Mối thâm thù Ấn Độ và Pakistan (Anh Vũ - RFI)

 

Từ gần 80 năm nay, hai cường quốc hạt nhân ở châu Á đã nuôi dưỡng mối thâm thù bắt nguồn từ sự phân chia lãnh thổ của Đế quốc Anh ở Ấn Độ sau khi những nhà thực dân rời đi.

Gandhi, nhân vật kiệt xuất của dân tộc Ấn Độ, đã tiên đoán sự phân chia tiểu lục địa Ấn Độ thành một quốc gia Hồi giáo và một quốc gia Hindu sẽ để lại di sản khủng khiếp? có thể sẽ dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh. Trong gần 80 năm qua, cuộc ly hôn đẫm máu năm 1947 giữa Ấn Độ và Pakistan sau khi giành độc lập từ Đế quốc Anh đã để lại sự hiềm khích không nguôi và chính điều đó đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh.

Hai nước đã rơi vào cuộc khủng hoảng mới từ vụ tấn công khiến 26 người thiệt mạng hôm 22 tháng 4 vừa qua tại Kashmir của Ấn Độ, đây là vụ tấn công chết chóc nhất nhằm vào dân thường trong khu vực từ hơn hai mươi năm qua. New Delhi cáo buộc nước láng giềng, Pakistan phủ nhận ngay lập tức. Các lệnh trừng phạt đã được đưa ra và các vụ đấu súng giữa quân đội hai nước tại biên giới vẫn xảy ra. Sự leo thang có thể trở nên nghiêm trọng gây nhiều lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân.

Ngược lại lịch sử, vào những năm 1930, hy vọng về nền độc lập đã dấy lên trong một dân tộc, đang bị chia rẽ, được dẫn dắt bởi một nhân vật thần thánh nuôi dưỡng giấc mơ về một quốc gia thống nhất: Đó là Mahatma Gandhi. Các phong trào đấu tranh thành hình cho đến khi Đảng Quốc Đại phát động chiến dịch “Quit India” ( Rời khỏi Ấn Độ)  vào năm 1942.

Để loại bỏ Đế chế Anh, đế quốc đã xây dựng công trình thuộc địa lớn nhất trong lịch sử trên tiểu lục địa Ấn Độ trong hơn hai thế kỷ, Gandhi đã cố gắng hết sức để đưa tất cả các phe phái đi đến thống nhất.

Nhưng tham vọng lịch sử của Grandhi đã gặp phải trở ngại lớn. Đó là   Muhammad Ali Jinnah, một luật sư kiên định ở Bombay. Ông đòi hỏi một Nhà nước riêng cho người Hồi giáo. Cùng với Liên đoàn Hồi giáo nhiều thế lực, ông bảo vệ việc thành lập Pakistan tức  ” xứ sở thuần khiết”, chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Hindu, đang hy vọng áp đặt một quốc gia mà ở đó chủng tộc Hindu chiếm vị thế là siêu đẳng.

Nhân danh chủ nghĩa dân tộc Hinduva, một nhà chính trị tên là Savarkar phản đối đường lối đoàn kết và bất bạo động do Gandhi cổ vũ. “Ông ta ấp ủ giấc mơ xây dựng lại một đế chế vĩ đại trải dài từ nguồn sông Indus đến sông Brahmaputra, từ dãy Himalaya tuyết phủ đến mũi Comorin. Ông căm ghét người Hồi giáo; trong xã hội Hindu mà ông hình dung, ông không để cho họ có một vị trí nào”, Dominique Lapierre và Larry Collin, hai nhà văn, nhà báo Pháp kể lại trong một ký sự lịch sử Đêm Tự Do, mà họ viết về sự kiện lớn này của thế kỷ 20.

Trước năm 1947, không hề có quốc gia “Ấn Độ” hay “Pakistan” độc lập như ngày nay. Cả hai đều nằm trong một đơn vị hành chính chung do Anh kiểm soát, gọi là Ấn Độ thuộc Anh. Việc phân chia năm 1947 mới tạo ra hai quốc gia riêng biệt lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại.

Việc phân chia không dựa trên các ranh giới tự nhiên, ngôn ngữ hay lịch sử mà dựa chủ yếu vào tôn giáo, và được chính quyền thực dân Anh công bố vào ngày 3 tháng 6 năm 1947. Vùng có đa số dân là người Hindu được giữ lại trong nước Ấn Độ mới.  Phần đất có đa số dân Hồi Giáo được tách ra thành một nước mới gọi là Pakistan, gồm hai phần:  tây Pakistan (Pakistan hiện tại) và đông Pakistan nay là Bangladesh (tách khỏi Pakistan từ năm 1971). Hai vùng này cách nhau 1600 km, ngăn cách bởi lãnh thổ Ấn Độ

Vào ngày 15 tháng 8 năm 1947, chính phủ đầu tiên của Ấn Độ độc lập đã tuyên thệ nhậm chức. Về phần mình, Muhammad Ali Jinnah ăn mừng quốc gia Hồi giáo mới và lễ đăng quang của ông với tư cách là toàn quyền. Ván cược của Gandhi đã không thành công. Trong khi đám đông khổng lồ ăn mừng ngày độc lập thì những cuộc thảm sát khủng khiếp đang được chuẩn bị.

Những tuần tiếp theo thật là bi thảm. Cuộc chia cắt trong độc lập đã đẩy gần 15 triệu người ra đường, tạo nên một trong những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử thế giới. Người Hồi giáo hướng về lãnh thổ Pakistan, người Hindu và người Sikh đi về phía ngược lại. Làn sóng di cư này đã gây ra các cuộc bạo loạn và thảm sát khiến một triệu người thiệt mạng.

Punjab, vùng đất máu

Có một vùng lãnh thổ tang tóc trong thảm kịch này đó là Punjab. Hòn ngọc quý trên phần lãnh thổ  Ấn Độ.  “Là vùng đất có những dòng sông lấp lánh, những đồng bằng trù phú phủ đầy hoa màu, một ốc đảo được các vị thần ban phước giữa bán đảo khô cằn”, Dominique Lapierre và Larry Collins viết.

Trong số các con sông cung cấp nước cho nơi này, sông Indus, được lấy tên gọi cho tiểu lục địa Ấn Độ. Lưu vực con sông này trong lịch sử đã từng là một trong những tuyến đường xâm lược lớn nhất vào  Ấn Độ, của các đội quân Macedonia của Alexander Đại đế,  quân đoàn Ba Tư của Darius đến các vị lãnh chúa đạo Hồi và sau đó là các đoàn quân chinh phục Trung Á đã thiết lập sự thống trị của đế chế Hồi giáo Mughal trong nhiều thế kỷ.

Là ngã tư của nhiều vùng ở Ấn Độ, Punjab đã chứng kiến ​​một số vụ tàn sát bạo lực nhất vào năm 1947. Khi đó, lực lượng dân quân Hồi giáo đã san bằng các ngôi làng của người Sikh (tôn giáo độc thần của khu vực này), giết hại phụ nữ và trẻ em trong trận càn. Những chuyến tàu chở người tị nạn Hồi giáo đến đất nước Pakistan mới chất đầy hàng ngàn xác chết.

Liên tiếp chiến tranh

Sau khi giành được độc lập, cùng với hàng trăm ngàn người chết, một cuộc chiến đã nổ ra vào mùa thu năm 1947 giữa hai quốc gia mới để giành quyền kiểm soát Kashmir, nơi đã được sáp nhập vào Ấn Độ. Một lệnh ngừng bắn được tuyên bố vào ngày 1 tháng 1 năm 1949 dọc theo “Đường kiểm soát” dài 770 km chia Kashmir thành hai phần: 37% thuộc về Pakistan (Azad-Kashmir) và 63% thuộc về Ấn Độ (Bang Jammu và Kashmir). Bất chấp thỏa thuận này, cả hai quốc gia vẫn tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ. Năm 1948, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết về việc tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết, tuy nhiên, nghị quyết này vẫn chỉ là chứng thư chết vì New Delhi phủ nhận.

Sau đó, Ấn Độ và Pakistan lại đụng độ nhau trên chiến trường hai lần. Năm 1965, một ngàn quân ly khai được Pakistan hậu thuẫn đã xâm lược Kashmir của Ấn Độ. Liên Xô đã nhảy vào đứng làm trung gian sau cuộc giao tranh đẫm máu và hàng nghìn người chết. Sau đó, vào năm 1971, Pakistan đã đưa quân vào phía đông lãnh thổ của mình, Đông Bengal, để đàn áp phong trào ly khai tại đó. Quân đội Ấn Độ can thiệp. Cuộc chiến kết thúc chín tháng sau đó với nền độc lập của vùng đất mang tên gọi Bangladesh, với cái giá phải trả là ba triệu người thiệt mạng.

Năm 1989, Ấn Độ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy ly khai mới khiến cộng đồng người Hindu ở Kashmir thuộc Ấn Độ phải chạy trốn đến các khu vực khác. Năm 1999, New Delhi cáo buộc Islamabad đã đưa các chiến binh Hồi giáo và binh lính Pakistan xâm nhập vào khu vực Kashmir của mình để kiểm soát sông băng Siachen, ở độ cao hơn 5.000 m. Cuộc giao tranh ác liệt đã khiến hơn một nghìn người thiệt mạng.

Kể từ đó, các vụ tấn công diễn ra thường xuyên, chẳng hạn năm 2001, một cuộc tấn công xảy ra trước Hội đồng vùng  Kashmir của Ấn Độ ở Srinagar khiến 38 người thiệt mạng. Sau đó vào năm 2008 tại Bombay, các chiến binh thánh chiến đã gây ra cái chết của 166 người. Những nỗ lực đối thoại và con đường hướng tới hòa bình liên tục bị phá hoại. Cuộc đụng độ gần đây nhất là vụ tấn công năm 2019 khiến 40 lính bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng, khiến New Delhi phải  mở các cuộc không kích trên lãnh thổ Pakistan để đáp trả.

(Theo Le Figaro)

Anh Vũ

(07/05/2025)

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Đường dẫn bài gốc