ không tin tưởng gì vào “thiện chí” từ nước Nga hiện nay và không tin là cuộc chiến ở Ukraina chấm dứt nhanh chóng.
Nguyễn Giang
15/05/2025
Nguồn: RFI Tiếng Việt