Liên Hiệp Châu Âu xem xét lại thỏa thuận liên kết với Israel do « thảm cảnh » ở Gaza (Thu Hằng | Phan Minh)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ xem xét lại thỏa thuận liên kết với Israel có từ 25 năm nay. Phát biểu trước báo giới tối 20/05/2025, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Kaja Kallas thông báo tin trên trong bối cảnh Nhà nước Do Thái gia tăng oanh kích dải Gaza, tiếp tục khiến hàng chục thường dân thiệt mạng hàng ngày và ngăn cản viện trợ nhân đạo. Trước đó, 22 nước đã yêu cầu Israel « nối lại hoàn toàn viện trợ ».
Thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Israel được ký năm 1995 và có hiệu lực từ năm 2000, « nhằm mục đích cung cấp khuôn khổ pháp lý và thể chế phù hợp cho đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế giữa Liên Hiệp Châu Âu và Israel ».
Thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles cho biết thêm thông tin :
Thông báo này có phần bất ngờ vì trong cuộc họp các ngoại trưởng vào sáng hôm qua (20/05), 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu vẫn rất chia rẽ. Nhưng sau cuộc thảo luận buổi chiều, cuối cùng đến đầu giờ tối, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Kaja Kallas đã quyết định thông báo là Liên Hiệp Châu Âu sẽ xem xét lại thỏa thuận liên kết với Israel, đặc biệt là Điều 2 về nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền.
Theo bà Kaja Kallas, đa số các nước nhất trí mở cuộc đánh giá này. Trên thực tế, 2/3 các nước thành viên Liên Âu đã tuyên bố ủng hộ việc này sau khi Hà Lan đưa ra đề xuất này. Trong số những nước bỏ phiếu chống có Ý và Đức, nhưng hai nước có thể thay đổi quyết định nếu có một cuộc bỏ phiếu mới, bởi trong một đề xuất khác liên quan đến các lệnh trừng phạt mới đối với những người định cư Do Thái hung hăng, chỉ có Hungary phủ quyết.
Bản thân thỏa thuận cần phải được nhất trí tuyệt đối mới có thể bị đình chỉ. Nhưng việc đình chỉ mảng quan hệ thương mại của thỏa thuận, thì chỉ cần sự chấp thuận của đa số đủ điều kiện của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (15 trên 27 thành viên và đại diện cho 65% tổng dân số của Liên Âu). Và mảng này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Israel vì Liên Hiệp Châu Âu chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu và 40% kim ngạch nhập khẩu của nước này.
Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza « nhỏ giọt »
Trước thảm cảnh của người dân ở Gaza, Anh Quốc cũng thông báo đình chỉ đàm phán thương mại với Nhà nước Do Thái và triệu hồi đại sứ ở Israel. Bộ Ngoại Giao Israel khẳng định « những áp lực bên ngoài sẽ không khiến Israel thay đổi lộ trình để bảo vệ sự tồn tại và an ninh của mình », đồng thời cho rằng thông báo của người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Âu « phản ánh sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về thực tế phức tạp mà Israel đang phải đối mặt » và « cổ vũ cho Hamas giữ vững lập trường của họ ».
Trong ngày 20/05, Israel cho phép 93 xe tải chở hàng viện trợ của Liên Hiệp Quốc vào dải Gaza, chủ yếu là « bột mì cho tiệm bánh, thức ăn cho trẻ em, thiết bị y tế và thuốc men ». Tuy nhiên, việc nối lại viện trợ nhân đạo ở mức độ này « vẫn không thể đủ », theo tổ chức Y sĩ Không biên giới được AFP trích dẫn. Ngày 21/05, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cho biết đã đạt được thỏa thuận với Israel về việc đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. Số hàng này đến từ vương quốc Ả Rập và « trong giai đoạn đầu » có thể đáp ứng nhu cầu của khoảng « 15.000 » người.
Liên Âu dỡ bỏ trừng phạt kinh tế Syria
Liên Âu, hôm qua, đã nhất trí dỡ bỏ tất cả các trừng phạt kinh tế nhắm vào Syria nhằm giúp nước này phục hồi sau khi chế độ Bachar al-Assad bị lật đổ. Quyết định này được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Damas. Tuy nhiên, Liên Âu nhấn mạnh có thể áp dụng trở lại các trừng phạt nếu các nhà lãnh đạo mới của Syria vi phạm cam kết tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số và không thực hiện các bước hướng tới dân chủ.
Từ Damas, thông tín viên Mohamed Errami tường thuật về cảm nghĩ của người dân khi hay tin trừng phạt được dỡ bỏ :
Trong một con hẻm nhỏ ở phía bắc Damas, cửa hàng tạp hóa nhỏ này lúc nào cũng đông khách. Abou Tarek đứng trông quầy như mọi ngày. Ở đây có hoa quả, đồ hộp, sản phẩm vệ sinh… nhưng cũng đầy rẫy khó khăn trong việc nhập hàng, lạm phát và khách hàng chỉ có thể thanh toán bằng tiền mặt.
Abou Tarek nói : « Kể từ khi chế độ cũ sụp đổ, đã có thêm nhiều hàng hóa trên thị trường. Với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, sẽ có thêm nhiều công ty, của cả Syria lẫn nước ngoài, có thể bán hàng tại Syria. Điều đó chắc chắn sẽ khiến giá cả giảm xuống và khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. »
Ở đây không có máy quẹt thẻ ngân hàng, cũng không có chuyện thanh toán qua điện thoại. Nhân viên, thường không có hợp đồng, được trả lương theo tuần bằng tiền mặt. Mohamed, người giao hàng tận nhà và cho hàng lên kệ, hy vọng tình hình sẽ cải thiện.
Mohamed nói : « Điều quan trọng đối với tôi là có đủ tiền để nuôi gia đình. Để làm được điều đó, tôi cần một mức lương ổn định. Vậy nên tôi ủng hộ việc dỡ bỏ trừng phạt, nhưng quan trọng hơn, với tư cách là một công dân, tôi không còn muốn phải tự hỏi mỗi ngày rằng ngày mai sẽ xoay xở ra sao ? »
Nhưng để việc buôn bán thực sự phục hồi, dỡ bỏ trừng phạt là chưa đủ, mà an ninh vẫn là điều kiện tiên quyết. Trước chiến tranh, Damas từng buôn bán với Aleppo, vùng ven biển… Giờ đây, tất cả những điều đó bị đình trệ hoặc biến mất.
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, hôm qua, đã cảnh báo Syria có thể sẽ rơi vào một cuộc nội chiến quy mô lớn chỉ trong vài tuần nữa. Lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Syria đang đối mặt với nhiều thử thách và có thể sụp đổ trong thời gian ngắn, dẫn đến sự chia rẽ của đất nước. Ông Rubio đã đề cập đến một loạt các cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào các nhóm người thiểu số Alawite và Druze.
Thu Hằng | Phan Minh
21/05/2025
Nguồn: RFI Tiếng Việt