Tái Thống Nhất Quốc Gia: So Sánh Giữa Pháp Sau Năm 1945 và Việt Nam Sau Năm 1975 (Hoàng Quốc Dũng)

Nhân ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới, lại nghĩ về hòa giải để tái thiết đất nước.

Những cuộc xung đột lớn trong thế kỷ XX đã để lại nhiều quốc gia chia rẽ sâu sắc, cả về chính trị lẫn xã hội. Khả năng một quốc gia tái thiết và hòa giải sau chiến tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại hình xung đột, vai trò lãnh đạo chính trị, cấu trúc thể chế và cách thức quản lý ký ức tập thể.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, học hành dưới mái trường XHCN, từng du học ở Liên Xô, rồi ở Pháp… Cho đến nay, nửa đời đầu tôi sống, học, làm việc ở Việt Nam; nửa đời sau là ở Pháp. Tôi luôn liên hệ những sự kiện, thành công và thất bại của cả hai nước, mong tìm ra một lời giải nào đó cho Việt Nam – của tôi và của các bạn.

Pháp có từng bị chia rẽ không? Có – và thậm chí sâu sắc hơn cả Việt Nam. Thế nhưng nước Pháp đã thành công trong việc hòa giải dân tộc. Tại sao Việt Nam lại không làm được điều tương tự? Tôi cố gắng tìm một phần lời giải trong bài viết ngắn gọn này.

Bài viết so sánh hai tình huống lịch sử: quá trình tái thống nhất thành công của nước Pháp sau Thế chiến II, và những khó khăn dai dẳng trong việc hòa giải quốc gia tại Việt Nam sau năm 1975. Qua đó, ta sẽ thấy vì sao Pháp đã tái lập được sự đoàn kết bền vững, trong khi Việt Nam vẫn bị chia rẽ sâu sắc về chính trị và ký ức tập thể.

Paris 1945

I. Nước Pháp sau năm 1945: Tái thống nhất dựa trên kháng chiến, uy tín nhà nước và nền cộng hòa.

1. Một quốc gia tan rã vì chiến tranh

Thất bại quân sự năm 1940 đẩy nước Pháp vào tình trạng suy sụp và chia rẽ. Chính phủ Vichy do Thống chế Pétain lãnh đạo hợp tác với phát xít Đức, trong khi Tướng Charles de Gaulle từ Luân Đôn phát động phong trào Kháng chiến Pháp Tự do. Tình trạng song quyền này tạo ra chia rẽ sâu sắc về chính trị và đạo đức trong xã hội Pháp. Đây là cách nói ngắn gọn nhất về sự chia rẽ của Pháp lúc đó – vì không gì chia rẽ mạnh hơn thất bại và đầu hàng.

2. Giải phóng và tái lập thống nhất dưới sự lãnh đạo của Charles de Gaulle.

Sau khi được giải phóng năm 1944 nhờ lực lượng Đồng minh và kháng chiến trong nước, De Gaulle đứng đầu Chính phủ lâm thời. Ông khẳng định chủ quyền quốc gia, xóa bỏ chế độ Vichy và khôi phục thể chế cộng hòa. Với uy tín cá nhân và tư cách biểu tượng kháng chiến, ông đóng vai trò then chốt trong việc thống nhất quốc gia.

3. Tái thiết thể chế và hòa giải dân tộc.

Pháp tiến hành cải cách chính trị với sự ra đời của nền Cộng hòa thứ Tư (1946), rồi thứ Năm (1958). Dù vẫn có tranh cãi về quá trình “thanh trừng” sau chiến tranh, ký ức chính thức của nước Pháp tôn vinh kháng chiến, từ đó tạo nên nền tảng chung cho sự hòa giải.

Tất nhiên, sau chiến tranh cũng diễn ra các hành động trả thù và thanh trừng nhằm vào những người bị cáo buộc cộng tác với Đức Quốc xã. Ban đầu, chúng mang tính tự phát, nhưng sau đó được thể chế hóa bằng hệ thống tư pháp đặc biệt. Nhiều người bị xét xử thực sự đã phạm tội với nhân dân Pháp khi cộng tác tích cực với chế độ chiếm đóng: tham gia bắt bớ, trục xuất người Do Thái, đàn áp kháng chiến. Tuy nhiên, không phải ai bị trừng phạt cũng có tội rõ ràng – có những trường hợp xét xử vội vàng, thiếu công bằng trong bối cảnh hỗn loạn thời hậu chiến.

Tuy vậy, các cuộc trừng phạt này không kéo dài quá mức và không lan rộng đến quy mô hàng triệu người. Phần lớn các vụ xét xử diễn ra trong vài năm đầu, tập trung vào những người có trách nhiệm lớn nhất.

Saigon 1975

II. Việt Nam sau năm 1975: Tái thống nhất chính trị nhưng không hòa giải xã hội.

1. Một cuộc nội chiến ý thức hệ kết thúc bằng vũ lực.

Khác với Pháp, Việt Nam không bị chiếm đóng từ bên ngoài mà trải qua một cuộc nội chiến kéo dài giữa miền Bắc cộng sản và miền Nam được phương Tây hậu thuẫn. Sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, chính phủ miền Bắc kiểm soát toàn bộ lãnh thổ và tuyên bố thống nhất quốc gia dưới chế độ cộng sản.

2. Thống nhất cưỡng ép và xóa bỏ ký ức miền Nam.

Quá trình thống nhất không đi kèm với đối thoại dân tộc hay sự công nhận các sự thật lịch sử khác nhau. Chính quyền mới áp đặt một ký ức chính thức – ca ngợi chiến thắng miền Bắc và loại trừ hoàn toàn vai trò miền Nam. Hàng ngàn người bị đưa vào trại cải tạo, hàng triệu người rời bỏ đất nước, hình thành một cộng đồng hải ngoại lớn, mang nặng tâm thế đối kháng – công khai hoặc ngấm ngầm.

3. Thiếu dân chủ và chia rẽ kéo dài

Không giống như Pháp, Việt Nam không cải cách thể chế theo hướng dân chủ. Đảng Cộng sản nắm toàn quyền, cấm đối lập, kiểm soát truyền thông. Đến nay, tiếng nói phản biện vẫn bị đàn áp. Điều này cản trở hòa giải và việc hình thành một ký ức quốc gia chung.

III. So sánh: Điều kiện để tái thống nhất thành công

1. Bản chất xung đột: chiến tranh chống ngoại xâm – nội chiến.

Pháp là nạn nhân của ngoại xâm, nên đoàn kết được xây dựng trên tinh thần kháng chiến. Việt Nam trải qua nội chiến ý thức hệ, để lại đối đầu sâu sắc giữa hai phía. Trong đầu óc của cả hai phía chỉ có khái niệm TA-ĐỊCH. Ta nhất định đúng, Địch nhất định sai…

2. Vai trò lãnh đạo và tính chính danh

Tướng De Gaulle là biểu tượng có khả năng quy tụ toàn dân. Ngược lại, chính quyền sau 1975 ở Việt Nam chỉ đại diện cho một phía chiến thắng, thiếu cơ chế đại diện cho sự hòa giải.

3. Quản lý ký ức và thể chế.

Pháp dần xây dựng một ký ức đa chiều, song song phục hồi thể chế dân chủ. Trải qua thời gian, nước Pháp đã dần mở rộng cách nhìn về quá khứ chiến tranh, không chỉ ca ngợi kháng chiến mà còn thẳng thắn nhìn nhận cả những trang sử đau đớn như sự hợp tác với phát xít hay các cuộc trục xuất người Do Thái. Nhờ đó, ký ức lịch sử của Pháp trở nên đầy đủ và trung thực hơn, giúp xã hội có cơ sở để hòa giải và xây dựng lại niềm tin.

Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ký ức và duy trì chế độ độc đảng – khiến mọi tiến trình hòa giải bị bế tắc.

Tóm lại ta đã thấy gì?

So sánh Pháp và Việt Nam cho thấy: tái thống nhất quốc gia không thể chỉ là chiến thắng của một phe. Đó phải là kết quả của hòa giải chính trị – xã hội, dựa trên lãnh đạo có tính chính danh, thể chế bao trùm và ký ức lịch sử được nhiều phía chấp nhận. Pháp đã làm được điều đó nhờ sự trở lại của nền cộng hòa và tinh thần kháng chiến. Trong khi đó, Việt Nam đến nay vẫn là một quốc gia “thống nhất về lãnh thổ nhưng chia rẽ về tinh thần”, vì thiếu dân chủ và không có đối thoại toàn dân.

Hòa giải ngay sau chiến tranh là điều không tưởng. Đồng ý.

Nhưng sau 50 năm, mà chỉ cần suy nghĩ như bài viết này thôi cũng có thể bị coi là “phản động”… thì chỉ có thể là Việt Nam – một đất nước chưa chịu lớn. Hãy cùng nhau suy tư một lúc để mà lớn.

Hoàng Quốc Dũng

23/05/2025