Trong khi dịch Covid-19 đang lên cao điểm ở Mỹ và Châu Âu thì Trung Quốc lại tích cực tuyên truyền vai trò "người hùng giải cứu thế giới" của mình. Nhưng thế giới chỉ càng thêm thất vọng trước những hành xử gian trá của Trung Quốc khi một mặt kiểm soát người dân như một lực lượng chiếm đóng, giấu nhẹm dịch bệnh, mặt khác lại cung cấp những thiết bị y tế kém chất lượng, đưa điều khoản ép buộc các nước cần mua hàng y tế dấm dúi thông tin bất lợi cho họ...Hậu quả là thế giới choàng tỉnh, "người hùng" Trung Cộng càng lộ rõ chân tướng là một chế độ gian trá vì bản chất độc tài của họ. Hậu đại dịch, khối các nước dân chủ sẽ quả quyết hơn trước một chế độ CSTQ bá quyền. Kinh tế từ nay sẽ không phải là tất cả. Con người, bảo vệ môi trường - cũng thuộc vào quyền con người, phải là ưu tư trên cả lợi ích kinh tế và hàng hóa giá rẻ. Chế độ CSTQ sẽ rất khốn đốn vào những ngày tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Le Point tuần này có bài xã
luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề: ‘‘Trung
Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông’’. Bài viết so sánh đại dịch
Covid-19, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với
cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008. Nhà báo Le
Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc
đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên,
cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu ‘‘làn sóng dân túy bùng
lên’’ sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc ‘‘có thể sẽ phải
chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh,
trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế
giới’’.
Bắc Kinh hiện rõ chân tướng
Cuộc
khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã ‘‘xử lý một
cách mẫu mực’’, cho thấy rõ ‘‘bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc,
gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực’’.
Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng ‘‘dịch bệnh đã bị bưng bít
hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan
rộng’’. Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo.
Lãnh
đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông
để lại: Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính
đến những người chết vì Covid - 19 tại gia đình. Theo thống kê mới điều
chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng.
Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000
người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số
nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Covid - 19, vừa
chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán.
Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì
bệnh Covid -19.
Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày tình trạng kiểm
soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc. Bắc
Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp
nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như
thiết lập các ‘‘hộ chiếu y tế’’ cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói
chung, do tập đoàn Alibaba quản lý. Việc sử dụng máy bay không người lái
để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người
qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn
không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát
gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện
nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ
thất nghiệp, bị hạ lương. Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình
trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt
buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu
cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu
cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt).
Về mặt địa chính
trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện
nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn
toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới
đang ngừng ‘‘phương Tây hoá’’, các nền dân chủ thể hiện đang bất lực,
còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng
ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua
các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu
tiên là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch
này làm nổi bất tính chất tương phản sâu xa, đằng sau ‘‘thế thượng
phong bên ngoài của Trung Quốc’’, một quốc gia có nền công nghệ phát
triển, là các hành xử ‘‘rất cổ hủ’’. Những thiệt hại ghê gớm cho thế
giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc.
‘‘Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’
‘‘Chủ
nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’ là tựa đề một bài phân tích
khác của Le Point, ghi nhận cuộc đại khủng hoảng 2020 đang làm tăng tốc
tiến trình tan rã của cơ chế hợp tác quốc tế, được đặt nền móng từ sau
Thế chiến Hai. Le Point trở lại với cội nguồn của trật tự thế giới hiện
nay, với nhận định của cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính trị gia Thụy
Điển Dag Hammarskjöld: Mục tiêu xây dựng Liên Hiệp Quốc ‘‘không phải là
để đưa nhân loại đến thiên đường, mà là để giúp chúng ta không rơi
xuống địa ngục’’. Rốt cục, sứ mạng của Liên Hiệp Quốc đã thất bại : Đại
dịch này cho thấy rõ.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, định chế
phụ trách y tế của Liên Hiệp Quốc đã không đảm nhiệm được vai trò: WHO
bênh vực Bắc Kinh, gạt Đài Loan ra ngoài, trong khi nền dân chủ này đã
có chính sách đúng trong cuộc chiến chống dịch, WHO cũng không tiến hành
điều tra một cách không thiên vị nguồn gốc virus… Về phần mình, Hội
Đồng Bảo An cũng tồi tệ không kém. Ngày 10/04, định chế có vai trò lớn
đối với nền an ninh thế giới này mới họp lần đầu tiên về Covid-19, nhưng
không ra đuợc nghị quyết.
Dù sao, Le Point cũng kết thúc bài phân
tích với một sắc thái lạc quan, khi nhấn mạnh là, thời đại chúng ta cho
thấy, thường là sau mỗi lần trải qua chiến tranh hay khủng hoảng, nền
dân chủ, nhân quyền và hợp tác quốc tế lại được thiết lập. Sau mỗi lần
rơi vào đại thảm họa, nhân loại lại trở về tìm kiếm thống nhất và tinh
thần đoàn kết. ‘‘Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho việc tái xây
dựng hệ thống quan hệ quốc tế’’.
‘‘2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch’’
Đại
dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho một hệ thống quan hệ quốc tế mới.
Le Point có bài phỏng vấn nhà bình luận chính trị Thụy Điển Johan
Norberg cho thấy triển vọng này, với tiêu đề ‘‘2020 là năm tốt nhất để
đối phó với một đại dịch’’. Nhà bình luận Thụy Điển - theo quan điểm tự
do, ủng hộ tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, cho dù cần phải điều chỉnh -
tỏ ra tin tưởng là nền khoa học với trình độ và mức độ toàn cầu hóa như
hiện nay hoàn toàn có thể cho phép nhân loại đối phó tốt với đại dịch,
với điều kiện ‘‘phải đoàn kết’’. Theo ông, về mặt nghiên cứu khoa học,
chưa bao giờ quốc tế lại phản ứng mau lẹ như vậy với một bệnh dịch mới
xuất hiện: Khoảng một tuần sau khi virus được xác nhận, các nhà khoa học
Trung Quốc đã thiết lập được bản đồ gen, vào giữa tháng 2, các nhà khoa
học Đức đã chế được xét nghiệm nhanh…
Ra khỏi phong tỏa: Vẻ đẹp của ‘‘vũ điệu’' không tiếp xúc
Quan
điểm lạc quan của nhà bình luận Thụy Điển có thể mang lại một không khí
hưng phấn về dài hạn, nhưng trước mắt rất nhiều xã hội hiện nay đang
lúng túng trước viễn cảnh còn lâu mới có vác-xin, trong lúc thời kỳ
phong tỏa không thể kéo dài. Sống sao đây trong giai đoạn ra khỏi phong
tỏa, khi nguy cơ một đợt dịch mới bùng phát bất cứ lúc nào, là chủ đề
chính của tuần san Courrier International?
Thời kỳ hậu phong tỏa
sẽ chứng kiến một thay đổi lớn trong cách thức giao tiếp xã hội, xưa nay
dựa trên tiếp xúc cơ thể, từ cái bắt tay, ôm hôn, hay hôn má, tùy theo
mỗi nền văn hóa. Tiếp xúc cơ thể thuộc về nền tảng của quan hệ con
người. Tuy nhiên, giờ đây, giãn cách xã hội, tránh né tiếp xúc lại là
đòi hỏi bắt buộc của thời kỳ chung sống với Covid-19. Liệu một xã hội có
thể tồn tại bình thường không, khi mọi người không còn có những tiếp
xúc về cơ thể?
Theo một bài viết trên nhật báo Đức Süddeutsche
Zeitung, một kỷ nguyên ‘‘không tiếp xúc’’ là ‘‘không thể tránh khỏi’’.
Một bài viết khác trên Washington Post thì nhấn mạnh, đối diện với thảm
họa kinh hoàng, với bao người thiệt mạng do virus, thì ‘‘lối sống chắc
chắn sẽ bị đảo lộn hoàn toàn’’. Cây viết Gia Kourlas, một chuyên gia về
vũ đạo, trên New York Times, hình dung lối sống mới với nhiều chất thơ,
khi quan sát những cảnh tượng hoàn toàn mới mẻ trên đường phố New York,
khi giãn cách xã hội là điều bắt buộc, mỗi người như trở thành một diễn
viên múa, với những chuyển động lạ kỳ, tránh mọi tiếp xúc với người
khác. Những cảnh tượng, theo tác giả, mang lại một vẻ đẹp lạ thường.
Nạn quan liêu khiến Pháp điêu đứng
Trong
lúc Courrier International chú ý nhiều đến khía cạnh thi vị trong sự
thay đổi lối giao tiếp trong xã hội thời ra khỏi phong tỏa, thì Le Point
tuần này tập trung làm sáng tỏ những tệ hại của nền quan liêu khiến
nước Pháp sa lầy trong đại dịch Covid - 19, không những trong giai đoạn
phản ứng đầu tiên, mà đặc biệt trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa và phục
hồi kinh tế. Điều tra của Le Point đánh giá là chính phủ đã không xác
lập được một chính sách rõ ràng, giống như các nền dân chủ châu Á, hay
láng giềng Đức. Một nghị sĩ cánh trung ở vùng Haut-Rhin cáo buộc chính
phủ bỏ lỡ cơ hội hành động sớm ba tuần, khiến phong tỏa phải kéo dài,
gây thiệt hại ước tính 100 tỉ euro.
Ngoài vấn đề thiếu máy trợ
thở, thiếu khẩu trang nghiêm trọng, Le Point cũng nêu bật việc nước Pháp
thiếu chiến lược xét nghiệm, do thể chế quan liêu nặng nề. Từ năm 2013,
các phòng thực nghiệm y sinh về thú y không có quyền sử dụng các sinh
phẩm có nguồn gốc người, và ngược lại. Cho dù Viện Hàn Lâm Y Học Pháp
lên tiếng phản đối từ sớm, nhưng chỉ đến ngày 05/04 (tức hơn hai tuần
sau khi phong tỏa hãm dịch), chính phủ mới dỡ bỏ hạn chế này. Cũng trong
thời gian đó, tại Ý hay Đức, đã hoàn toàn không có sự đối lập như vậy.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến Pháp bị chậm chân trong sản
xuất xét nghiệm đại trà. Một ví dụ khác là việc Cơ quan y tế cấp vùng
(ARS) trong một thời gian dài đã không cho phép xét nghiệm nhân viên làm
việc tại các nhà dưỡng lão (Ehpad). Việc chậm xét nghiệm bị cáo buộc là
đã dẫn đến số người nhiễm virus và tử vong cao tại các Ehpad.
Theo
Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), có đến 20% chi phí y tế
tại Pháp là ‘‘không cần thiết, gây lãng phí khổng lồ cho công quỹ’'.
Theo chủ tịch Liên minh các bệnh viện Pháp (FHF), ông Frédéric
Valletoux, nước Pháp cần nhiều đầu tư hơn cho y tế, nhưng cần đầu tư một
cách thông minh hơn.
‘‘Hậu trường’’ chiến dịch gỡ phong tỏa: Sứ mạng gần như bất khả
L’Obs
tuần này chú ý đến ‘‘những vấn đề trong hậu trường’’ của chiến dịch ra
khỏi phong tỏa tại Pháp. Ý tưởng chính của phóng sự điều tra của L’Obs
là ‘‘phong tỏa dễ hơn rất nhiều so với việc ra khỏi phong tỏa. Chính
quyền hiện nay ý thức rõ đang phải đối mặt với một bài toán vô cùng hắc
búa. Phương pháp điều hành xã hội từ trên xuống, bằng uy quyền, sẽ là
không đủ, nhưng làm thế nào có thể chinh phục được dư luận, trong lúc
khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu, và các khiếu kiện nhắm vào chính quyền
đang xuất hiện ngày một nhiều?’’. Một nhân vật thân cận với tổng thống
giải thích: ‘‘Hiện tại, một kẻ thù chung (dịch bệnh) giúp chúng ta đoàn
kết… nhưng đến khi giai đoạn này chấm dứt, điều kinh khủng sẽ xảy ra,
các rạn nứt xã hội sẽ bùng lên…’’.
Nhiều nhân vật thân cận với
tổng thống Emmanuel Macron coi mục tiêu ra khỏi phong tỏa một cách an
toàn, tức không xẩy ra làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai, là ‘‘nhiệm vụ bất
khả’’. Một trong những nguyên nhân chính là giới khoa học dần dần phát
hiện ra rằng một người có thể nhiều lần bị nhiễm virus, trong lúc
''trước đó toàn bộ chiến lược dựa vào khả năng miễn dịch’’. Nhiều người
trong giới thân cận với tổng thống Macron đặt niềm tin vào sức mạnh phi
thường của vị nguyên thủ, luôn sẵn sàng đối đầu với thách thức.
L’Obs
trở lại bài phát biểu lần thứ 4 của tổng thống Emmanuel Macron, ngày
13/04, thu hút gần 37 triệu khán thính giả, điều chưa từng có trong lịch
sử truyền hình Pháp. Mười lăm phút trước đó, toàn bộ các bộ trưởng, các
nhân vật trọng yếu trong đảng cầm quyền đều không hay biết gì về những
đường nét lớn của chiến lược phong tỏa, về ngày bắt đầu ra khỏi phong
tỏa (11/05). Theo L’Obs, sau một thời gian dựa hẳn vào hội đồng khoa
học, giờ đây vào giai đoạn đặc biệt bất trắc này, tổng thống Macron nhận
lãnh trở lại vai trò người ra quyết định cuối cùng. Ngày bắt đầu ra
khỏi phong tỏa mà ông đưa ra được coi là sớm hơn nhiều so với dự tính
của bộ Giáo Dục. Tuy nhiên, theo L’Obs, cũng chính tổng thống Pháp đã
lắng nghe tối đa tư vấn từ các phía, giới chuyên gia, triết gia, trí
thức, giới chính trị, lãnh đạo tôn giáo, giới chủ, các nghiệp đoàn…
trước khi ra quyết định sau cùng.
Thủ tướng Pháp có hai tuần lễ
để thảo ra kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa, với 17 chương trình hành
động khác nhau do các bộ phụ trách. Những vấn đề thực tế hàng đầu đặt
ra là : Mở lại trường học, tổ chức giao thông, tổ chức các không gian
làm việc tại doanh nghiệp như thế nào?
‘‘Dân Pháp không bạc ác với thế hệ cao niên!’’
Riêng
về chủ đề tỉ lệ tử vong cao tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi
sống phụ thuộc (gọi tắt là Ehpad), cũng thường gọi là nhà dưỡng lão, Le
Point có bài phỏng vấn cựu nghị sĩ đảng Xã Hội Jérôme Guedj. Cuộc đối
thoại được Le Point đánh giá là không có ‘‘vùng cấm’’. Tỉ lệ người chết
vì Covid-19 tại các Ehpad rất cao gây bàng hoàng công luận (theo thống
kê của bộ Y Tế ngày 23/04, trong số 21.856 người qua đời vì Covid-19, có
8.309 người chết tại các cơ sở y tế-xã hội, trong đó chủ yếu là tại các
Ehpad).
Cựu dân biểu đảng Xã Hội nhấn mạnh là cần đặt vấn đề này
trong xu hướng lão hóa chung của các quốc gia phát triển. Đến năm 2040,
nước Pháp ước tính sẽ có khoảng 4 triệu người trên 85 tuổi. Đây là điều
mà nhà bác học Lévi-Strauss từng ví như một trong những biến đổi nhân
chủng học lớn lao, để lại những hệ quả ghê gớm, có thể so sánh với thời
điểm nhân loại chọn lối sống định cư vào thời kỳ đồ đá mới. Làm thế nào
chăm sóc tốt cho sức khỏe những người già cả nhất trong những năm tháng
cuối đời là một vấn đề rất lớn của xã hội.
Về số lượng người cao
tuổi tử vong tại các nhà dưỡng lão, cựu nghị sĩ Jérôme Guedj cho biết,
hàng năm có 150.000 người trên tổng số khoảng 600.000 cụ ông, cụ bà sống
trong các Ehpad, ra đi. Trung bình các cụ đến Ehpad với nhiều căn bệnh
nặng, và chỉ sống trung bình khoảng hai năm tại đây. Ehpad thường được
coi là nơi ở cuối đời của rất nhiều người già tại Pháp. Cựu nghị sĩ
Guedij cũng hy vọng là, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là một cơ hội cho
thấy cần đầu tư nhiều hơn để cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi.
Người Đức giành thắng lợi như thế nào?
Hồ
sơ chính của L’Express là về các bài học từ nước Đức. Bài ‘‘Virus
corona: Người Đức đã giành thắng lợi như thế nào’’ nhận xét: Trừ phi có
một làn sóng dịch thứ hai, có thể nói Đức là quốc gia thành công nhất
trong số các nước châu Âu đông dân. Số lượng người chết vì Covid-19 tại
Đức chỉ chưa bằng một phần tư tại Pháp (tính đến ngày 21/04) (dưới 5.000
người so với trên 20.000 người tại Pháp), trong lúc cả hai quốc gia gần
như đối diện với dịch Covid-19 vào cùng thời điểm.
Về ưu thế của
Đức, bác sĩ Gernot Marx, trưởng khoa hồi sức, bệnh viện
Aix-la-Chapelle, nhận xét: Trên thực tế, ngành y tế Pháp và Đức có thể
nói có chất lượng gần giống như nhau, vấn đề tạo sự khác biệt là quyết
định chính trị của chính phủ Đức. Berlin đã mau chóng nhận ra vai trò
quyết định của xét nghiệm nhanh. Ngay từ giữa tháng Giêng, tức chỉ ít
ngày sau khi có những thông tin đầu tiên về dịch tại Trung Quốc, một
ê-kíp của Bệnh viện Đại học nổi tiếng Charité (Berlin) đã bắt tay chế
tạo loại xét nghiệm này.
L’Express cũng thừa nhận nước Đức cũng
có nhiều điểm yếu tương tự như Pháp, ví dụ như trong vấn đề phụ thuộc
vào Trung Quốc về khẩu trang, cũng như đang trong quá trình cải tổ hệ
thống bệnh viện, với khả năng sẽ giảm mạnh số lượng bệnh viện trên toàn
quốc, để giảm chi phí. Tuy nhiên, người Đức đã tỏ ra có hiệu quả hơn
trong đại dịch này, và chính đại dịch Covid-19 cũng là một cơ hội để
người Đức trở lại nhìn nhận lại các giá trị của một hệ thống y tế, đã
được đặt nền móng từ cuối thế kỷ XIX, dưới thời thủ tướng Bismarck, để
xem xem những gì nên giữ, những gì nên bỏ.