Mở ra kinh tế tư nhân để giấc mơ Việt Nam được tồn tại (Chu Tuấn Anh)

 1.     Con tàu Việt Nam đang dần dừng lại nếu không có một động cơ mới

Trong những ngày gần đây, chúng ta thấy được sự nhìn nhận ngày càng lớn của lãnh đạo chế độ Cộng sản Việt Nam thông qua ông Tô Lâm về tầm quan trọng của một nền kinh tế tư nhân với phát triển kinh tế của đất nước, và Bộ chính trị cũng đã ban hành nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng tại sao họ nói về phát triển kinh tế tư nhân ở thời điểm này? Nguyên nhân có thể thấy rất rõ là một tình trạng kiệt quệ thấy rõ trong xã hội Việt Nam ở thời điểm gần đây, và một tình trạng biến động vô cùng nhanh chóng nằm ngoài khả năng ứng phó của chế độ.

Việt Nam thực sự đã phát triển rất nhanh kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2006, thoát khỏi tình trạng đói nghèo cùng cực và mức thu nhập thấp vào năm 2010, và thu hút một lượng lớn FDIs vào Việt Nam kể từ năm 2014 khi có những dấu hiệu Mỹ “chuyển trục” về mặt trận châu Á-Thái Bình Dương trước sự xấu đi trong mối quan hệ Mỹ-Trung, và hành động thô bạo đánh đuổi các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc. Nhưng xét cho cùng, đó là một sự tăng trưởng có được của một nước nghèo, với mọi thứ còn sơ khai; cộng thêm một điều kiện dân số, địa chính trị thuận lợi- một làn sóng toàn cầu hóa như vũ bão đã kéo mọi con tàu đi rất nhanh. Nhưng khi phong trào toàn cầu hóa bị phán xét, con tàu Việt Nam bỗng chốc đứng khựng lại vì nó được duy trì bởi một động cơ già cỗi, hỏng hóc và trong tình trạng không thể sửa chữa (chính là chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc tài, toàn trị vẫn tồn tại cho đến ngày nay).

Trước hết, mở ra một nền kinh tế tư nhân để thay một động cơ mới cho nền kinh tế Việt Nam là vô cùng cần thiết. Nhưng dù gì kinh tế tư nhân cũng chỉ là một trong những điều cần phải làm trong rất nhiều điều cần thiết khác như một nội hàm của tiến trình dân chủ hóa. Và một cố gắng cải tổ kinh tế không thể thực hiện được nếu không có một cố gắng về chính trị đặt lên trước- nghĩa là một thay đổi chính trị.

2.     Nhìn nhận kinh tế tư nhân là phải nhìn nhận về tương quan, và những ai là đa số

Tôi có theo dõi một cuộc thảo luận do ông Nguyễn Sĩ Dũng dẫn dắt và bao gồm một nhóm chuyên gia trong Quốc Hội, và đại diện khối doanh nghiệp. Cuộc thảo luận dường như đặt nặng một tinh thần rằng cần “mở ra”, “bung ra”, hay tháo chốt để đất nước được phát triển: Họ nhắc lại những cuộc cải cách hành chính vào những năm 2000 khi đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, chuyển từ loại hình cấp phép sang đăng ký rút ngắn hàng trăm ngày, bãi bỏ các loại giấy phép không cần thiết, chồng chéo; và hiện giờ cần chuyển sang tư duy doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm hơn là chờ đợi sự cho phép,… Nhưng nếu đặt vấn đề theo một cách như vậy thì cũng không khác gì một hình thức tố cáo rằng thực ra chính chế độ Cộng sản Việt Nam là sợi dây trói buộc kinh tế tư nhân thông qua sự toàn trị độc đoán, những sự cấm đoán, quan liêu khiến cho “tư nhân” Việt Nam không thể phát triển sau 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất? Một câu hỏi đặt ra là ngay cả khi chế độ có một quyết tâm cải tổ và chuyển sang nền kinh tế tư nhân, họ có làm được không?

Đầu tiên, họ phải trả lời nghiêm túc điều gì là tiên quyết để mở ra một nền kinh tế tư nhân?  Chế độ và chuyên gia của chế độ đều nhìn nhận rằng “tư nhân” đóng góp trên 50% GDP của đất nước, 30% nguồn thu ngân sách, và quan trọng hơn cả là 82% công ăn việc làm cho đất nước. Nhưng tại sao phải nêu ra những con số này? Câu trả lời là nó cho người ta thấy một cảm quan về trọng lượng, và sự hiện diện của một đa số mà chúng ta buộc phải nhìn nhận.Có nghĩa chuyển đổi sang kinh tế tư nhân là nhìn nhận rằng chúng ta phải chuyển đổi trọng lượng kinh tế và chỗ đứng từ phía chính quyền, và một thiểu số tài phiệt, tư bản thân hữu về khối quần chúng. Nhưng sau một vài thập kỷ họ đã chỉ thực hiện những chính sách kinh tế cướp bóc- nghĩa là để cho những công ty bất động sản chiếm đoạt đất đai để phân lô bán nền, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở thông qua những chính sách bồi thường rẻ mạt, chính quyền sẵn sàng hỗ trợ “doanh nghiệp” đàn áp những người chống đối hoặc khiếu nại; từ đó tạo ra hàng triệu người dân oan, những vụ đại oán oan sai như Đồng Tâm, Lộc Hưng, Thủ Thiêm; và nhiều người trong số 364 tù nhân chính trị chế độ vẫn đang giam cầm hiện tại là nạn nhân trực tiếp của chính sách không nhìn nhận quyền tư hữu về đất. Như vậy, không thể có một mệnh lệnh chính trị nào muốn mở ra một khối kinh tế tư nhân làm động lực của phát triển nếu chế độ vẫn duy trì một cánh tay đàn áp quần chúng, tạo ra những oan sai về kinh tế- xã hội; và không nhìn nhận các quyền tự do chính trị và dân sự của con người mà tôi đã lập luận như công cụ và tư liệu vô hình của một nền kinh tế mới? Không thể mở ra một nền kinh tế tư nhân nếu không nhìn nhận tương quan về lực lượng, và chỗ đứng của quần chúng- tư nhân với chính quyền; và càng không thể tước đoạt những công cụ, tư liệu lao động cần phải có cho nền kinh tế tư nhân. Chuyển đổi sang nền kinh tế tư nhân bắt buộc phải có một tiến trình dân chủ hóa để đảm bảo, và mở rộng những quyền tự do của con người, các cố gắng khôi phục công lý, nhân phẩm của những người đã từng là nạn nhân của một thể chế bất công. Chúng ta có thể mất nhiều thời gian để đi vào chi tiết, nhưng cố gắng đó đi xa hơn rất nhiều với việc “bung ra”, “tháo chốt” mà họ nghĩ chỉ như vậy là đủ.

3.     Mô hình nào cho nền kinh tế tư nhân?

Chúng ta cũng phải đặt một câu hỏi “thế nào là tư nhân”? Gần đây trong bối cảnh chế độ đang kêu gọi mở cửa nền kinh tế tư nhân để tạo động lực cho phát triển, điều đó cũng có nghĩa là nhìn nhận những chính sách đầu tư công cẩu thả hoang dại như điện hạt nhân- đất hiếm, dự án đường sắt cao tốc không có một triển vọng nào có thể thực hiện và là một cửa thoát hiểm của đất nước. Nhưng có một số “tư nhân” vẫn đang âm thầm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của đất nước thông qua những đặc quyền và được hưởng những chế độ riêng. Ông Phạm Nhật Vượng và gia đình của mình thành lập ra Vinspeed yêu cầu nhà nước cho vay 49 tỷ USD với lãi suất 0% trong vòng 35 năm để thực hiện dự án. Chúng ta cũng biết rằng nợ của VinGroup đã vượt qua 700,000 tỷ đồng- 4,47 lần tổng vốn sở hữu, một trong những mũi nhọn VinFast của họ cũng lâm vào tình trạng thua lỗ và đang phải đóng cửa tại khắp Hoa Kỳ và châu Âu sau một thời gian cố gắng đưa VinFast ra ngoài thế giới. Trước đó, thì Vingroup đòi chiếm đoạt Cần Giờ với dự án đường sắt kết nối Cần Giờ, khu đông thị vượt biển và hệ thống resort- nghỉ dưỡng sinh thái bất chấp Cần Giờ là một khu vực hiếm hoi còn hệ thống rừng nguyên sinh ngập mặn và phải được bảo tồn một cách rất thận trọng vì tương lai của Việt Nam và khu vực Đông Nam Bộ trước bối cảnh Biến Đổi Khí Hậu. Nhưng họ làm như thế thì có trái ngược gì với Nghị quyết 68 nêu ra “Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia”, hay “Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” đâu”. Họ có thể biện minh cho hành động chiếm đoạt tài nguyên đất nước, chiếm dụng vốn đầu tư công để cứu nguy thua lỗ cá nhân của mình là giúp chế độ phát triển “kinh tế tư nhân”.

Một nền kinh tế tư nhân tuyệt đối không cần những tư nhân như vậy. Chúng ta cần những doanh nghiệp với một quy mô đủ lớn để trong ngắn hạn có một năng lực tham gia vào những ngành công nghiệp bậc cao, và lâu dài là không phải rời khỏi thị trường Việt Nam để mở rộng quy mô và thị trường khách hàng, nhưng cũng không cần những quy mô quá lớn để ép buộc nhà nước hưởng những đãi ngộ, và quy chế riêng so với những doanh nghiệp tư nhân khác. Nhưng đại đa số của “tư nhân” vẫn là tập hợp những doanh nghiệp vừa và nhỏ cho một nền kinh tế năng động và có thể dễ dàng tái cơ cấu.

Trên tình thần đó, chúng ta cũng cần nuôi dưỡng một tầng lớp doanh nhân lương thiện, có năng lực quản lý và lãnh đạo, dám mạo hiểm, có trách nhiệm và tình cảm với đất nước thay vì một tầng lớp doanh nhân giả phục vụ cho những chế độ cướp bóc. Dù vậy, sự lương thiện chỉ có thể được nuôi dưỡng trong một thể chế lương thiện, cởi mở và tất nhiên nó không thể có trong một chế độ độc tài toàn trị mà bản chất là cướp bóc được.

4.     Có thể chỉ cải tổ hành chính để mở ra nền kinh tế tư nhân?

Những chuyên gia trong cuộc thảo luận do ông Nguyễn Sĩ Dũng không hẳn là sai khi chỉ nêu vấn đề về các thủ tục hành chính quan liêu kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, họ lại đề cao thái quá về tác dụng của việc lược bỏ những thủ tục mà họ gọi là de-regulations hay “máy chém về thể chế”. Việc lược bỏ thủ tục hành chính trong một bộ máy cai trị đàn áp sinh đẻ ra những quy định, văn bản để bóc lột là cần thiết, nhưng ngay cả khi chế độ thực hiện nó cũng không dẫn đến một thể chế chuẩn mực và lương thiện mà chỉ để lại một thể chế đơn giản đến vô pháp, hỗn loạn- mà những kẻ đàn áp sẽ tự do cướp bóc, đàn áp mà không bị kìm kẹp bởi văn bản. 

 Những người cổ vũ cho việc “tháo chốt”, “bung ra”, lược bỏ thủ tục hành chính tất nhiên họ có ý đúng, nhưng sự đúng đắn nửa vời để biện minh cho một thứ là sai thì vẫn là sai hoàn toàn mà thôi. Cái chúng ta cần làm là định nghĩa lại vai trò của nhà nước, chính quyền- như trong khai sáng đã đề ra là nhà nước sẽ không làm những gì mà tư doanh có thể làm được, sẽ tập trung vào đảm bảo sự ổn vững đồng tiền, ngăn ngừa cạnh tranh bất chính, đầu tư vào nhiều triển vọng mà tư nhân chưa dám hoặc chưa đủ khả năng đầu tư, đảm nhận một số công trình khảo cứu, nghiên cứu và dự phòng cần thiết; Nhà nước cũng có chức năng cảnh giác trước những khuynh hướng kinh doanh có hại và khuyến khích những hoạt động kinh tế có lợi, nhưng nhà nước thực hiện chức năng này chủ yếu bằng thông tin và nâng đỡ chứ không phải bằng mệnh lệnh và cấm đoán.

Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ không duy trì một bộ máy để cai trị mà để quản lý và nâng đỡ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam- hạt nhân của phát triển, và con người Việt Nam- vừa là lao động, vừa là khách hàng của khối doanh nghiệp. Chúng ta không chỉ chấp nhận cải cách hành chính trong khuôn khổ chế độ độc tài để phải thừa nhận rằng nó không thực hiện được (vì chế độ đẻ ra những quy định để cai trị và bóc lột), hoặc lược bỏ hoàn toàn mọi quy chuẩn kiểu “máy chém” để lực lượng cướp bóc tự do cướp bóc mà không cần luật pháp hay văn bản dù chỉ được duy trì một cách giả tạo. Điều chúng ta cần không phải là những quy định quan liêu (over-regulation), hay lược bỏ quy chuẩn một cách cẩu thả (under-regulation), chúng ta cần một thể chế duy trì pháp luật một cách thực nghiệm, có thể áp dụng được, và dựa trên những án lệ (proper regulation).

Đến đây, chúng ta cần phải nói thêm rằng ngay cả một nhà nước dân chủ, tình trạng bất bình đẳng và thiên lệch trong xã hội giữa các “tư nhân” vẫn có thể xảy ra- nghĩa là một thiểu số doanh nghiệp lớn kiểm soát hầu hết tài sản quốc gia. Điều này trái với mục đích của việc mở ra nền kinh tế tư nhân là nhìn nhận vai trò của người dân, một lực lượng chiếm đa số trong xã hội. Chúng ta sẽ thực thi một nhà nước nhẹ và chỉ làm đúng vai trò của mình, nhưng sẽ không thể đặt nhẹ vai trò tái phân bố lợi tức của xã hội thông qua các chính sách liên đới xã hội- giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, và đầu tư cho xã hội dân sự. Chúng ta cần một nền kinh tế tư nhân tương đối đồng đều về quy mô giữa các doanh nghiệp; đem lại một mức bình đằng, một sự đồng đều tương đối (dù không thể có tuyệt đối), và đem lại một nguồn lợi tức để tài trợ cho một giấc mơ chung Việt Nam. Việc họ đặt ra câu hỏi “đổi mới hay là chết” có lẽ là một lối diễn giải rằng chế độ sẽ sụp đổ nếu không thể cải tổ. Tuy nhiên, đất nước Việt Nam lớn hơn tất cả, chúng ta phải dân chủ hóa để giấc mơ Việt Nam còn tồn tại, và tồn tại như một giấc mơ đáng kể và tham vọng. Và chúng ta không nên đặt nặng với nhau về sự sống còn của chế độ khi ngôi nhà chung và an toàn nhất cho mọi người Việt Nam là đất nước Việt Nam, không phải là chế độ cộng sản.


5.     Vấn đề thế giới trong nền kinh tế tư nhân Việt Nam

Có một điều mà các chuyên gia và chế độ cũng phải thừa nhận là các doanh nghiệp FDI dù là những cơ hội lớn nhưng cũng đang trở thành một vấn đề khi họ có nhiều phương tiện và áp lực với chính quyền để không phải đóng những khoản thuế có trách nhiệm và kéo theo những mạng lưới đối tác cấp hai, cấp ba của mình và loại bỏ doanh nghiệp tư nhân nội địa khỏi chuỗi cung ứng. Như vậy, chúng ta có một “vấn đề thế giới” trong nền kinh tế của Việt Nam. Tất nhiên chúng ta không thể đánh đuổi thô bạo, và đẩy một thứ dân tộc chủ nghĩa cực đoan như Trung Quốc đã làm mà tôi đã trình bày trong bài viết Điều gì sai khi ông Tô Lâm trích dẫn hình mẫu kinh tế tư nhân Trung Quốcthực tế chúng ta cũng không thể có một chính sách phân biệt nào quá đáng tạo ra cạnh tranh bất lợi, trái với quy tắc WTO với doanh nghiệp FDI, nhưng chúng ta sẽ cần không ngừng khuyến khích, nâng đỡ chủ yếu bằng thông tin cho những doanh nghiệp trong nước để tạo ra một khối lượng và vai trò đáng kể trong cán cân doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI- từ đó đòi hỏi một vai trò lớn của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng. Mặt khác, chúng ta cũng sẽ dựa vào các định chế quốc tế, các cam kết quốc tế, tổ chức phi chính phủ để yêu cầu một trách nhiệm về thuế và xã hội từ phía khối FDI.

Trung Quốc vẫn sẽ triệt thoái và giải nhiệm khỏi vai trò cường quốc sản xuất và Việt Nam vẫn còn một cơ hội thu hút nguồn vốn FDI, nếu chúng ta khiêm tốn, quả quyết với dân chủ và hội nhập quốc tế. Mặt khác, sự triệt thoái của Hoa Kỳ sẽ tạo ra những bất lợi trong ngắn hạn khi chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại tự do, tiếp cận thị trường tiêu thụ của thế giới trở nên gián đoạn. Tuy vậy, đó cũng chỉ là một cơ hội để nhìn nhận một số điều kiện ưu đãi đến từ bên ngoài đã chấm dứt, và trong thời điểm này cần có những động lực mới để kinh tế phát triển- như kinh tế tư nhân, thị trường nội địa- những điều sẽ chỉ có được như một kết quả của tiến trình dân chủ hóa.

6.     Nền kinh tế tư nhân, công lý, và hòa giải dân tộc

Chắc chắn rằng, trong một nền kinh tế mà khối tư nhân chiếm đa số, sẽ có vô vàn những tranh chấp dân sự- điều đó cần một cố gắng về pháp trị. Chúng ta cũng đã nhận diện về một cuộc khủng hoảng về kinh tế cấp tính hiện tại sẽ sớm xảy ra trong năm nay, nhưng chúng ta cũng có một cuộc khủng hoảng khác là cuộc khủng hoảng về công lý– như một hệ quả cho một thể chế cướp bóc, bất công tạo ra những danh sách dân oan, tù nhân chính trị nối dài. Chúng ta cần phải có một cố gắng rất lớn để khôi phục trật tư công lý trong xã hội để các hoạt động dân sự có thể được diễn ra. Việc kêu gọi mở rộng nền kinh tế tư nhân- với sự gia tăng cường độ của các sinh hoạt dân sự nhưng vẫn duy trì một thể chế bất công và khủng hoảng về công lý như hiện tại chỉ làm cho đất nước và xã hội Việt Nam đi vào loạn lạc và bế tắc.

Vượt lên nhu cầu khôi phục về công lý, và phẩm giá con người; chúng ta cũng cần một thứ tình cảm khác là tinh thần hòa giải dân tộc. Hòa giải dân tộc là một triết lý chính trị để con người đồng ý với nhau nhiều hơn là bất đồng, nhìn nhận nhau như một phần của đất nước Việt Nam. Đó là một yếu tố quan trọng trong văn hóa hợp tác và giải quyết những tranh chấp. Nhưng những gì chế độ đã thể hiện vào ngày 30/4/2025 chỉ là một lời khẳng định họ không có khả năng hòa giải dân tộc.

Họ cần thành thực không chỉ về thực trạng của chế độ, mà còn những gì họ có thể làm được- không thể tiếp tục kêu gọi mở ra kỷ nguyên mới, kêu gọi cởi trói cho kinh tế tư nhân khi họ không có khả năng để thực hiện những điều đó. Cần chấm dứt một hành động làm lãng phí thời gian quý báu của đất nước khi đất nước đang ở trong một tình trạng khẩn cấp khi động cơ để đi tiếp của đất nước Việt Nam đã hỏng ngoài khả năng sửa chữa, và chúng ta cần nhanh chóng lắp đặt một động cơ mới để tiếp tục vận hành đất nước và giấc mơ Việt Nam.

Chu Tuấn Anh

14/05/2025